Khả năng ông Trump dùng con bài Đài Loan ở Biển Đông và phản ứng từ Trung Quốc

15/01/2017 08:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Donald Trump có thể sử dụng con bài Đài Loan bằng cách phái một quan chức quân sự cấp cao của mình tới Đài Bắc, bán cho hòn đảo này các vũ khí tấn công...

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 14/1 dẫn lời một số nhà phân tích Trung Quốc bình luận về các khả năng Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump có thể sử dụng con bài "một Trung Quốc" để tìm kiếm sự nhượng bộ của Bắc Kinh.

Đối đầu Trung - Mỹ gần đây nhất diễn ra trên Biển Đông sau vụ tàu hải quân Trung Quốc bắt giữ một thiết bị lặn không người lái của Mỹ đang hoạt động khảo sát hải dương học trong vùng biển quốc tế phía Tây Bắc vịnh Subic, Philippines ngày 15/12 năm ngoái.

Ông Donald Trump đã gọi hành động này của Bắc Kinh là "ăn cướp", nhưng Trung Quốc cho rằng họ làm điều này hợp pháp.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: SCMP.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: SCMP.

Căng thẳng tạm thời lắng xuống 5 ngày sau khi Trung Quốc trả lại Mỹ chiếc UUV. Nhưng Biển Đông có thể lại dậy sóng khi ông Donald Trump nhậm chức vài ngày tới.

Những khả năng sử dụng con bài "một Trung Quốc" của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ

Các nhà phân tích nói với South China Morning Post, đối với Donald Trump, "một Trung Quốc" cũng giống như tất cả mọi thứ, đều có thể mang ra thương lượng. 

Điều này được ông Donald Trump khẳng định khi trả lời báo The Wall Street Journal hôm thứ Sáu 13/1: 

Ông sẽ tôn trọng các cam kết của Mỹ rằng Đài Loan không được công nhận về mặt ngoại giao, trừ phi ông nhìn thấy những gì mình xem là tiến bộ của Bắc Kinh trong chính sách tiền tệ, thương mại.

Donald Trump khẳng định với The Wall Street Journal: "Mọi thứ đang được đàm phán, bao gồm nguyên tắc 'một Trung Quốc'".

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ thách thức nguyên tắc "một nước Trung Quốc" được duy trì từ năm 1979 đến nay, khi Washington quay sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay vì Trung Hoa Dân quốc trước đó.

Cuộc điện đàm giữa Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sau khi đắc cử Tổng thống năm ngoái đã phá vỡ truyền thống đối ngoại hàng thập kỷ và gây ra mối quan tâm lớn ở Bắc Kinh.

Tsai De-sheng, Giám đốc Cục An ninh quốc gia Đài Loan bình luận: "Trump dự kiến sẽ sử dụng vấn đề Đài Loan và Nga như một phần của chiến lược Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương khi ông nhậm chức.

'Một Trung Quốc' là con bài mặc cả với Bắc Kinh, Donald Trump hy vọng nó có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và thương mại".

Giáo sư Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh bình luận, cho đến nay Donald Trump vẫn tự mãn với chiến thắng của mình, và cũng rất quyết tâm thực hiến chiến lược.

Ông Hoằng tin rằng, Donald Trump có thể sử dụng con bài Đài Loan bằng cách phái một quan chức quân sự cấp cao của mình tới Đài Bắc, bán cho hòn đảo này các vũ khí tấn công hay giúp Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế đòi hỏi tư cách có chủ quyền của các thành viên.

Giáo sư Su Hao từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nếu Trump đi theo con đường này sẽ chỉ dẫn đến đối đầu với Trung Quốc. Theo ông, nguyên tắc "một Trung Quốc" là không thể thỏa hiệp hay đổi chác bằng kinh tế.

Ông Thời Ân Hoằng nhấn mạnh thêm, uy tín các nhà lãnh đạo Trung Quốc với dân chúng trong nước hay dư luận ngoài nước cũng dựa trên chính sách "một Trung Quốc" và các tuyên bố về "lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông.

Vì vậy Trung Quốc sẽ trả đũa mạnh mẽ những hành động "quá mức" của chính quyền ông Donald Trump trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông. [1]

Bình luận và gợi ý phản ứng từ các học giả Trung Quốc

Giáo sư Thời Ân Hoằng, một cố vấn chính sách đối ngoại cho chính phủ Trung Quốc từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh bình luận, Trung - Mỹ đã có những động cơ thúc đẩy khả năng xung đột ở khu vực.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, ảnh: live.rof2014.site.gsi.sg.
Giáo sư Thời Ân Hoằng, ảnh: live.rof2014.site.gsi.sg.

"Trong khi lợi ích cốt lõi của Mỹ là duy trì quyền bá chủ trên biển ở phạm vi toàn thế giới, Trung Quốc đang rất cần một không gian chiến lược ở BIển Đông. Sự cạnh tranh chỉ mới bắt đầu.

Nhưng Biển Đông sẽ không trở thành địa điểm của một trận chiến quyết định, ít nhất là trong vòng 2 đến 3 năm tới", ông Hoằng nhận định. Đã có một số phương án linh hoạt để Trung - Mỹ làm việc với nhau.

Ông Donald Trump sẽ có rất nhiều công cụ "linh hoạt" để gây áp lực lên Trung Quốc. 

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio từng bị Trump đánh bại trong cuộc đua ứng viên vào Nhà Trắng đã kêu gọi, cần áp đặt trừng phạt vào các đơn vị, cá nhân tham gia và hỗ trợ Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.

Sự gia tăng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông gần như là một sự chắc chắn. Phán quyết Trọng tài 12/7 tiếp tục củng cố các cơ sở pháp lý vững chắc cho Mỹ thực hiện các hoạt động này ở Biển Đông.

Các nhà quan sát cho biết, cũng có một khả năng tàu chiến Mỹ sẽ thực hiện các hoạt động quân sự trong vùng biển quốc tế ở phạm vi 12 hải lý quanh các rặng san hô Trung Quốc kiểm soát và đảo hóa bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thay vì chỉ đi qua vô hại như trước.

Nhưng ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh nên vạch "giới hạn đỏ" không cho phép ai vượt qua.

Một trong số các "giới hạn đỏ" này là không có tự do quá mức hoặc các hoạt động hàng hải ở quần đảo Trường Sa. Một "giới hạn đỏ" khác là không cho tuần tra chung diễn ra trong khu vực nếu có các nước bên ngoài khu vực tham gia, đặc biệt là Nhật Bản. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/2062180/trump-will-not-commit-one-china-policy-if-beijing?spm=0.0.0.0.Amwok4

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2058714/trump-cards-how-will-next-us-president-play-his-hand?spm=0.0.0.0.Amwok4

Hồng Thủy