LTS: Biển Đông sẽ diễn biến ra sao sau khi Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ra phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý của dư luận.
Phản ứng chính thức của các bên nhìn chung tương đối bình tĩnh và kiềm chế, tuy nhiên dư luận vẫn băn khoăn lo lắng có thể có diễn biến bất ngờ hoặc căng thẳng leo thang do một số thông tin từ các bên liên quan.
Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về vấn đề này, xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc.
Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc là chiến thắng của công lý, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, chiến thắng của hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Đằng sau sự vui mừng và chào đón nồng nhiệt của dư luận quốc tế về một phán quyết công bằng, khách quan, thượng tôn pháp luật, góp phần làm rõ nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông, thì đồng thời cũng có không ít những lo lắng, băn khoăn về diễn biến tiếp theo trên Biển Đông sau phán quyết.
Lo lắng băn khoăn ấy đến từ nhận định của một số học giả, nhà nghiên cứu quốc tế về khả năng phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết này, do họ vẫn tuyên bố "3 Không".
Đồng thời đến từ phát biểu của một số quan chức Trung Quốc như ông Vương Nghị - Ngoại trưởng, ông Lưu Chấn Dân - Thứ trưởng Ngoại giao hay ông Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.
Trung - Mỹ đã thỏa hiệp, Biển Đông trở lại bình thường?
Reuters ngày 13/7 cho biết, Hoa Kỳ đang sử dụng kênh "ngoại giao thầm lặng" để thuyết phục Philippines, Indonesia, Việt Nam và các quốc gia châu Á khác không có những bước đi "tích cực tận dụng phán quyết trọng tài để phủ nhận ngay các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông".
Một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên nói với Reuters: "Những gì chúng tôi mong muốn là mọi thứ lắng xuống để những vấn đề này có thể được giải quyết một cách hợp lý thay vì cảm xúc".
Mỹ đã gửi thông điệp này tới một số nước thông qua Đại sứ của mình, với một số nước khác thì Ngoại trưởng John Kerry hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hay các quan chức cấp cao khác trực tiếp liên lạc, trao đổi.
Washington phải nhanh chóng làm việc này sau khi Tiến sĩ Thái Anh Văn - nhà lãnh đạo Đài Loan điều chiến hạm đến Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) để tuần tra (trái phép), nhằm phản ứng với một nội dung phán quyết, rằng Ba Bình không có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo Điều 121, UNCLOS 1982.
Đồng thời Hoa Kỳ cũng đặc biệt chú ý tới Indonesia trước thông tin nước này muốn đưa hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna để khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiết lộ, trước khi phán quyết được công bố, Ash Carter đã gọi cho ông thông báo rằng, Trung Quốc đã cam kết với Hoa Kỳ họ sẽ phản ứng kiềm chế, Washington cũng đưa ra cam kết tương tự.
Ông chủ Lầu Năm Góc tìm kiếm một cam kết tương tự như vậy và đã nhận được điều đó từ ông Delfin Lorenzana.
Như vậy có thể thấy những phát biểu ngoại giao của Trung Quốc sau phán quyết trọng tài đã khá kiềm chế và có xu hướng âm thầm chấp nhận một phần nội dung phán quyết bằng việc không nhắc gì đến "đường lưỡi bò" trong Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông ngày 12/7.
Tôi cũng xin bổ sung thêm, trong tuyên bố về "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển trên Biển Đông" của chính phủ Trung Quốc mà tôi vừa dẫn, cũng không nhắc gì đến bãi cạn Scarborough mà lâu nay họ vẫn đòi chủ quyền với tên gọi "đảo Hoàng Nham".
Phải chăng đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự "thỏa hiệp" giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ?
Còn những phát biểu mang màu sắc "3 Không" của ông Vương Nghị, Lưu Chấn Dân hay Thôi Thiên Khải có thể thấy đã có sự phân tầng, tuần tự chứ không ồ ạt, đồng loạt trên khắp các "mặt trận" như trước khi có phán quyết.
Cá nhân tôi cho rằng, có thể xem đó như là một thái độ ứng xử "thích nghi" của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Phải chăng tình hình Biển Đông sau phán quyết trọng tài sẽ có xu hướng cơ bản ổn định hơn?
Các tranh chấp sẽ tiếp tục được xem xét, tìm cách giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cho dù trên thực địa vẫn chưa vắng bóng những tàu chiến đi về xuôi ngược, những dàn hỏa tiễn, những nhóm người mặc quần áo rằn ri lăm le súng đạn?
Tình hình nói trên liệu có cho phép cho chúng ta tin rằng dù sao thì chân lý và lẽ phải, công lý và luật pháp quốc tế có sức mạnh vô cùng, là phép màu hóa giải được mọi tranh chấp phức tạp?
Phải chăng mọi thủ đoạn chính trị và ngoại giao hô hào vận động chống lại luật pháp quốc tế đều không mang lại hiệu quả, thậm chí còn mang lại những tác dụng ngược?
Bởi vậy, chúng ta vui mừng vì công lý và lẽ phải chiến thắng, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 được bảo vệ thì hòa bình, ổn định ở Biển Đông được bảo vệ, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên lặp vết xe đổ - dùng cảm xúc, dùng các tuyên bố chính trị, ngoại giao để ứng xử với các vấn đề pháp lý như đã thấy trước phán quyết.
Đây là lý do tại sao G-7, EU, ASEAN và các thành viên chủ chốt không ra một tuyên bố công khai kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ hoàn toàn phán quyết.
Bởi cái gì đúng cái gì sai Hội đồng Trọng tài đã phán quyết rồi. Mọi tuyên bố chính trị, ngoại giao không thay đổi được gì, mà ngược lại có thể gây thêm mâu thuẫn, làm trầm trọng thêm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vì lợi ích hẹp hòi, vị kỷ của một nhóm thiểu số.
Điều quan trọng nhất bây giờ là làm sao phán quyết được thực thi một cách thực chất, nghiêm túc và phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của nó trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Phán quyết trọng tài là nền tảng cho một sự khởi đầu mới
Đó là nhận định của cá nhân tôi, và cũng được chia sẻ bởi ngài cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan trả lời phỏng vấn trên Nikkei Asian Review ngày 13/7.
Phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc nên được xem, và nó có thể được chấp nhận như một sự mở đầu, một phần của việc xem xét các vấn đề liên quan đến Biển Đông trong tương lai.
Cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, ảnh: Nikkei Asian Review. |
Ông Surin Pitsuwan tiết lộ, ASEAN đang xây dựng các chỉ tiêu với nhau và nhận ra rằng, hãy sử dụng phán quyết trọng tài như một trong những cơ sở để thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông trong tương lai.
Ngoại giao là một công việc luôn luôn đòi hỏi phải tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề nảy sinh liên tục và có vẻ rất khó khăn, nan giải do áp lực từ truyền thông, dư luận.
Cá nhân tôi cho rằng, việc đầu tiên ASEAN và Trung Quốc có thể làm để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông là bàn bạc về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Sở dĩ trước đây COC không đi đến đâu vì tranh cãi chủ yếu xung quanh phạm vi áp dụng nó. Tất nhiên Trung Quốc mong muốn và đòi hỏi áp dụng COC trong toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn. Và tất nhiên không một quốc gia nào ven Biển Đông chấp nhận điều phi lý này.
Bây giờ nhà nước Trung Quốc đã không còn nhắc đến yêu sách đường 9 đoạn nữa, mà chỉ có yêu sách với các thực thể là các đảo ở Biển Đông cùng với "quyền lịch sử với Biển Đông", pham vi bị nước này coi là tranh chấp đã thu hẹp hơn nhiều.
Phán quyết trọng tài cho các bên một căn cứ pháp lý rất quan trọng, củng cố niềm tin và sự hợp tác khi chính thức tuyên bố, "quyền lịch sử" vô hiệu khi các thành viên đặt bút ký phê chuẩn UNCLOS 1982, và Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với tài nguyên biển trong phạm vi đường 9 đoạn.
Sau bài viết "Sau phán quyết trọng tài, Trung Quốc đã âm thầm hủy đường 9 đoạn?" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/7 cũng có bạn đọc đặt câu hỏi với tôi rằng:
"Giả sử một nước X nào đó kiện Việt Nam về việc tuyên bố quyền lịch sử và quyền chủ quyền vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, nếu theo cách tiếp cận trong phán quyết vừa ban hành, thì liệu Tòa có ra phán quyết bác các quyền tương tự đối với Việt Nam như đã ra đối với Trung Quốc không?
Việt Nam phải làm gì, chuẩn bị gì để Tòa không thể ra phán quyết kiểu như vậy?"
Qua câu hỏi này có thể thấy dư luận đặc biệt quan tâm đến phán quyết trọng tài và những ảnh hưởng, tác động của nó đến Việt Nam. Điều này rất đáng hoan nghênh và chia sẻ.
Còn về nội dung câu hỏi, tôi xin trả lời ngay rằng:
Một là, Việt Nam không có tuyên bố nào về "quyền lịch sử", “chủ quyền lịch sử”. Đó là tuyên bố của Trung Quốc để biện minh cho “đường lưỡi bò” và quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cũng như một số thực thể khác trong Biển Đông.
Để không bị lạc vào “mê hồn trận chủ quyền lịch sử” theo bài binh bố trận của Trung Quốc, tôi xin nhăc lại rằng quan điểm pháp lý của Việt Nam về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là:
Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng.
Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực.
Căn cứ vào quy định của luật pháp quốc tế hiện hành, quan điểm “chủ quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử" hay “quyền lịch sử” hoàn toàn không phải là nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế.
Đó là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi, ôm ấp tham vọng phục hồi tham vọng bá chủ thiên hạ, muốn thế giới đảo lộn để “đục nước béo cò”.
Xin đừng nhầm lẫn đáng tiếc để có những suy nghĩ và hành động sai lầm, mất phương hướng đấu tranh.
Hai là, trong luật pháp quốc tế không có khái niệm chung chung, mơ hồ như "vùng biển Hoàng Sa" hay "vùng biển Trường Sa", hoặc nói như Trung Quốc là "vùng biển phụ cận".
Theo quy định của UNCLOS 1982 mà nước ta là một thành viên, các vùng biển của các nước ven biển, các quốc gia quần đảo có được sẽ bao gồm: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.
Việc xác định phạm vi của chúng phải theo các tiêu chuẩn đã được thể hiện rõ trong các điều khoản liên quan của UNCLOS 1982 mà trong đó, không hề có quy định nào “chứa chấp” khái niệm vu vơ cái gọi là “quyền lịch sử”.
Ngoài ra là biển cả, hay còn gọi là vùng biển quốc tế.
Giữa các nước liền kề hoặc đối diện nhau, nếu các vùng biển này được xác lập một cách hợp pháp theo UNCLOS 1982 có chồng lấn, thì sẽ đàm phán giải quyết vùng chồng lấn. Hai bên không đàm phán được thì đưa ra cơ quan tài phán.
Đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là nước có chủ quyền được xác lập hợp pháp theo hệ thống luật pháp và thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ chứ không phải UNCLOS 1982, trong đó chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý về thụ đắc lãnh thổ để chứng minh chủ quyền của mình với hai quần đảo này.
Còn hiệu lực của 2 các thực thể cấu thành 2 quần đảo trong việc tính toán xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng cũng phải tuân thủ đúng các quy định của UNCLOS 1982. Không thể tùy tiện giải thích, áp dụng các quy định của Công ước này như thế nào cũng được.
Phán quyết trọng tài về các thực thể ở Trường Sa và toàn bộ quần đảo cho chúng ta những tham chiếu, ví dụ và giải thích hết sức cặn kẽ, thuyết phục và hữu ích.
Bởi vậy, bạn đọc nào thực sự muốn quan tâm, tìm hiểu xem chúng ta nên đấu tranh với Trung Quốc để đòi lại chủ quyền Hoàng Sa như thế nào, đấu tranh bảo vệ ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa ra sao bằng con đường pháp lý, xin vui lòng đọc các bài phân tích của tôi đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như các báo khác thì có thể tìm được câu trả lời.
Trước hết cần phải xác định được bản chất tranh chấp là gì, sau đó là xác định nguyên tắc pháp lý quốc tế nào là cơ sở giải quyết tranh chấp đó, sau đó mới đến bằng chứng, thủ tục...
Trong khuôn khổ một bài viết, cá nhân tôi chỉ có thể mổ xẻ một lát cắt, một vấn đề mới có thể sáng rõ. Cũng như một vấn đề, một câu chuyện phải có mở đầu, diễn biến, kết thúc thì người đọc mới thấy được bản chất vấn đề, nội dung và thông điệp câu chuyện.
Sẽ rất khó hình dung nếu chỉ "cắt mỗi khúc giữa" ra để nói cho ngắn gọn.
Trong khi một câu hỏi đặt ra theo quán tính, ví dụ như nhiều người vẫn đặt câu hỏi tại sao Việt Nam chưa kiện Trung Quốc? Có nên kiện hay không?
Trả lời một câu hỏi thôi cũng cần phải mổ xẻ rất nhiều vấn đề mang tính tổng thể và xuyên xuốt, tính đến hiệu ứng và hiệu quả, tính khả thi như: Kiện nội dung gì? Căn cứ pháp lý nào? Tiến trình ra sao? Chuẩn bị những gì? Khả năng thắng đến đâu? Thắng rồi khả năng thực thi đến đâu?...
Nói như vậy để thấy rằng, một câu hỏi dư luận đặt ra tưởng chừng đơn giản, nhưng để trả lời nó không hề đơn giản, bởi sau đó là cả những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Vì thế, trước những vấn đề nóng bỏng liên quan đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc, chúng ta cần giữ một cái đầu lạnh để nghiên cứu và tìm hiểu thấu đáo mới có thể tìm ra bản chất vấn đề và con đường giải quyết.