South China Morning Post ngày 19/6 đưa tin, 3 tháng trước một cuộc hội thảo đã được Trung Quốc tổ chức để thảo luận về khả năng chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) xung quanh vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các chuyên gia pháp lý và đối ngoại tham dự hội thảo rằng, chính phủ Trung Quốc mở cửa lắng nghe mọi ý kiến trái chiều. Và các học giả đã không lãng phí thời gian để phát biểu các ý kiến bất đồng với chính phủ Trung Quốc về vụ kiện.
Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA lựa chọn để xét xử vụ kiện của Philippines, ảnh: PCA. |
"Tôi biết đó là ngõ cụt nếu mong muốn giành chiến thắng trong trường hợp thông qua giải pháp pháp lý, bởi vì (Trung Quốc) có rất ít không gian để cơ động khi chính phủ đã bác bỏ vai trò, thẩm quyền của PCA trong vụ kiện này.
Là một người nghiên cứu pháp lý, tất cả những gì tôi có thể nói là, nếu quý vị từ chối xuất hiện trước Tòa, quý vị sẽ có rất ít cơ hội để chiến thắng", một học giả giấu tên vì sợ hậu quả nói với South China Morning Post.
Đây là lần cuối cùng ông được mời tham gia một cuộc hội thảo như vậy. "Tôi phải chấp nhận việc làm mất lòng những người đang cam tâm đi theo chính sách đối ngoại từ các nhà lãnh đạo hàng đầu", học giả này nói.
Ngay sau buổi hội thảo này, Bắc Kinh đã phát động một cuộc tấn công ngoại giao chưa từng có nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ dư luận quốc tế để tẩy chay phán quyết của PCA.
Trong 3 tháng qua, hàng chục nhà ngoại giao đương chức hoặc nghỉ hưu của Trung Quốc trên thế giới đã được huy động viết báo, trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế và nhà nước Trung Quốc về việc tẩy chay phán quyết của PCA.
Bắc Kinh tuyên bố có khoảng 60 nước ủng hộ lập trường của họ, nhưng một số quốc gia đã công khai tố cáo Trung Quốc bịa đặt quan điểm của họ như Slovenia và Fiji. Cho đến nay mới chỉ có 8 nước công khai ủng hộ Trung Quốc chống lại phán quyết của PCA, hầu hết là những nước nghèo châu Phi, Trung Á (đang cần tiền Trung Quốc).
Trong cuộc hội thảo 3 tháng trước, đối mặt với rất nhiều ý kiến lên án Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện sau khi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao cam kết lắng nghe, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng đàn mắng các học giả này là "ngu dốt" chỉ vì họ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa.
Cựu Đại sứ Trung Quốc "ôn hòa" về Biển Đông bất ngờ tử vong vì bị xe tông |
Giáo sư Ling Bing, một chuyên gia về luật quốc tế thuộc Đại học Sydney cho biết việc này: "Từ góc độ pháp lý, phán quyết sẽ là một thay đổi cuộc chơi. Tại hội thảo (Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc) đã lặp đi lặp lại những lời nói chói tai như "ngu dốt", "bầy đàn".
Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc thuyết phục được cộng đồng quốc tế về trường hợp của mình, mà chỉ củng cố thêm ấn tượng chung, Trung Quốc là một kẻ thất bại đau đớn".
Mặc dù phán quyết của PCA khó có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng, hình ảnh và uy tín quốc tế của Bắc Kinh đang bị đe dọa. Tham vọng của họ trên Biển Đông sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.
Một số nhà phân tích dẫn nguồn tin ngoại giao cấp cao nói rằng, Bắc Kinh thừa nhận không thể ra tòa vì sợ làm tăng những tiếng nói phản đối từ "tình cảm dân tộc (cực đoan) trong nước".
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc "tâm sự riêng" rằng, Bắc Kinh đã nghĩ đến việc thuê đội ngũ luật sư hàng đầu để chống lại vụ kiện của Philippines, nhưng những luật sự giỏi nhất về luật quốc tế, UNCLOS đã bị Manila thuê mất.
Đã có nhiều cuộc thảo luận nóng trong giới chuyên gia pháp lý và quan hệ quốc tế Trung Quốc kể từ khi Philippines khởi kiện năm 2013. Nhiều người đặt câu hỏi về cách thức xử lý vụ việc của Trung Nam Hải, họ than phiền rằng chính trị đã được coi trọng hơn khía cạnh pháp lý quốc tế. Lẽ ra Trung Quốc không nên đứng ngoài vụ kiện để tránh một thất bại đáng xấu hổ.
Giáo sư Bàng Trung Anh từ Đại học Nhân Dân bày tỏ lo ngại "tác dụng phụ" của các hoạt động ngoại giao mà Bắc Kinh đang vận động tẩy chay phán quyết của PCA trên toàn cầu.
Ông và một số nhà phân tích khác cũng đặt câu hỏi về chi phí cũng như hiệu quả của một chiến dịch ngoại giao "cứu hộ trong tuyệt vọng" như vậy, trong khi đối thủ lại là một quốc gia nhỏ và kém phát triển hơn Trung Quốc rất nhiều.
Các chuyên gia pháp lý cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc từ bỏ lập trường bị dư luận lên án vì sự mơ hồ chiến lược trong yêu sách đường lưỡi bò. Xu Xiaobing, một Giáo sư Luật tại Đại học Giao thông Thượng Hải đề nghị Bắc Kinh nên công bố những bằng chứng về cái gọi là đường 9 đoạn càng sớm càng tốt.
Xu Xiaobing tin rằng, bằng cách chuẩn bị trình bày một yêu sách mạch lạc và thuyết phục ở Biển Đông có thể sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế, Trung Quốc có thể "đẩy lùi các thách thức pháp lý từ Philippines và Việt Nam".
Người viết cho rằng, phát biểu của Giáo sư Xu Xiaobing cho thấy học giả này vẫn tin là đường lưỡi bò có cơ hội, chỉ có điều không hiểu sao chính phủ Trung Quốc không dám trưng ra bằng chứng. Đây chính là bi kịch điển hình của các nhà khoa học Trung Quốc bị nhồi nhét sự tự tin phi lý vào yêu sách đường lưỡi bò từ cấp mầm non đến đại học và sau đại học.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc phàn nàn rằng, việc ra quyết định của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông từ lâu đã bị cản trở bởi việc thiếu không gian tự do tranh luận học thuật và tư duy độc lập. Chúng bị bóp nghẹt bởi chính trị. Biển Đông là ví dụ điển hình, quan điểm bất đồng của họ rất ít khi được truyền thông nhà nước phản ánh.
Giáo sư Xu Xiaobing cho biết: "Chính phủ nên ngừng coi các học giả như nô bộc và tập trung xung quanh mình những người chỉ biết gật đầu. Thiếu những tiếng nói đa dạng và bất đồng chỉ có thể dẫn đến những quyết sách sai lầm."