Robert Crumplar, một chuyên gia về công nghiệp quốc phòng từng công tác tại Viện Brookings ngày 30/11 viết trên USNI News, Hoa Kỳ nên chào bán tên lửa hành trình Tomahawk cho các nước đồng minh và đối tác của mình để họ tăng cường khả năng phòng thủ. Tên lửa hành trình tấn công Tomahawk từ lâu đã là một loại vũ khí dự trữ chủ yếu trong kho vũ khí tấn công của Mỹ.
Tên lửa hành trình Tomahawk phóng đi từ tàu chiến Mỹ, ảnh: USNI News. |
Tomahawk hiện là lựa chọn của các nhà quy hoạch chiến lược cũng như chỉ huy các chiến hạm. Ngân sách duy trì việc sản xuất Tomahawk và mức độ dự trữ, tồn kho loại vũ khí này trong năm tài chính 2016 phản ánh rằng nhu cầu cao đối với loại vũ khí sát thương này vẫn tiếp tục duy trì.
Để đối phó với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) trên đất liền cũng như trên biển của các đối thủ, hải quân Mỹ đang đánh giá và lựa chọn các loại vũ khí khác nhau, bao gồm các phiên bản hiện đại hơn nữa của Tomahawk BLK IV nhằm giải quyết những thách thức mới đang nổi lên trong môi trường an ninh hàng hải.
Và một yếu tố phải được hải quân Mỹ tính đến để khắc phục sự phức tạp của A2/AD, đó là vai trò của các đồng minh và đối tác quốc tế. Hải quân sẽ trở nên mạnh hơn khi đồng minh, đối tác hoạt động cùng nhau, kết hợp khả năng của cá nhân hải quân Mỹ với khả năng tạo ra hiệu ứng kết hợp với đồng minh đối tác sẽ tạo ra kết quả lớn.
Đơn giản là lực lượng không quân, chiến hạm mặt nước và tàu ngầm của Hoa Kỳ không thể hiện diện ở khắp mọi nơi cùng một lúc. Trong khi ngân sách quốc phòng của Mỹ đang bị giới hạn nên cần thiết phải tìm ra phương thức nào hoạt động hiệu quả.
Trong bối cảnh đó theo Robert Crumplar, hải quân Mỹ nên cung cấp các tên lửa hành trình Tomahawk cho các đồng minh NATO và đồng minh tham gia cuộc tập trận RIMPAC theo chương trình bán hàng quân sự cho nước ngoài (FMS). Thực hiện phương án này vừa giúp Mỹ giảm nhẹ thách thức an ninh mà Mỹ có thể sẽ phải đối mặt trong tương lai, đồng thời giảm được gánh nặng ngân sách.
Hoa Kỳ có quyền lợi chung với các đồng minh và đối tác trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, ngăn chặn đối thủ lợi dụng các đại dương trên thế giới để chống lại Mỹ. Tuy nhiên hiện nay có thể thấy một số nước đang đẩy mạnh việc ngăn chặn tự do hàng không, hàng hải và làm gia tăng rủi ro trong các lĩnh vực này.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã theo đuổi một chương trình phát triển sức mạnh hải quân, không quân toàn diện, bao gồm phát triển vũ khí tầm xa tác chiến chống tàu. Các nước láng giềng của Trung Quốc đang lo ngại sự tăng trưởng hỏa lực tấn công của nước này, cũng như cách tiếp cận ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo đang diễn ra (bất hợp pháp) là một ví dụ điển hình về cách thức Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng an ninh. Kết quả là chi tiêu quốc phòng đang gia tăng trong khu vực. Hành động của Trung Quốc có thể thúc đẩy một sự thay đổi cơ bản trong cách thức các quốc gia xem xét lại nhu cầu an ninh của mình.
Dù cảnh giác với sự leo thang, nhưng chính quyền Mỹ dường như vẫn miễn cưỡng đối mặt hoặc ngăn cản các đối thủ tiềm năng. Hoạt động của các tàu tuần tra LCS và máy bay P-8 Poseidon của hải quân Hoa Kỳ dường như chỉ mang lại hiệu quả tối thiểu. Trong khi Trung Quốc đã gần hoàn thành đường băng quân sự dài 3000 mét (bất hợp pháp) trên đá Chữ Thập (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam).
Bằng cách cung cấp Tomahawk cho các đối tác, Mỹ sẽ giúp họ có một vũ khí tấn công hiệu quả. Động thái này sẽ góp phần chứng minh sự tin tưởng và cam kết của Mỹ. Việc bán Tomahawk cho đồng minh, đối tác cũng sẽ dẫn đến nhiều cơ hội tăng cường hợp tác, phối hợp giữa Mỹ và hải quân đồng minh, đối tác.