Michael Hart, một nhà nghiên cứu độc lập về khu vực Đông Á ngày 29/8 có bài phân tích về lợi ích và sứ mệnh của Nhật Bản trên Biển Đông, đăng trên The Japan Times.
Tác giả cho hay, trong năm qua Thủ tướng Shinzo Abe đã dấn thân vào khu vực Đông Nam Á để củng cố các mối quan hệ an ninh hàng hải với một số quốc gia trong khu vực.
Chiến lược kết hợp ngoại giao với hàng hải của ông Shinzo Abe được xác lập để đối phó với sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp với Nhật Bản và một số nước ASEAN.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: IOL. |
Giữa lúc căng thẳng leo cao, Nhật Bản đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác quốc phòng - hàng hải mới để phát triển năng lực hải quân, thúc đẩy việc đảm bảo an ninh hàng hải trên tuyến đường biển huyết mạch, trọng yếu về kinh tế.
Nhật Bản là một trong những quốc gia nghèo tài nguyên, từ lâu đã phụ thuộc rất nhiều vào tuyến đường thương mại hàng hải qua Biển Đông.
Nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế Nhật Bản đến từ nhập khẩu mà chủ yếu là từ Trung Đông, với khoảng 85% nhu cầu trong nước.
2/3 trong số này được vận chuyển qua eo biển Malacca và Biển Đông.
Do đó, bảo vệ tự do và an ninh hàng hải - hàng không ở Biển Đông luôn luôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với kinh tế Nhật Bản.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng trên biển, Nhật Bản bắt buộc phải bảo vệ vùng biển xung quanh và bây giờ phạm vi còn lớn hơn.
Ở Hoa Đông, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) vào năm 2013.
Kể từ đó họ liên tục cho tàu tuần tra có vũ trang tiến vào khu vực Nhật Bản đang kiểm soát ở Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Bắc Kinh cũng đã khuấy động căng thẳng với cả Philippines và Việt Nam sau khi bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo trên một số cấu trúc địa lý mà Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông.
Để đối phó với những leo thang đồng thời này, Nhật Bản đã hợp tác và hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong việc chống bành trướng trên Biển Đông.
Chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe là tập trung tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với một số nước ASEAN chủ chốt. Ông đặt trọng tâm đặc biệt vào hợp tác an ninh hàng hải.
Sau cuộc họp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết cung cấp 2 tàu tuần tra 90 mét và 10 tàu nhỏ hơn, 5 máy bay trinh sát TC-90 giúp hải quân Philippines tăng cường năng lực tuần duyên.
Tháng Giêng năm nay, cảnh sát biển hai nước ký một biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó ông Abe cam kết một khoản viện trợ 600 triệu yên để giúp Philippines mua tàu xuồng cao tốc và thiết bị chống khủng bố.
Tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản và Indonesia thành lập Diễn đàn hàng hải song phương, để tạo điều kiện đào sâu hợp tác giữa hải quân hai nước.
Thỏa thuận này bao gồm việc Tokyo sẽ hỗ trợ Jakarta xây dựng các cảng biển và phát triển các hòn đảo xa xôi, cải thiện khả năng bảo vệ các quyền lợi trên biển (hợp pháp) của Indonesia.
Nhật Bản cũng đã tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam sau chuyến thăm Tokyo vào tháng Sáu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Hai bên ký kết một thỏa thuận hợp tác, trong đó Nhật Bản sẽ cung cấp 28 tỉ yên để nâng cấp tàu cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, giúp Việt Nam cải thiện khả năng tuần tra.
Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh, tăng cường hợp tác hàng hải Nhật - Việt nhằm củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế.
Michael Hart tin rằng phát biểu này của Thủ tướng Nhật Bản rõ ràng là một tham chiếu đối với những nỗ lực của Trung Quốc để thay đổi hiện trạng ở Hoa Đông và Biển Đông.
Các thỏa thuận nói trên phù hợp với chiến lược mở rộng sức mạnh quân sự kể từ khi Nhật Bản giải thích lại Điều 9 Hiến pháp.
Nội các Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua mức ngân sách quốc phòng kỷ lục với 5,1 ngàn tỉ yên, cùng với 210 tỉ yên cho lực lượng Cảnh sát biển, bổ sung 5 tàu khảo sát lớn, 3 tàu nghiên cứu nhỏ.
Song song với các hoạt động cải thiện năng lực hải quân, Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên hơn trên biển với Hoa Kỳ.
Để ứng phó với các rủi ro địa chính trị mới nổi trong khu vực, Nhật Bản đang nhanh chóng định vị bản thân là một nhà lãnh đạo khu vực trong hợp tác an ninh hàng hải.
Các quan hệ đối tác mới của Nhật Bản đã được duy trì một cách nhất quán với việc bảo vệ trật tự quốc tế và luật pháp quốc tế trên biển.
Nguồn: