Trang điện tử của Đài phát thanh nhân dân Trung ương Trung Quốc ngày 17 tháng 8 có bài viết bình luận về quan hệ Việt-Mỹ. Bài viết cho rằng, từ năm 1955 đến năm 1975, chiến tranh Việt Nam 20 năm đã gây ra đau thương mãi mãi cho nhân dân hai nước Mỹ-Việt. Sau chiến tranh, hai nước Mỹ-Việt đã bắt đầu cuộc đối đầu dài 20 năm, mãi đến năm 1995, hai nước mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 14 tháng 8 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ |
Nhưng, là hai nước có “hận thù quốc gia” dài hơn nửa thế kỷ, quan hệ Mỹ-Việt mười mấy năm sau đó đã có sự thay đổi hoàn toàn, triệt để. Vào ngày 13 tháng 8 năm 2014, sau 43 năm, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey đến thăm Việt Nam, trở thành quan chức quân sự cao nhất Mỹ lần đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến tranh Việt Nam.
Trong khi đó, trải qua 30 năm sau, Mỹ cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận một phần vũ khí đối với Việt Nam. Có phân tích cho rằng, quan hệ Mỹ-Việt lúc này “ấm lên” đáng để suy nghĩ sâu sắc.
Báo Trung Quốc dẫn lời Dư Hạo, nhà quan sát Mỹ của Trung Quốc lý giải về lý do Mỹ có ý định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam vào lúc này.
Theo Dư Hạo, các phương tiện truyền thông Mỹ phần lớn đặt vấn đề này trong bối cảnh lớn Mỹ thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” và quan hệ Việt-Trung căng thẳng do “tranh chấp chủ quyền Biển Đông” để quan sát.
Dư Hạo cho rằng, tại Việt Nam, Đại tướng Martin Dempsey cũng nhấn mạnh, Mỹ hoàn toàn không để Việt Nam phải tiến hành lựa chọn giữa hai “nước lớn” Mỹ và Trung Quốc. Những năm gần đây, Mỹ và Việt Nam – hai nước đều đề phòng với Trung Quốc này – tăng cường quan hệ hợp tác quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ lần lượt thăm Việt Nam, thậm chí thảo luận khả năng tàu chiến Mỹ đậu ở vịnh Cam Ranh.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chào đón Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey |
Chuyến thăm Việt Nam lần này của tướng Martin Dempsey tiết lộ, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, có thể gọi là “tiếp dầu, bơm hơi” cho hợp tác quân sự Mỹ-Việt, cuối cùng có thể thành công hay không còn tùy thuộc vào việc Quốc hội Mỹ có phê chuẩn hay không.
Nhưng, từ đầu năm 2014 đến nay, các nghị sĩ Mỹ thường xuyên đến thăm Việt Nam, như Thượng nghị sĩ quan trọng John McCain vừa đến thăm Việt Nam mấy ngày trước, đồng thời tuyên bố sẽ vận động dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, nhanh nhất có thể thực hiện một phần vào tháng 9 tới.
Mặc dù Mỹ-Việt thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, nhưng trao đổi quân sự song phương vẫn chỉ sơ sơ, song, nói đến hợp tác kinh tế song phương thì hầu như là “nở hoa” toàn diện, đã có sự phát triển kiểu nhảy vọt.
Năm 1994, 1 năm trước khi Mỹ-Việt thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố hủy bỏ chính sách cấm vận đối với kinh tế Việt Nam, thương mại song phương hai nước năm đó đã có sự tăng trưởng nhanh chóng.
Ngày 10 tháng 12 năm 2001, Hiệp định thương mại Mỹ-Việt có hiệu lực, từ đó, quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Việt phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đối với Mỹ là 16 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Thương hội Việt Nam và Mỹ dự đoán, kim ngạch thương mại Việt-Mỹ năm 2014 sẽ đạt 33,6 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với Mỹ đứng thứ ba trong các nước ASEAN, chỉ đứng sau Malaysia và Thái Lan.
Đại tướng Martin Dempsey và Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam |
Nhìn lại chiến tranh Việt Nam, chính là do cuộc chiến tranh này, ngay từ năm 1984, Mỹ đã tiến hành cấm vận vũ khí toàn diện đối với Việt Nam. Đối với vấn đề này, giáo sư Lý Lỵ, Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, năm 1984, Mỹ thông qua một bộ luật cấm sau này tiếp tục bán tất cả các hàng hóa có liên quan đến trang bị quân sự cho Việt Nam, bao gồm 2 cấp độ:
Một là Mỹ không cho phép cung cấp công nghệ cao quân sự cho Việt Nam, mà còn yêu cầu tất cả đồng minh châu Âu, tất cả các nước có quan hệ với Mỹ đều tham gia vào hàng ngũ không được phép cung cấp cho Việt Nam như: một số công nghệ vật liệu quan trọng mới, một số công nghệ thông tin, một số thiết bị điện tử, một số công nghệ gia công của máy tiện tinh vi/chính xác.
Hai là, không cho phép cung cấp các trang bị dùng cho chiến đấu của cả lục, hải, không quân, tiến hành hạn chế toàn diện - điều này được làm rất triệt để.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry |
Kế tiếp chuyến thăm Việt Nam của 2 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng đã đến Hà Nội, Quân đội Mỹ hầu như nổi lên làn sóng “Việt Nam hot”.
Có quan điểm cho rằng, sự can dự của Mỹ ở Biển Đông không còn là “tư thế”, mà là một loại “hành động thực tế”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa bước khỏi Việt Nam thì Đại tướng Mỹ Martin Dempsey bước theo sau vào Việt Nam. Như vậy, tại sao các quan chức cấp cao Mỹ lại lựa chọn thời điểm này để liên tục đến thăm Việt Nam, nhất là quan chức cấp cao Quân đội Mỹ?
Hứa Lợi Bình, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu văn hóa, Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam là một bộ phận quan trọng của quan hệ chặt chẽ Việt-Mỹ. Bởi vì, năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cũng đã thăm Mỹ (tháng 7/2013), đưa quan hệ Việt-Mỹ nâng cấp lên thành quan hệ đối tác toàn diện, đây là một điểm chuyển ngoặt rất quan trọng.
Trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, Mỹ và Indonesia cũng đã nâng cấp lên thành quan hệ đối tác toàn diện. Đây cũng là một quan hệ đối tác kiểu mới giữa Mỹ với các nước châu Á, tăng cường quan hệ về kinh tế với một số nước châu Á – đây cũng là một phần quan trọng của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương. Cho nên, chuyến thăm Việt Nam của tướng Martin Dempsey cũng là một phần của chiến lược này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (ảnh tư liệu) |
Điểm sáng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của tướng Martin Dempsey là hai nước tăng cường hợp tác quân sự, tập trung vào an ninh hàng hải. Có phân tích cho rằng, điều này sẽ gây sức ép cho Trung Quốc.
Đối với vấn đề này, học giả Hứa Lợi Bình cho rằng, đây là một đột phá của quan hệ Mỹ-Việt. Mỹ hy vọng dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam, mở rộng xuất khẩu vũ khí của Mỹ, trên thực tế cũng là do căng thẳng của kinh tế Mỹ. Đối với Việt Nam, do nguyên nhân lịch sử, vũ khí nhập khẩu từ trước đến nay của Việt Nam đều đến từ Nga, thị trường tương đối đơn nhất.
Theo Hứa Lợi Bình, nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí thì sẽ nâng cao khả năng quốc phòng cho Việt Nam, hai bên cần đến nhau. Hơn nữa, Mỹ tăng cường quan hệ với Việt Nam đương nhiên cũng có tính đến vấn đề Biển Đông. Hứa Lợi Bình - với tâm lý đặc trưng của giới học giả TQ còn đoán rằng, Mỹ cũng muốn coi Việt Nam là một “quân cờ” trong “tranh chấp Biển Đông” với Trung Quốc.
Nhưng, theo tuyên truyền của Hứa Lợi Bình, Mỹ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là có hạn. Bởi vì, một mặt, Việt Nam vẫn còn có rất nhiều hoài nghi đối với Mỹ; mặt khác, nội bộ Mỹ cũng hoàn toàn không phải rất yên tâm với Việt Nam, cho nên quan hệ này là hợp tác có hạn chế.
Tháng 6 năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Leon Panetta thăm Việt Nam |
Theo bài báo, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong quan hệ với “các siêu cường”, Việt Nam hầu như không chịu thiệt về chính trị và kinh tế. Bài báo đặt câu hỏi: quan hệ của Việt Nam với Mỹ tuân theo quan điểm nào và lựa chọn giá trị gì?
Hứa Lợi Bình cho rằng, Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, tăng cường hợp tác kinh tế, hai bên có nhu cầu lẫn nhau. Trên thực tế, một quan điểm ngoại giao của Việt Nam là muốn thực hiện một chiến lược cân bằng về đối ngoại, chiến lược tổng thể là muốn thiết lập quan hệ đối tác với tất cả các nước lớn.
Bộ Ngoại giao Việt Nam thực ra đã đề xuất phải tiến hành xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược” với cả 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhưng Việt Nam chỉ thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện” với Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam |
"Trên thực tế, Việt Nam muốn thông qua “chiến lược cân bằng nước lớn” này để làm nổi bật vai trò ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực này, và thực ra Việt Nam cũng không thể muốn bất cứ nước lớn nào đứng về phía mình. Đây cũng là một bộ phận quan trọng trong chiến lược cân bằng nước lớn của Việt Nam". - Hứa Lợi Bình bình luận.