Tàu thám hiểm JOIDES đã bắt đầu kéo ra Biển Đông khảo sát. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 27/1 đưa tin, 31 nhà địa chất từ 10 quốc gia, trong đó có 13 người từ Trung Quốc và 9 người từ Mỹ sẽ dành 2 tháng khoan thăm dò địa chất ở Biển Đông.
Chuyến đi được tài trợ chủ yếu bởi Bắc Kinh nhưng lại diễn ra trên 1 con tàu Mỹ dưới sự bảo trợ của chương trình Khám phá đại dương quốc tế theo nghị quyết JOIDES của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ.
Các nhà khoa học cho biết các mẫu đất đá thu thập được sẽ tiết lộ sự tiến hóa quá trình kiến tạo Biển Đông và mở đường để lập bản đồ các mỏ dầu khí tự nhiên.
Chuyến đi lần này được đề xuất bởi Trung Quốc từ năm 2008 đánh dấu chuyến đi đầu tiên của chương trình Khám phá đại dương quốc tế 2013 - 2023 (IODP), một nỗ lực nghiên cứu khoa học quốc tế do Mỹ thành lập những năm 1960.
Hàng chục đề xuất cho chương trình đã được 26 nước thành viên IODP đưa ra, nhưng đề nghị của Trung Quốc khoan thăm dò Biển Đông không nhận được nhiều phiếu nhất, nhưng Bắc Kinh chịu chi 6 triệu USD, 70% kinh phí cho chuyến thăm dò đã trở thành yếu tố quyết định cho việc đề nghị được thông qua.
Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ thường đóng góp 70% chi phí cho JOIDES, nhưng chương trình cắt giảm ngân sách dành cho khoan thăm dò đại dương đã lên đến 50 triệu USD năm ngoái, Tiến sĩ David Divins, Giám đốc chương trình khoan thăm dò đại dương của IODP cho biết.
Nếu phát hiện thấy các mỏ dầu khí mới ở Biển Đông, căng thẳng trong khu vực có thể còn tiếp tục leo thang. |
Một năm sau khi gia nhập IODP năm 1998, Trung Quốc đã tham gia vào 1 chuyến thám hiểm Biển Đông với mũi khoan sâu chỉ vài trăm mét, nhưng lần này đoàn thám hiểm sẽ khoan xuống đáy biển 1930 mét để tìm kiếm xác định các mỏ dầu khí.
Tàu sẽ cơ động và khoan thăm dò trong các khu vực khác nhau được "xác nhận" bởi Trung Quốc, Philippines, được điều hành bởi Quỹ Khoa học quốc gia. Con tàu đã được Bắc Kinh và Manila cho phép, nhưng vẫn phải chờ phản hồi từ Việt Nam để khoan thăm dò tại một khu vực ở Tây Nam Biển Đông. Đoàn thám hiểm cũng có thể phải lựa chọn một khu vực khác, Divins nói.
Philippines đã gửi một nhà khoa học đi theo làm quan sát viên trong chuyến thám hiểm. Các cơ sở dữ liệu được phát hiện ở Biển Đông sẽ được chia sẻ trên toàn thế giới, bao gồm các nhà khoa học không phải là thành viên IODP.
Nhà báo Adam Pasick của Reuters nhận xét, nếu nhóm nhà khoa học này tìm thấy mỏ dầu sẽ làm gia tăng sự tranh giành kiểm soát hàng hải cũng như các đảo trên Biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) tương tự như những gì đã xảy ra trong những năm 1990.