"Donald Trump đang đàm phán hiệu quả với Kim Jong-un"

26/05/2018 09:01
Hồng Thủy
(GDVN) - Các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm phụ thuộc nhiều vào trợ lý, cố vấn, còn Donald Trump dường như luôn biết rõ trong tay mình có những con bài nào.

Cuộc mặc cả giữa Donald Trump và Kim Jong-un

ABC News ngày 25/5 tường thuật, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhóm cộng sự của ông đã bỏ qua những lời lăng mạ, không chấp với Triều Tiên khi Mỹ gọi điện mà họ không trả lời, thậm chí người Mỹ ngồi chờ tại Singapore còn người Triều Tiên thì không đến.

Tất cả thiện chí này nhằm giữ cho hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Donald Trump được diễn ra đúng như kế hoạch ấn định vào ngày 12/6 tại Singapore.

Donlad Trump đã rất chờ đợi cuộc họp này, nhưng vào sáng thứ Năm 24/5, Tổng thống Mỹ xác định rằng, cho đến thời điểm này cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ là một mong muốn không được hồi đáp. Ông tuyên bố hủy cuộc họp.

Sáng thứ Sáu 25/5, chính phủ Triều Tiên tuyên bố họ vẫn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và đối thoại với Mỹ bất kỳ lúc nào, với bất kỳ phương thức nào sau khi ông Donald Trump hủy bỏ cuộc họp dự kiến ngày 12/6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ đã viết trên Twitter sau đó, tin tốt lành là tuyên bố "ấm áp và hiệu quả" từ Bắc Triều Tiên, mọi người sẽ sớm thấy sự khởi đầu cho hy vọng, hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Thời gian sẽ trả lời.

9 giờ 30 phút sáng 25/5, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng, Mỹ và Triều Tiên đang nói chuyện với nhau, mọi người vẫn tham gia cuộc chơi. Khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông cho biết:

"Chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra, nó vẫn có thể diễn ra ngày 12. Họ rất muốn làm việc này, chúng tôi cũng muốn làm điều đó", ông nói với các phóng viên trước khi tiếp các học viên tốt nghiệp Học viện Chiến tranh Hải quân.

10 giờ 30 phút sáng 25/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, có thể có vài tin tốt về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Các nhà đàm phán của hai bên đang làm việc để thúc đẩy khôi phục nó.

Ông gọi phản ứng của Tổng thống Donald Trump với Triều Tiên (tuyên bố hủy cuộc họp với ông Kim Jong-un) thực ra chỉ là một màn mặc cả.

8 giờ 45 phút tối 25/5, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ đang có cuộc trao đổi rất hiệu quả với Bắc Triều Tiên về hội nghị thượng đỉnh. Nó vẫn có thể diễn ra.

Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, thì vẫn ở Singapore ngày 12/6, và nếu cần, thì thời gian có thể kéo dài hơn. [1]

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: AP.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: AP.

Xin lưu ý rằng, trong cuộc mặc cả này, ông Kim Jong-un không ra mặt, không trực tiếp lên tiếng;

Ngay từ đầu ông không chuyển thẳng đề nghị tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều đến Washington mà vòng qua Seoul, để Hàn Quốc nói với người Mỹ.

Những phản ứng thất thường từ Bình Nhưỡng về hội nghị thượng đỉnh cũng được phát đi bởi một quan chức cấp thấp - Thứ trưởng Ngoại giao, và cũng chỉ "nói miệng" thông qua báo chí, chứ không bằng trao đổi chính thức.

Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều bị hủy bỏ, chỉ có Hàn Quốc buồn; Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á vui hơn?

The Japan Times ngày 26/5 đưa tin, từ Liên Bang Nga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ ông ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6.

Ông có kế hoạch điện đàm với ngài Donald Trump ngay sau khi trở về Nhật Bản.

Tokyo hy vọng Washington duy trì chính sách áp lực tối đa với Bình Nhưỡng cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. [2]

Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, việc tìm kiếm một giải pháp cho những căng thẳng hạt nhân ở Triều Tiên có tầm quan trọng lớn đối với Nga.

Một cuộc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên cần gắn liền với việc đảm bảo chủ quyền bất khả xâm phạm của Bình Nhưỡng. [1]

Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Hamre, ảnh: Nikkei Asia Review.
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Hamre, ảnh: Nikkei Asia Review.

Theo người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Hamre, được Nikkei Asia Review ngày 26/5 dẫn lời, bình luận:

Hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia đều cảm thấy nhẹ nhõm khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Bởi lẽ một hội nghị thượng đỉnh bình thường còn mất hàng tháng trời để chuẩn bị. Đằng này, đây là một hội nghị với "quốc gia bất thường nhất thế giới" và Mỹ thì không chuẩn bị gì.

Theo ông, Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều bị hủy, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ rất vui khi ngăn chặn được tình huống Triều Tiên thỏa hiệp trực tiếp với Washington mà không qua Bắc Kinh.

Nhật Bản thì cảm thấy tốt hơn về việc họ không bị bỏ rơi khỏi một tiến trình họ không thể đoán trước.

Các nước Đông Nam Á sẽ vui mừng khi biết rằng, Mỹ không rút quân khỏi Hàn Quốc trong bối cảnh Trung Quốc tích tụ quân sự và bành trướng trên Biển Đông.

Chỉ có Hàn Quốc là rất lo lắng, thất vọng khi thượng đỉnh Mỹ - Triều bị hủy bỏ, bởi đây là cơ hội làm dịu nguy cơ chiến tranh mà Donald Trump có thể tiến hành chống Triều Tiên.

"Donald Trump đang đàm phán hiệu quả với Kim Jong-un" ảnh 4

Donald Trump "quân vô hí ngôn", Kim Jong-un già néo dễ đứt dây

Phân tích lý do hủy bỏ, John Hamre cho rằng:

Tổng thống Donald Trump có thể kết luận nguy cơ thất bại của hội nghị này cao hơn khả năng thành công;

Nếu không thể kiểm soát được chương trình nghị sự, ông sẽ không mạo hiểm.

Tuy nhiên Donald Trump sẽ vẫn cố gắng đối thoại.

Và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Ngoại trưởng Mike Pompeo lại đi Bình Nhưỡng chuyển nữa, không phải lập tức, nhưng có thể sau vài tuần hoặc 1 tháng nữa. [3]

Như vậy có thể thấy, ngay cả giới quan sát, nghiên cứu có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ cũng không thể biết được, ông Donald Trump sẽ làm gì, định làm gì.

Hoặc giả, cả ông John Hamre lẫn Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton đang đóng vai trò nghi binh, tung hỏa mù dư luận để phục vụ Tổng thống Donald Trump làm việc hiệu quả với Bình Nhưỡng.

Có thể với các Tổng thống "truyền thống" tiền nhiệm, họ phụ thuộc nhiều vào đội ngũ cố vấn, trợ lý nên các hội nghị thượng đỉnh luôn đòi hỏi một sự chuẩn bị bài bản, chu đáo, kĩ lưỡng;

Còn với ngài Donald Trump, dường như vị Tổng thống này nắm rất rõ trong tay mình có những con bài gì, không cần lệ thuộc vào cố vấn, tham mưu nào.

Cho đến nay, có một điều chắc chắn rằng, ông rất thiện chí và mong muốn đàm phán với Triều Tiên, nhưng cũng sẵn sàng hủy bỏ nó ngay lập tức nếu thấy đối phương câu giờ, chơi trò tiểu xảo hay nâng giá đàm phán.

Hành động dứt khoát, quyết đoán của Donald Trump khiến các đối thủ lẫn đối tác không thể "à ơi", nếu không muốn cơ hội bị tuột mất.

Nguồn:

[1]https://abcnews.go.com/Politics/wireStory/latest-trump-nkorea-statement-talks-good-news-55433335

[2]https://www.japantimes.co.jp/news/2018/05/26/national/politics-diplomacy/abe-backs-trump-stance-u-s-north-korea-summit-holds-hope-future-talks/#.WwixoUiFPIU

[3]https://asia.nikkei.com/Spotlight/North-Korea-crisis-2/Most-countries-relieved-by-summit-cancellation-says-CSIS-head

Hồng Thủy