‘Lấy dân làm gốc’ - thượng sách vệ quốc thời Trần
Năm 1300, Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi: “Nếu giặc phương Bắc lại sang thì làm thế nào để giữ được nước?”. Trần Quốc Tuấn trả lời: Nếu quân giặc sang xâm lược thì phải “xem xét quyền biến, như người đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế… Nới sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hơn”[1].
Tượng đài Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn tại TP. Nam Định |
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đối đấu với các đội quân xâm lược mạnh nhất nhì thế giới đương thời. Thời Cổ đại là đế quốc Tần với bạo chúa Tần Thủy Hoàng, đã lần đầu tiên trong lịch sử, xuất binh chinh phạt khắp vùng Trung Nguyên rộng lớn, thống nhất đất nước Trung Hoa. Thời Trung đại là nhà Nguyên - Mông đã chinh phục hai phần ba châu Á và châu Âu. Thời cận đại, hiện đại là thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ…
Quy luật nghiệt ngã của chiến tranh là “mạnh được yếu thua”. Trong chiến tranh, kẻ mạnh hơn luôn là kẻ chiến thắng. Danh tướng Napoléon Bonaparte của Pháp chẳng từng có câu nói nổi tiếng: “Thượng đế luôn đứng về phía kẻ mạnh” đó sao. Trong các cuộc chiến tranh, không có kẻ yếu nào chiến thắng, cho dù là may mắn. Sự chiến thắng của bên yếu hơn trong cuộc chiến tranh chỉ là trong một số trận đánh, chứ hoàn toàn không thể có sự may mắn diễn ra trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Và xét đến cùng, trong từng trận đánh, kẻ mạnh hơn trong trận đánh đó sẽ chiến thắng.
Đứng trước các đội quân xâm lược to lớn, Việt Nam luôn là nước đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quốc phòng hạn chế, quân đội thường trực rất nhỏ bé so với các đội quân xâm lược to lớn ấy.
Vậy, điều gì đã làm cho dân tộc Việt Nam mạnh hơn các đội quân xâm lược hùng mạnh, thiện chiến, có kinh nghiệm dạn dày và đầy “thành tích” trong chinh phạt, giành dân, chiếm đất ấy? Điều gì đã làm cho dân tộc Việt Nam dưới thời nhà Trần, dân số chưa tới 7 triệu người, quân đội thường trực chưa tới 10 vạn người, đã chiến thắng đội quân xâm lược của đế chế Nguyên Mông có dân số hơn 70 triệu (theo vi.wikipedia.org và một số tài liệu khác), với 50 vạn quân viễn chinh thiện chiến, chưa tính lực lượng phục vụ?
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận, ngay từ rất sớm và về sau này, dân tộc ta đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc cho các cuộc khởi nghĩa giành lại chính quyền và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Khối sức mạnh toàn dân tộc ấy thực sự mạnh hơn hẳn các đội quân xâm lược. Vì thế, dân tộc ta đã chiến thắng các đội quân xâm lược to lớn mà nhiều dân tộc khác cùng thời đã bị khuất phục. Triều đại nhà Trần là một triều đại tiêu biểu như thế.
Thời Trần, triều đình đã thực hiện các chính sách chăm lo cho đời sống nhân dân, từ đó tạo nên khối đoàn kết toàn dân tộc, giữa lãnh đạo đất nước với quân đội và nhân dân. Nhà Trần đã thực hiện các chính sách khuyến nông, chú trọng khai khẩn đất hoang để mở mang diện tích trồng trọt và giải quyết nạn nông dân ly tán. Việc đào kênh lấy nước trồng trọt, đắp đê phòng lụt được nhà Trần rất quan tâm. Lực lượng quân đội được huy động đắp đê, đào kênh là một lực lượng đáng kể.
Trần Quốc Tuấn căn dặn tướng sỹ: “Các vương hầu và các tướng sỹ, ai nấy phải cẩn giữ phép tắc, đi đến đâu không được quấy nhiễu dân”[2]. Với chính sách đó, kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân được bảo đảm tốt. Khi có giặc ngoại xâm, nhân dân cả nước đã nhất loạt theo lệnh của triều đình đánh giặc.
Thời Trần thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, có chế độ quy định chặt chẽ, đúng với nghĩa “gửi binh lính ở nhà nông”. Khi đó, lực lượng vũ trang được chia làm ba thứ quân:
Cấm quân hay túc vệ quân là quân của triều đình. Số quân này chỉ vài vạn, thường trực quanh năm, được nhà nước nuôi dưỡng.
Quân các lộ là quân địa phương, chia làm nhiều phiên, luân phiên tập trung theo định kỳ, hết phiên lại về sinh hoạt sản xuất với gia đình. Trong thời gian tập trung thì vừa huấn luyện, vừa làm nhiệm vụ cần kíp ở địa phương như dẹp trộm cướp, đào kênh, đắp đê…vừa sẵn sàng theo lệnh “điều binh” của triều đình. Nội dung huấn luyện toàn diện cả về quân sự và chính trị: vừa tập dượt kỹ thuật giáo mác, cung tên, chiến thuật “nằm, đứng, tiến, lui” vừa “hun đúc những điều nhân nghĩa”. Số quân địa phương tập trung này, nhà nước chỉ cấp phát một phần ăn mặc, còn chủ yếu phải tự túc. Quân các lộ thường rất đông, hàng chục vạn, nhưng luân phiên tập trung cũng chỉ vài ba vạn.
Hương binh (ở đồng bằng), Thổ binh (ở miền núi) là dân binh của các làng, bản. Lúc thường thì canh phòng trộm cướp, khi có chiến tranh thì đánh địch ở địa phương theo lệnh triều đình. Cũng có khi được huy động phối hợp cùng quân đội trong các chiến dịch lớn.
Trên sông Bạch Đằng năm 1288, chiến thuật chôn cọc gỗ kinh điển mà Ngô Quyền sử dụng 350 năm trước lại được Trần Hưng Đạo Trần Quốc Tuấn tái hiện. Trong trận thủy chiến được đánh giá là lớn nhất lịch sử dân tộc này, quân Đại Việt đã đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Nguyên Mông – đội quân thiện chiến nhất thế giới thời đó. |
Ngoài ra, còn có quân vương hầu là lực lượng vũ trang ở các điền trang, thái ấp do vương hầu tổ chức để bảo vệ lãnh địa của mình. Khi có chiến tranh lực lượng này được tuyển mộ thêm, có thái ấp đến hàng ngàn người và đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của triều đình, có thể được điều động tác chiến ở nơi khác.
Như vậy số quân thường trực thời bình, cả quân triều đình và quân địa phương ở các triều đại này chỉ khoảng dưới mười vạn, nhà nước cũng chỉ phải nuôi dưỡng hoàn toàn vài vạn. Số quân dự bị rất đông, được tổ chức biên chế và huấn luyện thành thục sẵn, khi có chiến tranh chỉ cần động viên và trang bị thêm là có ngay lập tức mấy chục vạn quân chiến đấu.
Quốc sách “ngụ binh ư nông” vừa đảm bảo sức lao động nông nghiệp, giảm thiểu chi phí quốc phòng thời bình mà vẫn đáp ứng được quân số sẵn sàng chiến đấu với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo tốt khi có tình huống chiến tranh. Đây là chính sách kết hợp kinh tế với quốc phòng sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh một nước nhỏ, dân ít, kinh tế nông nghiệp, tiềm lực quốc phòng thường trực có hạn phải chống lại những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Chính sách này vừa hợp lòng dân, kinh tế có điều kiện phát triển, tiềm lực quốc phòng dự bị được củng cố lớn mạnh, vừa là cơ sở kinh tế, quốc phòng vững chắc, sẵn sàng cho phát động cuộc chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc chống quân xâm lược.
Nhà sử học Phan Huy Chú đã có nhận xét xác đáng rằng: “Thời Trần, “phục binh ở nơi thuận tiện”, “lúc vô sự thì cho về làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi tên ra hết”, cho nên “binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù”, “thế là thời Trần ai cũng là binh nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh”.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần hai, vua Trần đã triệu tập đại diện các bô lão các địa phương về dự Hội nghị Diên Hồng. Vua Trần nói rõ tình hình địch ta và hỏi nên đánh hay nên hòa. Các bô lão cùng một lời hô “Đánh”.
Việc triệu tập Hội nghị Diên Hồng chứng tỏ, trước nạn ngoại xâm triều Trần đã biết tìm đến sức mạnh của nhân dân. Các bô lão là đại biểu uy tín của toàn dân, đã đem về Hội nghị tiếng nói quyết chiến và sự ủng hộ của toàn dân đối với chủ trương kháng chiến của triều đình. Cũng từ Hội nghị các bô lão đã đem chủ trương kháng chiến về truyền đạt lại cho nhân dân ở các làng xã, từ đó động viên toàn dân tham gia kháng chiến.
Thực tế trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, nhân dân ta đã đánh địch bằng đủ mọi cách đánh của mình. Các trai tráng gia nhập quân đội làm cho quân số tăng lên nhanh chóng. Thời bình, quân đội thường trực nhà Trần chưa đầy 10 vạn nhưng khi có chiến tranh đã huy động thêm được 40 vạn và hơn 100 vạn dân binh.
Những người không tham gia quân ngũ ở nhà thì phối hợp với cùng quân đội đánh địch. Có nhiều làng xã tự tổ chức bố phòng như một cứ điểm, kẻ địch không sao vào được. Những việc nắm tình hình địch, chuẩn bị trận địa, nghi binh… quân đội đều phải dựa vào dân. Nơi nào địch quá mạnh, các địa phương không chống cự nổi thì đều theo lệnh triều đình trốn đi và làm kế “vườn không nhà trống”.
Như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” |
Nhân dân miền núi phối hợp với quân triều đình, đánh chặn địch ngay từ biên giới. Khi quân triều đình rút về xuôi, dân binh miền núi vẫn tiếp tục đánh du kích tiêu hao, quấy nhiễu, cắt đứt đường vận chuyển lương thực… khiến cho vùng địch chiếm luôn không yên. Khi chúng rút chạy, nhân dân lại phối hợp với quân đội chặn đường, đuổi đánh, tiêu hao, tiêu diệt địch.
Trần Quốc Tuấn đã có những tổng kết quý giá về sức mạnh của nhân dân và sự cần thiết phải huy động sức mạnh to lớn ấy để giữ nước. Ông đã can vua Trần khi vua có ý định tu sửa lại kinh thành ngay sau kháng chiến thắng lợi: “Việc tu sửa lại thành trì không cần kíp lắm, việc cần kíp của triều đình phải ngay làm ngay không thể chậm trễ là việc úy lạo nhân dân. Người xưa có câu “chung chí thành thành”, nghĩa là ý chí của nhân dân là bức tường thành kiên cố, đó mới là cái thành cần sửa chữa ngay, xin nhà vua xét kỹ”[3].
Năm 1300, Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi: “Nếu giặc phương Bắc lại sang thì làm thế nào để giữ được nước?”. Quốc Tuấn trả lời: “Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất nước phương Nam mới mạnh mà phương Bắc mới mỏi mệt suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được được giặc Tống, đó là một thời… Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà giúp sức nên giặc phải bị bắt”. Nếu quân giặc sang xâm lược thì phải “xem xét quyền biến, như người đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế… Nới sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hơn”[4].
Qua lịch sử chống ngoại xâm ở nước ta, có thể thấy một điều hiếm có là những cuộc chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm đã xuất hiện ngay từ thời phong kiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Điều mong ước của Ăngghen về khởi nghĩa toàn dân, về vũ trang quần chúng ở châu Âu vào thế kỷ XIX, điều đó đã diễn ra tương đối phổ biến ở nước ta hàng chục thế kỷ trước đây, ngay trong thời đại phong kiến”[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân trong thế kỷ XX, đã viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[6]. Người cũng đã tổng kết rằng yếu tố đoàn kết và tinh thần yêu nước là hai yếu tố chủ chốt để giữ nước: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, dân chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta đã cách mạnh thành công, giành được độc lập”[7].
Như vậy, trong lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã chọn phương thức toàn dân, toàn diện đánh giặc làm phương thức giữ nước chủ yếu, nhờ đó đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Lịch sử đã vậy, ngày nay vẫn thế. Dân tộc ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài lấy sức mạnh toàn dân để giữ nước. Do đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân vẫn là phương thức giữ nước duy nhất đúng đắn của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay. Lấy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, “trăm họ là lính”, “cử quốc nghênh địch”, đánh thắng sức mạnh bạo tàn của quân xâm lược. Giữ gìn dân tộc Việt Nam mãi trường tồn giữa giông bão của lịch sử.
Nhất là hiện nay, khi Trung Quốc đã và đang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, nhằm độc chiếm biển Đông. Càng đòi hỏi toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết thống nhất, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc cho cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ nhằm giữ vững chủ quyền đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông ta đã bỏ bao công sức và cả máu xương để khai phá và giữ gìn. Như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”[8].
Tài liệu tham khảo:
[1], [4] Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr80.
[2] Hoàng Đạo Thúy: Sát Thát, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1958, tr.55.
[3] Theo Phạm Ngọc Phụng: Tổ tiên ta đánh giặc, Tư liệu Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.
[5] Võ Nguyên Giáp: “Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng quân đội nhân dân”, Tạp chí Quân đội nhân dân, 01-1972, tr.5.
[6], [7], [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5- tr.479; tập 6- tr.281; tập 4- tr.77.