Quan hệ Trung - Mỹ sẽ căng thẳng hơn sau 90 ngày đình chiến?

23/12/2018 08:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc đã tránh nhắc đến Made in China 2025 gần đây, nhưng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình hôm 18/12 dường như đang dập tắt hy vọng về cải cách.

Nhà báo Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Asian Review ngày 20/12 có bài phân tích nhu cầu và khả năng cải cách tại Trung Quốc trong những năm tới qua thông điệp trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong dịp kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa.

Tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi 40 năm cải cách mở cửa là một cuộc cách mạng vĩ đại, thay đổi vận mệnh quốc gia Trung Quốc. Kiến trúc sư của cải cách mở cửa ở Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình.

Tuy nhiên, trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm chính thức 40 năm cải cách mở cửa ở Nhân Dân đại lễ đường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tập trung vào vai trò và di sản của nhà lãnh đạo vốn được xem là kiến trúc sư của cải cách, mở cửa.

Cho đến khi qua đời năm 1997, Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong suốt 20 năm.

Đáng chú ý, những cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khóa trước đã không có mặt tại lễ kỷ niệm này, kể cả 2 vị tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Còn Đặng Tiểu Bình đã không còn là ngôi sao trong "kỷ nguyên mới" trên vũ đài chính trị Trung Quốc, chính thức bắt đầu từ mùa thu năm 2017.

Lời khuyên của con trai Đặng Tiểu Bình 

Ngày 16/9, Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc tổ chức đại hội toàn quốc, Đặng Phác Phương - trưởng nam của Đặng Tiểu Bình, đồng thời là Chủ tịch danh dự của liên đoàn này bất ngờ nhận xét về vị thế hiện tại của Trung Quốc trên thế giới, được xem như một lời khuyên thẳng thắn gửi đến ông Tập Cận Bình:

Ông Đặng Phác Phương, ảnh: Zimbio.
Ông Đặng Phác Phương, ảnh: Zimbio.

"Chúng ta phải biết mình là ai, không tự cao tự đại, cũng không tự ti xem thường chính mình." Đặng Phác Phương khuyến cáo:

"Về đối nội, phải thực hiện chiến lược phát triển chất lượng cao, để nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Về đối ngoại, trong bối cảnh các nhân tố bất định ngày càng gia tăng, phải kiên trì phương châm hòa bình và phát triển, tranh thủ môi trường hợp tác quốc tế cùng thắng.

Thời điểm này, Trung Quốc phải làm sao giải quyết tốt các vấn đề của chính mình."

"Chúng ta từng trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa, lúc đó tín ngưỡng bị tiêu diệt, đạo đức suy đồi, văn hóa đứt gẫy, xã hội hỗn loạn và con người mất niềm tin với tất cả mọi thứ.

Sau này, vấn đề mới lại xuất hiện, kinh tế thị trường dẫn đến chủ nghĩa kim tiền tối thượng, phát triển quá nhanh khiến lòng người xáo trộn.

Những vấn đề này đã trở thành chướng ngại to lớn với chúng ta trên con đường hiện đại hóa."

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976, Đặng Phác Phương bị thương nặng khi nhảy xuống từ một tòa nhà nhằm chạy trốn khỏi đám đông bủa vây, ông phải ngồi xe lăn từ đó đến nay.

Bài phát biểu của ông hôm 16/9 không được truyền thông Trung Quốc phản ánh, nhưng nó lại nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Đặng Phác Phương là một "hạt giống đỏ" có ảnh hưởng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Getty / Nikkei Asian Review.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Getty / Nikkei Asian Review.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi chính sách vượt Mỹ, ít nhất là về quy mô nền kinh tế đến năm 2035, trái ngược hoàn toàn với chủ trương giấu mình chờ thời và chính sách cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình.

Đặng Phác Phương cũng nhắc tới lý thuyết giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội với nhận định Trung Quốc vẫn là quốc gia có trình độ sản xuất thấp, cần 100 năm để hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội.

Katsuji Nakazawa cho rằng, đây là thủ pháp "nhân cách hóa" chủ nghĩa hiện thực của Đặng Tiểu Bình.

Nói cách khác, Đặng Phác Phương muốn khuyên Tập Cận Bình tiếp tục chính sách giấu mình chờ thời để nắm lấy các phương pháp tư bản, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng.

Triển vọng ông Tập Cận Bình cải cách không nhiều

Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Min Xinpei) ngày 20/12 bình luận trên Nikkei Asian Review, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình dịp kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa cho thấy triển vọng cải cách đang mờ dần.

Những gì ông Tập Cận Bình sẽ quyết định trong năm 2019 gần như chắc chắn sẽ định hình Trung Quốc phát triển theo hướng nào trong vài thập kỷ tới.

Quan hệ Trung - Mỹ sẽ căng thẳng hơn sau 90 ngày đình chiến? ảnh 3

Trung Quốc đối mặt với 2 lựa chọn ngặt nghèo trước Tổng thống Donald Trump

Theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân, vấn đề đặt ra với Trung Quốc hiện nay là sự già hóa dân số, cải cách trì trệ và một thập kỷ tăng trưởng kinh tế làm tăng nợ nần;

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tập trung nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước, còn các doanh nhân tư nhân đang mất dần niềm tin.

Về đối ngoại, chính sách hung hăng của Trung Quốc đã khiến Washington tin rằng không thể thuyết phục Trung Quốc tự thay đổi.

Bản chất xung đột Trung - Mỹ hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ sự khác biệt về hệ thống chính trị và lợi ích.

Khi Trung Quốc còn giấu mình chờ thời, những xung đột về hệ giá trị và lợi ích này không quan trọng với phương Tây.

Nhưng bây giờ, phương Tây khó có thể chấp nhận rủi ro sống dưới cái bóng của Trung Quốc.

Vấn đề lớn nhất với ông Tập Cận Bình hiện nay là kết thúc thành công đàm phán Trung - Mỹ sắp tới.

Là chính khách mạnh mẽ và không có đối thủ trong nước, ông Tập Cận Bình hoàn toàn có thể mở rộng cải cách cơ bản để có nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn, quan hệ hòa bình với phương Tây.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân tin rằng, nếu ông Tập Cận Bình muốn để lại một di sản tích cực cạnh tranh với Đặng Tiểu Bình, thì bây giờ đang là cơ hội.

Có điều, bài phát biểu ngày 18/12 của ông Tập Cận Bình cho thấy ít có triển vọng cải cách với tuyên bố, Trung Quốc sẽ chỉ cải cách những gì nên và có thể cải cách, không bao giờ cải cách những thứ không nên và không thể cải cách.

Quan hệ Trung - Mỹ sẽ căng thẳng hơn sau 90 ngày đình chiến? ảnh 4

Mỹ có thể làm gì để ngăn Trung Quốc thống trị châu Á - Thái Bình Dương?

Câu chuyện nên hay không nên, có thể hay không thể ở đây được hiểu là muốn ám chỉ khối doanh nghiệp nhà nước.

Cho nên, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ có những điều chỉnh chiến thuật, chính sách kinh tế chủ yếu tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn hơn là cải cách cơ bản.

Trung Quốc sẽ thuyết phục khu vực tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài bằng những lời hứa cải cách, trong khi vẫn kiên quyết duy trì và bảo vệ hệ thống tư bản nhà nước.

Về đối ngoại, Bắc Kinh sẽ cố gắng vá lại các mối quan hệ với những nước quan trọng, đặc biệt là các đồng minh của Hoa Kỳ, ngăn họ gia nhập khối chống Trung Quốc do Washington lãnh đạo.

Nhưng thật không may cho ông Tập Cận Bình, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump là những người có quan điểm cứng rắn không đảo ngược về chiến lược quan hệ Trung - Mỹ. [3]

Bắc Kinh sẽ không từ bỏ Made in China 2025

Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro ngày 22/12 nói với Nikkei Asian Review, mặc dù gần đây Trung Quốc tránh công khai nhắc đến kế hoạch Made in China 2025, nhưng không ai ở Mỹ, Nhật Bản tin rằng Trung Quốc thực sự đã từ bỏ mục tiêu của kế hoạch này.

90 ngày đình chiến thương mại Trung - Mỹ để đàm phán sẽ thực sự rất khó khăn, bởi Trung Quốc có "tiền sự" lâu dài trong việc vi phạm những gì họ cam kết.

Giáo sư Peter Navarro nhắc đến việc vi phạm cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO năm 2001, đặc biệt là cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Vườn Hồng, Nhà Trắng về việc không quân sự hóa Biển Đông năm 2015.

Bởi vậy theo ông Peter Navarro, chừng nào Trung Quốc còn chưa thay đổi cấu trúc nền kinh tế của mình, chừng đó khó có hy vọng họ chấm dứt theo đuổi mục tiêu Made in China 2025.

Cố vấn Thương mại Mỹ vẫn kiên nhẫn chờ đợi cho đến ngày 1/3, khi các cuộc đàm phán sau cánh cửa đóng kín giữa Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kết thúc.

Giáo sư Peter Navarro với danh sách 50 vấn đề thực tiễn thương mại Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi, ảnh: Nikkei Asian Review.
Giáo sư Peter Navarro với danh sách 50 vấn đề thực tiễn thương mại Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi, ảnh: Nikkei Asian Review.

Tuy nhiên theo Giáo sư Navarro, ngay cả khi Trung Quốc nhượng bộ 25 trong số 50 vấn đề thực tiễn thương mại mà Mỹ đưa ra, Washington sẽ không chấp nhận sự nửa vời. [4]

Những dấu hiệu này cho thấy một khả năng, nếu Trung Quốc không thực sự thay đổi trong những vấn đề mang tính then chốt mà Mỹ nêu ra, có khả năng sau 90 ngày hưu chiến, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ sẽ bùng phát trở lại.

Nguồn:

[1]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Hegemony-troubled-Deng-but-doesn-t-worry-Xi

[2]http://news.dwnews.com/china/news/2018-10-23/60092785.html

[3]https://asia.nikkei.com/Opinion/China-in-2019-reform-or-staying-the-course

[4]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/Interview/Q-A-with-Peter-Navarro-Beijing-hasn-t-abandoned-Made-in-China-2025

Hồng Thủy