Hai trận động đất mạnh trong hai ngày 14/4 và 16/4 tại Nhật đã làm 41 người chết, tính đến 7h (giời Hà Nội) ngày 17/4, theo CNN. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ý lo ngại là mưa to và gió lớn có thể gây cản trở cho nỗ lực cứu hộ trên đảo Kyushu, nơi gánh chịu hầu hết những sự thiệt hại.
Cơ quan Khí tượng Nhật cho biết trận động đất hôm Thứ Bảy (16/4) có cường độ 7.0 độ richter với một cơn hậu chấn 5.4 độ richter. Những cơn hậu chấn tiếp tục gây chấn động trong khu vực, với hơn 140 cơn dư chấn được ghi nhận sau trận động đất hôm Thứ Năm 14/4.
Theo VOA ngày 16/4, những cơn địa chấn cũng gây ra một vụ đất sạt lở trên đảo Kyushu, làm cho nhà cửa bị cuốn trôi và một xa lộ bị cắt đứt. Một chiếc cầu dẫn tới làng Minamiaso bị phá huỷ và việc này có thể gây cản trở cho những nỗ lực nhằm đưa vật phẩm cứu trợ tới một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Hình ảnh về sự tàn phá của động đất “đôi” tại Nhật Bản. Ảnh: CNN. |
Thảm hoạ động đất lần này xảy ra tại phía Nam Nhật Bản, không lâu sau ngày đất nước mặt trời mọc kỷ niệm 5 năm xảy ra thảm hoạ kép động đất + sóng thần năm 2011. Trận động đất và sóng thần ấy tàn phá phía Đông đất nước này, hậu quả của nó đến nay người dân và chính phủ nước này vẫn chưa khắc phục xong, trong đó đặc biệt là thảm hoạ rò rỉ phóng xạ tại nhá máy điện hạt nhân Fukushima.
Là một trong những quốc gia trên thế giới bị thiên nhiên “thử thách” nhiều nhất đã khiến cho Nhật Bản trở thành quốc gia có khả năng thích ứng với thảm hoạ thiên nhiên tốt nhất trên thế giới.
Người dân Nhật Bản trở thành những con người có khả năng sống chung với thiên nhiên tốt nhất, dù lúc nó hiền hoà hay khi nó trở nên hung dữ.
Và qua việc ứng phó với trận động đất “đôi” lần này, người dân và chính phủ Nhật Bản lại khiến cả thế giới thán phục về sự mạnh mẽ và tính nhân văn trong tinh thần vượt qua tai hoạ, sống cùng với thiên nhiên trong cơn giận dữ.
Người Nhật xem thảm hoạ thiên nhiên chỉ như tai nạn trong cuộc sống
Một số toà nhà bị sập sau cơn địa chấn ngày hôm nay, kể cả một cư xá đại học trong đó có hai sinh viên bị thiệt mạng. Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho đài truyền hình CNN biết rằng, ít nhất 23 người bị chôn vùi trong các toà nhà bị sập. Ông nói khoảng 1.500 người bị thương, trong đó có 80 người bị thương nặng, theo VOA ngày 16/4.
Reuters ngày 16/4 thì cho biết, động đất tại Nhật Bản đã làm sụp bức tường của di tích lịch sử Kumamoto Castle 400 năm tuổi. Các bức tường của Lâu đài Kumamoto đã đứng vững qua chiến tranh và hoả hoạn trong hơn bốn thế kỷ tồn tại của nó. Còn theo VOA thì Đền thờ cổ Aso, được xây cách nay hơn 1.700 năm, bị hư hại nặng.
Theo CNN thì ngọn núi lửa Mt.Aso trong khu vực cũng hoạt động trở lại, nó đã phun trào những dòng nham thạch lần đầu tiên trong vòng một tháng trở lại đây. Hiện chưa rõ vụ phun trào này có liên hệ với những trận động đất hay không.
Như vậy là người dân và chính phủ Nhật Bản không chỉ hứng chịu hậu quả của động đất đôi và dư chấn của nó, mà còn phải lo đối phó với nguy cơ núi lửa gây hậu quả.
Nghĩa là người dân Nhật Bản phải đối phó dồn dập với những “cơn giận dữ” của thiên nhiên, song đến giờ này dường như chính phủ nước này chỉ coi đây là tai nạn quốc gia chứ không tuyên bố thảm hoạ quốc gia.
Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân không hoảng sợ và hãy chia sẻ, giúp đỡ người khác cùng vượt qua khó khăn, đau thương, mất mát.
Qua truyền thông người ta không nhìn thấy sự hoảng loạn tại những khu vực xảy ra động đất, người ta không nhìn thấy sự hoảng sợ trên khuôn mặt của người dân Nhật Bản tại những nơi động đất.
Từ việc phải sống ngoài trời không cần lều tạm để chăm sóc con nhỏ cho đến việc chờ nhận sự hỗ trợ từ chính phủ, người dân Nhật Bản đều hết sức bình tĩnh.
Có lẽ cũng như quan điểm của chính phủ Nhật Bản, người dân nước này đã nhìn nhận thảm hoạ động đất “đôi” chỉ là tai nạn trong cuộc sống. Mà nếu là tai nạn thì người ta có thể tránh, có thể làm giảm nhẹ tác hại của nó.
Nghĩa là người Nhật Bản có thể đã xem thiên nhiên chỉ là một trong hai tác nhân gây ra tai nạn, chứ không đổ lỗi hoàn toàn cho thiên nhiên.
Việc nhìn nhận một cách nhẹ nhàng như vậy về thảm hoạ thiên nhiên khiến cho người Nhật Bản có cách sống chan hoà với thiên nhiên và nhận trách nhiệm trong việc làm cho thiên nhiên “giận dữ”. Nghĩa là người Nhật Bản đã nhìn nhận mình cũng có lỗi trong việc thiên nhiên gây thảm hoạ, do vậy việc khắc phục hậu quả cũng như việc khắc phục một lỗi lầm nào đó trong cuộc sống.
Thế giới đã từng khâm phục người Nhật Bản phi thường trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo ra những thần kỳ xây dựng đất nước. Nhân loại cũng không ngớt lời thán phục người Nhật Bản kiên cường trong ứng phó và khắc phục hậu quả của thảm hoạ thiên nhiên.
Người dân Nhật Bản trật tự trong việc nhận tiếp tế, hỗ trợ của chính phủ - một hình ảnh nhân văn thường thấy khi xảy ra thảm hoạ tại đất nước này. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, phía sau những sự kiên cường, phi thường ấy chính là những suy nghĩ sâu sắc và nhân vân của người Nhật Bản.
Người Nhật Bản nhận ra sai lầm trong chiến tranh nên bình thản khắc phục hậu quả của chiến tranh. Người Nhật Bàn tự nhận có lỗi lầm trong việc sống chung với thiên nhiên nên họ bình tâm khắc phục hậu quả khi mỗi khi thiên nhiên giận dữ gây ra cho con người.
Người dân Nhật Bản chia sẻ với nhau theo tinh thần ấy, họ dạy dỗ con cháu hành xử theo phương châm ấy.
Vì vậy, người dân Nhật Bản không còn cảm thấy bàng hoàng khi xảy ra thảm hoạ thiên nhiên trên đất nước mình. Họ luôn sẵn sàng tinh thần sống chung với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, họ luôn chuẩn bị khả năng và rèn luyện kỹ năng sống chung với biến đổi khi hậu.
Với tâm thế ấy, người Nhật Bản đã chan hoà với thiên nhiên, nhân văn với đồng loại.
Đất nước Nhật Bản đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thảm hoạ động đất, rất khủng khiếp nhưng không thấy sự buồn tủi hay ngao ngán của người dân nước này. Qua đó người Nhật Bản đã lại gửi một thông điệp nhân văn tới cộng đồng thế giới là sống chung với thiên nhiên, xem thiên nhiên là người bạn để hành xử sao cho thiên nhiên không nổi giận.
Cách đây mấy giờ đồng hồ, một trận động đất mạnh đã xảy ra tại Ecuado và bước đầu đã xác định có 28 người dân nước này thiệt mạng. Chính phủ đất nước Nam Mỹ này đã tuyên bố thảm hoạ quốc gia.
Có lẽ tinh thần của người dân Nhật Bản, khả năng và trách nhiệm của chính phủ Nhật Bản có thể xem như là một bài học quý, một kinh nghiệm quý cho chính phủ Ecuado, như một sự đồng hành với người dân Ecuado vượt qua thảm hoạ thiên nhiên.
Nhân văn trong chia sẻ cộng đồng
Khi lãnh tụ thuộc về nhân dân |
Hậu quả do động đất gây ra cho người dân và đất nước Nhật Bản là rất nặng nề, nhưng họ không xem những hậu quả ấy gây nên những sự tuyệt vọng. Nhật Bản vẫn xem đó là những động lực giúp họ mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn trong cuộc sống.
Trong lúc này, việc chia sẻ với người Nhận Bản là thông điệp mà cộng đồng quốc tế đang hường về đất nước hoa anh đào.
Ấy vậy nhưng người Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng và thán phục khi Bộ trưởng Tài chính nước này Taro Aso, ngày 15/4 khi tham gia Hội nghị các nước thuộc G20 đã thông báo, Nhật Bản cam kết ủng hộ 970 triệu USD cho hai nước Lebanon và Jordan nhằm chia sẻ khó khăn với họ trong việc tiếp nhận người tị nạn Syria, theo Japan Times ngày 15/4.
Loan báo của ông Taro Aso được nêu lên trong lúc người dân và chính phủ nước này đang khắc phục thảm hoạ thiên tai. Với tình hình hiện nay, những cam kết của Nhật Bản không được đưa ra, không được thực hiện thì có lẽ cộng đồng quốc tế cũng không quá nặng nề khi nhìn về trách nhiệm của chính phủ nước này với đồng quốc tế.
Tuy nhiên, người Nhật Bản đã xem thảm hoạ thiên nhiên là tai nạn nên việc khắc phục hậu quả do thảm hoạ gây ra cũng chỉ là khắc phục tai nạn trong cuộc sống, vì vậy họ không “bi thảm hoá” những đau thương đang hiện hữu trên đất nước Phù Tang.
Nghĩa là với người Nhật Bản thì, đã là tai nạn nên có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do đó góp phấn làm giảm tai nạn cũng chính là mục đích họ hướng tới trong việc sống chung với biến đổi khí hậu.
Nhưng những thảm hoạ do con người vô tâm gây ra cho đồng loại thì không thể xem là một tai nạn mà đó phải là thảm hoạ - đó là thảm hoạ mất niềm tin.
Người dân Syria bỏ đất nước ra đi vì không còn niềm tin vào những người nắm giữ vận mệnh quốc gia của họ. Người nhập cư Syria bị từ chối không cho nhập cư vào EU khiến cho họ mất niềm tin vào cuộc sống.
Người dân Nhật Bản không hoảng hốt trước thảm họa thiên nhiên. Ảnh: ctvnews.ca. |
Khi người ta mất niềm tin, khi cuộc sống chỉ là địa ngục thì đó mới là thảm hoạ của con người. Cái thảm hoạ ấy nó không như thảm hoạ thiên nhiên chỉ xảy ra trong phút chốc, mà nó dai dẳng kéo theo theo sự mòn mỏi, khắc khoải kéo dài sự tồn tại ở cõi tạm nơi trần thế thế.
Thảm hoạ do con người tạo ra thường được giải quyết bằng sự vô tâm, nhẫn tâm với nhau.
Với những người đã từng gây ra chiến tranh, đã phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh – thảm hoạ con người, người Nhật Bản đã nhìn nhận vấn đề thảm hoạ con người khủng khiếp hơn thảm hoạ thiên nhiên, nên việc chia sẻ là quan trọng và cần thiết.
Vì vậy, dù phải dốc gần như toàn lực vào khắc phục thiên tai thì người Nhật Bản vẫn không quên trách nhiệm – chia sẻ cộng đồng.
Phải nói rằng, tính nhân văn trong cách ứng xử của người Nhận Bản trong cuộc sống, tinh thần trách nhiệm của người Nhật Bản trong khắc phục thảm hoạ thiên nhiên và chia sẻ khắc phục thảm hoạ con người đã khiến cho dư luận thế giới cảm phục họ.
Người Nhật Bản đã góp phần giúp cho thế giới này văn minh hơn với những giá trị nhân văn trong suy nghĩ và hành động của họ với con người và với cả thiên nhiên.