Thời báo Hoàn Cầu, một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25/1 có bài bàn đến quân sự hóa Biển Đông, bất chấp lo ngại và phản đối, lên án mạnh mẽ của dư luận khu vực và thế giới.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson vừa có cuộc điện đàm |
Tờ báo dẫn lại lời ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ rằng:
"Chúng tôi (Trung Quốc) sẽ không tìm cách quân sự hóa các thực thể, nhưng điều này tuyệt đối không đồng nghĩa với việc không bố trí phòng thủ, các công trình phòng thủ nhiều ít tùy thuộc vào mức độ mối đe dọa gây ra cho chúng tôi".
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, diện tích các thực thể Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) khá nhỏ, nguồn năng lượng có hạn, trang bị triển khai tiềm năng rất hạn chế, vì vậy triển khai những vũ khí “phòng thủ” nào phải lựa chọn và lập kế hoạch thật công phu.
Trang bị thông tin, trinh sát
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, trên các thực thể này không thể thiếu được các thiết bị trinh sát, cảnh báo sớm nhằm phục vụ cho cái gọi là “bảo vệ chủ quyền”, “giám sát theo thời gian thực và kiểm soát có hiệu quả đối với vùng biển, vùng trời ở xung quanh”.
Tờ báo này đề xuất, cần một số lượng nhất định radar kiểm soát trên không, radar cảnh giới đối không và radar tìm kiếm đối hải. Trên một thực thể cần triển khai 2 bộ radar cảnh giới chủng loại khác nhau trở lên để hỗ trợ cho nhau và tăng cường năng lực chống nhiễu.
Để hỗ trợ cho radar, Thời báo Hoàn Cầu cho là phải triển khai số lượng hệ thống trinh sát hồng ngoại, hệ thống trinh sát ánh sáng trắng nhất định, bảo đảm giám sát cần thiết khi radar bị gây nhiễu điện từ nghiêm trọng trong môi trường điện từ phức tạp, đồng thời hệ thống trinh sát hồng ngoại có ưu thế hơn trong việc trinh sát các mục tiêu tàng hình.
Tiếp theo, có thể triển khai một số hệ thống trinh sát điện tử và nghe lén thông tin để tiến hành giám sát đối với “máy bay quân sự và tàu chiến nước ngoài” ở vùng biển lân cận.
Hơn nữa, bài báo cho rằng, triển khai một lượng nhất định hệ thống định vị thủy âm ở đáy biển để ngăn chặn “tàu ngầm nước khác” đến gần trinh sát.
Tàu trinh sát điện tử Thiên Vương Tinh số hiệu 853 Type 815, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng, hệ thống thông tin cũng không thể thiếu, bao gồm trạm vệ tinh mặt đất, đài vô tuyến VHF, thiết bị thông tin vô tuyến điện cao tần và hệ thống cáp quang đáy biển.
Những hệ thống thông tin trên có thể lựa chọn bố trí phù hợp với diện tích các thực thể, trên một số thực thể còn có thể triển khai hệ thống chỉ huy để tiện cho “chỉ huy tuyến đầu”.
Chủ yếu là phòng không, thứ yếu là chống hạm
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng, hiện nay, mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc trên Biển Đông đến từ trên không và trên biển, trong thời bình nên chủ yếu triển khai vũ khí phòng không, chống hạm.
Do diện tích các thực thể có hạn, trong thời bình về mặt phòng không có thể triển khai một số hệ thống phòng không tầm gần, chẳng hạn các hệ thống như tên lửa HQ-7, pháo 730 ly hoặc pháo cao xạ tự hành.
Những hệ thống này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ “phòng ngự điểm” ngăn chặn bị tên lửa hành trình tập kích. Còn lại các tàu chiến hải quân tiến hành phòng không ở ngoại vi.
Trung Quốc mua tên lửa phòng không S-400 Nga |
Một chuyên gia khác thì cho rằng, nếu tình hình căng thẳng, Trung Quốc có thể điều các hệ thống phòng không như HQ-9, HQ-12, HQ-16 hoặc S-300, lựa chọn những hòn đảo ở tuyến đầu, diện tích đầy đủ để triển khai.
Nếu diện tích đảo đầy đủ thì việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không cỡ lớn như vậy cần triển khai có hệ thống và tốt nhất là triển khai theo đơn vị cấp trung đoàn, từ đó hỗ trợ cho chống gây nhiễu điện từ và không kích quy mô lớn, đồng thời yểm trợ cho nhau.
Nếu chỉ triển khai 1 – 2 hệ thống thì sẽ dễ bị đối phương lần lượt đánh phá, tiêu diệt. Ngoài ra, triển khai hệ thống phòng không cũng cần cân nhắc phối hợp sử dụng với tên lửa phòng không của các tàu chiến hải quân.
Chuyên gia này cho rằng, ngoài hệ thống phòng không, Trung Quốc cần triển khai lượng nhỏ vũ khí chống hạm, thời bình cần chủ yếu triển khai pháo phòng thủ bờ biển với các kích cỡ khác nhau để tập trung đối phó các “khiêu khích” và sự “quấy nhiễu” của “đặc vụ” đối phương, bài báo coi đây là mối đe dọa chính trong thời bình.
Trong thời kỳ căng thẳng, Thời báo Hoàn Cầu đề xuất triển khai các dòng tên lửa chống hạm có tầm bắn khá xa như YJ-8 và YJ-62 để tiến hành phong tỏa, kiểm soát đối hải, “lấy đất liền chế ngự biển”.
Ngoài ra, có thể triển khai lượng nhỏ vũ khí săn ngầm và vũ khí chống người nhái, hoặc máy bay trực thăng săn ngầm.
Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu, hiện nay, các bến tàu do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở các đảo đá trên Biển Đông là khá nhỏ, không thể triển khai tàu chiến cỡ lớn, có thể điều tàu chiến cỡ vừa và nhỏ tiến hành “tuần tra định kỳ”, trong tương lai cũng có thể điều máy bay “tuần tra định kỳ”.
Nhưng, chuyên gia khác cho rằng, trong thời bình, ở những đảo đá “có điều kiện” cần triển khai một lượng máy bay tiêm kích nhất định, không liên hệ nó với tình hình.
Lý Kiệt ngụy biện, những động thái này không phải là "quân sự hóa Biển Đông" mà chỉ mang tính chất phòng ngự, nhưng với yêu cầu đặt ra: "anh có thể nổ một phát súng, nhưng không có cơ hội nổ phát súng thứ hai”.
Ông Kiệt cho rằng, Trung Quốc nên học cách như Nga triển khai S-400 đến Syria để triển khai ở Biển Đông.
Hình ảnh này được cho là máy bay chiến đấu J-11B của lực lượng đường không Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp ở sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. |