Những vấn đề pháp lý qua vụ va chạm trên biển giữa Việt Nam-Indonesia

27/05/2017 07:28
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Cơ quan chức năng có liên quan cần ưu tiên trang bị cho những người hoạt động trên biển các kiến thức pháp lý, ngoại giao và kinh nghiệm xử lý có hiệu quả.

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia hàng đầu về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về khía cạnh pháp lý của sự cố va chạm trên biển giữa Việt Nam và Indonesia đang được dư luận quan tâm.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc bài viết này và trân trọng cảm ơn ông. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Dư luận đang xôn xao với những thông tin, nhận xét, đánh giá, khác nhau về va chạm trên biển giữa 2 quốc gia Việt Nam và Indonesia. Cụ thể là: 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, 5 tàu cá Việt Nam bị tàu Kiểm ngư Indonesia bắt khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực biển cách đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia 18 hải lý về phía Bắc vào ngày 21-5. 

Cũng trong quá trình đó, 1 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị chìm, lực lượng chức năng Việt Nam đã cứu hộ 1 nhân viên công vụ Indonesia. Phía Việt Nam đang tiếp tục yêu cầu phía Indonesia thả các ngư dân còn lại. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia hôm thứ Ba nói: các tàu cá Việt Nam bị chặn ở khu vực gần quần đảo Natuna của Indonesia, và tuyên bố Việt Nam đang cầm giữ một viên chức Indonesia. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Phía Indonesia đã bắt giữ 11 ngư dân Việt Nam với lý do họ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Truyền thông Indonesia nói ông Gunawan Wibisono thuộc lực lượng ngư nghiệp trên tàu tuần tra bị lực lượng tuần duyên Việt Nam tạm giữ… 

Để nhận xét, đánh giá sự việc nói trên một cách khách quan, khoa học, chúng tôi xin cung cấp các nội dung pháp lý có liên quan đến sự kiện này:

1. Sự cố xảy ra ở đâu?   

Trước hết, chúng tôi xin cung cấp về tình trạng xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam và Indonesia theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982:

1.1. Indonesia: 

Là quốc gia quần đảo, Indonesia có quyền công bố hệ thông đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh lải của quốc gia quần đảo theo Điều 47, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982:

“Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1.”.

Điều 48 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982:

“Chiều rộng của lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được tính từ đường cơ sở quần đảo theo đúng Điều 47… "

Căn cứ vào những quy định này, Indonesia đã công bố đường cơ sở ở khu vực Tây Nam Biển Đông theo danh mục tọa độ đăng ký với Liên Hợp Quốc tháng 3/2009. 

Như vậy, các vùng biển và thềm lục địa của Indonesia trong Biển Đông được đo tính từ hệ thống đường cơ sở này theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

1.2. Việt Nam:

Là quốc gia lục địa nằm ở ven bờ Tây, Tây Nam Biển Đông, Việt Nam đã tuyên bố thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam. 

Chương II, Điều 8, Luật Biển Việt Nam, được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21-6-2012, nêu rõ: 

“Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố.

Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.”.

Theo đó, Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính kèm Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-11-1982.

Căn cứ vào các tuyên bố nói trên, là các quốc gia ven biển nằm đối diện nhau, do khoảng cách tính từ hai đường cơ sở của mỗi bên không quá 400 hải lý (Việt Nam và Indonesia cách nhau 250 hải lý tính từ Côn Đảo và Natuna Bắc là hai đảo xa nhất của hai nước đối diện nhau), nên đã tạo nên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn cần được tiến hành đàm phán hoạch định ranh gới. 

Tháng 6/1978, Việt Nam và Indonesia nối lại đàm phân định các vùng chồng lấn này.

Trải qua 2 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 12 vòng đàm phán không chính thức, 4 cuộc trao đổi hẹp cấp Trưởng đoàn chuyên viên và 1 vòng đàm phán về kỹ thuật hải đồ, ngày 26-6-2003, hai bên đã ký kết Hiệp định phân định vùng thềm lục địa chồng lấn. 

Hiệp định này có hiệu lực ngày 29-5-2006.

Những vấn đề pháp lý qua vụ va chạm trên biển giữa Việt Nam-Indonesia ảnh 2

Vùng chồng lấn, vấn đề hoạch định ranh giới biển và thực tiễn Việt Nam

Hai bên xác định Hiệp định phân định thềm lục địa sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ hiệp định nào được ký trong tương lai giữa các bên ký kết về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. 

Trong quá trình đàm phán phân định ranh giới thềm lục địa chồng lấn, Việt Nam đã đề xuất phương án sử dụng một đường phân định chung cho cả 2 vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế chồng lấn.

Nhưng Indonesia không đồng ý. 

Có thể Indonesia cho rằng phương án này không lợi cho họ cả về mặt pháp lý, với tư cách là quốc gia quần đảo mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định, lẫn về mặt diện tích phân chia cụ thể. 

Hiện nay, hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán để phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. 

Căn cứ những thông tin nói trên có thể thấy rằng, ranh giới phân chia phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của hai nước cho đên nay vẫn chưa được hoạch định cụ thể rõ ràng. 

Giữa hai nước vẫn còn tồn tại vùng đặc quyền về kinh tế chồng lấn đang trong quá trình đàm phán hoạch định.  

Xin lưu ý: vùng chồng lấn này nằm ở phía ngoài ranh giới lãnh hải của 2 nước tính từ đường cơ sở của mỗi nước. 

Vì vậy, không thể sử dụng ranh giới phân định vùng thềm lục địa (là vùng đáy và lòng đất dưới đáy biển) đã được ký kết để xác định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế.

Và càng không thể cho phép bất cứ bên nào tự ý áp đặt ranh giới theo yêu sách của mình để có quyền đơn phương thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trong phạm vi vùng chồng lấn này. 

Bởi vì, tất cả điều đó là hoàn toàn vi phạm quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, trái với thông lệ quốc tế và thiếu tôn trọng thỏa thuận chính trị đã đạt được giữa hai bên. 

Như vậy, sự kiện va chạm nói trên đã xảy ra ở đâu?

Đó là câu hỏi cần được xác định một cách nghiêm túc, để trả lời một cách khách quan và công tâm, dựa trên các dữ liệu khoa học về tọa độ địa lý, khoảng cách địa lý cụ thể và phải được các chuyên gia pháp lý, kỹ thuật bản đồ của cả hai bên hợp tác thực hiện.

2. Hành xử như thế nào là phù hợp và đúng đắn?

2.1. Trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn:

Không cho phép bất kỳ bên liên quan nào có quyền đơn phương thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. Bất kỳ một hoạt động nào xảy ra trong vùng chồng lấn này đều phải có sự thỏa thuận của các bên. 

Vì vậy, Điều 74 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982: Hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau đã quy định:

"i). Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.

Những vấn đề pháp lý qua vụ va chạm trên biển giữa Việt Nam-Indonesia ảnh 3

COC là Bộ Luật Biển khu vực?

ii). Nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.

iii). Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này.

Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.

iv). Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó.

2.2. Trong vùng đặc quyền kinh tế đã được xác lập hợp pháp:

Điều 73: Thi hành các luật và quy định của quốc gia ven biển:

i). Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.

ii). Khi có một sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này.

iii). Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác. 

iv). Trong trường hợp bắt hay giữ một tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết, bằng các con đường thích hợp, các biện pháp được áp dụng cũng như các chế tài có thể sẽ được tuyên bố sau đó.

Căn cứ vào quy định này, giả dụ vụ việc đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, thì việc họ bắt bớ giam cầm không theo tuần tự thủ tục pháp lý, không thông qua các cơ quan tài phán, thậm chí đã sử dụng vũ lực như đánh đập, giam cầm, đánh chìm, tiêu hủy tàu, phương tiện đánh bắt của ngư dân… là hoàn toàn vi phạm quy định nói trên. 

Người Việt Nam có quyền khởi kiện về những hành vi vi phạm này lên các cơ quan tài phán quốc tế về Công ước Liên Hợp Quốc về Lật Biển 1982, với điều kiện là các đương sự phải tập hợp đầy đủ các chứng cứ có liên quan đến những hành vi phi pháp đó. 

Tuy nhiên, hành động của lực lượng thực thi pháp luật can dự để “cứu người” như sự kiện vừa qua, cho dù có thể xuất phát từ động cơ đúng đắn về phương diện nhân đạo, từ trách nhiệm tinh thần, nhưng xét về phương diện pháp lý và chính trị thì có lẽ nên phải được trao đổi rút kinh nghiệm nội bộ một cách nghiêm túc. 

Và từ những phân tích về thực tế của các sự cố nói trên, phải chăng một trong những nguyên nhân chính đã để xảy ra các sự cố đáng tiếc, không đáng có trong quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng “cùng hội, cùng thuyền” trên Biển Đông là vẫn còn tồn tại một “lỗ hỗng” kiến thức luật biển của những cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật của cả hai phía? 

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan cần ưu tiên trang bị cho những người hoạt động trên biển các kiến thức pháp lý, ngoại giao và kinh nghiệm xử lý có hiệu quả nhất./. 

TS Trần Công Trục