Kéo HQ-9 ra Hoàng Sa, Trung Quốc đang lấy cường quyền làm công lý

23/02/2016 06:31
Đông Bình
(GDVN) - Barack Obama cho hay: "Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng thủ đoạn 'cường quyền là công lý' kiểu cũ, chứ không phải là thông qua luật pháp quốc tế.

Defense News ngày 19/2 bình luận, Trung Quốc nếu tiếp tục mở rộng mức độ triển khai vũ khí tiên tiến ở Biển Đông, sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn đối với Quân đội Mỹ.

Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp bắn thử tên lửa phòng không HQ-9 ở Biển Đông (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp bắn thử tên lửa phòng không HQ-9 ở Biển Đông (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)

Khi đệ trình dự thảo ngân sách năm tài khóa 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã nhấn mạnh, Trung Quốc là một trong những "đối thủ quan trọng nhất", đồng thời cho rằng, Quân đội Mỹ đang tập trung các nguồn lực để đối phó với sức mạnh quân sự không ngừng phát triển của Trung Quốc.

Hai tuần sau, Trung Quốc đã triển khai (bất hợp pháp) hệ thống phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), hành động này là một trong những động thái mới nhất trong một loạt động thái duy trì ưu thế khu vực của Trung Quốc.

Ben FitzGerald đến từ Trung tâm An ninh mới ở Hoa Kỳ cho rằng, việc triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 sẽ không ngăn cản được sức mạnh của Mỹ ở khu vực này. Nhưng ông cho biết thêm, triển khai HQ-9 đã xác nhận sự lo ngại của Quân đội Mỹ liên quan đến hành động này của Trung Quốc sẽ lặp lại ở toàn bộ khu vực.

Điều này sẽ tạo ra thách thức to lớn cho Quân đội Mỹ, đồng thời cũng cho thấy Quân đội Mỹ quan tâm tới chiến lược "chống can dự/chống tiếp cận" (A2/AD) là hoàn toàn chính xác.

Trung Quốc tiến hành bắn thử tên lửa phòng không HQ-9 bất hợp pháp ở Biển Đông (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
Trung Quốc tiến hành bắn thử tên lửa phòng không HQ-9 bất hợp pháp ở Biển Đông (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)

Trong năm tài khóa 2017, Quân đội Mỹ yêu cầu cấp khoảng 3 tỷ USD nghiên cứu công nghệ chống can dự/chống tiếp cận, đồng thời coi trọng các vũ khí đạn dược hiện có như tên lửa Tomahawk, và tăng thêm chức năng mới cho nó.

Trong xung đột Trung-Mỹ, công nghệ tương tự sẽ là then chốt để đánh bại HQ-9. Quân đội Mỹ cần đến loại vũ khí được bắn ở ngoài 200 km (tầm bắn tối đa của tên lửa HQ-9) hoặc dựa vào các máy bay chiến đấu tàng hình như F-35 để chọc thủng lá chắn phòng không của Trung Quốc.

Mặc dù tầm bắn của tên lửa HQ-9 hoàn toàn không ảnh hưởng tới thực lực của Quân đội Mỹ, nhưng việc Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) hệ thống này cùng radar "tiên tiến" của nó đã tiếp tục xác nhận quan điểm của Quân đội Mỹ liên quan đến đối thủ cạnh tranh phát triển vũ khí chính xác.

Cựu Phó Tư lệnh Hải quân Mỹ Robert Martinage cho rằng, triển khai HQ-9 hoàn toàn mang thông điệp báo hiệu điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng mức độ triển khai vũ khí tiên tiến sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến Quân đội Mỹ và đồng minh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trong thời bình, Trung Quốc có thể sử dụng radar để theo dõi máy bay Mỹ, đã làm gia tăng tính nguy hiểm của các sự cố. Khi nổ ra xung đột, các tàu chiến và máy bay ở lân cận sẽ bị đe dọa trực tiếp.

Sau khi thông tin Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ở quần đảo Hoàng Sa, báo chí Mỹ và phương Tây đã đồng loạt quan tâm đặc biệt. Mỹ lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông.

Báo chí Singapore ngày 20/2 dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay: "Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng thủ đoạn 'cường quyền là công lý' kiểu cũ, chứ không phải là thông qua luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quốc tế để xác lập quyền sở hữu và giải quyết tranh chấp".

Ông Obama cho hay, Mỹ sẽ tiếp tục xem xét thiện chí cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Giữa các nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông "vẫn tồn tại khả năng xung đột rất lớn".

Mặc dù báo chí Mỹ cho rằng, hệ thống tên lửa HQ-9 hoàn toàn không phải là "kẻ làm thay đổi trò chơi", nhưng nội bộ Mỹ có quan điểm lo ngại đối với tiềm lực to lớn của Trung Quốc.

Đông Bình