Lính Indonesia được lệnh đánh chìm tàu cá láng giềng sau khi bị nước này bắt giữ vì bị cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia. Ảnh: The Jakarta Post. |
Tờ The Jakarta Post ngày 25/1 bình luận, trong khi chính phủ các quốc gia có tàu cá bị Indonesia đánh chìm phần lớn im lặng, thì truyền thông nước ngoài đã tỏ rõ "tâm lý khó chịu" đối với chính sách này của Jakarta. Các nhà phân tích nói rằng hậu quả ngoại giao từ chính sách gây sốc của Tổng thống Joko Widodo là không thể tránh khỏi, còn ông Widodo và thuộc cấp tiếp tục cố gắng bác bỏ những lo ngại này.
Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi gần đây nói rằng Jakarta đã "đạt được đồng thuận với các đối tác ASEAN, bao gồm các quốc gia có ngư dân đánh bắt trái phép tại vùng biển Indonesia". Tuy nhiên The Jakarta Post lưu ý, ngoài ASEAN thì Trung Quốc là nước có tàu cá đánh trộm nhiều nhất ở vùng biển Indonesia. Kể cả Đài Loan cũng có tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này. Đầu tháng Giêng tờ Bangkok Post đã có bài xã luận khẳng định "Indonesia đã sai", The Jakarta Post thì gọi bài báo này là "khiêu khích"?!
Những lời chỉ trích khắc nghiệt cũng đến từ chuyên gia Malaysia Farish A. Noor trên tờ New Straits Times: "Điếu đáng lo ngại về việc Indonesia đánh chìm một số tàu cá Việt Nam là nó tạo ra ấn tượng Indonesia là nạn nhân duy nhất của nạn đánh bắt trộm, trong khi tất cả chúng ta đều biết điều này là không đúng sự thật. Nếu tất cả các nước ASEAN cũng chạy theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đánh chìm tàu cá láng giềng, thì ASEAN sẽ đi đâu về đâu?"
Tuy nhiên chính The Jakarta Post cũng phải thừa nhận thực tế, khi nói đến những tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm và bị bắt thì nhà chức trách Indonesia đã không có hành động nghiêm khắc. Cho đến nay chính phủ nước này đã không đánh chìm các tàu cá Trung Quốc bị bắt ở biển Arafura. Nghị sĩ Ahmad Hanari Rais chỉ trích lập trường "khoan dung đặc biệt" của chính phủ Indonesia với các tàu cá Trung Quốc vi phạm.
"Bộ trưởng Hàng hải và thủy sản Susi Pudjiastuti tỏ ra cứng rắn với các tàu cá Việt Nam và Thái Lan nhưng tại sao lại yếu đuổi trước các tàu Trung Quốc và Nhật Bản? Những gì đã xảy ra?", Ahmad đặt câu hỏi. Trong khi đó bà Susi cho biết mình đã có ý kiến chính thức với Ngoại trưởng Rento để bà nói chuyện với người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị về vấn đề tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm tại Indonesia.
Bà Susi "tự tin" rằng chiến dịch đánh chìm tàu cá nước ngoài hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia sẽ không dẫn đến sự thù địch quốc tế hoặc gây tổn hại đến sự ổn định cho khu vực. "Chúng tôi đã thiết lập sự phối hợp thuyết phục với các quốc gia, vì đây không chỉ là vấn đề ăn cắp cá mà còn là chủ quyền và sự bền vững của môi trường", bà Susi nói. Vài ngày sau khi Nội các mới của Indonesia được tổ chức, Susi đã giải thích chính sách này với Đại sứ các nước Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Úc.