Giới phân tích Trung Quốc: Rodrigo Duterte là một món quà "trời cho" Bắc Kinh

25/10/2016 09:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Chiến thắng có nghĩa là bạn có được một cái gì đó thông qua nỗ lực của riêng bạn. Chúng tôi không làm gì cả. Đó là một món quà.

The New York Times ngày 24/10 bình luận, sự sốt sắng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong việc chấp nhận đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông và việc ông tỏ lòng biết ơn Bắc Kinh về 24 tỉ USD các thỏa thuận thương mại trong chuyến thăm có thể để lại ấn tượng lớn.

Đó là Trung Quốc có thể đã bắt đầu cấu trúc lại chiến lược trong khu vực Đông Nam Á bằng cách kéo một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ về phía mình.

Món quà chứ không phải chiến thắng

Diêm Học Thông, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc bình luận:

"Trung Quốc đã cải thiện quan hệ với Rodrigo Duterte ngay lập tức, và thiết lập cách giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.

Nói chung vấn đề ở Biển Đông đã qua, và lúc này Hoa Kỳ không thể làm bất cứ điều gì hơn được nữa."

Giáo sư Diêm Học Thông, ảnh: alchetron.com.
Giáo sư Diêm Học Thông, ảnh: alchetron.com.

Nhà phân tích này ngạc nhiên trước sự may mắn của Bắc Kinh sau một thời gian dài căng thẳng dẫn đến Phán quyết Trọng tài 12/7 chống lại các yêu sách và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Đó là một món quà, không phải là một chiến thắng. Chiến thắng có nghĩa là bạn có được một cái gì đó thông qua nỗ lực của riêng bạn.

Chúng tôi không làm gì cả. Đó là một món quà." Ông Thông bình luận.

Ông Trương Bảo Huy, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Kỵ Nam, Hồng Kông nhận định:

"Tôi không nghĩ rằng trong thời điểm này Bắc Kinh muốn có một mối quan hệ đối tác thực sự gần gũi với ông ta (Rodrigo Duterte). Đặc biệt nếu đó lại là hợp tác như một mối quan hệ liên minh chống Mỹ."

Tuy nhiên chuyến thăm chính thức Trung Quốc của phái đoàn Philippines đã được xem như một thành công trên nhiều mặt trận.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn và đồng ý tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước.

Trung Quốc cũng nhận được món hời lớn: Philippines chấp nhận số lượng lớn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ giao cho các tập đoàn nhà nước Trung Quốc.

Một trong những giao dịch khiến Trung Nam Hải đặc biệt hài lòng, đó là Manila cam kết cho tập đoàn Nạo vét CCCC tham gia dự án mở rộng cảng quốc tế Cebu và hàng loạt cảng khác.

Ông Rodrigo Duterte và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ảnh: The New York Times.
Ông Rodrigo Duterte và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ảnh: The New York Times.

Trong đó tập đoàn Nạo vét CCCC chính là đơn vị được Trung Quốc điều động thực hiện việc bồi lấp các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) mà Philippines đã khởi kiện ra Hội đồng Trọng tài.

Trinh Nguyen, một nhà kinh tế chuyên về khu vực Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixits bình luận:

"Các thỏa thuận thương mại không nhất thiết sẽ chuyển thành đầu tư trực tiếp vào Philippines. Đó chỉ là biểu tượng cho thiện chí của chính phủ Trung Quốc."

Ví dụ tại Indonesia, Trung Quốc đã thắng thầu Nhật Bản để trở thành đơn vị xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc, nhưng dự án đã bị đình trệ và chưa mang lại kết quả.

Đàm phán song phương hay đa phương?

Mặc dù Rodrigo Duterte tỏ ra chống đối Hoa Kỳ, nhưng ông chủ Điện Manacanag tự kiềm chế không nói rằng sẽ ngăn Mỹ truy cập 5 căn cứ quân sự của Philippines.

Giới phân tích Trung Quốc: Rodrigo Duterte là một món quà "trời cho" Bắc Kinh ảnh 3

Ông Duterte mang được gì về cho Philippines từ Trung Quốc mới là điều quan trọng

(GDVN) - Hành xử như thế mới thực sự là khôn khéo, mới có thể tối đa hóa lợi ích cho quốc gia, dân tộc mình khi ông Duterte đảm nhiệm cương vị Tổng thống.

Giáo sư Trương Bảo Huy cho biết, ông Duterte đã khẳng định rằng cách tiếp cận song phương làm việc tốt hơn, điều này hỗ trợ rất lớn cho Trung Quốc.

Ông Huy cũng tin rằng chiến lược của Mỹ đang rất cần một "nạn nhân" của Trung Quốc để tập hợp các nước khác, nhưng Rodrigo Duterte đã rút Philippines khỏi cái bẫy đó.

Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii bình luận:

"Không có nghi ngờ gì về việc, sự thành công của Rodrigo Duterte với Trung Quốc đang đánh động các quốc gia Đông Nam Á khác, những nước vừa muốn tìm kiếm các lợi ích kinh tế hào phóng, vừa lo ngại tham vọng chiến lược của Trung Quốc.

Việt Nam hiện đang bị buộc phải suy nghĩ lại lập trường của mình nghiêng về phía Hoa Kỳ. Nhưng khả năng nhiều hơn là Việt Nam sẽ tìm cách thuyết phục Washington tăng cường cam kết của mình đối với khu vực.

"Trục" đối ngoại của ông Rodrigo Duterte gây nhầm lẫn, nhưng cũng xác nhận cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam đối với Trung Quốc, vừa kết hợp sự hợp tác - tôn trọng với đấu tranh, tránh phụ thuộc vào một cường quốc duy nhất."

Người viết cho rằng, trước khi ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền ở Philippines rất lâu, Việt Nam đã chứng minh sự đúng đắn của mình với chiến lược đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý, không theo nước này chống nước kia.

Còn vấn đề đàm phán song phương hay đa phương sau những tuyên bố của ông Rodrigo Duterte, Tiến sĩ Trần Công Trục đã có bài phân tích rất đáng tham khảo, mời bạn đọc quan tâm theo dõi TẠI ĐÂY.

Tài liệu tham khảo:

http://www.nytimes.com/2016/10/25/world/asia/rodrigo-duterte-philippines-china.html?_r=0

Hồng Thủy