Tiếp theo phần 1: Một nén hương lòng gửi tới Hoàng Sa.
Ngày 18/1, lúc 1 giờ sáng, Hạm trưởng HQ4 báo cáo việc đổ bộ lên Duy Mộng gặp khó khăn vì khả năng tác chiến của quân Trung Quốc mạnh hơn về nhiều mặt, như hải pháo xa hơn, vận tốc cao hơn, phương tiện đổ bộ dồi dào hơn (6 xuồng đổ bộ, và chiến dĩnh bọc sắt) có hai máy bay yểm trợ;
Lực lượng của Việt Nam Cộng hoà ít, 27 người phân tán tại hai đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh.
Nếu phải lên Duy Mộng thì số quân càng mỏng, trong khi lực lượng đổ bộ của Trung Quốc ước khoảng 40 người ở trên 2 tàu chuyển vận.
Nhận được tin trên, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải ra lệnh tàu HQ4 rút ngay một nửa toán biệt hải trên đảo Hữu Nhật xuống chiến hạm và chờ lệnh.
Giằng co quanh đảo Duy Mộng
Rạng sáng 18/1, Tham mưu trưởng hành quân lưu động biển điện đàm với Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, chỉ thị các tàu HQ4 và HQ16 không được neo, nếu phải đón quân thì thả xuồng, xong rồi chạy ra xa, kế đó trở lại;
Vẫn đổ bộ lên Duy Mộng theo kế hoạch, nếu đối phương phản ứng, sẽ tạm hoãn chờ; rút tất cả 27 biệt hải trên đảo Hữu Nhật, nếu không lấy kịp địa phương quân thì cho 1 tiểu đội nhân viên chiến hạm thay thế.
Sơ đồ tác chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-20 tháng Giêng năm 1974, ảnh do Tiến sĩ Trần Công Trục cung cấp. |
Tàu HQ16 rời Quang Ảnh di chuyển đến phía bắc đảo Duy Mộng, phát hiện thấy tàu Trung Quốc đang di chuyển vòng quanh đảo Quang Hoà, có dấu hiệu chuẩn bị đổ bộ.
Sau đó phát hiện thêm 1 tàu chuyên vận của Trung Quốc dài khoảng 100m trọng tải 200 tấn, di chuyển đến sát đảo Duy Mộng, phía đông nam.
Đây là loại tàu tiếp tế, có 3 cần trục, nghi ngờ đổ bộ và chuyển quân lên đảo. Trên đảo, quân Trung Quốc đã trương cờ mới.
Ngoài ra còn thấy 1 tàu hai cột buồm đang di chuyển hướng tây nam xuống đảo Hữu Nhật. Tàu HQ16 trở về đảo Hữu Nhật và thả trôi tại đông nam đảo để yểm trợ cho tàu HQ4 thay quân.
Tại đây tàu HQ16 thấy tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc số 407 neo tại 2,5 hải lý đông nam đảo Hữu Nhật.
Sáng sớm ngày 18/1, một trong bốn tàu Trung Quốc rời Quang Hoà tiến về phía tàu HQ4 của Việt Nam Cộng hòa.
Khi tàu Trung Quốc cách 4 hải lý, tàu HQ4 dùng quang hiệu chuyển câu bằng tiếng Anh: “This is our territorial water” (Đây là lãnh hải của chúng tôi).
Chiến hạm của Trung Quốc cũng phát lại câu trên.
Nhưng sau đó, khi HQ4 tiến cận, tàu Trung Quốc lùi về phía đảo Quang Hoà.
Biển Đông 2017 và tương quan chính sách Trung - Mỹ |
Trong buổi sáng ngày 18/1, khi tàu HQ4 thay thế toán biệt hải trên đảo Hữu Nhật bằng 15 nhân viên cơ hữu của chiến hạm thì tàu của Trung Quốc số 407 nhổ neo tiến về phía tàu HQ16, sau đó thả trôi cho tàu tiến cận vào đảo Hữu Nhật.
Vì vùng gần bờ cạn nên HQ16 phải cố gắng di chuyển để ngăn cản tàu Trung Quốc tiến vào gần đảo.
Phải di chuyển để hỗ trợ tàu HQ16 nên mãi đến gần trưa HQ4 mới hoàn tất công việc thay quân. 27 biệt hải lên chiến hạm, còn 15 nhân viên chiến hạm đổ bộ lên đảo Hữu Nhật.
Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho các chiến hạm HQ4 và HQ16 bình tĩnh di chuyển an toàn tại vị trí cũ, chú ý sự thả trôi của tàu Trung Quốc, toán quân trên đảo phải ngăn cản không cho địch đổ bộ.
Các chiến hạm cố gắng né tránh nếu tàu Trung Quốc chặn đầu và cố ý húc vào chiến hạm.
Trong khi đó tàu HQ5 đến Hoàng Sa chiều 18/1. Bộ chỉ huy hành quân Liên đoàn biển chỉ thị Vùng 1 Duyên hải cho chiến hạm này di chuyển thẳng đến đảo Quang Hoà và Duy Mộng để quan sát phản ứng của phía Trung Quốc.
Khi di chuyển đến cách 5 hải lý đông nam Hữu Nhật, hai tàu Kronstadt số 271 và 274 từ Quang Hoà tiến tới nghênh cản, chiến hạm HQ5 quay trở lại và thả trôi gần tàu HQ16.
Chiến hạm Trung Quốc sau đó cũng quay về hướng Quang Hoà. Tất cả 5 tàu Trung Quốc thả trôi giữa Quang Hoà và Duy Mộng, mặt phía bắc.
Tàu HQ5 thả xuồng đưa một toán Hải kích sang tàu HQ16 và nhận toán sỹ quan thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1, nhân viên Mỹ để đưa lên đảo Hoàng Sa (Pattle).
"Tàu cá" có vũ trang của Trung Quốc khiêu khích trước mũi chiến hạm Hải quân Việt Nam Cộng hòa ở đảo Hữu Nhật, quần đảo Hoàng Sa ngày 15/1/1974. Ảnh tư liệu. |
Lực lượng này gồm E. Kosh, 3 sỹ quan (Thiếu tá Hồng, các Trung uý Hà, Đá) và Hạ sỹ nhất công binh tên Đệ) thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 để nghiên cứu thiết lập sân bay tại đảo Hoàng Sa (Pattle).
Tàu HQ10 đến phía đông Hữu Nhật và thả trôi tại đây vào nửa đêm ngày 18/1.
Kế hoạch đổ bộ tái chiếm đảo Quang Hòa
Chiều ngày 18/1 Bộ chỉ huy hành quân Liên đoàn biển chỉ thị THD.31 chiếm lại thật nhanh 2 đảo Quang Hoà và Duy Mộng bằng mọi giá;
Dùng biện pháp ôn hoà trước, nếu đối phương kháng cự, dùng vũ khí tiêu diệt, chú ý 2 tàu Kronstadt, đặt mục tiêu trong tầm ngắm, nếu để lâu đối phương tăng cường thêm sẽ khó khăn cho việc chiếm lại.
Cũng trong buổi chiều ngày 18/1, Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải thi hành gấp kế hoạch hành quân chiếm lại đảo Quang Hoà bằng mọi giá.
Mỗi chiến hạm có nhiệm vụ ngăn chặn 1 chiến hạm Trung Quốc để yểm trợ cho lực lượng Hải kích đổ bộ.
Các chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà phải luôn ghìm súng vào yếu điểm của chiếm hạm Trung Quốc.
Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực thì phải khai hoả đồng loạt để tự vệ và tiêu diệt chiến hạm đối phương ngay loạt đạn đầu.
Tàu HQ5 phát hiện thêm 2 chiến hạm Trung Quốc loại T.43 cải biến mang biển số 389 và 396, lớn hơn 2 chiến hạm trước, đến tăng cường tại bắc Quang Hoà.
Bối cảnh Trung Quốc tính toán và dàn dựng để chiếm Gạc Ma |
Tàu HQ5 đáp nhận hiệu lệnh cấp tốc chiếm Quang Hoà. Tàu HQ16 đến đảo Quang Ảnh tiếp tế cho toán đổ bộ lương thực vũ khí vật dụng.
Tại Đà Nẵng, lúc 21 giờ ngày 18/1, tàu HQ11 và 3 VPB (HQ709, 711, 723) khởi hành tiến về quần đảo Hoàng Sa chở thêm 91 địa phương quân, 15 Hải kích, 1 y sĩ, 2 y tá và Chỉ huy phó Sở phòng vệ Duyên hải.
Trong đêm 18 tới rạng sáng 19 tháng 1, các tàu Trung Quốc nhiều lần di chuyển chặn đầu, khiêu khích các tàu chiến Việt Nam Cộng hoà, cố tình gây hấn, bất chấp quy luật hải hành quốc tế.
Các chiến hạm của Trung Quốc di chuyển quanh đảo Quang Hoà như có ý định bảo vệ đảo này. Các chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà cùng di chuyển bám sát theo tàu Trung Quốc.
Từ đêm 18/1 sang rạng sáng 19/1, tại quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc có 6 chiến hạm (2 Kronstadt (271, 274); 2 T.43 cải tiến (389, 396) 2 tàu đánh cá vũ trang (402, 407) và trên các đảo Quang Hoà, Duy Mộng có thể đã được Trung Quốc tăng viện và cố thủ kỹ càng.
Kế hoạch hành quân chiếm lại đảo Quang Hoà của phía Việt Nam Cộng hoà được thực hiện như sau:
Các tàu HQ4 và HQ5 đổ bộ toán biệt hải và hải kích vào phía tây nam và nam Quang Hoà, trong khi các tàu HQ10 và HQ16 ở trạng thái yểm trợ và sẵn sàng tiêu diệt các tàu đối phương.
Mỗi chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà ghìm súng vào điểm huyệt của một chiếc tàu Trung Quốc, sẵn sàng khai hoả nếu bị đối phương tiến công trước và tiêu diệt chúng ngay đợt khai hoả đầu tiên như chỉ thị của Tư lệnh Hải quân.
Chiến hạm HQ5 Trần Bình Trọng, ảnh tư liệu. |
Cuộc hành quân chiếm lại đảo Quang Hoà dự kiến thực hiện vào sáng sớm ngày 19/1/1974.
Trong ngày 18/1, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1 trong kế hoạch hành quân chiếm lại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Đặc biệt nhất là vấn đề hỗ trợ của không quân có khó khăn, do quần đảo này nằm cách Đà Nẵng 170 hải lý, ngoài tầm hướng dẫn của Đài Kiểm báo Paloma nên máy bay phản lực F5 của Việt Nam Cộng hoà không thể hoạt động được.
Vì vậy Hải quân Việt Nam Cộng hoà phải chiến đấu đơn phương.
Tương quan lực lượng giữa hai bên: Phía Việt Nam Cộng hoà có 1 khu trục hạm HQ4, trang bị 2 khẩu 76,21 ly tự động, 2 đại bác 100 ly;
2 tuần dương hạm HQ5 và HQ16, trang bị 1 đại bác 127 ly, 1 đại bác 40 ly đôi, 2 đại bác 40 ly đơn; 1 hộ tống hạm HQ10 trang bị 1 đại bác 76,21 ly, 2 đại bác 40 ly đơn.
Phía Trung Quốc có 2 chiến hạm Kronstadt (số 271, 274) trang bị đại bác 100 ly, 2 đại bác 37 ly, 2 chiến hạm loại T.43 cải biên (389, 396), trang bị đại bác 100 ly, 4 đại bác 37 ly, 2 tàu đánh cá vũ trang đại bác 25 ly và 1 tàu vận tải loại trung.
Còn tiếp