Đàm phán cũng là một mặt trận, một cuộc chiến đầy cam go, phức tạp

04/01/2017 09:04
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Đàm phán mới làm cho “đấu tranh và kháng cự” phát huy được hiệu quả của nó: nói có người nghe, chứ không phải nói chỉ để cho mình nghe, để “tự sướng” với nhau.

Ngày 24/12/2016, tôi có bài viết "Có phải Philippines "phá hư" thế trận Biển Đông?" bình luận về một số nhận xét của Tiến sĩ Dương Danh Huy trong bài "Philippines phá hư thế trận Biển Đông" đăng trên BBC ngày 22/12/2016.

Hôm 29/12/2016, Tiến sĩ Dương Danh Huy có bài trao đổi lại bài bình luận của tôi, đăng trên BBC: "Cách ứng xử nào cho Biển Đông?"

Nhận thấy chủ đề này được nhiều bạn đọc quan tâm vì có những nhận thức, quan điểm khác nhau, tôi xin có mấy lời chia sẻ.

Tôi cảm nhận được sự quan tâm, đau đáu với chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông trong bối cảnh có nhiều tranh chấp phức tạp từ những bài viết của Tiến sĩ Dương Danh Huy, cũng như những bình luận và chia sẻ của bạn đọc.

Tôi thiết nghĩ đó là một điều đáng mừng. Và dưới góc độ học thuật về pháp lý, cũng như bối cảnh địa chính trị khu vực và quốc tế, tương quan lực lượng và chính sách của các bên, tôi xin chia sẻ thêm với các bạn một vài hiểu biết, suy nghĩ của mình.

Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời phỏng vấn nhà báo Lý Kiến Trúc, Nhật báo Văn Hóa. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời phỏng vấn nhà báo Lý Kiến Trúc, Nhật báo Văn Hóa. Ảnh do tác giả cung cấp.

Bởi vậy, tôi không dùng chữ "phản biện", mà chỉ xin được trao đổi, ngõ hầu làm rõ thêm các góc cạnh pháp lý của câu chuyện và những vấn đề liên quan. Hy vọng quý bạn đọc có thể tìm thấy những điều bổ ích từ những cuộc trao đổi, thảo luận như thế này.

Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin trích dẫn những nội dung trong bài viết của Tiến sĩ Dương Danh Huy theo từng chủ điểm ông đã trình bày, và có ý kiến bình luận sau đó.

Đàm phán là không đủ

Trước hết, cần khẳng định rằng việc đàm phán với Trung Quốc tuy cần thiết nhưng không đủ cho việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam. Thí dụ, do Trung Quốc khăng khăng rằng không tồn tại tranh chấp Hoàng Sa, không có cửa ngõ cho việc đàm phán. 

Trong trường hợp này, Việt Nam cần phải đấu tranh.

Như một thí dụ khác, khi Trung Quốc đòi quyền lợi bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trong những khu vực Nam Côn Sơn, Tư Chính, vv..., vì đòi hỏi đó hoàn toàn vô lý, Việt Nam cũng không thể đàm phán. Trong trường hợp này, Việt Nam cần phải phải kháng cự.

Ngay cả đối với những vấn đề được đàm phán, Trung Quốc sẽ chèn ép Việt Nam và đàm phán có thể bị bế tắc, cho nên Việt Nam vẫn phải củng cố khả năng để kháng cự và đấu tranh vì có thể sẽ cần.

Do đó, dù có đàm phán hay tiến đến đàm phán trong một số lãnh vực, đối sách của Việt Nam không thể thiếu hai yếu tố kháng cự và đấu tranh.

Đấu tranh và kháng cự không phải là duy ý chí hay không biết người biết ta, mà là vì sự ngang ngược của Trung Quốc không để cho Việt Nam lựa chọn nào khác nếu muốn bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền.

Bình luận:

Trước hết, tôi xin chia sẻ vài điều về đàm phán, từ kinh nghiệm của chính bản thân mình.

1. Thông thường, nhu cầu và thời điểm đàm phán giải quyết các tranh chấp quốc tế chỉ xảy ra khi các bên có tranh chấp không thể và không cho phép giải quyết bằng sức mạnh, bằng xung đột, chiến tranh. 

Đàm phán cũng là một mặt trận, một cuộc chiến đầy cam go, phức tạp ảnh 2

Ông Duterte hỏi khó Hoa Kỳ - lời giải thích chiến lược kiềm chế Trung Quốc

(GDVN) - Tôi sẵn sàng tuyên chiến với Trung Quốc ngay ngày mai, với điều kiện toàn bộ Hạm đội 7 Hoa Kỳ được điều động đến đây.

Đây là một biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế phù hợp với ý chí chính trị giữa các bên liên quan và theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Trước khi chính thức ngồi vào đàm phán các bên có thể thống nhất các chủ đề đàm phán. Có nhiều chủ đề đàm phán do các bên nêu ra, nhưng không phải cứ phải thống nhất hết các chủ đề do các bên đưa ra mới có thể bắt đầu đàm phán. 

Có nhiều trường hợp khi ngồi vào đàm phán rồi người ta mới thống nhất các chủ đề đàm phán  theo một lộ trình nhất định. Có khi chỉ cần thống nhất một chủ đề trong số các chủ đề được nêu ra là người ta đã bắt đầu cuộc đàm phán.

Thậm chí có trường hợp đàm phán chỉ xuất phát từ một nhu cầu “hòa hoãn” mang tính chiến thuật, do đó không nhất thiết phải thống nhất một chủ đề cụ thể nào…

2. Đàm phán không có nghĩa là triệt tiêu “đấu tranh và kháng cự”, thậm chí đàm phán mới làm cho “đấu tranh và kháng cự” phát huy được hiệu quả của nó: nói có người nghe, chứ không phải nói chỉ để cho mình nghe, để “tự sướng” với nhau.

Vì vậy, trong đàm phán đòi hỏi người đàm phán phải có trí tuệ và bản lĩnh để “đấu tranh, kháng cự” trước những luận điểm sai trái của đối phương và bảo vệ đến cùng quan điểm đúng đắn của mình. 

Thiết nghĩ đó mới là môi trường để “đấu tranh, phản kháng” có sức mạnh to lớn trong thời đại văn minh, tiến bộ mà loài người đang hướng tới.

Trong đàm phán về biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, chúng ta không hề có sự nhân nhượng vô nguyên tắc, không mềm yếu nhu nhược trước những yêu sách biên giới, lãnh thổ thiếu căn cứ pháp lý của của Trung Quốc.

Trái lại, chúng ta đã kiên quyết “đấu tranh, phản kháng” không khoan nhượng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thuộc chủ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta.  

Đồng thời chúng ta cũng đã dũng cảm “đấu tranh, phản kháng” những nhận thức duy ý chí và  thiếu căn cứ pháp lý đã từng tồn tại trong nội bộ chúng ta.

Chính vì thế mới có thành quả giải quyết được vấn đề biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ mang tầm vóc lịch sử trong quan hệ giữa 2 nước Việt-Trung.

Tôi vừa đọc được một thông tin rất thú vị trên tường Facebook của ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, xin trích dẫn ra đây để chia sẻ với các bạn:

"Lợi ích và rủi ro của ngoại giao…

Thám hoa Giang Văn Minh, một học giả danh tiếng của Việt Nam vào thế kỷ 17, đi sứ tới Bắc Kinh. Trí thông minh vượt trội của ông so với hoàng đế Trung Hoa đã khiến vị hoàng đế phải chấm dứt việc Việt Nam cống nạp vàng bạc hàng năm. 

Vì thế, hoàng đế đã trả thù bằng cách cắt lưỡi và mổ bụng ông, rồi cho ướp xác ông đưa về Việt Nam. Một hậu duệ 10 đời của ông đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện này".

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ về chuyến viếng thăm đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh và trò chuyện với hậu duệ của ngài, ảnh chụp trên tường Facebook của ngài Đại sứ Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ về chuyến viếng thăm đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh và trò chuyện với hậu duệ của ngài, ảnh chụp trên tường Facebook của ngài Đại sứ Mỹ.

Cảm nhận của ngài Ted Osius về Thám hoa Giang Văn Minh cũng giống như những gì tôi nghĩ về bậc tiền nhân khả kính này của dân tộc. Nhưng không chỉ có lợi ích và rủi ro của ngoại giao như ngài Đại sứ đề cập, mà còn là bản lĩnh, khí tiết và tầm vóc trí tuệ cần phải có của một nhà đàm phán.

Bậc tiền nhân thứ 2 mà tôi vô cùng ngưỡng mộ là Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ đầu của khoa thi đầu tiên trong nền khoa bảng Nho học Việt Nam về tài trí đàm phán, đối ngoại của ông.

Năm 1084, ông đàm phán thành công về cương giới quốc gia giữa Đại Việt với đại diện triều đình nhà Tống khi đi sứ Trung Quốc, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên cho Đại Việt.

Chính Thái sư Lê Văn Thịnh, Thám hoa Giang Văn Minh là những tấm gương sáng ngời cho hậu thế, đặc biệt là những người làm công tác đàm phán về biên giới lãnh thổ, làm công tác bang giao với các siêu cường.

Các ngài cũng truyền cho tôi một niềm tin bất diệt vào sức mạnh của chân lý, lẽ phải, cho dù thời thế thịnh suy, ứng xử của các siêu cường lúc thế này khi thế khác.

Hai ngài là những tấm gương quên mình, dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc đầy khí phách, bản lĩnh và tầm cao trí tuệ.

Cần sự ủng hộ của thế giới

Với tương quan thực lực Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam cần tăng cường và bổ sung cho khả năng kháng cự và đấu tranh bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, và đặc biệt là của Mỹ. 

"Ủng hộ" ở đây không có nghĩa Việt Nam dựa vào Mỹ, không có nghĩa Mỹ hy sinh xương máu cho Việt Nam.

Đàm phán cũng là một mặt trận, một cuộc chiến đầy cam go, phức tạp ảnh 4

Biển Đông: những biến động lớn năm 2016, cơ hội và thách thức năm 2017

(GDVN) - Philippines với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017, sẽ tìm cách lái con thuyền Biển Đông vượt qua được trận “cuồng phong” đến từ Hoa lục.

Do đó các luận điểm của TS Trần Công Trục như dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc có thể sẽ trả giá đắt, Mỹ không sẵn sàng hy sinh xương máu cho Việt Nam, không phải là phản biện về sự ủng hộ tôi nói đến. 

Cần lưu ý rằng "ủng hộ" đa dạng hơn và tế nhị hơn "hy sinh xương máu" rất nhiều, và sự ủng hộ phi xương máu có thể có hiệu quả hơn cả hy sinh xương máu.

Không nên xem vấn đề là dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc, vì vấn đề là tận dụng yếu tố quốc tế và Mỹ nhằm bổ xung cho khả năng tự vệ. 

Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc ráo riết tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.

Nếu đến việc tranh thủ sự ủng hộ của thế giới mà Việt Nam còn quan ngại rằng nó sẽ "tạo cho Trung Quốc cái cớ để độc chiếm Biển Đông", thì điều đáng quan ngại chính là Việt Nam sẽ ngày càng mất thêm vì quá thụ động. 

Tất nhiên nếu các nước nhỏ trong tranh chấp có cùng một quan điểm trong việc tranh thủ sự ủng hộ của thế giới thì sẽ hữu hiệu hơn trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Cần gác mâu thuẫn để đoàn kết

TS Trục cho rằng khả năng tạo lập thế trận đoàn kết giữa các nước nhỏ trong bối cảnh hiện nay là không cao. Tất nhiên hiện nay khả năng này là không cao. 

Tôi đã nói rằng thế trận đó đã bị phá hư từ khi còn phôi thai. Nhưng nỗ lực và các thành tích của Việt Nam và Philippines trong việc xây dựng sự đoàn kết trong những năm qua cho thấy trên nguyên tắc việc đó là khả thi. 

Dù là hai nước Đông Nam Á có mâu thuẫn lớn nhất ở Trường Sa, Việt Nam và Philippines đã là hai nước đoàn kết nhất. 

Dù Việt Nam và Malaysia cũng có mâu thuẫn về Trường Sa, việc hai nước nộp đệ trình chung về thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa UNCLOS cũng cho thấy trên nguyên tắc việc xây dựng sự đoàn kết là khả thi. 

Ngoài ra, luận điểm "giữ gìn hòa bình và ổn định cho Biển Đông" không phải là hợp lý để phản biện chủ trương xây dựng sự đoàn kết đó. Khó cho rằng những nỗ lực như trên không phải là giữ gìn hòa bình và ổn định trong cho Biển Đông.

Bình luận:

1. Sự đồng tình ủng hộ của thế giới là nhân tố cực kỳ quan trọng làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Chưa bao giờ người Việt Nam xem nhẹ nhân tố này, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng khu vực và quốc tế, xem trọng và đánh giá cao sự quan tâm giúp đỡ các các cường quốc, như Mỹ, Nga, Anh, EU, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ….

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam năm ngoái, ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam năm ngoái, ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân.

Năm 2016 đã chứng kiến những sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến các nước, cũng như lãnh đạo các nước đến Việt Nam.

2. Tuy nhiên, chủ trương nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không đứng về nước này để chống nước kia…Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới…. Cho nên, mọi ứng xử trong quan hệ quốc tế trong tình hình hiện nay là hết sức tế nhị và phức tạp.

Đặc biệt là quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, đó là những đối thủ đang tranh giành quyết liệt địa vị siêu cường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những nước đi trong ván cờ địa- chính trị, với tính toán biến các nước nhỏ trở thành những quân cờ để họ tự do điều khiển…

Chính sách đối ngoại của các nước nhỏ, yếu xung quanh Biển Đông là phải tìm cách để không bị trở thành những quân cờ trong tay các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc.

Ngược lại, các nước nhỏ phải làm sao trở thành những người chơi đích thực và được coi trọng.

3. Vấn đề gìn giữ và củng cố khối đoàn kết luôn được xem là một nhân tố quyết định trong cuộc chiến không cân sức này: đoàn kết trong nội bộ của một quốc gia và đoàn kết trong khu vực và quốc tế. 

Hiện nay, khối đoàn kết mong muốn đó đang có vấn đề. Tình trạng rạn nứt của khối đại đoàn kết này đã tồn tại từ trước.

Bởi vì, giữa các thành viên còn mâu thuẫn nhau về lợi ích kinh tế, chính trị, quân sự…mà nguyên nhân sâu xa chính là sự phát triển không đồng đều.

Thậm chí nguyên nhân còn bao gồm cả sự khác biệt nhau về chế độ chính trị, quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hơn nữa, nó còn bị tác động và bị lợi dụng bởi các nước lớn, các siêu cường nhằm phục vụ cho cuộc canh tranh địa - chính trị đang diễn ra một cách quyết liệt hiện nay.

Vì vậy, cá nhân tôi nghĩ rằng, không thể quy tội cho ông Duterte đã phá hư thế trận đoàn kết từ khi còn phôi thai vì những phát biểu "không giống ai" của ông ấy.

Giữ gìn hòa bình và ổn định?

Không người Việt nào không muốn hòa bình và ổn định cho Biển Đông, nhưng vấn đề là Trung Quốc có chủ trương phá vỡ chúng, và chúng ta nên làm gì để phòng chống. 

Đàm phán cũng là một mặt trận, một cuộc chiến đầy cam go, phức tạp ảnh 6

Có phải Philippines “phá hư” thế trận Biển Đông?

(GDVN) - Mặc dù không thể phủ nhận vai trò, tác động ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông, nhưng dựa vào Mỹ chống Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng phải trả giá đắt.

Khả năng Trung Quốc manh động sẽ cao hơn nếu các nước nhỏ trong tranh chấp không đoàn kết dựa trên một nền tảng chung nào đó, và nếu thế giới không có nhiều quan tâm đến Biển Đông. 

Trước một Trung Quốc muốn xâm lấn, việc Việt Nam bổ xung cho khả năng kháng cự bằng cách vận động sự ủng hộ của thế giới chính là giữ gìn hòa bình và ổn định. 

Ngoài ra, cần cân bằng luận điểm của TS TC Trục về giảm tối đa việc "tạo ra những cái cớ Trung Quốc mong muốn [để manh động]" bằng truyện Sói và Cừu của La Fontaine. 

Sói không cần cừu tạo ra những cái cớ; cừu có giảm tối đa việc "tạo ra những cái cớ" cũng vẫn chết dưới tay sói.

Trung Quốc bắt thiết bị ngầm của Mỹ, xây đảo nhân tạo, đặt giàn khoan HD 981, cắt cáp tàu Bình Minh và Viking, đuổi ExxonMobil và BP, chiếm đá Vành Khăn, ký hợp đồng với Crestone về bãi Tư Chính, chiếm những đảo ở Trường Sa, chiếm Hoàng Sa, có cần nước nào tạo ra những cái cớ?

Bình luận:

Trong thời đại hiện nay, việc Trung Quốc muốn dùng sức mạnh để xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, là chủ thể trong quan hệ quốc tế…không phải dễ dàng theo cách “cá lớn nuốt cá bé” như thời kỳ tiền sử mông muội trước kia, càng không thể ví như hành vi bản năng của 2 loài vật “sói và cừu”.

Những thời điểm dùng sức mạnh để cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa hay triển khai một số hành vi vi phạm khác, Trung Quốc luôn luôn tính toán đến các cơ hội thuận lợi và khai thác “nguyên cớ” để mê hoặc dư luận và ”lấp liếm” cho hành động sai trái của họ.

Phán quyết Trọng tài

TS Trần Công Trục phản biện rằng rằng tuyệt đối hóa vai trò của Phán quyết, xem nó như chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề, là không phù hợp với thực tế.

Nhưng điều tôi nói là phán quyết là cơ hội vàng cho các nước nhỏ trong tranh chấp, và điều đó khác với "tuyệt đối hóa" hay "chìa khóa vạn năng".

TS Trục cho rằng vấn đề kế tiếp và quan trọng nhất là làm thế nào để thực hiện được Phán quyết, và ông trả lời rằng gác phán quyết sang một bên để đối thoại và đàm phán là phù hợp hơn cả. 

Nhưng sẽ ngây thơ nếu tin rằng đối thoại và đàm phán có thể dẫn đến việc thực hiện được Phán quyết.

Nếu trong trong tranh chấp và đàm phán Trung Quốc tung ra hành động và yêu sách đi ngược với phán quyết thì Philippines và Việt Nam phải làm gì? Sẽ chấp nhận một phần yêu sách của họ?

Không thể được. Sẽ thuyết phục được họ từ bỏ yêu sách và chấm dứt hành động, không tái phạm? Không khả thi.

Do đó, chúng ta không nên nghĩ về Phán quyết như một mục đích, kiểu "làm sao để thực hiện được nó".

Thay vào đó, nên nghĩ về nó như một phương tiện, kiểu "làm sao để vận dụng nó để hỗ trợ công cuộc phòng chống những bước xâm lấn kế tiếp từ Trung Quốc". 

Nếu gác Phán quyết sang một bên thì đó là gác sang một bên một phương tiện có lợi cho Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia.

Tất nhiên Philippines không hủy bỏ Phán quyết, nhưng vấn đề là khi đến ngày nào đó họ đem nó ra đặt vấn đề với Trung Quốc và để kêu gọi sự ủng hộ của thế giới thì lúc đó có thể không còn thời cơ nữa.

Bình luận:

Đúng là Phán quyết Trong tài có thể sẽ là một “phương tiện” để chống lại những bước xâm lấn của Trung Quốc.

Đàm phán cũng là một mặt trận, một cuộc chiến đầy cam go, phức tạp ảnh 7

Ông Duterte: cứ để dành Phán quyết đấy, sẽ hành động nếu Trung Quốc...

(GDVN) - Duterte là một người thực tế, không hề viển vông khi xác quyết rằng: chỉ có Mỹ mới đủ sức mạnh ngăn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Nhưng “phương tiện” mà chúng ta mong muốn sử dụng vẫn đang bị “niêm phong” tại trụ sở của Liên Hợp Quốc, do chưa có “cơ chế thi hành”. 

Hiệu lực thi hành Phán quyết này còn phải chờ đợi đến khi có cơ chế thi hành, chứ không thể vào thời điểm hiện nay. 

Bởi vậy, làm thế nào để ngăn chặn những hành động vi phạm UNCLOS và luật pháp quốc tế như vụ giàn khoan 981, vụ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước ven Biển Đông hay đảo hóa nhân tạo bất hợp pháp, quân sự hóa trái phép Biển Đông thiết nghĩ nên là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Muốn làm được điều này, cần phải ngồi xuống được với nhau trước đã. Tôi cho rằng đây là cách làm và cũng là mục tiêu trước mắt của ông Rodrigo Duterte, đúng như những gì Trung Quốc đã làm trong suốt quá trình đàm phán COC hơn chục năm qua.

Cách ứng xử của Duterte

TS Trục cho rằng ông Duterte "đã rất khéo léo nếu không muốn nói là 'tinh quái'"" trong ứng xử với hai siêu cường Mỹ-Trung để "tối đa hóa lợi ích cho đất nước".

Tôi nghĩ không thể cho cách ông Duterte ứng xử với Mỹ là khéo léo hay tinh quái. 

Không nước nào muốn trung lập giữa hai siêu cường lại ứng xử như thế. Ông Duterte cũng khó có thể "tinh quái" đủ để "chơi trên" Trung Quốc và Mỹ.

Về ông có tối đa hóa lợi ích cho Philippines hay không, tôi xin trích lời cựu Ngoại trưởng Philippines Abert del Rosario:

"Sự thay đổi trong chính sách ngoại giao mà [Tổng thống Duterte] tuyên bố, bỏ qua một bên một đồng minh lâu đời và đáng tin cậy để ôm lấy một cách hấp tấp một nước láng giềng hung hăng vốn bác bỏ luật quốc tế một cách kịch liệt, vừa không khôn ngoan, vừa không thể hiểu được."

Ông cũng cho rằng: "Hiện nay chúng ta có vẻ như đang trên đường đi đến việc từ bỏ những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được [trong Phán quyết] cho lợi ích của nhân dân chúng ta." 

Ngay cả cựu Tổng thống Fidel Ramos, người được ông Duterte chọn làm sứ giả đặc biệt với Trung Quốc, đã hỏi: 

"Chẳng lẽ chúng ta vứt bỏ một cách dễ dàng như thế hàng chục năm là đối tác quân sự [với Mỹ], sự thành thạo chiến thuật, vũ khí tương thích, hậu cần đáng tin cậy, tình đồng đội giữa những người lính [Mỹ và Philippines]?

Tổng thống Duterte nói thì chúng ta làm? Ông còn viết trên báo rằng ông Duterte "tự bắn súng vào miệng mình và vào cả miệng tất cả chúng ta, 101.5 triệu người Philippines". 

Khi tôi đưa ra quan điểm cho rằng cách ứng xử của ông Duterte là quy phục Trung Quốc, và nếu Việt Nam theo cách ứng xử đó thì cũng là quy phục Trung Quốc, TS Trục phản biện bằng cách nhắc về cách ứng xử của vua Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông với nhà Nguyên. 

Nhưng cách ứng xử như của ông Duterte rất khác với cách ứng xử của hai vị vua này cho nên, theo ý tôi, không thể dùng cách của họ để biện minh cho cách như của ông.

Bình luận:

Đúng là có những nhận xét đó của những người tiền nhiệm của Duterte. Nhưng đó không phái là đánh giá, nhận xét của người dân Philippines, những người đã bỏ phiếu lựa chọn ra vị Tổng thống mới thay thế ông Benigno Aquino III.

Rodrigo Duterte và Benigno Aquino III mỗi người có một sứ mệnh lịch sử riêng, người dân Philippines sẽ đánh giá về họ. Ảnh: tankler.com.
Rodrigo Duterte và Benigno Aquino III mỗi người có một sứ mệnh lịch sử riêng, người dân Philippines sẽ đánh giá về họ. Ảnh: tankler.com.

Không thể phủ nhận vai trò và đóng góp của chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III trong vụ kiện trọng tài Biển Đông. Họ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh này. 

Giai đoạn tiếp theo Philippines cần một cách tiếp cận khác hiệu quả sau khi đã bác bỏ được những yêu sách vô lý của Trung Quốc về đường lưỡi bò, làm rõ hiệu lực pháp lý của các cấu trúc…

Đó là lý do tại sao người dân Philippines không chọn những chính trị gia theo quan điểm tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc như trước thời điểm Tòa Trọng tài ra Phán quyết 12/7/2016. 

Giữa hai luồng tư tưởng, hai cách tiếp cận, hai chính khách có phong cách đối lập nhau thì chuyện người này phản đối chính sách của người kia là điều bình thường.

Thiết nghĩ phát biểu của người đại diện cho chính quyền khóa trước không phải là thước đo khách quan cho hiệu quả chính sách của chính quyền sau, đó chỉ thuần túy là quan điểm cá nhân chứ không đại diện cho một tập thể nào.

Tiến sĩ Dương Danh Huy có thể giữ quan điểm của mình rằng, ứng xử của ông Duterte với Trung Quốc là “quy phục” Trung Quốc, rất khác với ứng xử của vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông với nhà Nguyên.

Tôi thì tin rằng, khi ở cương vị người đứng đầu đất nước, phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đối thủ không cân sức, hành xử cho khéo để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của quốc gia, dân tộc là trách nhiệm và cũng là lựa chọn của các nhà lãnh đạo được lòng dân. 

Người dân hay hậu thế sẽ tự có thước đo, đánh giá, nhất là trong bối cảnh thế giới phẳng, thông tin thần tốc như hiện nay.

Quan trọng hơn nữa, chủ thể đánh giá ông Duterte trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ không phải tôi, không phải Tiến sĩ Dương Danh Huy, mà là nhân dân Philippines. Vì thế, chúng ta cứ giữ lấy niềm tin của riêng mình, nếu muốn.

Vả lại, tôi, Tiến sĩ Dương Danh Huy hay bất kỳ nhà nghiên cứu nào khác đưa ra những phân tích, bình luận, nhận định đều là với tư cách một học giả, dùng khoa học làm thước đo.

Tôi có thể hiểu được cảm xúc của ông Huy và biết rằng, nhiều người khác cũng có suy nghĩ, cảm xúc tương tự như vậy.

Nhưng tôi trộm nghĩ, người làm khoa học hãy cứ vô tư, khách quan đánh giá, phản biện, góp ý trên góc độ khoa học, mà ở đây là khoa học pháp lý. 

Chúng ta không phải người trực tiếp tham gia đàm phán hay thực hiện các nhiệm vụ bang giao, nên có thể thông tin mà tôi, Tiến sĩ Dương Danh Huy hay các nhà nghiên cứu khác nắm được mới chỉ là một phần của câu chuyện.

Chúng ta không thể quyết định thay các chính khách, những nhà đàm phán, những người đang trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, nên cái chúng ta có thể làm chỉ là những phân tích, góp ý, phản biện chân thành.

Bởi vậy, nên tôi không cho rằng những chia sẻ này của mình là phản biện, mà chỉ là một số bình luận về những vấn đề tôi, Tiến sĩ Dương Danh Huy và rất nhiều người Việt quan tâm đến Biển Đông đang theo dõi.

Trong những vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, chủ quyền lãnh thổ luôn là vấn đề “nhạy cảm” vì nó động chạm đến chỗ thiêng liêng nhất, sâu kín nhất trong tâm khảm mỗi con người. 

Giữ được đầu óc tỉnh táo và kiểm soát cảm xúc không chỉ là yếu tố quan trọng mà một nhà đàm phán cần có, ngay cả các nhà nghiên cứu cũng phải giữ điều này.

Chỉ có thế chúng ta mới không bị dẫn dắt bởi cảm xúc và trở thành nô lệ của chính cảm xúc ấy.

TS Trần Công Trục