South China Morning Post ngày 16/6 đưa tin, Đại sứ Ngô Kiến Dân, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng nổi bật với tính ôn hòa hiếm hoi trong giới hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc đã qua đời trong một tai nạn giao thông ngày hôm qua, Thứ Bảy 18/6 ở tuổi 77.
Ông từng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Pháp, Hà Lan và Liên Hợp Quốc. Sau đó ông về đảm nhiệm vai trò Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, là một cố vấn của Bộ Ngoại giao nước này sau khi nghỉ hưu.
Chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chống chủ nghĩa dân túy
Trong bài phát biểu công khai cuối cùng của ông vào tuần trước, Ngô Kiến Dân nói trước một diễn đàn ở Bắc Kinh rằng, Trung Quốc phải cảnh giác với chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân túy. Nếu hai thứ này kết hợp lại có thể đẩy Trung Quốc vào chỗ cực kỳ nguy hiểm.
Cố Đại sứ Ngô Kiến Dân, ảnh: SCMP. |
"Chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn luôn cải trang nó thành lòng yêu nước, là vô tội. Trong khi chủ nghĩa dân túy thì luôn núp dưới vỏ bọc vì dân, đứng về phía những người dân vô tội. Cả hai đều có khả năng lừa gạt rất cao. Nhưng chúng ta phải thấy rõ, chủ nghĩa dân túy chủ yếu chống lại cải cách, chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống lại mở cửa." Ông Dân nói.
"Ý tưởng quan trọng nhất mà ông truyền đạt cho sinh viên và các giảng viên (Học viện Ngoại giao) là, Trung Quốc cần đi theo con đường cải cách và mở cửa", China News Service dẫn lời Qin Yaqing, người kế nhiệm ông làm Giám đốc Học viện Ngoại giao bình luận.
Tháng Tư năm nay, Đại sứ Ngô Kiến Dân lại một lần nữa lên tiếng chỉ đích danh Thời báo Hoàn Cầu và Tổng biên tập Hồ Tích Tiến là "cực đoan" và "không biết gì về đối ngoại".
Trước những chỉ trích gay gắt nhằm vào ông từ một bộ phận dư luận bị tiêm nhiễm chủ nghĩa dân tộc cực đoan trên internet, Ngô Kiến Dân tỏ ra bình thản. Ông không để tâm. "Mục đích của tôi là nói thẳng những điều này để mọi người suy nghĩ lại. Tôi muốn nhìn thấy các tầng lớp khác nhau nói lên ý kiến của họ", ông Dân nói.
Chống dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông
Tháng Tư năm nay, ông lên tiếng cho rằng Trung Quốc cần giữ bình tĩnh và suy nghĩ một cách toàn diện, cần tự tin rằng các tranh chấp ở Biển Đông có thể được giải quyết một cách hòa bình.
Trong năm 2014 Đại sứ Ngô Kiến Dân tham gia một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với La Viện, một nhà bình luận quân sự nổi tiếng diều hâu về việc liệu Trung Quốc có nên tiếp tục chính sách giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình hay không.
Việt Nam kiện Trung Quốc thì quan hệ sẽ "một đi không trở lại"? |
"Bất kỳ quốc gia nào khơi mào chiến tranh trong lúc đang hòa bình và phát triển sẽ phải trả giá. Trung Quốc không bao giờ nên làm điều này", ông Dân nói.
Trong cuốn sách mới nhất của ông xuất bản tháng Tư năm nay, Ngô Kiến Dân tiếp tục nhắc lại tình trạng thiếu lòng tin giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản, các nước láng giềng trong khu vực thì đặc biệt lo ngại, thậm chí lo sợ Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề "tranh chấp lãnh thổ" trên Biển Đông, theo Đa Chiều ngày 19/6.
Ông Ngô Kiến Dân kêu gọi các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay nên tiếp tục thực hiện chủ trương của Đặng Tiểu Bình đối với vấn đề Biển Đông: Gác tranh chấp, cùng khai thác. Ông chống lại chủ trương sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Ngô Kiến Dân được dư luận cộng đồng mạng Trung Quốc gắn cho mác "bồ câu", chống lại các tư tưởng "diều hâu" của La Viện, Doãn Trác và một số học giả quân sự khác, cùng với Thời báo Hoàn Cầu.
Vẫn chưa thoát được "vòng kim cô" mang tên đường lưỡi bò, đường 9 đoạn
Mặc dù được đánh giá là một nhà ngoại giao khá ôn hòa trong vấn đề Biển Đông và quan hệ quốc tế, chủ trương chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân túy, chống sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông, nhưng Đại sứ Ngô Kiến Dân vẫn không thoát khỏi "vòng kim cô" lịch sử do người Trung Quốc ngụy tạo từ năm 1947, mà thế hệ ông được giáo dục từ cấp mầm non cho đến đại học: Biển Đông thuộc "chủ quyền" Trung Quốc.
Điều này được thể hiện rõ trong bài bình luận ông viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/4. Khi nhắc lại lập trường của Đặng Tiểu Bình "gác tranh chấp, cùng khai thác", Ngô Kiến Dân vẫn không quên chêm vào vế tiền đề: Chủ quyền thuộc Trung Quốc.
Ông vẫn tiếp tục đổ lỗi cho truyền thông phương Tây làm nghiêm trọng hóa, phức tạp hóa, "to tát hóa" vấn đề Biển Đông mà không thấy rằng chính các hành vi leo thang quân sự hóa nghiêm trọng trên các đảo nhân tạo bồi đắp bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) là nguyên nhân chính của căng thẳng và lo ngại trong khu vực.
Về bản chất đường lưỡi bò, ông Dân nói: "Có một số học giả nước ngoài nói đích danh: Truyền thông Mỹ đã bóp méo lập trường của chính phủ Trung Quốc rằng, bên trong đường 9 đoạn là lãnh hải của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ nói vậy.
Vậy bản chất của vấn đề Biển Đông là gì? Vấn đề Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại....Đồng chí Đặng Tiểu Bình ngay từ năm 1984 đã đưa ra chủ trương: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác.
Phương châm này ngày nay rõ ràng vẫn là kim chỉ nam chỉ đạo chính phủ chúng ta xử lý tranh chấp Biển Đông, người ủng hộ phương châm này ở khu vực châu Á cũng như trên thế giới ngày càng nhiều"?!
Trung Quốc ráo riết thu thập bản đồ ở hải ngoại, cảnh báo với Việt Nam |
Ông Ngô Kiến Dân không biết hay cố tình không biết, trong luật pháp quốc tế khái niệm "chủ quyền" đối với các vùng biển chỉ được dành để chỉ vùng nội thủy và lãnh hải tối đa 12 hải lý của các quốc gia lục địa ven biển, hay nội thủy, lãnh hải 12 hải lý của các quốc đảo, quốc gia quần đảo và các đảo đủ điều kiện.
Nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng họ có cái gọi là "chủ quyền" đối với bên trong đường lưỡi bò thì chẳng phải xem cả Biển Đông là "nội thủy" hoặc "lãnh hải" của Trung Quốc thì là gì?
Nhận thức của ông Ngô Kiến Dân về "bản chất vấn đề Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ" cũng phản ánh sự sai lệch, nhầm lẫn mà chính quyền Trung Quốc hiện nay đang cổ súy, chủ trương. "Tranh chấp lãnh thổ" chỉ là một loại tranh chấp đối với các thực thể ở Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam) và có thể là Scarborough.
Còn đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra chính là tranh chấp trong áp dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trung Quốc là một thành viên UNCLOS thì phải tuân thủ trọn gói các quy đinh của Công ước.
Cách lập luận đường lưỡi bò có trước UNCLOS nên không chịu sự chi phối của UNCLOS là ngụy biện và vô hiệu bởi 3 lý do: Khi phê chuẩn UNCLOS là mặc nhiên đồng ý tuân thủ tất cả các điều khoản của UNCLOS, trong đó có các quy chế về nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;
Hai là khi phê chuẩn UNCLOS năm 1996, Trung Quốc còn chưa chính thức công khai yêu sách đường lưỡi bò. Mãi đến năm 2009, Bắc Kinh mới chính thức đưa yêu sách đường lưỡi bò lên Liên Hợp Quốc qua một công hàm của Bộ Ngoại giao nước này thì lập luận, đường lưỡi bò với tư cách "yêu sách chủ quyền" chính thức của chính phủ Trung Quốc dựa trên cái gọi là "quyền lịch sử" có trước UNCLOS là sai hoàn toàn.
Ba là, không cần biết Trung Quốc gọi đường lưỡi bò của họ là đường gì, nhưng nó đang xâm phạm và xâm hại nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của các nước thành viên UNCLOS khác ven Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippine thì việc yêu cầu các cơ quan tài phán quốc tế ra phán quyết hủy bỏ đường lưỡi bò bành trướng phi lý, phi pháp ấy là đương nhiên và hợp pháp.
Bởi thế cho nên, nếu chỉ "giác ngộ nửa vời" ông Dân không thể thuyết phục được những con diều hâu hiếu chiến như Thời báo Hoàn Cầu, La Viện, Doãn Trác...ngưng tuyên truyền cho chiến tranh. Bởi lẽ chủ quyền quốc gia dân tộc luôn là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Ông không thể yêu cầu những "con diều hâu" này thôi hiếu chiến một khi ông vẫn tiếp tục bảo vệ lập trường đường lưỡi bò phi lý. Có thể thấy đường lưỡi bò và tham vọng bành trướng mới là gốc của vấn đề.
Tòa Trọng tài Thường trực PCA sắp ra phán quyết về đường lưỡi bò thiết nghĩ nên được xem là một cơ hội tốt cho chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và học giả Trung Quốc xem lại mình, xét lại mình xem tại sao phần còn lại của thế giới lại dị ứng với đường lưỡi bò, lại lo ngại và đoàn kết chống bành trướng ở Biển Đông.
Người Trung Quốc có câu nói, ai buộc chuông thì người đó cởi. Đặc biệt là những nút thắt trong tư duy, chỉ có chủ thể của nó mới có thể tháo gỡ chứ không phải ai khác.
Thấy vấn đề, thấy bất cập, biết sai mà vẫn cố phạm thì hậu quả phải nhận lãnh sẽ là điều tất yếu. Hậu quả ấy không chỉ đến từ bên ngoài, mà từ bên trong lòng xã hội Trung Quốc như ông Dân cảnh báo: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân túy.