Reuters ngày 20/6 đưa tin, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla khẳng định quyết tâm của Jakarta trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý quần đảo Natuna phía Nam Biển Đông sau một cuộc đụng độ giữa tàu hải quân nước này với tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép.
Phó Tổng thống Indonesia xác nhận với Reuters, Jakarta sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna.
Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, ảnh: Press TV. |
Hải quân Indonesia đã bắn cảnh báo một số tàu cá mang cờ Trung Quốc đang đánh bắt bất hợp pháp nhưng không làm ai bị thương. Đây là lần thứ 3 tàu cá Trung Quốc liều lĩnh xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Natuna.
"Đây không phải là một cuộc đụng độ, mà chúng tôi đang bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa này", ông Jusuf Kalla cho biết. Khi được hỏi liệu chính phủ Indonesia có quyết đoán hơn nếu vi phạm tái diễn, ông cho biết: "Vâng, chúng tôi sẽ tiếp tục".
"Chúng tôi đang tập trung vào các cơ sở pháp lý. Chúng tôi sẽ gửi thông điệp đến các bên liên quan tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Indonesia theo quy định của luật pháp quốc tế", Phó Tổng thống Indonesia khẳng định.
Còn theo South China Morning Post ngày 20/6, người phát ngôn Hải quân Indonesia Edi Sucipto xác nhận tàu chiến nước này đã bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc, bắt giữ một tàu và 7 ngư dân nước này đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Natuna, Indonesia hôm Thứ Sáu 17/6.
"Chúng tôi sẽ không ngần ngại để có những hành động quyết liệt chống lại các tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, bất kể đó là tàu nước nào", ông Sucipto nói.
Bộ trưởng Thủy sản và hàng hải Idonesia, bà Susi Pudjiastuti viết trên tài khoản mạng xã hội: "Chúng tôi không bắn ai mà không có lý do rõ ràng. Bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước chúng tôi là hợp pháp."
Đến nay Indonesia vẫn nhấn mạnh mình không phải một bên yêu sách chủ quyền ở khu vực tranh chấp (quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa - Việt Nam), nhưng những hành động ngày một leo thang từ phía Trung Quốc đã buộc Jakarta phải có hành động phản kháng cứng rắn.
Tòa Trọng tài Thường trực PCA chuẩn bị ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, trong đó quan trọng nhất và được chờ đợi nhất là PCA ra phán quyết hủy bỏ đường lưỡi bò.
Nếu PCA hủy bỏ đường lưỡi bò thì đây là thắng lợi không chỉ của Philippines, mà là thắng lợi chung của các nước ven Biển Đông bao gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Brunei, thắng lợi của UNCLOS và công lý quốc tế trước cường quyền.
Do đó người viết hy vọng Indonesia với tư cách là một nước lớn trong ASEAN và có tiếng nói, có ảnh hưởng với khu vực cần mạnh mẽ lên tiếng cùng khu vực chống lại yêu sách đường lưỡi bò bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, vừa là bảo vệ mình, vừa góp phần bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.