Donald Trump muốn Trung Quốc "nếm đủ đau đớn", Bắc Kinh khẩn khoản học hỏi Tokyo

23/10/2018 07:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Tổng thống Donald Trump chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ nương tay với Trung Quốc, bất chấp cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề G-20 đang được thu xếp.

Business Insider, Australia ngày 22/10 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump không có ý định giảm căng thẳng thương mại với Trung Quốc. 

Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng muốn có thêm thời gian để các nhà lãnh đạo Trung Quốc trải nghiệm "cảm giác đau đớn hơn" từ các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ.

Donald Trump sẽ không nương tay

Axios.com, một công ty truyền thông trích dẫn 3 nguồn tin giấu tên nói rằng, Donald Trump muốn Trung Quốc phải "đau đớn" nhiều hơn, biện pháp thuế quan của ông sẽ còn kéo dài và Washington có nhiều đòn bẩy khác trong đàm phán thương mại Trung - Mỹ.

Chính phủ Hoa Kỳ đã đánh thuế từ 10% đến 25% với khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: Evening Standard.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: Evening Standard.

Cuộc gặp dự kiến giữa ông chủ Nhà Trắng với người đứng đầu Trung Nam Hải dự kiến sẽ diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11 này, tại Buenos Aires, Argentina, sẽ khó có tiến triển nào nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại.

Cùng với ngưỡng sụt giảm mới của thị trường chứng khoán Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP nước này cũng đã giảm xuống còn 6,5% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Tuy nhiên, tác động từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ thay vì làm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ, nó lại làm tăng tỉ lệ xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, tỷ lệ nhập siêu của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này có khả năng phản ánh tác động từ các biện pháp trả đũa của Trung Quốc.

Kết quả là thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng, tổng cộng lên tới 307 tỷ USD trong 12 tháng, tính đến tháng 9/2018, thiết lập một kỷ lục mới. [1]

Dường như giảm thâm hụt thương mại chỉ là cái cớ, ngăn chặn Trung Quốc xưng bá toàn cầu và soán ngôi vị số 1 của Hoa Kỳ mới là mục tiêu thực sự, lâu dài của Tổng thống Donald Trump.

Trung Quốc lúng túng đối phó

South China Morning Post ngày 22/10 cho biết, trong vòng 2 tháng qua nhóm chuyên gia tư vấn ổn định tài chính Trung Quốc đã tiến hành phiên họp thứ 10 để tìm giải pháp đối phó với cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã chủ trì phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính hôm thứ Bảy 20/10, với chuyên đề giải quyết các rủi ro tài chính.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, ảnh: SCMP.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, ảnh: SCMP.

Ông Lưu Hạc được giao phụ trách ủy ban này từ tháng 7, tổ chức cuộc họp chuyên đề đầu tiên ngày 24/8. Thông tin chi tiết về các cuộc họp trên không được tiết lộ.

Nhà nghiên cứu kinh tế Ngân hàng Natixis, Pháp, Xu Jianwei nhận định:

Mức độ lo lắng trong giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc là 100% . Nhưng ông không nghĩ rằng họ đã tìm được giải pháp tốt, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có thể phá sản trong quá trình này.

Website Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính cho biết, cuộc họp hôm thứ Bảy đã dẫn đến nhận thức chung rằng:

Chính sách kinh tế của Trung Quốc cần tạo ra một "khung tam giác hỗ trợ", bao gồm lập trường chính sách trung lập về tiền tệ; khu vực doanh nghiệp sôi động; một thị trường chứng khoán vận hành tốt.

Đặc biệt các ngân hàng không nên "ngừng, cắt, thu hồi hoặc đình chỉ" các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ, các công ty tư nhân.

Cuộc họp này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Dịch Cương, Ủy ban Điều tiết ngân hàng - bảo hiểm Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Lưu Sĩ Dư công khai lên tiếng trấn an dư luận khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụt giảm. [2]

Donald Trump muốn Trung Quốc "nếm đủ đau đớn", Bắc Kinh khẩn khoản học hỏi Tokyo ảnh 3

Khi Donald Trump không còn xem Tập Cận Bình là bạn bè

Trong khi đó các chuyên gia kinh tế hàng đầu mà Bắc Kinh tham vấn giải pháp đối phó với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, phần lớn đều phát biểu "có chọn lọc", để tránh làm ảnh hưởng đến các ông chủ của mình.

Một số chuyên gia khác thì không đủ cơ sở nghiên cứu hoặc đưa ra những bình luận phục vụ cho lợi ích của các nhà bảo trợ.

Trung Quốc có hơn 500 viện nghiên cứu (think tank), còn Mỹ có 1800. Phần lớn các cơ quan nghiên cứu ở Trung Quốc là do chính phủ đài thọ.

Tuy nhiên những năm gần đây, việc tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu ở Trung Quốc ngày càng dễ dàng hơn, khiến nhiều nhà nghiên cứu chủ trọng đến việc làm hài lòng các nhà tài trợ.

Họ cũng biết mình rất khó có thể gây ảnh hưởng lên các nhà hoạch định với các phát hiện của mình, không giống như ở Hoa Kỳ, nơi thành viên các tổ chức tư vấn, doanh nhân, thậm chí diễn viên có thể trở thành chính trị gia.

Để thúc đẩy các nghiên cứu về Hoa Kỳ và cải thiện khả năng hoạch định chính sách nhằm ngăn chặn hiệu quả cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thành lập liên minh 20 cơ quan nghiên cứu (think tank) vào tháng 7 vừa qua.

Tuy nhiên Giáo sư Li Zhongshang từ Đại học Nhân Dân, người từng làm việc với Ngân hàng Trung ương và Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia, nhận định:

Chia rẽ, giữ miếng và phục vụ các ông chủ trực tiếp nuôi mình là vấn đề kinh niên của các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Li Guoqiang từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc nói với South China Morning Post:

Donald Trump muốn Trung Quốc "nếm đủ đau đớn", Bắc Kinh khẩn khoản học hỏi Tokyo ảnh 4

Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện khu vực

Một số nhà nghiên cứu chỉ khai thác tài liệu trên mạng, họ không bao giờ thâm nhập thực tế. Vì vậy không ai có thể dựa vào những nghiên cứu như thế để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Nhà nghiên cứu Wang Huiyao, người sáng lập và là Chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, thành viên liên minh 20 cơ quan nghiên cứu do Bộ Tài chính thành lập, cho biết:

Chính sự hạn chế thị thực của Bắc Kinh cũng đã cản trở các nỗ lực của giới nghiên cứu để tìm hiểu cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh chỉ cho phép các chuyên gia chính sách của mình thực hiện các chuyến thăm ngắn hạn tới Hoa Kỳ, thông thường chỉ khoảng 1 tuần lễ.

Với khoảng thời gian này, họ không thể điều tra kĩ lưỡng và có các cuộc tiếp xúc chất lượng với các mối quan hệ ở Mỹ. [3]

Tìm kiếm bài học từ Nhật Bản

The Japan Times ngày 22/10 dẫn nguồn tin Bloomberg cho hay, Trung Quốc đang tìm đến kẻ thù cũ - Nhật Bản, để học hỏi cách đối phó với cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Các quan chức, doanh nhân và học giả Trung Quốc đã hối thúc các đối tác Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm từ những năm 1980 khi Tokyo đối phó với Mỹ khi thặng dư thương mại và công nghiệp của Nhật Bản với Hoa Kỳ tăng mạnh.

Đồng thời họ cũng tìm kiếm những bài học của nước cựu thù trong việc xử lý vấn đề tăng nợ công, bong bóng bất động sản và tình trạng lão hóa dân số.

Những khách hàng Trung Quốc của Ngân hàng Nhật Bản về kinh nghiệm của Tokyo trong việc quản lý các tranh chấp thương mại.

Donald Trump muốn Trung Quốc "nếm đủ đau đớn", Bắc Kinh khẩn khoản học hỏi Tokyo ảnh 5

Tướng Nakatani tiên phong chống các hành vi bành trướng trên Biển Đông

Lời khuyên mà họ nhận được là hãy tránh các cuộc đàm phán trực tiếp một đối một với Hoa Kỳ, tránh xa các con số mục tiêu thương mại.

Hiện tại Trung Quốc không có ý định lặp lại thỏa hiệp năm 1985 của Nhật Bản về đồng yên;

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói Bắc Kinh sẽ không chấp nhận "một hiệp ước Plaza khác", thỏa thuận mà Mỹ đã ép Nhật Bản, Tây Đức, Anh và Pháp để giảm giá đồng USD.

Đầu năm nay, một nhóm tư vấn cho chính phủ Trung Quốc cũng đã đến thăm Tokyo để tìm hiểu về chiến tranh thương mại và các bài học, khi nói chuyện với các cựu quan chức ngân hàng trung ương và học giả Nhật Bản.

Trung Quốc đặc biệt quan tâm tìm kiếm các bài học từ Nhật Bản còn vì, đương kim Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng chính là người dẫn đầu các cuộc đàm phán nhằm giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản thời Ronald Reagan.

Tuy nhiên, với việc Mỹ có rất ít dấu hiệu cho thấy sẽ hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc, những bài học Bắc Kinh đang tìm kiếm từ Tokyo có thể không giúp được gì nhiều khi làm việc với chính quyền Tổng thống Donald Trump. [4]

Nguồn:

[1]https://www.businessinsider.com.au/donald-trump-trade-war-china-axios-2018-10

[2]https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/2169555/chinas-financial-crisis-team-goes-overdrive-10th-meeting-two

[3]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2168866/beijing-crippled-trade-war-filtered-input-domestic-think-tanks

[4]https://www.japantimes.co.jp/news/2018/10/22/business/china-looks-historic-foe-japan-lessons-handling-trump-trade-war/#.W82DrmgzaM8

Hồng Thủy