Tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 10/3 đăng bài viết phỏng vấn Doãn Trác, ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn chuyên gia an ninh mạng và thông tin hóa hải quân, một Thiếu tướng đã nghỉ hưu về vấn đề Biển Đông, vấn đề Triều Tiên và vấn đề an ninh mạng.
Doãn Trác, Thiếu tướng - Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc |
Doãn Trác tiếp tục lờ đi việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, nhảy vào tranh chấp, ra sức tiến hành quân sự hóa Biển Đông… là nguyên nhân căn bản làm nóng vấn đề Biển Đông hiện nay.
Trái lại, Doãn Trác tập trung đổ lỗi cho Mỹ làm nóng vấn đề Biển Đông, cho rằng, Mỹ muốn “duy trì độ nóng của vấn đề Biển Đông” để thực hiện ý đồ chiến lược “kiềm chế Trung Quốc”.
Doãn Trác cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốc độ cao khiến cho Mỹ cảm thấy lo ngại. Theo đánh giá của chuyên gia quốc tế, nếu không có bất ổn lớn, GDP của Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ trong giai đoạn 2025-2030.
Doãn Trác cho rằng, hiện nay so với Trung Quốc, ưu thế lớn nhất của Mỹ là quân sự. Vì vậy, Mỹ lợi dụng ưu thế quân sự, tạo ra các vấn đề an ninh xung quanh Trung Quốc, chẳng hạn vấn đề đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, vấn đề Biển Đông lần lượt bùng phát, trong tương lai còn có thể chuyển sang vấn đề Đài Loan.
Thậm chí, Doãn Trác còn cho rằng, hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN đã gây bất ngờ và lo ngại cho Mỹ, do đó một mục tiêu quan trọng của Mỹ là “phá hoại hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN”?!
Ông Trác ngụy biện: “Sử dụng các vấn đề an ninh để phá hoại phát triển kinh tế của Trung Quốc là một ý đồ quan trọng nhất của Mỹ. Washington muốn thông qua vấn đề Biển Đông để lôi kéo các nước ASEAN, Nhật Bản, Australia, thậm chí Ấn Độ, hình thành hệ thống liên minh kiềm chế Trung Quốc”.
Từ ngày 17 đến ngày 21/2/2016, một chi đội tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập đối kháng thực binh, bắn đạn thật ở Biển Đông |
Doãn Trác nghĩ rằng, hiện nay do nhiều nguyên nhân, nhất là quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Mỹ “chưa đạt được mục tiêu dự kiến” trong việc lôi kéo các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Nhưng Mỹ sẽ “không bỏ qua” vấn đề này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Để đối phó với Mỹ, Doãn Trác kêu gọi Bắc Kinh “bình tĩnh quan sát”. Ông Trác cho rằng, trong thực hiện chiến lược “một vành đai, một con đường”, ASEAN là một điểm nút quan trọng, nếu bị kẹt ở điểm nút này thì “con đường tơ lụa trên biển” cơ bản sẽ bị “tắc nghẽn”.
Doãn Trác cao giọng tuyên bố: "Trung Quốc kiên quyết không thỏa hiệp trong vấn đề chủ quyền, vì đó là lãnh thổ do tổ tông để lại, không thể để mất đi một tấc”.
Ông tướng này đe dọa: "Trung Quốc tuyệt đối sẽ không nổ phát súng đầu tiên trong vấn đề Biển Đông, nhưng ai nếu dám sử dụng vũ lực để xâm phạm, chúng ta nhất định dùng vũ lực để đáp trả. Trung Quốc không nổ phát súng thứ nhất, nhưng phát súng thứ hai chắc chắn không để người khác bắn”.
Đây mới là đòn thâm độc Trung Quốc thường sử dụng: Lu loa với thiên hạ rằng mình không nổ phát súng đầu tiên, nhưng lại có thể khiêu khích gây hấn cho đối phương sơ hở phản ứng bộc phát để có cớ "nổ phát súng thứ hai". Cần hết sức thận trọng.
Doãn Trác cho hay, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), cho dù Mỹ có nói hay làm gì đi nữa. Để thanh minh, ngụy biện cho hành vi leo thang này, ông Trác còn thất đức lấy 351 nạn nhân thảm họa MH370 ra làm lá chắn cho tham vọng bành trướng.
Ông tướng này lập luận, khi xảy ra thảm kịch MH370, lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa không đủ, tàu cỡ lớn và máy bay tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc không có sân bay để triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Doãn Trác nói: “Đây là nghĩa vụ quốc tế phải thực hiện với tư cách là nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, với tư cách là một nước lớn về biển”. Đó là lập luận giả nhân giả nghĩa, đánh tráo khái niệm hòng tìm kiếm sự mặc nhiên thừa nhận yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Bắc Kinh dựa trên xâm lược và vũ lực.
Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp hải đăng ở đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Ngoài ra, Doãn Trác cho biết, Trung Quốc còn muốn triển khai các công trình hỗ trợ hàng hải (hải đăng) và triển khai các lực lượng dân sự như hải cảnh, coi đó là những lực lượng “mang tính phòng ngự”, “tự vệ”.
Doãn Trác cho biết, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trong những vấn đề này, trong tương lai sẽ thúc đẩy theo phương châm đã định sẵn, gia tăng hiện diện ở khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, Doãn Trác còn cho rằng, giới trẻ Trung Quốc đang thiếu “chủ nghĩa yêu nước”, thiếu “trung thành với đất nước”, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tăng cường giáo dục cho giới trẻ Trung Quốc về “lãnh thổ, quyền lợi biển, lợi ích ở nước ngoài”, nhất là trong tình hình thông tin cởi mở hiện nay.
Doãn Trác tiếp tục giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc về cái gọi là “di sản do tổ tông để lại” bao gồm đảo Senkaku/Điếu Ngư, Biển Đông, Đài Loan; cho rằng, đây là “không gian sinh tồn của dân tộc Trung Hoa”.
Thực tế cái gọi là "di sản tổ tông" ấy trên Biển Đông chính là tham vọng bành trướng vĩ cuồng, bất chấp luật pháp quốc tế thể hiện qua đường lưỡi bò được chính quyền Tưởng Giới Thạch vẽ ra năm 1947 rồi Mao Trạch Đông kế thừa năm 1949, các thế hệ lãnh đạo sau này tiếp tục "nâng tầm".
Bằng tham vọng bành trướng và luận điệu mị dân, lừa gạt ấy, Trung Quốc đang biện bạch với thiên hạ về việc cần duy trì và phát triển sức mạnh quân sự khổng lồ, gây ra chạy đua vũ trang trong khu vực hiện nay.