Trang mạng QQ Trung Quốc ngày 18/2 đưa tin, báo chí Mỹ gần đây rộ lên thông tin Trung Quốc đã triển khai (bất hợp pháp) tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở Hoàng Sa.
Cụm tấn công tàu sân bay Hải quân Mỹ |
Bài báo cho hay, sau khi bước vào thế kỷ 21, đảo Hải Nam - một tỉnh cực nam của Trung Quốc có vị trí ngày càng quan trọng trong chiến lược quốc phòng của nước này.
Đáng chú ý là, các căn cứ tàu sân bay, căn cứ tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa đạn đạo của Hải quân Trung Quốc đều bố trí ở đây. Tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa chiến lược Type 094 đã triển khai ở đó và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể còn bố trí tàu sân bay ở đây, vì vậy tăng cường hệ thống phòng không ở đảo Hải Nam sẽ đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự của Hải quân Trung Quốc tại đảo Hải Nam.
Hiện nay, ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất, máy bay trên tàu sân bay của đối phương (Mỹ) đã có thể cất cánh tiến hành tấn công đối với các căn cứ của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, trong khi đó tàu ngầm hạt nhân có thể bắn tên lửa hành trình Tomahawk từ khu vực xa hơn để tiến hành tấn công.
Những khả năng tấn công tiềm tàng này của đối phương đã tạo ra sức ép tương đối lớn đối với Quân đội Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 phóng tên lửa Kh-31A |
Những năm gần đây, các quốc gia và khu vực xung quanh Biển Đông cũng đã trang bị máy bay chiến đấu tầm xa, máy bay tiếp dầu trên không, chúng đã có thể tiến hành tập kích tầm xa đối với các căn cứ ở đảo Hải Nam.
Ví dụ, máy bay chiến đấu Su-30MK2 (Việt Nam) đã đưa đảo Hải Nam vào phạm vi tấn công, trong khi đó, dưới sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu trên không KC-46A, các máy bay tấn công như F-2 (Nhật Bản) cũng có thể tập kích các căn cứ của Hải quân Trung Quốc ở đảo Hải Nam.
Trong tình hình này QQ cho rằng, Hải quân Trung Quốc tăng cường năng lực phòng không ở đảo Hải Nam đã trở nên vô cùng cấp bách, giống như lửa bén lông mày.
Theo báo chí quốc tế, sau khi bước vào thế kỷ 21, Hải quân Trung Quốc đã tăng cường triển khai phòng không ở Biển Đông, lực lượng đường không của Hải quân Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã được biên chế máy bay chiến đấu J-11BH, thay thế cho máy bay chiến đấu J-8D cũ.
Máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản |
Để phối hợp với máy bay J-11BH, Hải quân Trung Quốc còn bố trí máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-200, máy bay cảnh báo sớm trên không Y-8J ở đảo Hải Nam.
Những máy bay này cùng với J-11BH đã tạo ra một hệ thống tác chiến thống nhất, cải thiện rất lớn năng lực tác chiến phòng không tổng thể của Hải quân Trung Quốc trên phương hướng Biển Đông.
Nó giúp cho Hải quân Trung Quốc tăng mạnh năng kiểm soát trên không ở đảo Hải Nam, đặc biệt là năng lực kiểm soát trên không ở tầm thấp.
Ngoài ra, do đa số các nước và khu vực ở xung quanh Biển Đông còn chưa trang bị máy bay cảnh báo sớm, cho nên, lực lượng đường không Hải quân Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trên chiến trường khi đối mặt với máy bay chiến đấu của đối phương.
Ngoài bố trí máy bay chiến đấu tiên tiến, máy bay cảnh báo sớm, hệ thống phòng không tiên tiến cũng không thể thiếu. Các thông tin công khai cho thấy, lữ đoàn phòng không của Hải quân Trung Quốc đóng ở đảo Hải Nam đã biên chế tên lửa phòng không tầm xa HQ-9.
Máy bay chiến đấu J-11B của lực lượng đường không Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc được cho là đã tiến hành huấn luyện bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 10/2015 |
Một hệ thống có thể đồng thời dò tìm và tấn công nhiều nhóm mục tiêu. Điều cần chỉ ra là, HQ-9 còn có năng lực kiểm soát/điều khiển các hệ thống phòng không khác, tạo ra một hệ thống phòng không chặt chẽ hơn.
Vì vậy, Hải quân Trung Quốc cũng đã bố trí tên lửa tầm trung và thấp HQ-6 và hệ thống phòng không tên lửa-pháo LD2000 ở đảo Hải Nam, tạo ra một lá chắn cho các căn cứ của Hải quân Trung Quốc ở đảo Hải Nam.
Nó cùng với các máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm đã dựng lên một hệ thống phòng không nghiêm ngặt.
Do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) các sân bay trên các đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) khiến Mỹ tập kết nhiều lực lượng tác chiến hải, không quân hơn tới châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện "tái cân bằng", theo đó, bài báo cho rằng, Hải quân Trung Quốc cần tiếp tục mở rộng hệ thống phòng không, tăng cường chiều sâu phòng ngự.
Do đó, lần này, Hải quân Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và QQ đưa ra những cái cớ như trên để ngụy biện cho những hành vi leo thang, sai trái của họ trên Biển Đông.
Khu vực này là “vùng biển ra vào chủ yếu” của tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa chiến lược Type 094 và tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc.
Căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới của Trung Quốc ở Tam Á, đảo Hải Nam, phía bắc Biển Đông |
Thông qua triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa HQ-9 ở đảo Phú Lâm, Trung Quốc muốn tăng cường độ an toàn cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu sân bay khi triển khai các hành động chiến đấu.
Ngoài ra, việc Trung Quốc triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa này đã mở rộng phạm vi kiểm soát bầu trời thêm gần 200 km, từ đó tăng cường chiều sâu phòng ngự, cũng đã tăng thêm thời gian cảnh báo sớm.
Nhìn vào bố cục chiến lược tổng thể ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, vào thập niên 1980, Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách mở cửa, trước hết mở cửa ở duyên hải, từ đó phát triển lên và lan tỏa tới nội địa. Vì vậy, ở duyên hải Trung Quốc đã hình thành vài khu kinh tế chiến lược lớn.
Nếu những khu vực này xảy ra chiến tranh hoặc bất ổn thì sẽ gây ra tổn thất tương đối lớn cho sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc, từ đó làm chậm tốc độ xây dựng kinh tế của Trung Quốc, đối phương sẽ đạt mục đích ngăn chặn Trung Quốc.
Vì vậy, sau Chiến tranh Lạnh, sức ép đến từ phương hướng biển đã tăng mạnh rất rõ rệt. Khu vực Đài Loan, Biển Đông, đảo Senkaku liên tục nổi sóng, đan xen với nhau. Bài viết đổ lỗi cho Mỹ, cho rằng "những điểm nóng này đều xuất phát từ thiết kế chiến lược tổng thể của đối phương".
Vì vậy, bắt đầu từ cuối thập niên 1980, trong thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô hòa dịu, các cơ quan liên quan đã bắt đầu bắt tay cải thiện tình hình ở tuyến phía nam.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn, Hải quân Trung Quốc bố trí ở vịnh Á Long, Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc |
Sau khi Liên Xô tan rã, sức ép từ phía bắc mất đi, Trung Quốc bắt đầu dốc toàn lực tăng cường năng lực tác chiến trong chuỗi đảo thứ nhất, trong đó, đảo Hải Nam chính là điểm tựa quan trọng.
Sau khi bước vào thế kỷ mới, Trung Quốc lại bắt đầu bắt tay xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát triển biên đội tàu sân bay, tiếp tục tăng cường khả năng quân sự trên biển.
Gần đây, đối phương (Mỹ) ra sức triển khai hành động ở Biển Đông, điều này có nghĩa là các động thái của Trung Quốc đã thực sự "đâm vào chỗ đau" của đối phương, đây cũng chính là "nguyên nhân căn bản" Trung Quốc triển khai bất hợp pháp HQ-9 ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trên đây là nội dung chính của bài viết trên báo Trung Quốc, nhưng phải thấy rằng, Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa mạnh mẽ Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Có chuyên gia cho rằng, Trung Quốc triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ở quần đảo Hoàng Sa chủ yếu là để đe dọa hoạt động của các máy bay chiến đấu dòng Su-27 và Su-30 của Việt Nam và các máy bay Mỹ.
Ngoài các nhân tố bên ngoài, phải nói rằng, Bắc Kinh luôn có tham vọng bành trướng, thể hiện rõ ở việc tìm mọi cách để áp đặt yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) vô lý, phi pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm - quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) |
Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm các đảo đá ở Biển Đông của Việt Nam và các nước ven Biển Đông, nhảy vào tranh chấp, gây ra tranh chấp ngày càng gay gắt hiện nay. Mỹ can thiệp vì lợi ích của họ, nhưng chính Trung Quốc là chủ mưu gây ra tranh chấp Biển Đông và tạo ra điểm nóng này.
Trung Quốc không thể đổ lỗi cho nước khác khi họ vẫn không từ bỏ tham vọng bành trướng của mình. Cho dù Trung Quốc có tiến hành quân sự hóa Biển Đông tới mức nào thì họ chắc chắn sẽ đối mặt với sức ép to lớn của cộng đồng quốc tế, sẽ đối mặt với sự đáp trả mạnh mẽ của đối phương, kể cả về quân sự.
Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trung Quốc không thể xâm phạm chủ quyền của các nước xung quanh, không thể ngăn cản được các nước xung quanh tìm mọi cách để thu hồi phần lãnh thổ đã bị Trung Quốc xâm chiếm.