Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút. Dư luận Hoa Kỳ và thế giới đã chứng kiến nhiều kịch tính về cuộc bầu cử đặc biệt này.
Nhiều người xem sự xuất hiện, bứt phá của tỉ phú Donald Trump trở thành đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ là một hiện tượng đặc biệt.
Đặc biệt ở chỗ, Trump càng có những tuyên bố gây sốc, thể hiện khác hẳn với các chính trị gia truyền thống thì càng nhận được sự ủng hộ.
Truyền thông báo chí Mỹ cũng như thế giới càng chỉ trích ông thì Donald Trump càng tiến sâu vào vòng trong. Đến bây giờ ông đang cùng với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton chạy đua vào vòng chung kết.
Người viết nhận thấy, thực tế dư luận Việt Nam trong đó bao gồm cả bản thân, có cảm tình nhiều hơn với bà Hillary Clinton. Có lẽ bởi vì bà là người đề ra chiến lược xoay trục sang châu Á khi còn là Ngoại trưởng, gần gũi với Việt Nam từ khi còn là Đệ nhất phu nhân.
Và tất nhiên cũng không loại trừ ảnh hưởng của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton và đương kim Tổng thống Barack Obama. Cả hai đang hậu thuẫn rất tích cực cho bà Hillary Clinton.
Chỉ riêng cái cách xây dựng hình ảnh quá chuyên nghiệp của hai ông khi sang Việt Nam đã chiếm trọn tình cảm, trái tim của người Việt cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhiều người Việt mong muốn Hillary Clinton đắc cử.
Tuy nhiên chính điều này càng thôi thúc người viết tìm cách lý giải "hiện tượng Donald Trump".
Tỉ phú Donald Trump, ảnh: bostonglobe.com. |
Người viết muốn tìm hiểu xem, tỉ phú này chỉ là một hiện tượng "đột biến" trên chính trường Hoa Kỳ, hay ông đang đại diện cho một xu hướng mới, một sự đổi thay vượt ra ngoài "tư duy lối mòn" của mình.
Bởi xưa nay bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là hoạt động chính trị đầy bất ngờ, giàu kịch tính, nhưng vẫn có những "khuôn khổ" hay "quy luật" nhất định để người ta có thể dự đoán.
Donald Trump sẽ mang lại nhiều điều người dân Mỹ đang cần hơn Hillary Clinton?
Giữa hàng ngàn bản tin về bầu cử Tổng thống Mỹ mỗi ngày, trong đó phần lớn tập trung vào những phát ngôn gây chú ý, những ngón đòn chính trị tấn công đối thủ khiến dư luận choáng ngợp, tìm vào cương lĩnh tranh cử chính thức của hai ứng viên có thể thấy được nhiều điều.
Người viết ấn tượng với khẩu hiệu: "Nước Mỹ đang trở lại, tôi là tiếng nói đại diện cho các bạn!" khi vào trang chủ của Donald Trump (donaldtrump.com).
Ngay dưới khẩu hiệu đó là các mức kêu gọi quyên góp cho chiến dịch trở thành "tiếng nói đại diện cho các bạn".
Nhưng có một chút thất vọng nho nhỏ khi người viết mở trang Hillaryclinton.com, bởi cửa sổ đầu tiên hiện ra là thông điệp kêu gọi ngăn chặn Donald Trump trở thành Tổng thống. [1]
Donald Trump "bỗ bã" thì quen rồi, và đó là một thủ thuật chính trị tạo nên thành công của ông cho đến nay. Nhưng một chính khách "phong nhã hào hoa" như bà Hillary Clinton, công kích đối thủ bằng những thông tin, chi tiết đời tư có lẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Phần nội dung Quan điểm được đội ngũ cộng sự của Donald Trump xây dựng thành 7 đề mục: Tầm nhìn kinh tế; cải cách chăm sóc sức khỏe; cải cách chính sách với cựu chiến binh; cải cách nhập cư; bức tường Mexico; cải cách thương mại Mỹ - Trung; vấn đề quyền sở hữu và sử dụng súng.
Quan điểm tranh cử của bà Hillary Clinton được thể hiện trên 30 nội dung, tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Kinh tế và việc làm; giáo dục; môi trường; sức khỏe; công lý và bình đẳng; an ninh quốc gia.
So sánh chiến lược tranh cử của hai ứng viên người viết nhận thấy, những giải pháp Donald Trump và cộng sự đưa ra chi tiết hơn, thuyết phục hơn và đi vào những vấn đề cụ thể, nổi cộm hơn so với những vấn đề mang tính giải pháp mà nhóm cộng sự của bà Hillary Clinton đưa ra.
Người viết cho rằng có khả năng đây chính là cái tạo nên "hiện tượng Donald Trump" vì ông đang đi theo hướng tìm câu trả lời cho những vấn đề sống còn đặt ra đối với nước Mỹ: Chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Nhà Trắng tập trung khá nhiều vào chính sách đối ngoại và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó nhiệm kỳ đầu tiên là tập trung vào nhiệm vụ giải quyết hậu quả cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan.
Nhiệm kỳ thứ 2 ông Obama tập trung vào xoay trục sang châu Á, bình thường hóa quan hệ với Cuba và xử lý dứt điểm vấn đề hạt nhân Iran.
Chính trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đã phát triển bứt phá trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Đặc biệt là trong khoảng thời gian nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và thúc đẩy mạnh mẽ "giấc mơ Trung Quốc", cạnh tranh vị trí bá chủ toàn cầu với Hoa Kỳ, trong đó kinh tế - thương mại là mặt trận đầu tiên.
"Biển Đông tắc, Singapore chết" |
Với sự ra đời và đi vào hoạt động nhanh chưa từng thấy của định chế tài chính AIIB, các bước triển khai chiến lược "Một vành đai, một con đường" cùng với hàng loạt vụ thâu tóm các thương hiệu đình đám trên thế giới vào tay người Trung Quốc, có thể thấy rằng vị thế của Hoa Kỳ đang bị Bắc Kinh đe dọa.
Kinh tế mới thực sự là "chiến trường nóng bỏng" giữa hai siêu cường.
Donald Trump đã nhìn thấy điều này. Chính sách tranh cử của ông hướng vào việc hóa giải nguy cơ từ phương Đông bằng việc nâng cao nội lực, chiến thắng trong cạnh tranh toàn cầu. [2]
Trong 7 nội dung dự kiến sẽ tập trung vào nếu trở thành Tổng thống, Donald Trump xác định cải cách thương mại Mỹ - Trung là một nhiệm vụ trọng yếu.
Đột phá khẩu Donald Trump và cộng sự lựa chọn ,là tấn công thẳng vào thành trì bảo hộ kinh tế nội địa của Trung Nam Hải với thủ đoạn thao túng tiền tệ. Trump sẽ phá thế trận dìm giá đồng nhân dân tệ để hưởng lợi bất chính của Bắc Kinh.
Donald Trump sẽ kế thừa "có chọn lọc" chính sách xoay trục sang châu Á của Obama
Bà Hilarry Clinton là người đề xuất chiến lược xoay trục sang châu Á khi còn là Ngoại trưởng trong Nội các nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.
Hillary Clinton cũng được cho là chính khách Hoa Kỳ thân thiện với Việt Nam, và người dân Việt Nam cũng có nhiều ấn tượng tốt đối với bà.
Điều này khiến nhiều người tin rằng, nếu trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama sẽ được bà Hillary Clinton đẩy mạnh.
Đặc biệt là việc kiềm chế các hành động phiêu lưu của Trung Quốc trên Biển Đông. Nói cách khác, bà Hillary Clinton làm Tổng thống sẽ có lợi hơn cho quan hệ Việt - Mỹ. [3]
Tuy nhiên trên trang Hillaryclinton.com, vấn đề chiến lược xoay trục sang châu Á nói chung hay Biển Đông và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng đều không được nhắc tới.
Trong khi một điều khá bất ngờ, tỉ phú Donald Trump lại thể hiện rất rõ lập trường: Tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ và triển khai nó một cách thích hợp ở Biển Đông và Hoa Đông để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc. [4]
Còn về quan hệ Việt - Mỹ, ông Peter Navarro - cố vấn chính trị của Donald Trump nói với BBC tiếng Việt rằng, nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng, Donald Trump sẽ không thay đổi chính sách hiện hành của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
"Việt Nam là một quốc gia quan trọng và tôi chờ đợi các mối quan hệ ấm áp với Việt Nam và tất cả các quốc gia khác ở châu Á với chính quyền của Trump." [5]
Do đó người viết không cho rằng, Hillary Clinton làm Tổng thống thì chiến lược và vai trò, vị thế, ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á nói chung, Biển Đông nói riêng sẽ tốt hơn Donald Trump.
Bởi lẽ bà Hillarry Clinton có thể bảo tiếp tục bảo vệ di sản của người tiền nhiệm mà chính mình là người tham mưu, đề xuất.
Nhưng với diễn biến mới sau Phán quyết Trọng tài và khả năng Philippines, Trung Quốc đàm phán trực tiếp với nhau, Mỹ cần có hiệu chỉnh chiến lược cho phù hợp. Hillary Clinton chưa cho thấy điều này, mặc dù đối ngoại là thế mạnh của bà.
Còn tỉ phú Donald Trump đã có những phát biểu khiến đồng minh thấy sốc, nhưng đó chính là thực tế mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tính đến.
Hình ảnh hai mẹ con Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ đội nón lá trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000 đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với người Việt. Ảnh: AP. |
Ông đã thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp Hòa bình, giúp Nhật Bản chủ động hơn trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc ô của Mỹ. Tư duy tương tự cũng có thể được Donald Trump áp dụng với Biển Đông.
Như vậy nhiều khả năng chính sách tổng thể của Mỹ ở Biển Đông sau bầu cử Tổng thống sẽ không thay đổi, nhưng bước đi cụ thể có thể sẽ có những hiệu chỉnh, phụ thuộc vào ai sẽ trở thành chủ nhân tòa Bạch Ốc.
Việt Nam cần làm gì để phát triển quan hệ Việt - Mỹ, góp phần củng cố hòa bình, ổn định và phát triển cho mình cũng như khu vực?
Cho dù theo cảm nhận của cá nhân người viết thì khả năng Donald Trump sẽ tiếp quản ghế Tổng thống Mỹ từ Barack Obama cao hơn Hillary Clinton, nhưng vẫn xin được nhấn mạnh rằng:
Ai trở thành Tổng thống Mỹ sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của người dân Hoa Kỳ chứ không phải mong muốn của dư luận bên ngoài nước Mỹ.
Nhưng dù ai lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, thì người viết vẫn chia sẻ nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh rằng, chiến lược của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương sẽ không thay đổi. Vì nơi đây đang hội tụ lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.
Điều người viết tâm đắc với chia sẻ của Đại sứ Phạm Quang Vinh với báo chí là: "Cách đầu tư của Mỹ không phải là nước đi cung cấp ODA mà là tạo ra những khuôn khổ pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam." [6]
Do đó cái chúng ta cần làm chính là hoàn thiện cơ chế, tạo ra những khuôn khổ pháp lý phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam, cũng như tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.
Bất luận chính quyền Mỹ sau bầu cử sẽ xử lý TPP thế nào, thì việc chuẩn bị cho hội nhập quốc tế với các doanh nghiệp Việt Nam không bao giờ thừa.
Nếu không có sự chuẩn bị thấu đáo, sẽ có tình trạng "cốc mò cò xơi" khi TPP vận hành, như nghi vấn của Cơ quan Chống gian lận thương mại EU rằng, thép Trung Quốc dùng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang châu Âu. [7]
Trump "kinh tế hóa chính trị" thành công, khả năng kịch bản năm 2000 lặp lại |
Còn về vấn đề Biển Đông, những hiệu chỉnh trong chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân lực lượng trong khu vực.
Việc trước, trong và sau khi PCA ra Phán quyết Trọng tài, Mỹ dùng kênh "ngoại giao thầm lặng" thuyết phục các nước liên quan không làm bẽ mặt Trung Quốc là dấu hiệu cần hết sức lưu ý.
Với những tuyên bố công khai ủng hộ bà Hillary Clinton trở thành người kế nhiệm, không loại trừ khả năng Tổng thống Obama cần có tác động từ Trung Nam Hải để cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ quay trở lại Nhà Trắng với cương vị mới.
Obama hậu thuẫn cho Hillary Clinton không chỉ bằng lời nói suông. Sự thỏa hiệp, đổi chác lợi ích giữa hai siêu cường không phải là điều không thể.
Tóm lại, cuộc đua giữa Donald Trump và Hillary Clinton để trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ còn nhiều kịch tính và có thể có những bất ngờ ở phút chót.
Nhưng đến thời điểm này có thể thấy, "hiện tượng" Donald Trump không còn thuần túy là trường hợp "cá biệt", "dị thường" trên chính trường Hoa Kỳ.
Người viết cho rằng, đây có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một trào lưu mới, nhận thức mới về cục diện quốc tế, cũng như thách thức đặt ra với Hoa Kỳ.
Donald Trump có thể cũng sẽ giống như trường hợp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, phá vỡ các "quy tắc chính trị" truyền thống, nhưng lại được người dân lựa chọn vì ông mang đến những gì mà người dân đang cần.
Obama đã hoàn thành sứ mệnh của mình, người kế tục ông phải làm cho "nước Mỹ trở lại" vai trò vị thế siêu cường, mà kinh tế đóng vai trò then chốt.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.hillaryclinton.com/
[2]https://www.donaldjtrump.com/positions/us-china-trade-reform
[3]http://infonet.vn/quan-he-viet-my-ra-sao-neu-ba-clinton-hay-ong-trump-lam-tong-thong-post200547.info
[4]https://www.donaldjtrump.com/positions/us-china-trade-reform
[5]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160721_donald_trump_policy_on_vietnam
[6]http://laodong.com.vn/the-gioi/quan-he-viet-my-thay-doi-the-nao-khi-my-co-tong-thong-moi-585718.bld
[7]http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/nghi-thep-trung-quoc-dung-xuat-xu-viet-nam-xuat-khau-1032376.tpo