Nikkei Asia Review ngày 11/6 đưa tin, 3 giờ chiều ngày Chủ nhật 10/6, nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đã bước xuống sân bay Changi, Singapore từ chiếc máy bay Air China 747 do Bắc Kinh cung cấp.
Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều xem 2 nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un có đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ký hiệp ước hòa bình hay không.
Trong khi đó các nhà quan sát Trung Quốc đặc biệt chú ý đến lộ trình ông Kim Jong-un đi Singapore.
Một nhà phân tích cho biết, việc ông Kim Jong-un sử dụng máy bay Trung Quốc đang phản ánh một cuộc so găng ngầm sau hậu trường giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chiếc Air China 747 chở ông Kim Jong-un hạ cánh trước, sau đó là chiếc máy bay phản lực Ilyunshin-62M của Triều Tiên từng chở ông Kim Jong-un tới Đại Liên, Trung Quốc, hạ cánh sau đó trong vai trò dự phòng.
Ông Kim Jong-un và phái đoàn Triều Tiên hạ cánh xuống sân bay Changi, Singapore 3 giờ chiều qua 10/6, từ chiếc máy bay Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia Review. |
Tối qua, Tổng thống Donald Trump đã đến căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore sau khi rời hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Quebec, Canada khi nó chưa kết thúc.
Chiếc Air Force One chở Tổng thống Donald Trump tới Singapore theo một lộ trình khá bất ngờ.
Nó bay qua Đại Tây Dương và tiếp nhiên liệu tại Crete, thay vì bay qua Thái Bình Dương và dừng chân tiếp nhiên liệu tại 1 căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản như mọi khi.
Ký giả Katsuji Nakazawa của Nikkei Asia Review nhận định, ông Tập Cận Bình đã lo sợ khả năng ông Kim Jong-un sẽ ngả hoàn toàn theo Donald Trump và từ chối bất kỳ sự giúp đỡ nào của Trung Quốc.
Động thái này có thể thay đổi cân bằng cán cân quyền lực trên bán đảo Triều Tiên và thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hôm thứ Năm 7/6 khi được hỏi về khả năng chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 khi gặp ông Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn có thể ký một thỏa thuận".
Đây có thể là dấu hiệu đáng ngại với Bắc Kinh. Mấy ngày qua, truyền thông Trung Quốc đã đưa ra những bình luận rằng, bất kỳ tuyên bố nào kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sẽ là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.
Điều này cho thấy Bắc Kinh thực sự lo ngại Kim Jong-un và Donald Trump có thể tự mình ký hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Để tránh bị bỏ rơi, Trung Quốc đã bảo đảm an toàn cho ông Kim Jong-un trên đường tới Singapore.
Chuyên cơ của ông Kim Jong-un là máy bay cũ do Liên Xô chế tạo.
Ông Kim Jong-un lần đầu tiên dùng chiếc chuyên cơ này đi Đại Liên, Trung Quốc, nhưng hành trình đó chỉ có 1000 km, trong khi khoảng cách từ Bình Nhưỡng tới Singapore là 4.700 km, vượt xa khả năng hoạt động của chuyên cơ Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long ngay chiều tối qua và bày tỏ cảm ơn Singapore đã chi trả hóa đơn khách sạn cho ông, ảnh: Reuters / Đa Chiều. |
Trung Quốc không chỉ cho Triều Tiên mượn máy bay, mà còn điều chiến đấu cơ hộ tống.
Trong khi hành trình ông Kim Jong-un trở về Triều Tiên còn chưa được công bố, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng chiếc Air China 747 sẽ khiến ông dễ dàng dừng chân tại Bắc Kinh để tiện trao đổi với ông Tập Cận Bình về kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Nếu Tổng thống Donald Trump bỏ ngang cuộc họp thượng đỉnh như ông đã báo trước (ngay những phút đầu tiên gặp Kim Jong-un, Donald Trump sẽ biết liệu lãnh đạo Triều Tiên có nghiêm túc hướng tới một thỏa thuận hay không), thì chuyên cơ Trung Quốc sẽ giúp Kim Jong-un về nước an toàn.
Trong trường hợp Kim Jong-un từ chối giúp đỡ của Trung Quốc, mọi thứ có thể trở nên phức tạp hơn với Bắc Kinh. Ông Kim Jong-un hoàn toàn có thể yêu cầu chiến đấu cơ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Guam hộ tống máy bay của mình.
Và một chuyến bay như vậy chắc chắn sẽ tránh bay qua lục địa Trung Quốc, hơn nữa nó có thể bay qua khu vực Biển Đông nơi Bắc Kinh tuyên bố (cái gọi là) chủ quyền.
Nói đến việc mượn chuyên cơ, lịch sử có nhiều giai thoại thú vị. Đầu thế kỷ này, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã quyết định mua một chiếc máy bay Boeing làm chuyên cơ.
Khi chiếc máy bay này về Trung Quốc, nó đã trải qua một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện ra 27 thiết bị nghe lén. Tình trạng gián điệp tương tự như thế này vẫn có thể xảy ra giữa các "đồng minh thân thiện" như Trung Quốc với Triều Tiên.
Việc ông Kim Jong-un sử dụng máy bay Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho (Hoa Nam tình báo) nghe lén các cuộc trò chuyện của lãnh đạo Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng có thể tìm hiểu tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-un bằng cách tìm kiếm dấu vết ADN qua những sợi tóc rụng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rời thượng đỉnh G-7 và bay sang Singapore trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sớm hơn 1 ngày cho thấy ông đặc biệt coi trọng sự kiện này. Ảnh: Đa Chiều. |
Ông Kim Jong-un từng tuyên bố có nút bấm hạt nhân trên bàn làm việc. Nếu điều đó đúng, ông sẽ không rời chiếc cặp hạt nhân của mình, giống như Tổng thống Mỹ.
Trung Quốc có thể tìm cách nắm bắt bất kỳ tín hiệu nào phát ra từ một thiết bị như vậy trên chuyên cơ.
Một ngày trước khi ông Kim Jong-un xuất hiện tại Singapore, một nhóm tiền trạm của Triều Tiên đã hạ cánh tại quốc đảo này từ một chuyến bay Trung Quốc, mang theo các thiết bị hậu cần, bao gồm cả thức ăn cho nhà lãnh đạo.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng, người Trung Quốc cung cấp miễn phí các dịch vụ, thiết bị này cho nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hành trình chuyến bay của ông Kim Jong-un cũng khá đặc biệt, máy bay bay qua Vịnh Bắc Bộ nhưng tránh bay vào cái gọi là "đường 9 đoạn" hay còn gọi là dường lưỡi bò trên Biển Đông.
Trong khi sử dụng máy bay và phụ thuộc dịch vụ của Trung Quốc để đảm bảo an ninh, ông Kim Jong-un vẫn cân nhắc đến Hoa Kỳ, Việt Nam và Philippines khi tránh khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Kim Jong-un đang bận rộn cân nhắc các lựa chọn, cẩn thận cân bằng các mối quan hệ, tránh để thiên lệch quá xa về bất kỳ quốc gia nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dùng bữa tối với Thủ tướng chủ nhà Lý Hiển Long để cảm ơn Singapore đã trả hóa đơn khách sạn cho ông.
Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục thống trị chương trình ngoại giao sau thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc.
Ông Kim Jong-un rất có thể sẽ đến dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng Chín tới, trên đường ghé thăm Vladivostok, khiến các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga sẽ lao vào cạnh tranh ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng.
Nguồn:
https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Kim-hitches-a-ride-on-a-Chinese-plane-in-victory-for-Xi