Cary Huang, một nhà bình luận quen thuộc trên tờ South China Morning Post ngày 17/6 đặt ra câu hỏi này. Ông tin rằng Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn được nếu từ chối phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện nước này (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) ở Biển Đông.
Đại đa số dư luận đều tin rằng PCA sẽ đứng về phía Philippines. Phán quyết của Tòa không chỉ thách thức tính hợp pháp của đường lưỡi bò theo UNCLOS, mà còn đặt Bắc Kinh vào tình thế khó khăn về chính trị và ngoại giao.
Bắc Kinh sẽ phải quyết định, hoặc bảo vệ cái gọi là "niềm tự hào quốc gia và lợi ích cốt lõi" mà họ (trót) tuyên bố, hoặc chọn trở thành một cường quốc trỗi dậy hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tàu quân sự Trung Quốc giễu võ dương oai ngôài Biển Đông, ảnh: SCMP. |
Biển Đông đã trở thành nơi cạnh tranh giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, chống lại một nước Mỹ dẫn đầu khu vực và toàn cầu. Cạnh tranh này trong một số trường hợp có thể kéo dài nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây như bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa, kéo vũ khí ra BIển Đông với tốc độ nhanh chóng đã gây ra sự lo ngại, hoảng sợ trong khu vực.
Phản ứng của Mỹ là tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế tại Biển Đông phải được bảo vệ. Chính vì vậy Mỹ đã điều động tàu chiến, máy bay quân sự tuần tra qua lại gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp để thách thức (các nỗ lực và yêu sách hàng hải phi pháp của) Trung Quốc.
Điều này đã được các thành viên G-7 cũng như EU ủng hộ, đó là còn chưa kể đến các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực, ngoại trừ Nga, Campuchia và Lào trung lập.
Hoa Kỳ có liên minh quân sự chính thức với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Australia và New Zealand, quan hệ đối tác an ninh với Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ. Washington đã triển khai 360 ngàn quân hoạt động trong khu vực.
Thách thức đối với Trung Quốc là đánh mất uy tín trong một cuộc chiến pháp lý dưới ánh sáng UNCLOS mà Bắc Kinh phê chuẩn. Trung Quốc sẽ tự cô lập, sẽ bị các nước xa lánh nếu có phản ứng chống đối tiêu cực với phán quyết của PCA bằng các hành động khiêu khích, gây hấn, chẳng hạn như đẩy nhanh quân sự hóa Biển Đông hay đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không.
Theo Cary Huang, ngoại giao là nghệ thuật của sự thỏa hiệp. Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã thể hiện sự linh hoạt của mình trong đàm phán tranh chấp lãnh thổ. Kể từ năm 1949 đến nay Trung Quốc và chấp nhận thỏa hiệp đáng kể trong hầu hết các khu vực tranh chấp, thậm chí có trường hợp chấp nhận ít hơn 50% diện tích khu vực tranh chấp.
Bởi vậy ông Cary Huang tin rằng, ông Tập Cận Bình cũng nên chấp nhận ngoại giao thực dụng, đặc biệt là trong bối cảnh những nghi ngờ về sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng lan rộng, có như vậy mới có thể "bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia".
Tuy nhiên người viết xin lưu ý, khác với tranh chấp lãnh thổ trên đất liền giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, tranh chấp ở Biển Đông có nhiều loại và mỗi loại có một cơ chế pháp lý riêng để giải quyết.
Riêng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông chỉ có ở các thực thể như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Nhà nước Việt Nam đã xác lập chủ quyền từ khi còn vô chủ một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục. Do nhiều nguyên nhân khác nhau của thời cuộc, lịch sử, một số quốc gia đã nhảy vào tranh chấp và chiếm đóng, trong đó có Trung Quốc.
Việt Nam kiện Trung Quốc thì quan hệ sẽ "một đi không trở lại"? |
Còn yêu sách đường lưỡi bò, đường 9 đoạn mà nhà bình luận Cary Huang bình luận, tuyệt đối không phải là "yêu sách chủ quyền" như Trung Quốc tuyên truyền.
Không có bất kỳ khái niệm nào trong luật pháp quốc tế hiện đại bao gồm UNCLOS để giải thích cho đường lưỡi bò ấy, vì Trung Quốc tự vẽ ra một cách ngẫu hứng, mơ hồ và tham lam vô đáy.
Hãy hình dung một cái ao chung của cả làng bị một tên trọc phú giàu nhất làng cắm sào nhận "chủ quyền" gần hết cái ao ấy, thì cả làng không ai chấp nhận. Đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông tương tự như những con sào mà trọc phú nọ cắm xuống ao làng, cần phải nhổ nó lên chứ không thể để nguyên rồi chấp nhận chia phần.
Nói cách khác, riêng đường lưỡi bò thì phải bị hủy bỏ bởi UNCLOS, không có chỗ cho sự thỏa hiệp.
Cá nhân người viết cho rằng, nhà bình luận Cary Huang rất sắc sảo trong những nhận xét:
"Trong khi khu vực BIển Đông có dầ và khí đốt cũng như nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhưng lợi ích kinh tế từ Biển Đông là hạn chế nếu so với kích thước của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Giá trị tối đa của Biển Đông nằm ở tuyến đường hàng hải trọng yếu nơi có 50% khối lượng thương mại quốc tế phải đi qua, nó rất qun trọng đối với sự phát triển của ngành xuất khẩu hàng hóa quốc tế.
Một số người nói khu vực này còn có ý nghĩa về chiến lược và quân sự. Nhưng các quyền chủ quyền liên quan đến các đảo nhỏ không bao gồm quyền quản lý tàu thuyền các nước khác đang qua lại ngày đên trên tuyến hàng hải này, hoặc kể cả máy bay, theo tiêu chuẩn quốc tế về tự do hàng hải.
Như vậy các tranh chấp liên quan đến hàng chục hòn đảo hoang vắng nơi chỉ có một vài loài chim hoang dã sinh sống có làm tăng thêm tự hào quốc gia so với lợi ích quốc gia thực sự hay không? Có phải đó là điều đáng để tranh đấu, thậm chí bất chấp nguy cơ về sự tồn tại của một quốc gia (như Trung Quốc) hay không?"