Trao đổi lại với 2 học giả Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Việt-Trung và Biển Đông

15/06/2016 12:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Chúng tôi cần bàn tay chân thành, khách quan, cầu thị và tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc để củng cố, vun bồi tình hữu nghị giữa hai nước.

Tờ Phượng Hoàng (ifeng.com) ngày 13/6 đăng lại nội dung cuộc tọa đàm bàn tròn "Nhất Hổ nhất tịch đàm" của đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông phát sóng ngày 11/6 xung quanh trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung, Mỹ dỡ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam và Biển Đông.

Tham dự cuộc tọa đàm bàn tròn này có 2 học giả, bà Phan Kim Nga và Giáo sư Thời Ân Hoằng. Theo giới thiệu trên trang baike.baidu.com, bà Nga là học giả đến từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Cử nhân Tiếng Việt Đại học Bắc Kinh, là học giả thỉnh giảng của Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ).

Còn Giáo sư Thời Ân Hoằng là một học giả khá quen thuộc đến từ Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, một chuyên gia cố vấn về các vấn đề quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại cho chính phủ Trung Quốc.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, ảnh: Tân Hoa Xã.
Giáo sư Thời Ân Hoằng, ảnh: Tân Hoa Xã.

Người viết nhận thấy qua nội dung trao đổi của 2 vị học giả Trung Quốc này đã bộc lộ những tư duy và cái nhìn hết sức thiên kiến, phiến diện và sai lệch về Việt Nam, chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ Mỹ - Việt - Trung và vấn đề Biển Đông trong một bộ phận giới nghiên cứu Trung Quốc.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trao đổi lại với 2 học giả Trung Quốc về những lập luận sai lệch ấy.

Đài Phượng Hoàng tóm tắt nội dung buổi tọa đàm này: "Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Ngày 23/5 Tổng thống Mỹ Barack Obama khi thăm chính thức Việt Nam đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kéo dài gần 50 năm qua.

Để đáp lại, Việt Nam có khả năng cân nhắc mở cửa vịnh Cam Ranh với Hoa Kỳ, tạo thành thế thọc sườn ở Biển Đông, để bổ khuyết mắt xích yếu kém trong chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Ngay sau động thái này của Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 28/5 đã hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng.

Truyền thông Nhật Bản bình luận rằng, 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam đang cho thấy sự đoàn kết nhất trí tăng cường thế kiềm chế Trung Quốc. Mỹ - Việt bắt tay nhau liệu có ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Trung?"

Lời tóm tắt của đài Phượng Hoàng có một số vấn đề cần làm rõ.

Thứ nhất, Việt Nam mở cửa Cảng Quốc tế Cam Ranh chào đón tàu thuyền tất cả các nước vào sử dụng dịch vụ, phát triển kinh tế thương mại và củng cố quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, trong đó có cả tàu Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, cả tàu thương mại lẫn quân sự.

Còn việc tần suất truy cập, sử dụng dịch vụ, thời gian lưu trú....cụ thể như thế nào là những vấn đề mang tính kỹ thuật, các cơ quan chức năng Việt Nam có quy định và lộ trình, kế hoạch cụ thể.

Còn Cảng Quân sự Cam Ranh chỉ dành cho Quân đội Nhân Dân Việt Nam sử dụng vào mục đích quốc phòng, phòng thủ, không quốc gia nào được phép truy cập.

Như vậy có thể thấy, chính sách đối ngoại "3 không" của Việt Nam nói chung, chính sách mở cửa Cảng Quốc tế Cam Ranh nói riêng là hoàn toàn minh bạch, công khai trên tinh thần thúc đẩy giao lưu hữu nghị, phát triển kinh tế.

Không có chuyện Việt Nam sử dụng Cam Ranh để tạo thế "thọc sườn" như Phượng Hoàng bình luận, có thể khiến dư luận nhân dân Trung Quốc hiểu sai lệch bản chất vấn đề.

Thứ hai, bình luận "Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam đang cho thấy sự đoàn kết nhất trí tăng cường thế kiềm chế Trung Quốc" mà Phượng Hoàng nói là của truyền thông Nhật Bản đưa ra, không phản ánh chính xác những gì đang diễn ra.

Trao đổi lại với 2 học giả Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Việt-Trung và Biển Đông ảnh 2

Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn

(GDVN) - Cách tốt nhất để "phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch" là giải quyết một cách sòng phẳng, khách quan, cầu thị...

Xin không lạm bàn về Mỹ và Nhật Bản, nhưng riêng Việt Nam thì người viết tin rằng, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam liên kết với bất kỳ nước nào để kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam không rảnh để chống Trung Quốc.

Có lẽ cái Phượng Hoàng gọi là "kiềm chế" ở đây, chính là việc hợp tác quốc tế chống lại các nỗ lực phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông, chà đạp luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực mà Trung Quốc đang tiến hành và kéo Trung Quốc trở lại quỹ đạo của luật pháp quốc tế chân thực và phổ quát cùng với phần còn lại của thế giới này.

Nếu đúng như vậy thì điều đó rõ ràng không phải Việt Nam liên kết với Hoa Kỳ, Nhật Bản để "kiềm chế" Trung Quốc, mà đang đấu tranh với các hành động vi phạm pháp luật của Trung Quốc để bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình, ổn định của khu vực cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị Trung Quốc xâm hại trên Biển Đông.

Còn câu hỏi Phượng Hoàng đặt ra là, Mỹ - Việt bắt tay nhau liệu có ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Trung hay không, thì người viết cũng xin hỏi lại, năm 1972 khi Việt Nam đang trong quá trình kháng chiến thống nhất đất nước, Mao Trạch Đông bắt tay với Nixon có ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không?

Trong chương trình tọa đàm, bà Phan Kim Nga bình luận:

"Tôi cho rằng Việt Nam họ hiểu rất rõ, rằng hiện nay Mỹ chỉ muốn lợi dụng họ, sau đó, nhưng họ thì cũng muốn lợi dụng Hoa Kỳ, do đó hai bên đều có nhu cầu với nhau.

Tuy nhiên Việt Nam thì tôi cho rằng họ có giới hạn, đương nhiên hiện tại nếu cứ theo phán đoán thông thường mà nói, có khả năng sau này cái gọi là quan hệ đối tác hợp tác toàn diện được nâng cấp thành đối tác chiến lược, nhưng hiện tại không có hai chữ "chiến lược", họ chỉ có quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Nga."

Người dẫn chương trình Hồ Nhất Hổ cắt ngang lời bà Nga: "Nhưng cái quan hệ đối tác hợp tác chiến lược (trong) quan hệ Việt - Mỹ có thể hình thành trong thời gian ngắn hay không?", bà Nga bình luận tiếp:

"Tôi cảm thấy không có nhiều khả năng này, trừ phi Đảng Cộng sản Việt Nam không còn nắm quyền nữa, đó chính là giới hạn của họ. Nếu kết đồng minh với Hoa Kỳ, giới hạn của họ là Đảng Cộng sản Việt Nam phải rời khỏi vũ đài, nhưng tôi cho rằng hiện nay chưa thể xảy ra điều này, do đó rõ ràng giữa hai bên đều có nhu cầu.

Tuy nhiên xuất phát từ mục đích kiềm chế của Việt Nam, nhưng họ cũng vừa làm vừa theo dõi, vừa phải quan sát Trung Quốc, do đó có những bài báo cho rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa tiễn Obama xong đã nhanh chóng tổ chức họp báo, nói rằng chúng tôi không có xung đột, sau đó chúng tôi tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc".

Bình luận của bà Phan Kim Nga cho thấy tư duy Chiến tranh Lạnh, lập trường chính trị còn quá nặng nề và vị học giả này đã không thấy được bản chất diễn biến của tình hình quốc tế, quan hệ quốc tế diễn ra mau lẹ, thay đổi từng ngày như hiện nay.

Thứ nhất nói Mỹ hay Việt Nam chỉ muốn "lợi dụng" lẫn nhau có thể khiến dư luận Trung Quốc hiểu sai lệch bản chất hợp tác hữu nghị cùng có lợi trên nguyên tắc tôn trọng nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, giống như giữa Trung Quốc với các nước khác.

Từ "lợi dụng" chỉ có thể dùng trong trường hợp 2 hoặc nhiều bên hợp tác để chống lại luật pháp quốc tế, chống lại lợi ích hợp pháp của một bên thứ 3, như trong trường hợp các quan chức, Đại sứ, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang làm để chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines.

Về quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã trịnh trọng mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ và đón tiếp với cương vị nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng năm ngoái. Năm nay ông Obama thăm chính thức Việt Nam và đưa ra lời hẹn ước "trăm năm":

"Rằng, trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi".

Nhắc lại điều này để thấy lập luận của bà Phan Kim Nga rằng quan hệ Việt - Mỹ tiến lên "đối tác hợp tác chiến lược" chỉ khi nào "Đảng Cộng sản Việt Nam không còn nắm quyền nữa" thật là ngây ngô, nực cười. Người viết không nghĩ là một nhà nghiên cứu Trung Quốc rành tiếng Việt như bà Nga, có thể đọc tin tức hàng ngày về Việt Nam mà có nhận thức ấu trĩ như vậy.

Bà Phan Kim Nga, ảnh: Nhân Dân nhật báo.
Bà Phan Kim Nga, ảnh: Nhân Dân nhật báo.

Khả năng cao theo suy nghĩ của cá nhân người viết, là bà Nga đang muốn phá quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Mỹ bằng con bài "ý thức hệ", lập trường hóa, giai cấp hóa quan hệ quốc tế theo mục đích, ý đồ cô lập Việt Nam thường thấy trên một số tờ báo Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu.

Tuy nhiên, những suy nghĩ ích kỷ hẹp hòi ấy chẳng ảnh hưởng gì tới quan hệ hợp tác Việt - Mỹ, ngược lại nó chỉ góp phần làm méo mó nhận thức trong dư luận xã hội Trung Quốc, và có thể dẫn đến những tham mưu sai lầm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ quốc tế.

Mà ai nhận thức sai thì người đó phải trả giá.

Việt Nam đâu phải trẻ lên ba để ai đó có thể hù dọa bằng luận điệu, chơi với Mỹ là mất Đảng! Mao Trạch Đông bắt tay Nixon từ 1972 đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thấy lớn mạnh thêm, sao có người lại muốn Việt Nam đừng chơi với Mỹ?

Còn những phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt Nam mà bà Nga trích dẫn rõ ràng chỉ cho thấy một điều, Việt Nam rất thiện chí, mong muốn hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, bao gồm Trung Quốc, giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tất cả chỉ có vậy thôi.

Ông Hồ Nhất Hổ quay sang hỏi Giáo sư Hoằng: "Ông có đồng ý với phân tích của bà Nga không?" Vị học giả này nói:

"Đối với vấn đề Biển Đông mà nói, cũng có nghĩa là đối với Việt Nam, vấn đề chiến lược chủ yếu hiện nay, không có gì nghi ngờ, Việt Nam xem Trung Quốc là đối thủ. Tuy nhiên Việt Nam cũng không dám thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự Việt - Mỹ quá nhanh, quá mạnh và quá cao. Tại sao vậy?

Bởi vì, (mục đích / đối tượng) quan trọng nhất là kiềm chế Trung Quốc, nếu để quan hệ với Trung Quốc đổ vỡ, thì ảnh hưởng đối với kinh tế Việt Nam mà nói, gần như tiệm cận với sự hủy diệt. Ý thức hệ cũng là một vấn đề quan trọng cần tính toán, nhưng không phải tính toán chủ yếu."

Người viết xin có đôi lời thưa lại với Giáo sư Hoằng, Việt Nam không coi Trung Quốc là đối thủ, mà chỉ muốn làm bạn bè, đối tác, đồng chí, anh em theo đúng bản chất phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt mà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận.

Trao đổi lại với 2 học giả Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Việt-Trung và Biển Đông ảnh 4

Chủ quyền quốc gia luôn là mục tiêu tối thượng

(GDVN)- Kiên định đường lối lấy ngoại giao hòa bình làm biện pháp; một trái tim nóng trong cái đầu lạnh để gìn giữ chủ quyền...

Cá nhân người viết cũng tin rằng, với truyền thống ứng xử có trước, có sau, Việt Nam không bao giờ quên những giúp đỡ to lớn, quý báu và hiệu quả của Trung Quốc đối với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đó là một thực tế.

Nhưng hai nước từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay đã trải qua không ít thăng trầm và có một số chương buồn trong lịch sử mà người viết cho rằng xuất phát từ chính nhận thức sai lệch do thiếu thông tin, thiếu đối thoại khách quan, bình đẳng và cầu thị, hiểu sai về nhau, ứng xử không dựa vào luật pháp quốc tế mà dựa theo lập trường, trong khi lập trường có thể thay đổi tùy người lên, người xuống.

Cũng không loại trừ khả năng các sai lầm ấy bắt nguồn từ công tác tham mưu, đội ngũ tham mưu.

Ngày nay, cách hành xử phiêu lưu, lấn lướt, quân sự hóa Biển Đông, chà đạp luật pháp quốc tế ở Biển Đông hiện nay mà nhà nước Trung Quốc đang thể hiện đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Do đó trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật, Việt Nam mong muốn đàm phán với Trung Quốc giải quyết vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà cha ông chúng tôi đã xác lập chủ quyền từ khi còn là đất vô chủ, duy trì chủ quyền ấy một cách hòa bình, liên tục và hợp pháp. 

Năm 1956, Trung Quốc thừa cơ Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc để chiếm nửa phía Đông Hoàng Sa, năm 1974 lúc Việt Nam đang thống nhất đất nước, Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa.

Ngoài ra, quan hệ Việt - Trung cũng chịu không ít thăng trầm và thử thách khi các nhà cầm quyền nước ngài năm 1979 cất quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gây ra cuộc chiến xâm lược đẫm máu, xung đột kéo dài đến mãi năm 1989.

Năm 1988, Trung Quốc lùa quân xâm lược Gạc Ma và 5 thực thể khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tàn sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam tay không tấc sắt đang làm nhiệm vụ xây dựng.

Bức tranh Vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang tái hiện khoảnh khắc máu nhuốm màu cờ của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam quyết tử giữ đảo trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược Gạc Ma năm 1988 khi họ tay không tấc sắt.
Bức tranh Vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang tái hiện khoảnh khắc máu nhuốm màu cờ của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam quyết tử giữ đảo trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược Gạc Ma năm 1988 khi họ tay không tấc sắt.

Những nhức nhối này là do phía Trung Quốc gây ra.

Cục diện tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể ở Trường Sa cũng bắt nguồn từ cuộc chiến xâm lược của nước ngài năm 1988.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, Trường Sa ngày nay là đối tượng tranh chấp của 5 nước, 6 bên, bởi vậy mọi hoạt động giải quyết tranh chấp phải có sự tham dự đầy đủ của các bên liên quan.

Còn trên Biển Đông, năm 1947 chính quyền Trung Hoa Dân quốc thời Tưởng Giới Thạch tự vẽ ra đường chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò 11 đoạt vô căn cứ để đòi "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lên thay năm 1949 tiếp tục yêu sách vô lý và bành trướng này.

Đường lưỡi bò vô căn cứ ấy là mầm mống mọi bất ổn, nguy cơ xung đột ở Biển Đông vì nó "gặm" sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các nước ven Biển Đông theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Philippines đàm phán với Trung Quốc 18 năm ròng mà chẳng đi đến đâu, buộc Manila phải gõ cửa cơ quan tài phán quốc tế nhờ phân xử việc Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông, xâm phạm và xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế trên Biển Đông.

Những tưởng là một nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì gương mẫu chấp hành và bảo vệ luật pháp quốc tế phải được đặt lên hàng đầu, nhưng hành xử của Trung Quốc hiện nay lại làm điều ngược lại.

Đã nói ra thì xin nói khái quát hết vấn đề để xin thưa lại Giáo sư Hoằng câu chuyện có đầu, có đuôi như vậy chứ không phải "cắt mỗi khúc giữa".

Có như vậy Giáo sư mới hiểu rõ bản chất vấn đề và có thay đổi trong tư duy, suy nghĩ và tham mưu đúng đắn cho chính phủ Trung Quốc.

Trao đổi lại với 2 học giả Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Việt-Trung và Biển Đông ảnh 6

Tranh chấp chủ quyền: Chọn hữu nghị viển vông hay quốc gia, dân tộc?

(GDVN) - Trung Quốc từng giúp Việt Nam, nhưng cũng từng bán đứng và xâm lược Việt Nam... Đến nay, chủ quyền lãnh thổ, có nên xem xét dưới góc "đồng chí, anh em"?

Cá nhân người viết cho rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay và các học giả như Giáo sư Hoằng từ bé đã được dạy về đường lưỡi bò và yêu sách chủ quyền vô lý, nói nôm na là sai lầm này là của một vài thế hệ trước.

Tuy nhiên trong xã hội phát triển ngày nay, thông tin phủ kín internet nên thiết nghĩ những học giả uyên thâm quan hệ quốc tế như Giáo sư có đầy đủ điều kiện để tiếp cận các tài liệu đa chiều, căn cứ trên hệ thống luật pháp quốc tế một cách khách quan, cầu thị để cái gì sai thì sửa.

Thiết nghĩ làm được điều này mới xứng tầm "quân sư", có trách nhiệm với chính dân tộc Trung Hoa, bảo vệ uy tín của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế.

Người viết cũng hiểu rằng áp lực từ dư luận Trung Quốc là rất lớn bởi cách tuyên truyền ồ ạt về yêu sách chủ quyền bành trướng, vô lý, phi pháp ở Biển Đông theo kiểu mưa dầm thấm lâu đã hình thành nhận thức (lệch lạc) trong dư luận xã hội.

Nhưng đó chính là thách thức, rào cản mà các học giả như Giáo sư phải vượt qua để có thể bảo vệ chân lý và lẽ phải, cũng chính là bảo vệ hình ảnh đất nước Trung Quốc, dân tộc Trung Hoa trong mắt bạn bè quốc tế, phần còn lại của nhân loại.

Thiết nghĩ chính Giáo sư và các học giả Trung Quốc hiện nay nên là người đi tiên phong trong nghiên cứu, tham mưu và hoạch định chính sách, giúp chính phủ Trung Quốc hành xử thượng tôn pháp luật, trỗi dậy hòa bình, trở thành một cường quốc có trách nhiệm và được quốc tế đón nhận.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam để thúc đẩy hữu nghị, hợp tác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Ảnh: Sun Times.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam để thúc đẩy hữu nghị, hợp tác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Ảnh: Sun Times.

Còn chừng nào vẫn còn tư tưởng xem nước này, nước khác, nhất là các nước láng giềng là "cứng đầu" hay ngược lại là "ngoan ngoãn", thì chừng đó quý vị đang bộc lộ rõ tư duy chiếu trên, trịch thượng, coi mình là "con Giời", là đứng trên cả thiên hạ đã lỗi thời từ lâu trong đời sống nhân loại văn minh hiện nay.

Càng ứng xử như vậy, càng cho thấy tính ích kỷ hẹp hòi, tiểu nhân và không có lợi ích gì cho việc giữ gìn uy tín, tên tuổi của dân tộc Trung Hoa.

Trong thế giới phẳng, hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế là xu thế đã diễn ra và còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, không một quốc gia dân tộc nào có thể sống đàng hoàng, phát triển phồn vinh mà một mình một chiếu, đóng cửa không chơi với ai.

Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam với Trung Quốc cũng cần được đặt trong bối cảnh ấy.

Giáo sư Hoằng nói kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng mang tính "hủy diệt" nếu quan hệ Việt - Trung bị phá hoại có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại giữa người dân hai nước. Chính tư duy ấy đang phá hoại quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai dân tộc dù có nhiều ân oán đan xen.

Thứ nhất là cái "nếu" mà Giáo sư đặt ra chỉ xảy ra từ phía một số nhà lãnh đạo Trung Quốc, ví như các sự kiện mà người viết đề cập, hay gần nhất là nước ngài kéo giàn khoan khổng lồ 981 cắm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam năm 2014 gây ra một cuộc khủng hoảng song phương trong quan hệ giữa hai nước.

Người viết xin nhắc lại lập trường chính thức của Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định, đó là Việt Nam mong muốn và sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý.

Việt Nam không dựa vào nước này chống nước kia, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình hay lợi dụng mình để chống lại nước thứ 3.

Trong quan hệ với Trung Quốc, cá nhân người viết cho rằng Việt Nam vẫn mong muốn giữ đúng tinh thần và bản chất quan hệ song phương theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.

Còn độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với chúng tôi là bất khả xâm phạm. Việt Nam sẽ bảo vệ đến cùng, bất chấp kẻ xâm hại / xâm lược là ai. Xin quý vị đừng đánh đồng điều này với khái niệm "cứng đầu", "kiềm chế Trung Quốc"...

Nhưng như người Trung Quốc vẫn nói, một bàn tay vỗ không nên tiếng, chúng tôi cần bàn tay chân thành, khách quan, cầu thị và tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc để củng cố, vun bồi tình hữu nghị giữa hai nước.

Còn quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nhật hay giữa Việt Nam với bất kỳ quốc gia nào khác cũng không ngoài mục đích giúp đất nước chúng tôi phát triển phồn vinh để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định trong khu vực.

Hy vọng các học giả Trung Quốc có tiếng tăm như Giáo sư Thời Ân Hoằng hay bà Phan Kim Nga thấy rõ điều này, chính là góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp, danh dự uy tín của chính đất nước Trung Quốc cũng như quan hệ Việt - Trung.

Cá nhân người viết là một công dân Việt Nam, thể hiện suy nghĩ của riêng mình trước các phát biểu của hai học giả Trung Quốc mà người viết cho rằng rất bất lợi đối với hình ảnh, uy tín của Trung Quốc cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung, người viết không nhân danh ai khác.

Hồng Thủy