Biển Đông 2017 và tương quan chính sách Trung - Mỹ

31/12/2017 07:00
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Tạo hình ảnh Biển Đông “lặng sóng” có thể giúp Bắc Kinh né tránh các chỉ trích về tham vọng độc chiếm Biển Đông và giảm nguy cơ xảy ra xung đột.

Năm 2017 đã kết thúc với rất nhiều sự kiện diễn ra có liên quan đến tình hình Biển Đông khiến dư luận có những nhận xét, đánh giá khác nhau. 

Người thì lạc quan, kẻ thì bi quan, người cho rằng Biển Đông đang “yên ả”, kẻ nói rằng Biển Đông vẫn tiềm ẩn “sóng ngầm dưới bề mặt yên ả”, hay thậm chí đang ở vào thời khắc trước cơn bão lớn sắp xẩy ra…..

Làm sao để Biển Đông “yên ả, lặng sóng” là nguyện vọng, ước mơ chính đáng của nhân dân các nước trong khu vực và quốc tế; là chủ trương đúng đắn của các quốc gia có liên quan.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Hơn ai hết, người Việt Nam chúng ta luôn luôn mong muốn và đang phấn đấu thực hiện bằng được chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước:

Vừa bảo vệ, gìn giữ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa góp phần gìn giữ môi trường Biển Đông được hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển.

Để góp phần đanh giá tình hình Biển Đông đã diễn biến ra sao trong năm qua và nguyên nhân nào được coi là yếu tố có tác động tạo ra những diễn biến đó, chúng tôi xin được nêu lên một số nội dung chủ yếu sau đây để cùng trao đổi với bạn đọc tâm phúc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong phần đầu tiên tổng kết về tình hình Biển Đông, chúng tôi xin tập trung làm rõ tác động ảnh hưởng từ quan hệ Mỹ - Trung: “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”.

Những thay đổi chính sách từ Hoa Kỳ

Sau khi nhậm chức, về mặt kinh tế, xã hội, Tổng thống Donal Trump đã bắt tay thực thi chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tạo việc làm cho người Mỹ, bằng biện pháp đầu tư hướng nội, co cụm lại trong chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch…

Những biện pháp này được triển khai nhằm không để cho các đối tác lẫn đối thủ kinh tế nước ngoài thao túng, đặc biệt là Trung Quốc.

Đây vừa là một đối tác lớn, vừa là đối thủ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Mỹ ,vừa là một thị trường tiềm năng, béo bở, với hơn 1,3 tỷ dân, đang khát công cụ sản xuất kỹ thuật, công nghệ cao để xây dựng thành công “chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc”

Về an ninh, quốc phòng, “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ bị phá sản bởi những cuộc thử vũ khí hạt nhân, nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn liên tục diễn ra.

Bất chấp mọi sức ép về kinh tế, quân sự, ngoại giao…của Mỹ và cộng đồng quốc tế, sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng đang trực tiếp thách thức, đe dọa đến an ninh, quốc phòng của Hoa Kỳ và các đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á. 

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ảnh: Washington Examiner.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Ảnh: Washington Examiner.

Trong tình hình đó, Mỹ, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều nhận thức rằng Trung Quốc, với tư cách là một đồng minh, là chỗ dựa của Bắc Triều Tiên trong lịch sử và hiện tại, mới có khả năng buộc Bình Nhưỡng phải chấp hành Nghị quyết của Liên Hợp Quốc…

Vì vậy, phải duy trì quan hệ "bất đối kháng” với Trung Quốc, thậm chí phải tính đến việc cần có một số nhân nhượng nào đó ở Biển Đông. 

Tuy nhiên, trong thực tế, tính toán đó của Mỹ đã không mang lại kết quả mong muốn, có lợi cho Washington. 

Bắc Triều Tiên vẫn không chấp nhận xuống thang, vẫn tiếp tục “sinh tồn” trong vòng vây của hầu hết cộng đồng quốc tế, vẫn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán nếu không đáp ứng các điều kiện của họ;

Nước này vẫn tiếp tục sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo với chi phí khổng lồ, tốn kém mà không phải bất kỳ một nước nghèo nàn lạc hậu nào cũng có thể gánh chịu được, nếu không có sự “hà hơi tiếp sức” nào đó từ bên ngoài? 

Chắc hẳn hơn ai hết, Mỹ phải rất tường tận điều này. 

Phải chăng Bắc Triều Tiên và Biển Đông là hai con bài nằm trong tay của 2 siêu cường Trung - Mỹ trong ván cờ địa chính trị đang lúc gay cấn nhất? 

Chuyến công cán dài ngày của Tổng thống Donald Trump đến một số nước châu Á vào dịp trung tuần tháng 11 năm nay, tham dự và phát biểu tại APEC 2017 tại Đà Nẵng, sau đó bay ra Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam, là một sự kiện khá đặc biệt trong hoạt động ngoại giao của một nguyên thủ quốc gia; 

Đó là một minh chứng về chính sách không thay đổi của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó, chủ yếu là khu vực biển Hoa Đông, Biển Đông.  

Mục đích của chuyến công du này được giới chuyên gia nhận định là nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh và mở rộng thêm đối tác trên nhiều lĩnh vực;

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có bài phát biểu quan trọng tại Đà Nẵng nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Ảnh: TTXVN.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có bài phát biểu quan trọng tại Đà Nẵng nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Ảnh: TTXVN.

Trong đó có việc tăng cường mạng lưới an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mục tiêu là Mỹ muốn duy trì cán cân quyền lực địa chính trị ở đây;

Củng cố trật tự khu vực theo chiến lược của Hoa Kỳ, nhưng lại phải tránh được xung đột và vẫn duy trì được các mối quan hệ kinh tế ổn định với Trung Quốc.  

Những nỗ lực này, nếu thực hiện sẽ giúp Hoa Kỳ tăng cường được sức mạnh quân sự, đảm bảo cho việc duy trì cán cân quyền lực địa chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. 

Như vậy, chuyến công du của ông Donald Trump tới châu Á đầu tháng 11 không chỉ tập trung vào việc trấn an đồng minh trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, hay bàn về cải cách và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực;

Ông chủ Nhà Trắng còn ưu tiên tăng cường hợp tác an ninh, tìm kiếm đối tác mới nhằm thiết lập một mạng lưới an ninh rộng hơn trong khu vực, trong khi vẫn nỗ lực duy trì quan hệ với Trung Quốc nhằm không để xung đột, chiến tranh, kể cả chiến tranh kinh tế, lẫn xung đột vũ trang xảy ra…

Như vậy, có thể nói rằng chính quyền Mỹ dường như đang điều chỉnh sách của mình trong quan hệ với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. 

Cụ thể là gia tăng các hoạt động tuần tra một cách thường xuyên, thể hiện sự hiện diện bình thường của Hải quân Mỹ trên toàn bộ vùng biển này để cảnh cáo Trung Quốc vì đã “làm ngơ” cho Bắc Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Bắc Kinh nhanh chóng hiệu chỉnh sách lược sau Phán quyết

Dư luận hẳn còn nhớ, vào thời điểm sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết 12/7/2016, nhiều ý kiến nhận định rằng Biển Đông sẽ “dậy sóng”;

Thậm chí người lo lắng, có thể có cả những trận “sóng thần” được tạo ra bởi những hoạt động leo thang nhanh chóng của Trung Quốc nhằm vô hiệu hóa phán quyết gây bớt lợi cho họ cả về đối nội lẫn đối ngoại; 

Nhất là vào thời điểm trước thềm Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với những thách thức quốc tế  bởi chiến lược “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Các thiết bị quân sự Trung Quốc cài đặt trên đảo nhân tạo xây dựng bất hợp pháp trên bãi Xu Bi, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Asia TImes.
Các thiết bị quân sự Trung Quốc cài đặt trên đảo nhân tạo xây dựng bất hợp pháp trên bãi Xu Bi, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Asia TImes.

Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù tình hình Biển Đông trong năm qua có vẻ “yên ả” hơn, nhưng căn cứ vào những động thái đã và đang diễn ra, có thể thấy rằng những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định tại đây vẫn tồn tại. 

Dư luận trong khu vực hiện vẫn lo ngại về việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại các thực thể do nước này bồi lấp trái phép tại Biển Đông mà mục tiêu của họ là biến các thực thể này trở thành các căn cứ quân sự tấn công;

Bằng chứng là việc họ đã hoàn thiện đến 24 nhà chứa máy bay, cùng nhiều công sự trên 3 đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Subi, Vành Khăn và Chữ Thập. 

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, sau khi hoàn tất việc xây dựng các cơ sở này, Trung Quốc sẽ có khả năng bố trí (bất hợp pháp) 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tại quần đảo Trường Sa.

Đối tượng tác chiến của Trung Quốc không phải là các nước nhỏ yếu ở xung quanh Biển Đông mà chủ yếu nhằm vào Mỹ. 

Tháng 3/2017, Bắc Kinh đã lên án quyết định của Hoa Kỳ cho triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Việc bố trí hệ thống này nằm trong một mạng lưới lá chắn tên lửa rộng lớn hơn, trong đó có cả hệ thống Aegis, để đối phó với những cường quốc có vũ khí hạt nhân.

Tháng 4/2017, hàng không mẫu hạm đầu tiên mới của Trung Quốc được hạ thủy tại cảng Đại Liên ở đông bắc Trung Quốc. Tin tức nói tàu sẽ đi vào hoạt động từ 2020.

Đây là chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, và là chiếc đầu tiên tự đóng trong nước.

Các hình ảnh vệ tinh chụp trong tháng 5/2017 vừa qua cho thấy là chiếc máy bay săn tàu ngầm Shaanxi Y-8Q mới nhất của Trung Quốc đã được triển khai tại sân bay quân sự Lăng Thủy, nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. 

Trên đảo này còn có căn cứ hải quân Du Lâm, nơi neo đậu của các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Ngoài ra, hai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cũng được nhìn thấy tại đây. 

Các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy 3 máy bay trinh sát không người lái BZK-005 tại Lăng Thủy, loại phi cơ cũng đã được nhìn thấy tại căn cứ không quân của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Ảnh chụp vệ tinh ngày 29/3/2017 cho thấy Trung Quốc đưa chiến đấu cơ J-11 hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: The Japan Times.
Ảnh chụp vệ tinh ngày 29/3/2017 cho thấy Trung Quốc đưa chiến đấu cơ J-11 hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: The Japan Times.

Tuy nhiên, vấn đề đáng được lưu ý nhất trong năm qua là việc Trung Quốc tập trung triển khai các hoạt động trên mặt trận kinh tế, ngoại giao, pháp lý, truyền thông...

Những hoạt động này nhằm vô hiệu hóa luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành, có khả năng cản trở tham vọng của họ, và từ đó tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý của họ trong Biển Đông.

Để thực hiện chiến thuật này, Trung Quốc một mặt nỗ lực xoa dịu tranh chấp trên Biển Đông trong năm qua với các khoản đầu tư, hỗ trợ và cam kết sẽ đàm phán với các nước láng giềng; \

Mặt khác họ công khai coi mối đe dọa an ninh lớn nhất là sự do thám và giám sát của Mỹ trên Biển Đông. 

Việc ngăn và đánh bật sự hiện diện quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc, theo nhận xét của các chiến lược gia, có lẽ còn quan trọng hơn yêu sách đòi “chủ quyền lãnh thổ”. 

Tạo hình ảnh Biển Đông “lặng sóng” có thể giúp Bắc Kinh né tránh các chỉ trích về tham vọng độc chiếm Biển Đông và giảm nguy cơ xảy ra xung đột. 

Với tiềm lực kinh tế mạnh và sáng kiến "một vành đai, một con đường" trị giá 900 tỉ USD, Bắc Kinh dường như đã “thành công” trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đối với một số quốc gia trong khu vực, thậm chí có cả các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông: 

Malaysia đã đồng ý mua tàu chiến từ Trung Quốc, trong khi Philippines sau khi “kết thân” với Bắc Kinh, cũng nhận được cam kết đầu tư hơn 24 tỉ USD…

Vì vậy trong năm qua không xảy ra xung đột nghiêm trọng nào trên Biển Đông. 

Ngược lại, tình hình có vẻ thuận lợi khi Trung Quốc đồng ý đàm phán với 10 thành viên ASEAN trong năm 2018 về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cho dù vẫn chưa thống nhất được bản chất của COC là văn kiện chính trị hay pháp lý và nội bộ ASEAN vẫn chưa có tiếng nói chung. 

Cựu Ngoại trưởng Philippines Roberto Romulo cho rằng: "Thực ra ASEAN cũng chưa hoàn toàn thống nhất do 2-3 nước bị  Trung Quốc mua chuộc, lôi kéo”.

Chuyên gia về Đông Nam Á Gregory Poling nhận định: "Khuôn khổ COC còn mập mờ hơn DOC 15 năm trước và chẳng đưa ra được điều gì mới";

Theo ông, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận một COC có tính ràng buộc pháp lý, trong ít nhất 10 năm tới…

Từ thực tế nói trên, nhiều học giả nhận xét rằng Bắc Kinh đang dùng những "cử chỉ thân thiện" để che đậy các "ý định quyết đoán"

Nhà nghiên cứu Fabrizio Bozzato của Hiệp hội Nghiên cứu chiến lược Đài Loan cảnh báo: 

"Cuối cùng thì chính sách Biển Đông của họ (Trung Quốc) vẫn không thay đổi. Họ vẫn coi Biển Đông là của Trung Quốc.

Tôi thấy ý định của họ rõ ràng là biến Biển Đông hoặc phần lớn Biển Đông trở thành của Trung Quốc vào năm 2030."

Trong bối cảnh chính trị khu vực và quốc tế rất phức tạp hiện nay, trước những toan tính của các siêu cường như đã phân tích trên đây, Biển Đông vẫn giữ được trạng thái “yên ả”, cho dù chỉ là bề nổi, cũng đã là một thành quả đáng để chúng ta suy ngẫm nhằm có thể rút ra được những bài học cho tương lai. 

Trong đó, không thể không kể đến phương thức hành xử và vai trò của các nước nhỏ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

Trong bài viết tới, chúng tôi xin phân tích những ứng xử của Philippines với tư cách “bên thắng kiện”, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2017 đã tác động như thế nào đến Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục