"Trung Quốc dễ bị kích động khi Nga cung cấp tên lửa cho tàu ngầm Việt Nam"

01/05/2015 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - SIPRI cho rằng Nga đã bán cho Việt Nam 50 tên lửa ngầm đối đất Klub và 28 quả đã được chuyển giao trong hơn 2 năm qua.
Một góc cảng Cam Ranh trong ngày đón nhận tàu ngầm Hà Nội, ảnh do phóng viên Tân Hoa Xã, Trung Quốc chụp.
Một góc cảng Cam Ranh trong ngày đón nhận tàu ngầm Hà Nội, ảnh do phóng viên Tân Hoa Xã, Trung Quốc chụp.

Reuters ngày 30/4 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam rất quyết tâm đối phó với các nguy cơ đe dọa (độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia), đặc biệt là khi Trung Quốc tái trang bị vũ khí cho quân đội và (leo thang) căng thẳng lãnh thổ gia tăng. Trung Quốc có thể "bị kích động" khi Việt Nam trang bị tên lửa ngầm đối đất cho lực lượng tàu ngầm của mình.

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa cập nhật dữ liệu trên trang web của mình cho thấy, Việt Nam đã đặt mua phiên bản mới của tên lửa Klub của Nga có thể sử dụng cho tàu ngầm tấn công các mục tiêu mặt đất. Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu vũ khí của SIPRI cho rằng, hạng mục này dựa trên đăng ký vũ khí thông thường mà Việt Nam trình Liên Hợp Quốc trong năm ngoái.

Giới Tùy viên quân sự khu vực và các nhà phân tích xem việc sắm tên lửa là dấu hiệu tiếp theo cho thấy quyết tâm của Việt Nam cũng như xu hướng khu vực châu Á đối phó với sự gia tăng (bành trướng) sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ tăng cao. Sự lựa chọn loại vũ khí này đã diễn ra một cách quyết đoán hơn so với các tên lửa chống hạm mà Việt Nam dự kiến trang bị.

Trong khi tên lửa chống hạm có khả năng tấn công mục tiêu là các tàu ngầm, chiến hạm mặt nước Trung Quốc ở Biển Đông thì loại tên lửa hạm đối đất có khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách 300 km. Điều này làm cho các thành phố ven biển Trung Quốc trở thành mục tiêu tiềm ẩn trong bất kỳ một cuộc xung đột nào.

Giáo sư Carl Thayer từ Úc cho biết, động thái này là một sự thay đổi lớn ngoài chiến thuật chống tàu thường xuyên hơn. Việt Nam đã tạo cho mình khả năng răn đe mạnh mẽ hơn nhiều và làm phức tạp thêm các tính toán chiến lược của Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer nói và cho biết, ông ngạc nhiên về sự thay đổi này.

Tàu ngầm Hà Nội, ảnh: Tân Hoa Xã.
Tàu ngầm Hà Nội, ảnh: Tân Hoa Xã.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á trang bị tên lửa hạm đối đất cho lực lượng tàu ngầm của mình. Reuters dẫn bình luận của ông Thayer cho rằng một khi nổ ra xung đột quân sự ít khả năng Việt Nam tấn công vào những thành phố như Thượng Hải, nhưng những căn cứ quân sự như Tam Á ở Hải Nam hoặc trên đất liền Đông Nam Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu tiềm năng.

Trước khi có được những vũ khí mới nhất, khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất của Việt Nam trước đây chỉ giới hạn trong phạm vi một số tên lửa Scud đã lỗi thời. Hải quân Việt Nam đã sở hữu tàu ngầm lớp Kilo MV636 do Nga chế tạo, chiếc thứ 5 đang chạy thử nghiệm ở St Peterburg trong khi cái cuối cùng sẽ hoàn thành vào năm 2016.

SIPRI cho rằng Nga đã bán cho Việt Nam 50 tên lửa ngầm đối đất Klub và 28 quả đã được chuyển giao trong hơn 2 năm qua. Nhà phân tích chiến lược người Nga Vasily Kashin cho rằng, phiên bản tàu ngầm Kilo MV636 Nga bán cho Việt Nam hiện đại hơn loại tàu ngầm Nga bán cho Trung Quốc. Trong khi đó Moscow chưa bao giờ bán tên lửa tấn công hạm đối đất Klub cho Bắc Kinh, còn Trung Quốc đang phát triển loại vũ khí tương tự của họ là YJ-18.

Zha Daojiong, một giáo sư về các vấn đề quan hệ quốc tế đại học Bắc Kinh bình luận, động thái này là một phần xu hướng tái vũ trang trong khu vực bình thường, và người Việt "nhận thức được cái giá phải trá khi sử dụng chúng chống lại Trung Quốc"?! Zha Daojiong bình luận, đó là một khẩu súng lục đã nạp đạn, nhưng học giả này nghi ngờ "khả năng bóp cò của người Việt"?!

Trevor Hollingsbee, một chuyên gia phân tích tình báo hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Việt Nam đã tạo ra cơn đau đầu chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông

Hồng Thủy