Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Reuters ngày 28/4 đưa tin, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Thứ Ba đã nói rằng Bắc Kinh "vô cùng lo ngại" sau khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 bày tỏ lo lắng trước các hoạt động cải tạo đất (bất hợp pháp mà Trung Quốc đang làm) cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông. Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông là căn nguyên mới nhất của căng thẳng với các nước lán giềng.
10 nước ASEAN đã khẳng định sau hội nghị thượng đỉnh vừa qua tại Kuala Lumpur rằng, hoạt động cải tạo đất (bất hợp pháp) gây mất lòng tin, sự tự tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Hồng Lỗi rêu rao, trong vấn đề Biển Đông hiện Trung Quốc đã "kiềm chế cùng cực"?! Nếu không phải cái gọi là "kiềm chế cùng cực", liệu Trung Quốc còn định leo thang đến đâu trên Biển Đông? PV.
Nguồn tin ngoại giao nói với Reuters, ngoài Philippines công khai yêu cầu ASEAN thống nhất lập trường phản đối Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Việt Nam và Indonesia cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trong cuộc họp kín, buộc nước chủ nhà Malaysia vốn miễn cưỡng đối kháng với Trung Quốc phải đưa vấn đề Biển Đông lên bàn đàm phán trong các phiên họp kín.
Theo bình luận của The Diplomat ngày 29/4, giai đoạn hiện nay khá khó khăn cho các nhà ngoại giao Trung Quốc khi Thủ tướng Nhật Bản đang ở thăm Hoa Kỳ và lãnh đạo 2 nước hoặc công khai, hoặc ngụ ý chỉ trích Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp với láng giềng.
Kết quả tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 chỉ trích các hoạt động cải tạo của Trung Quốc là phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Mặc dù về mặt ngôn từ, tuyên bố lần này của ASEAN có cứng rắn hơn so với các lần trước, nhưng vẫn còn tương đối không rõ ràng. Giải pháp cho tranh chấp Biển Đông đã nhận được sự quan tâm chú ý rất lớn nhưng lại có rất ít tiến bộ được ghi nhận.
Nhưng ngay cả những tiến triển ít ỏi đó cũng khiến Bắc Kinh "lên cơn thịnh nộ". Hồng Lỗi tức tối rêu rao: "Hội nghị thượng đỉnh ASEAN không phải là nơi thích hợp để thảo luận về Biển Đông khi chỉ có 4 nước ASEAN có yêu sách. Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN". Hồng Lỗi lu loa: "Một số ít quốc gia đang bắt cóc toàn bộ quan hệ Trung Quốc - ASEAN giữ làm con tin cho lợi ích ích kỷ của họ"?!
The Diplomat nhấn mạnh, một bài xã luận trên Tân Hoa Xã thì bộc lộ quan điểm của Bắc Kinh rõ ràng hơn, trực tiếp cáo buộc Philippines kích động chống Trung Quốc (bành trướng): "Lịch sử đã chứng minh rằng ASEAN như một tập thể phải chịu thiệt thòi vì việc làm sai trái của một vài thành viên. Nếu ASEAN tiếp tục để bản thân bị kéo vào các giải pháp đa phương cho Biển Đông, nó sẽ chỉ có lợi cho một số ít quốc gia và thiệt hại cho phần còn lại"?!
Phải chăng cái "thiệt" mà Tân Hoa Xã úp mở ở đây chính là những mồi thơm kinh tế - thương mại của chiến lược Một vành đai, một con đường hay Con đường Tơ lụa trên biển mà Bắc Kinh đang cổ súy và trưng ra? Nhưng Tân Hoa Xã và Trung Nam Hải nên nhớ, một khi cứ để Bắc Kinh muốn làm gì thì làm gây nên xung đột, chiến tranh ở Biển Đông thì chẳng có Con đường Tơ lụa nào, cũng không một thành viên nào của ASEAN được yên ổn, làm ăn - PV.
Thủ đoạn hơn, Tân Hoa Xã còn có ý so sánh cái họ gọi là "chủ nghĩa bài Trung Quốc" ở Philippines với "lựa chọn của Việt Nam tập trung vào hợp tác với Trung Quốc". Truyền thông nhà nước Trung Quốc tưởng rằng cứ lập lờ đánh lận con đen như thế là có thể lôi kéo được Việt Nam về phía họ hoặc chí ít cũng reo rắc hoài nghi, nghi ngờ trong nội bộ ASEAN về quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhưng như người xưa vẫn nói, màn thưa không che được mắt thánh - PV.
The Diplomat kết luận, những chỉ trích của Bắc Kinh với tuyên bố của ASEAN về Biển Đông cơ bản bác bỏ mọi khả năng ASEAN được có mối quan tâm chính đáng trước những căng thẳng gia tăng trong khu vực. Phản ứng này rõ ràng cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục từ chối các quan điểm, vị thế của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.