Trung Quốc là "ngọn núi" hay "đống rơm", hãy hỏi Triều Tiên

03/05/2018 13:36
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc nên đánh giá đúng tầm, đúng mực về ông Kim Jong-un mới là cách tối đa hóa lợi ích, thay vì tranh cãi mình có bị "ra rìa" hay không.

Đưa tin về sự kiện Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Triều Tiên, tờ Liên Hợp, Đài Loan ngày 3/5 giật tít: "Ông Vương Nghị thăm Triều Tiên, không để (Trung Quốc) bị gạt ra rìa." [1]

Triệu Thông, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên từ Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua, Bắc Kinh ngày 3/5 được Financial Times dẫn lời nhận xét:

"Trung Quốc hy vọng có thể đảm bảo rằng, bất kỳ tiến trình nào đàm phán kết thúc Chiến tranh Triều tiên hay ký kết hiệp ước hòa bình, đều bao gồm sự tham dự tích cực của Bắc Kinh;

Đồng thời các tiến trình đàm phán này cần có sự quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và nguyện vọng của Trung Quốc."

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chiêu đãi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: KCNA.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chiêu đãi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: KCNA.

Theo ông, Trung Quốc vẫn muốn khôi phục cơ chế đàm phán 6 bên thay cho đàm phán trực tiếp Mỹ - Triều để phi hạt nhân hóa bán đảo. [2]

Trung Quốc là ngọn núi hay đống rơm?

Thời báo Hoàn Cầu ngày 2/1 có bài xã luận: "Trung Quốc là ngọn núi lớn bên cạnh bán đảo, chứ không phải đống rơm". Tờ báo viết:

"Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Triều Tiên từ 2/5 đến 3/5. 

Do hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều vừa kết thúc, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang trong quá trình chuẩn bị gấp rút, cho nên chuyến thăm của ông Vương Nghị dẫn tới nhiều đồn đoán;

Trong số này có một số đồn đoán thiếu cơ sở, ví dụ như những rêu rao Trung Quốc lo bị cho ra rìa, cho nên lúc này mới vội vã phái ông Vương Nghị đi Bình Nhưỡng, vân vân...

Theo hiểu biết của chúng tôi, ông Vương Nghị thăm Triều Tiên lần này, đầu tiên là để thực hiện quyết định của lãnh đạo cấp cao 2 nước trong cuộc gặp tại Bắc Kinh tháng Ba vừa qua, về việc tăng cường giao lưu trao đổi chiến lược.

Trung Quốc là "ngọn núi" hay "đống rơm", hãy hỏi Triều Tiên ảnh 2

Triều Tiên có thể mở cửa với phương Tây, tránh cải cách theo mô hình Trung Quốc

Trung Quốc và Triều Tiên tăng cường thăm viếng, điều này vừa do sự thúc đẩy của cục diện bán đảo đã có những biến động rất lớn;

Đồng thời nó cũng có sự dẫn đường của việc khôi phục, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều.

Cho nên chuyến thăm này mang tính kế hoạch và hợp lẽ thường tình.

Điều đáng nói là, lập luận 'Trung Quốc bị gạt ra rìa bán đảo' nổi lên không dứt, chẳng qua là trò chơi tạo dư luận của một số người nông cạn, hời hợt.

Lập luận này rất bất thường đối với rất nhiều nhà quan sát chuyên nghiệp, mang màu sắc tiêu cực về chính sách của Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên, thậm chí là về bản thân Trung Quốc.

Những lập luận này không thể đứng vững, cho nên chúng chỉ là những thứ 'mỳ ăn liền' để biểu đạt sự bất mãn đối với Trung Quốc.

Trung Quốc không phải nước lớn chuyên tạo dư luận quốc tế, làm việc gì cũng coi trọng hiệu quả thực chất.

Quá trình diễn ra hội nghị giữa ông Tập Cận Bình với ông Kim Jong-un được bảo mật, kết thúc rồi mới công bố.

Trung Quốc là "ngọn núi" hay "đống rơm", hãy hỏi Triều Tiên ảnh 3

Triều Tiên trước ngưỡng cửa cải cách toàn diện

Nhưng Seoul đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều là để đáp ứng nhu cầu chính trị tại Hàn Quốc. 

Khi hội nghị giữa ông Kim Jong-un với ông Moon Jae-in còn chưa tiến hành, thì những tin đồn về địa điểm hội đàm đã xuất hiện như nấm sau mưa.

Có người ví von, quan hệ Mỹ - Triều giống như trần nhà, còn quan hệ Trung - Triều như sàn nhà trong việc giải quyết vấn đề bán đảo.

Vai trò và tác dụng của Trung Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên không phải do Bắc Kinh cưỡng cầu. 

Trung Quốc là một nước lớn nằm bên cạnh bán đảo, là hậu phương lớn về chính trị và đối tác lớn về kinh tế của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Đồng thời, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc;

Trung Quốc còn là một trong 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc;

Không có sự tham dự của Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên có thể phi hạt nhân hóa và đạt được hiệp ước hòa bình vĩnh cửu là điều không thể tưởng tượng được...

...Phía Triều Tiên cũng rất nhiệt tình đối với việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều. 

Ủy viên trưởng Kim Jong-un cách đây không lâu đã 2 lần hội kiến Trưởng ban Liên lạc đối ngoại trung ương Tống Đào;

Triều Tiên tiếp ông Tống Đào và phái đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc tháng 11/2017 sang thông báo kết quả Đại hội 19 được nhà bình luận Hàng Tử Nha miêu tả trên Đa Chiều là "một cốc nước lọc trên bàn cũng không có", ảnh: DW.
Triều Tiên tiếp ông Tống Đào và phái đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc tháng 11/2017 sang thông báo kết quả Đại hội 19 được nhà bình luận Hàng Tử Nha miêu tả trên Đa Chiều là "một cốc nước lọc trên bàn cũng không có", ảnh: DW.

Ông nhiều lần thăm các du khách Trung Quốc bị tai nạn giao thông tại Triều Tiên, những hoạt động qua lại giữa Trung Quốc với Triều Tiên khiến dư luận tin tưởng vào tương lai của quan hệ hai nước.

Lập luận 'Trung Quốc bị gạt ra rìa bán đảo' chỉ là mong muốn của một số người tuyên truyền. 

Nhưng thật đáng tiếc, Trung Quốc là một ngọn núi lớn bên cạnh bán đảo, chứ không phải đống rơm, dù ai đó có cố tình nhào nặn cũng không thay đổi được." [3]

Ông Kim Jong-un quá giỏi

Ngày 29/11/2017 Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 được cho là có thể tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ, đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao trào.

Ngày 2/12/2017, Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận: "Trung Quốc đã cố hết sức rồi, Mỹ - Triều vẫn ăn miếng trả miếng". Thời báo Hoàn Cầu viết:

"Lựa chọn của Trung Quốc sẽ rất khó khăn, nhưng phải nói rõ rằng, chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi. Chúng tôi vừa không thuyết phục được Triều Tiên, vừa chẳng khuyên nổi Mỹ.

Tới đây điều duy nhất Trung Quốc có thể làm là, kiên trì đứng trên nguyên tắc giới hạn của mình, vừa tiếp tục nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng bán đảo, đồng thời vừa phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Ở điểm giới hạn, Trung Quốc không phải ngó mặt ai hết, thực lực lớn của Trung Quốc sẽ không khách khí với yêu cầu quá đáng của bất kỳ bên nào...

...Thực ra gần đây dư luận Mỹ cũng đã nhận ra rằng, Trung Quốc đã cố hết sức rồi;

Thực tế chứng minh rằng, chỉ dựa vào Trung Quốc thì không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; Những tiếng nói tỉnh táo như thế ngày càng nhiều.

Trung Quốc là "ngọn núi" hay "đống rơm", hãy hỏi Triều Tiên ảnh 5

Vai diễn nguyên thủ thay đổi, lợi ích quốc gia bất biến

Rốt cuộc thực tế luôn luôn có sức mạnh nhất;

Mong rằng Bình Nhưỡng sẽ ngày càng hiểu rõ, nếu họ cứ tiếp tục không dừng việc phóng thử tên lửa đạn đạo, Trung Quốc không thể giúp họ tránh các biện pháp trừng phạt.

Nguy cơ nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bất cứ lúc nào đang gia tăng, nhưng chiến tranh nổ ra hay không, không quyết định bởi việc Trung Quốc sẽ làm gì.

Sách lược lớn của Trung Quốc nên là duy trì nguyên tắc và lập trường độc lập, hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có đối sách phù hợp, không nghiêng về Mỹ, không nghiêng về Triều Tiên." [4]

Như vậy có thể thấy, Trung Quốc là "ngọn núi" hay "đống rơm" trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, cũng phải tùy vào từng tình huống cụ thể.

Chỉ có ông Kim Jong-un là giỏi, xuất sắc;

Bởi lẽ ông không những chủ động kéo được Mỹ, Hàn ngồi vào bàn đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo và ký hiệp ước hòa bình vĩnh viễn, mà còn chủ động khôi phục được "quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều" chỉ sau 1 chuyến đi.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều quan điểm hoài nghi về khả năng thành công của thượng đỉnh Mỹ - Triều;

Đồng thời cũng vẫn còn những tranh cãi về vai trò của Trung Quốc với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa, ký hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thời gian tới, nhất là sau thượng đỉnh Mỹ - Triều;

Nhưng sự đón tiếp trọng thị "chưa từng có" mà Trung Quốc dành cho ông Kim Jong-un, hay 78% người dân Hàn Quốc được hỏi tin tưởng ông Kim Jong-un thay vì 10% chỉ 1 tháng trước đó, đã nói lên nhiều điều. [5]

Ít nhất đến giờ phút này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã rất thành công về mặt đối ngoại.

Bởi thế nhận xét của ông Donald Trump về sự chân thành và đáng kính trọng đối với ông Kim Jong-un càng tạo thêm niềm tin về tương lai hòa bình, hòa giải, hòa hợp và phát triển trên bán đảo Triều Tiên.

Có hay không có sự tham dự của Trung Quốc trong tiến trình này, thì việc phi hạt nhân hóa bán đảo, cải cách và mở cửa toàn diện của Triều Tiên vẫn diễn ra;

Và tiến trình này vẫn mang lại lợi ích cho Trung Quốc, thay vì những lần thử tên lửa, hạt nhân thót tim như năm ngoái.

Cho nên Trung Quốc muốn tối đa hóa lợi ích chiến lược của mình ở Đông Bắc Á, chúng tôi thiết nghĩ việc cần làm là nên đánh giá đúng tầm, đúng mực về vai trò và chiến lược của ông Kim Jong-un để có chính sách phối hợp, thay vì tranh cãi mình là "ngọn núi" hay "đống rơm".

Nguồn:

[1]https://udn.com/news/story/11323/3120575

[2]http://www.ftchinese.com/story/001077404

[3]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2018-05/11958863.html

[4]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-12/11417389.html

[5]http://time.com/5262898/kim-jong-un-approval-rating/

Hồng Thủy