Đô đốc James A. Lyons, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ. |
The Washington Times ngày 14/6 đăng bài phân tích của Đô đốc James A. Lyons, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và là đại diện quân sự cấp cao của Mỹ tại Liên Hợp Quốc cùng Richard Fisher, một học giả thành viên Trung tâm Chiến lược và đánh giá quốc tế về căng thẳng leo thang trên Biển Đông.
Hai học giả này cho rằng Trung Quốc có ý định bỏ qua mọi yêu cầu của chính quyền Tổng thống Obama về việc dừng mọi hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) tại Biển Đông. Đã đến lúc Washington phải đối mặt với thực tế mới: Hoặc là dẫn đường cho "hòa bình bằng vũ trang" trong khu vực, hoặc Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu một cuộc chiến tranh cho tham vọng thống trị khu vực.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải hiểu được lý do tại sao Trung Quốc sẽ tiếp tục làm ngơ quan điểm của Hoa Kỳ như những gì Bắc Kinh đã làm suốt 20 năm qua với khu vực tìm kiếm khả năng tránh xung đột trên Biển Đông. Đơn giản là Trung Nam Hải coi kiểm soát Biển Đông là điều cần thiết với họ nhằm bảo vệ căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam, bàn đạp vươn ra không gian quyền lực toàn cầu. Bắc Kinh xem đó là nhu cầu để đảm bảo sự sống còn của chế độ.
Hải Nam đã trở thành một căn cứ cho hạm đội tàu ngầm chạy động cơ hạt nhân được trang bị vũ khí hiện đại. Ngay từ cuối những năm 1990 Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một căn cứ tàu ngầm mới để bảo vệ hạm đội này và tăng cường ảnh hưởng quân sự của mình đến Trung Đông, thậm chí xa hơn.
Từ năm 2016, một trung tâm không gian vũ trụ mới trên đảo Hải Nam dành cho các thiết bị hàng không vũ trụ hạng nặng của Trung Quốc sẽ hỗ trợ tham vọng quân sự của nước này từ hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp quanh Trái Đất hoặc từ Mặt Trăng. Hầu hết các vụ phóng tên lửa sẽ dễ bị tổn thương khi chúng đi qua Biển Đông, vì vậy quân đội nước này đang chuẩn bị áp đặt kiểm soát khu vực một cách chặt chẽ hơn.
Có lẽ sớm nhất vào năm tới Trung Quốc có thể bắt đầu đặt (bất hợp pháp) 30 chiến đấu cơ và một phi đội tàu chiến tại căn cứ quân sự mới trên đá Chữ Thập (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam). Tương tự như vậy, Trung Quốc sẽ đặt lực lượng và vũ khí (bất hợp pháp) trên các căn cứ quân sự mới ở đá Xu Bi, đá Vành Khăn. Không có gì nghi ngờ về việc Trung Quốc áp đặt kiểm soát quân sự khi họ có thể và điều này không thể bác bỏ.
Trung Quốc đã từng sử dụng vũ lực, cất quân xâm lược hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và bãi đá Vành Khăn năm 1995. Năm 2013 Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines.
Học giả Richard Fisher. |
Từ cuối năm 2013 Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu vận tải dân sự để bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa 7 bãi đá mà họ chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa dưới sự yểm trợ của hải quân. Lực lượng này có thể được Bắc Kinh sử dụng để tấn công các điểm đảo, bãi đá, rặng san hô mà Việt Nam, Philippines, Đài Loan đang đóng quân ở Trường Sa, hai học giả Mỹ lưu ý.
Trung Quốc tìm kiếm sự thống trị, tuy nhiên nó có thể là một sai lầm chiến lược lớn, nhưng chỉ khi nào Washington sử chữa sai lầm đánh giá thấp vai trò an ninh ở Biển Đông đối với Hoa Kỳ. Khu vực này là trung tâm hoạt động của Hải - Không quân Hoa Kỳ, là nơi Mỹ cần phải duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Trong 30 năm qua, các quan chức Mỹ đã từ chối ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc, cũng một phần bởi chiến lược "bành trướng cường độ thấp", hay tằm ăn dâu, gặm nhấm từ từ của Trung Quốc. Chưa phải là quá muộn để Washington trung hòa tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo hai học giả, kế hoạch này đơn giản là hãy làm việc với Philippines để xây dựng các căn cứ quân sự khống chế Trường Sa từ quốc gia này, sau đó triển khai và chuyển giao cho Philippines các phương tiện có thể phá hủy các căn cứ (bất hợp pháp) trên các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp. Đầu tiên là Washington và Manila có thể xây dựng căn cứ và đặt tên lửa trên 3 đảo gần Trường Sa là Palawan, Visayas và Luzon.
Sau đó Mỹ cần nhanh chóng triển khai bà chuyển giao cho Philippines nhiều phi đội chiến đấu cơ tân tiến đa năng. Một giao thức mới sẽ được thiết lập để tạo thuận lợi cho việc chuyển giao đó, nhưng quan trọng hơn là sự triển khai nhanh chóng tên lửa đạn đạo tầm ngắm. Khoảng 300 quả tên lửa có thể phá hủy ngay lập tức các đảo nhân tạo nếu Trung Quốc có ý định sử dụng vũ lực từ đây.
Chỉ khi nào những tham vọng quân sự khu vực và toàn cầu của Bắc Kinh được cản trở ở mức độ này mới có hiệu quả khiến Trung Nam Hải không thể áp đặt sự thống trị quân sự và trở về với các giải pháp phi quân sự. Trung Quốc đã chứng minh rằng, họ xem chiến tranh là phương tiện để đạt được mục tiêu ở Biển Đông và Bắc Kinh chỉ xem xét các lựa chọn thay thế khi hiểu ra rằng nó không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Đối với Washington, các quốc gia Đông Nam Á hay Nhật Bản, Đài Loan, tạo điều kiện cho "hòa bình bằng vũ trang" là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn chiến tranh, hai học giả Hoa Kỳ kết luận.
Đáp lại, Trung Quốc dự kiến sẽ đe dọa xung đột hạt nhân với Hoa Kỳ. Đây là lý do tại sao Tổng thống Obama "rất thiếu khôn ngoan" khi ra quyết định hủy bỏ lực lượng tên lửa hành trình hạt nhân chiến thuật năm 2010. Lực lượng tên lửa này nên được phục hồi ngay lập tức cho các tàu ngầm của Mỹ. Nó sẽ là một cản trở đáng tin cậy với cả Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.