The Cambodia Daily ngày 20/6 dẫn nguồn tin hãng thông tấn Mỹ AP cho hay, Campuchia đã giúp Trung Quốc "đánh úp" một tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông trong Hội nghị Đặc biệt các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam.
Theo AP, ASEAN đã ra một tuyên bố chung vào cuối cuộc họp Thứ Ba tuần trước, các Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á đã bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng về những diễn biến gần đây và những gì đang diễn ra trên Biển Đông".
Tuy nhiên tuyên bố chung này đã nhanh chóng bị thu hồi sau đó với lý do cần "sửa đổi", song bản "sửa đổi" này đã không được công bố tính cho đến nay.
AP dẫn lời một nhà ngoại giao Philippines giấu tên nói rằng Myanmar, Campuchia và Lào đã ủng hộ việc rút tuyên bố chung này để tránh mất lòng Trung Quốc.
Ngoại trưởng 10 nước ASEAN và Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam, ảnh: The Cambodia Daily. |
Kyodo News cũng dẫn nguồn tin các nhà ngoại giao giấu tên nói rằng, Campuchia và Lào phản đối việc ra tuyên bố chung này. The Cambodia Daily đã liên hệ với Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn và người phát ngôn của bộ, Chum Sounry để xác minh nhưng vẫn chưa tiếp cận được.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết, ông không nắm được liệu Campuchia có tham gia vào việc thu hồi tuyên bố chung của ASEAN hay không.
The Cambodia Daily nhắc lại, năm 2012 khi Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đã cản trở các nỗ lực đưa căng thẳng Biển Đông vào tuyên bố chung khiến Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần đầu tiên không thể ra tuyên bố chung.
Theo The Cambodia Daily, sự thất bại này phần lớn được cho là Campuchia muốn tránh làm mất lòng Trung Quốc, nhà đầu tư và viện trợ lớn nhất của đất nước chùa tháp.
Thứ Sáu tuần qua, Bộ Ngoại giao Campuchia đã ra bản tuyên bố riêng của mình về Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh. Tuyên bố của Campuchia bỏ nội dung "lo ngại nghiêm trọng của Ngoại trưởng các nước ASEAN về những diễn biến gần đây và những gì đang diễn ra trên Biển Đông".
Ngoại trưởng Prak Sokhonn nhắc lại lập trường của Campuchia trong tuyên bố này rằng: "Các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán phải được giải quyết giữa các bên liên quan trực tiếp mà không được đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng vũ lực, phù hợp với các quy định của Công pháp quốc tế được thừa nhận, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)."
Theo đánh giá của The Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 17/6, phản ứng này của Campuchia cũng tương tự như Liên bang Nga, có thể hiểu là một cách bày tỏ thái độ nước đôi hiểu cách nào cũng được.
Campuchia và Nga nói rằng "tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền" cần giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp, còn nội dung vụ kiện Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) lại liên quan đến việc áp dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS chứ không phải tranh chấp "chủ quyền / lãnh thổ".
Tất nhiên Bắc Kinh sẽ lý luận rằng, Moscow và Phnom Penh đang ủng hộ lập trường của họ. Nhưng xét trên lời văn, điều đó chưa chắc đã đồng nghĩa với việc hai quốc gia này "tẩy chay" phán quyết của PCA tới đây, vì hai bên nói về hai vấn đề khác nhau, theo kiểu "ông nói gà, bà nói vịt".
Sự ủng hộ của 2 nước này đối với Bắc Kinh, có chăng chính là đánh đồng các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông, mà cụ thể là tranh chấp vận dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS với "tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền" và gọi chúng là "tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền" để lái dư luận theo định hướng có lợi cho Trung Quốc.
Tuy nhiên điều này rất khó xảy ra, bởi cho đến nay mới chỉ có 8 nước công khai ủng hộ Trung Quốc "tẩy chay" phán quyết của PCA, và hầu hết đều là các nước nghèo ở châu Phi, Trung Á.
Chỉ có điều, nếu đúng như The Cambodia Daily trích dẫn lời Ngoại trưởng nước này, thì bây giờ Campuchia thêm cả "tranh chấp quyền tài phán" vào cái gọi là "đàm phán song phương". Tuy nhiên việc này cần có thời gian tiếp tục làm rõ.
Do đó người viết cho rằng, cũng khó có thể đòi hỏi hơn được từ Campuchia, Nga, Myanmar, Lào hay một số quốc gia "im lặng" trong ASEAN, bởi nước nào cũng phải cân đong đo đếm lợi ích quốc gia của mình trong chuyện này, được gì và mất gì.
Phản ứng của Ngoại trưởng Singapore đại diện cho ASEAN chủ trì họp báo chung cùng ông Vương Nghị, đã quyết định bỏ họp báo ra về thiết nghĩ đã là một phản ứng rất cứng rắn, đầy ý nghĩa, mang theo nhiều thông điệp đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, với vai trò là chủ thể các quan hệ quốc tế trong khu vực Đông Nam Á, ASEAN không thể không lên tiếng về phán quyết của PCA. Nếu Bắc Kinh coi việc thông qua một số nước để ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chung một lần nữa về phán quyết của Tòa là thành công của mình, thì trên bình diện quốc tế Trung Quốc đang phá nát tổ chức ASEAN.
Bởi lẽ hòa bình, ổn định, trật tự và luật pháp quốc tế ở Biển Đông là tài sản chung của khu vực và thế giới chứ không phải của riêng các quốc gia nào, đặc biệt là 4 nước có yêu sách.
Do đó mẫu số chung nhỏ nhất ASEAN cần giữ khi phản ứng với phán quyết của PCA, người viết thiết nghĩ chí ít cũng phải giữ được các nội dung đồng thuận trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua và được nhắc lại trong bản tuyên bố chung bị rút lại.
Nếu một lần nữa ASEAN vẫn bị chia rẽ vì Trung Quốc trong một thời điểm vô cùng quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với UNCLOS, hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thì trương tương lai những nguy cơ chia rẽ và đổ vỡ là điều khó có thể tránh khỏi, bởi Trung Quốc sẽ còn tiếp tục leo thang, hung hăng hơn trên thực địa.
Sẽ chẳng có nước nào được lợi khi ASEAN tan đàn xẻ nghé, ngay cả Trung Quốc. Bởi lẽ điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể nuốt trọn Biển Đông một cách dễ dàng, trong khi cái mất của Bắc Kinh về uy tín, danh dự và lòng tin ngày một lớn và không thể bù đắp bằng tiền.