Chuyến thăm Mỹ 24 giờ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc và phái đoàn của ông đã rời Florida về nước.
Rất ít thông tin trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo được tiết lộ, trong khi Mỹ bắn 59 quả tên lửa vào Syria đúng lúc ông Trump tiếp ông Bình, làm dấy lên nhiều đồn đoán khác nhau.
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 8/4 đưa tin, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói với các phóng viên ở Florida rằng:
Tổng thống Donald Trump đã thông báo cho Chủ tịch Tập Cận Bình về vụ tấn công Syria khi hai ông đang ăn tối cùng nhau.
Bản tin chính thức của Tân Hoa Xã hôm thứ Sáu 7/4 nói rằng, phản ứng của ông Tập Cận Bình khi đó là:
Cuộc tấn công quân sự của Mỹ chống lại Syria theo mệnh lệnh ông Donald Trump không ảnh hưởng đến bầu không khí thân thiện của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung, theo South China Morning Post. [1]
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, ảnh: SCMP. |
Cũng tờ báo Hồng Kông này nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã khẳng định với báo giới:
Ông Tập Cận Bình "hiểu" quyết định của ông Donald Trump trong việc ra lệnh tấn công quân sự vào Syria, để ngăn chặn việc giết chóc bừa bãi nhằm vào trẻ em.
Trump cảnh báo: sau Syria có thể sẽ là Bắc Triều Tiên?
Tờ Financial Times, Anh quốc ngày 8/4 cho biết, trong hội nghị thượng đỉnh tại Mar-a-Lago, ông Trump đã hỏi ông Bình những ý tưởng để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Đồng thời Tổng thống Mỹ cũng nói thẳng với Chủ tịch Trung Quốc rằng, ông sẵn sàng hành động một mình nếu Trung Quốc không làm nhiều hơn trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với báo giới:
"Tổng thống Donald Trump đã cho Chủ tịch Tập Cận Bình biết, chúng tôi sẽ rất vui khi làm việc với họ (Trung Quốc). Nhưng chúng tôi hiểu nó tạo ra những vấn đề riêng cho họ.
Chúng tôi đang chuẩn bị vạch đường đi riêng cho mình, nếu Trung Quốc không thể phối hợp với chúng tôi".
Ngoại trưởng Mỹ cho biết phản ứng của Chủ tịch Trung Quốc khi đó là, ông Bình chia sẻ quan điểm rằng sự phát triển khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã đạt đến một giai đoạn rất nghiêm trọng. Ông Tillerson nói:
"Họ (Donald Trump và Tập Cận Bình) đã thảo luận về những thách thức chung của cả hai nước, đồng thời có một cam kết thực sự là chúng tôi làm việc cùng nhau để xem chuyện này có thể giải quyết một các hòa bình hay không.
Nhưng để điều này xảy ra, Bắc Triều Tiên phải thay đổi trước khi có bất kỳ đối thoại hay thảo luận nào". [2]
Nếu ông Tập Cận Bình là người kín tiếng với truyền thông, thì ông Donald Trump lại là người rất sành sỏi trong việc sử dụng truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.
Do đó dòng trạng thái mới nhất ông Trump viết trên Twitter sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung về vấn đề thương mại song phương rằng, thời gian sẽ trả lời, có lẽ cũng chính là điều ông muốn nói về các chính sách đối ngoại, trong đó có vấn đề Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình rời Mỹ về nước, Trung Quốc bắt đầu chỉ trích vụ tấn công
Trong thời gian ông Tập Cận Bình còn đang hiện diện tại Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và truyền thông Trung Quốc tỏ ra khá kiềm chế trong phản ứng với sự kiện bất ngờ này.
Trung Quốc có bị bất ngờ trước cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria? |
South China Morning Post hôm 7/4 còn dẫn lời một số nhà bình luận cho rằng, vụ Mỹ tấn công tên lửa vào căn cứ Shayrat, Syria lúc ông Tập Cận Bình đang hội đàm với ông Donald Trump, biết đâu không phải chuyện xấu với Bắc Kinh.
Giáo sư Li Mingjiang từ Singapore nói với tờ báo Hồng Kông, với sự chuyển hướng của dư luận từ theo dõi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung sang vụ tấn công, nó có thể giảm áp lực dư luận chống lại Trung Quốc trong các vấn đề được nêu ra trên bàn đàm phán.
Theo ông, những tranh cãi thương mại hay vấn đề Bắc Triều Tiên có thể được giảm bớt sự chú ý, khi Mỹ tập trung vào Syria.
Yuan Zheng, một chuyên gia về Mỹ từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đưa ra bình luận tương tự:
"Vấn đề Syria không phải là mối quan tâm cấp bách đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh sẽ chỉ có phản ứng mạnh mẽ nếu mục tiêu tấn công bất ngờ của Mỹ là Bắc Triều Tiên, hoặc bán vũ khí cho Đài Loan". [3]
The New York Times ngày 8/4 cho biết, khi ông Tập Cận Bình vừa rời Hoa Kỳ và không còn là thượng khách của Tổng thống Donald Trump, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Bảy bắt đầu tự do chỉ trích cuộc tấn công tên lửa vào Syria đã được ông Trump thông báo cho ông Tập Cận Bình khi ăn tối.
Tân Hoa Xã hôm thứ Bảy gọi vụ tấn công là "hành động của một chính trị gia suy yếu", yếu mới cần thể hiện rằng mình mạnh.
Hãng tin này cũng cáo buộc, ông Trump quyết định tấn công tên lửa vào Syria, một đồng minh của Nga là nhằm dẹp yên dư luận cáo buộc ông "thân Nga".
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung đã không nhắc đến Bắc Triều Tiên, vấn đề nóng bỏng với Donald Trump nhưng lại ít cấp bách với Tập Cận Bình.
Rất có thể đây là một phản ứng cố ý của Bắc Kinh đối với cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria, khác hẳn những gì Ngoại trưởng Rex Tillerson công bố với báo giới.
Xã luận Tân Hoa Xã về vụ tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria không nhắc gì đến Bắc Triều Tiên, nhưng nhắc lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Libya năm 1986, vào Sudan năm 1998 và khẳng định: Mỹ không đạt được mục tiêu chính trị trong các vụ này.
Tờ báo Trung Quốc này bình luận: "Nó đã trở thành một chiến thuật điển hình của Mỹ để gửi thông điệp chính trị mạnh mẽ bằng cách dùng máy bay chiến đấu tân tiến và tên lửa tàng hình tấn công nước khác".
Các nhà phân tích Trung Quốc được xem là cố vấn chính sách đối ngoại cho chính phủ bắt đầu khinh bỉ cuộc tấn công vì một nước mạnh lại đi tấn công một nước yếu không thể chống lại. [4]
Đằng sau phản ứng của ông Tập Cận Bình về cuộc tấn công bằng tên lửa Mỹ vào căn cứ quân sự Syria
The New York Times dẫn lời ông Lu Chao, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên giới thuộc Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc bình luận:
Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria và thông điệp cho Trung Quốc |
"Tôi không phủ nhận rằng Hoa Kỳ có khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Bắc Triều Tiên. Nhưng bạn cần phải nhớ rằng, Bình Nhưỡng có khả năng đánh lại. Điều đó sẽ tạo ra sự hỗn loạn".
Thẩm Đinh Lực, một Giáo sư về quan hệ quốc tế, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải nhận định:
"Vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân là hai thứ hoàn toàn khác nhau.
Một quả bom hóa học giết chết chỉ khoảng chục người, nhưng một quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima giết chết hàng trăm ngàn người.
Nếu Mỹ mắc kẹt ở Syria, làm thế nào để Trump biến nước Mỹ vĩ đại trở lại? Kết quả là Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu trỗi dậy hòa bình của mình.
Mặc dù chúng tôi nói chúng tôi phản đối vụ đánh bom, sâu thẳm trong tim mình, chúng tôi rất vui". [4]
The New York Times lưu ý, ông Tập Cận Bình hiếm khi nói chuyện với giới truyền thông, kể cả Trung Quốc lẫn nước ngoài.
Chính bởi vậy nên gần như không thể xác minh ý kiến của ông về vụ Mỹ tấn công tên lửa vào Syria trong trao đổi với ông Donald Trump.
Người viết cho rằng, ngay cả khi im lặng, thì phản ứng đó của ông Tập Cận Bình cũng nói lên nhiều điều.
Thứ nhất, về mặt phát biểu công khai, ông coi trọng quan hệ Trung - Mỹ và không muốn phá hủy bầu không khí hữu nghị của chuyến thăm: có hàng vạn lý do để củng cố hợp tác Trung - Mỹ, trong khi chẳng có lý do nào để ngăn cản hai nước hợp tác.
Thứ hai, Syria không phải là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, cũng không phải cái Bắc Kinh quan tâm đến mức làm ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Mỹ.
Thứ ba, đó chính là sự thú nhận của ông Thẩm Đinh Lực: Mỹ càng sa lầy vào Trung Đông hay Syria, Trung Quốc càng mừng.
Đây là điều Trung Quốc muốn: Washington càng tham gia sâu hơn vào khủng hoảng Syria, Bắc Kinh càng có lợi vì Mỹ bị phân tán lực lượng khỏi các điểm nóng ở châu Á: bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.
Thứ tư, Triều Tiên không phải Syria chỉ có vũ khí hóa học, Triều Tiên có thể có vũ khí hạt nhân, không phải dạng vừa để Trump có thể động vào.
Điều này được chính ông Liu Binjie, một quan chức Quốc hội Trung Quốc được Financial Times dẫn lời bình luận:
Bắc Triều Tiên là một nhà nước quân sự hóa, nếu Mỹ đe dọa Triêu Tiên bằng vũ lực, Bình Nhưỡng sẽ đáp trả bằng vũ lực. [2]
Tiêu chuẩn kép của các siêu cường
Trong buổi họp báo chiều thứ Sáu 7/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói:
Bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp là lựa chọn sống còn của các nước nhỏ |
"Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Tổng thống Syria được bầu bởi người dân Syria và chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của họ.
Chúng tôi luôn luôn phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". [2]
Cá nhân người viết cho rằng, bà Oánh nói Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác không đúng với thực tế.
Vì nếu đã không can thiệp chuyện nội bộ nước khác, thì tại sao Trung Quốc hiện diện tại Hội nghị Geneva 1954 về hòa bình cho bán đảo Đông Dương và liên tục vận động hành lang tại hội nghị này?
Không can thiệp vào nội bộ nước khác, tại sao lại xúi giục, dung túng, hà hơi tiếp sức cho bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ tại Campuchia?
Ngày nay, có thể Trung Quốc chưa can thiệp bằng quân sự như Mỹ, Nga, nhưng họ lại đang can thiệp rất hiệu quả bằng nhân dân tệ vào không ít quốc gia từ châu Á đến châu Phi.
Trung Quốc ngoài miệng phản đối dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhưng lại quân sự hóa Biển Đông, đe dọa an ninh, an toàn các quốc gia trong khu vực và tuyến hàng hải thương mại trọng yếu đi qua vùng biển này.
Bà Oánh nói Trung Quốc luôn luôn phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhưng trên Biển Đông, Bắc Kinh đang sử dụng vũ lực trá hình bằng giàn khoan khổng lồ, bằng ngư dân đội lốt, bằng các tàu quân sự sơn lại thành tàu tuần tra...và cũng gây không ít hậu quả lẫn bức xúc cho dư luận khu vực.
Nga lớn tiếng chỉ trích Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế khi tấn công tên lửa vào Syria, còn Mỹ và phương Tây tiếp tục trừng phạt Nga vì vi phạm luật pháp quốc tế trong sự kiện Crimea và khủng hoảng Đông Ukraine.
Trong lúc bom đạn Nga - Mỹ cày xới mảnh đất Syria, thì Trung Quốc làm gì? Sau khi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012, năm sau họ bắt đầu quân sự hóa Biển Đông, xây 7 đảo nhân tạo.
Các siêu cường đều theo đuổi lợi ích của riêng mình mà bất chấp tất cả, rồi họ lại lên giọng đạo đức, lớn tiếng công kích nhau, chỉ có dân chúng các nước nhỏ là nạn nhân tranh giành ảnh hưởng của họ thì lãnh đủ bom đạn, tính mạng và tài sản bị uy hiếp.
Bài học Iraq, Libya và bây giờ là 7 năm đã trôi qua trong xung đột, chiến tranh chưa biết ngày nào kết thúc trên mảnh đất Syria cho thấy, nếu không thực sự vững mạnh và đoàn kết, để xảy ra "loạn 12 sứ quân" sẽ là thời cơ cho ngoại bang nhòm ngó, xâu xé.
Khi các quốc gia, dân tộc không tự giải quyết được các mâu thuẫn nội tại và phát triển theo con đường tự lực, tự cường, thậm chí các phe phái lại tìm kiếm chi viện từ ngoại bang hòng bảo vệ quyền lợi và lý tưởng của riêng mình, chủ quyền quốc gia bị xem nhẹ, thì cũng là lúc vận mệnh dân tộc đối diện hiểm nguy, thậm chí là nguy cơ diệt vong.
Với người dân Syria, bom Nga hay tên lửa Mỹ thì chúng vẫn là bom đạn, hủy diệt sự sống và tương lai trên quê hương của họ.
Tài liệu tham khảo:
[2]https://www.ft.com/content/71c4fb32-1b42-11e7-bcac-6d03d067f81f
[4]https://www.nytimes.com/2017/04/08/world/asia/china-xi-jinping-president-trump-xinhua.html?_r=0