Vấn đề Biển Đông trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines

03/05/2016 08:50
Đông Bình
(GDVN) - Ứng cử viên Tổng thống Philippines đều không có chiến lược rõ ràng và mạnh mẽ khi xử lý yêu sách và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính sách Biển Đông của đương kim Tổng thống

Theo Đa Chiều ngày 1/5, trong 6 năm cầm quyền của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Philippines nhanh chóng thúc đẩy toàn diện quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ, đưa Philippines trở thành “quân tiên phong” của chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ. 

Ngay từ khi mới lên cầm quyền, đương kim Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đối mặt với sức ép to lớn từ trong nước, do đó vấn đề Biển Đông được ông tập trung thúc đẩy đã làm giảm được sức ép này – Đa Chiều nhận định.

Tổng thống Philippines sắp mãn nhiệm Benigno Aquino dường như vẫn chưa tìm được người chia sẻ, gánh vác công việc chống bành trướng trên Biển Đông, ảnh: Inquirer.
Tổng thống Philippines sắp mãn nhiệm Benigno Aquino dường như vẫn chưa tìm được người chia sẻ, gánh vác công việc chống bành trướng trên Biển Đông, ảnh: Inquirer.

Thực tế là Trung Quốc đã chủ động gài bẫy và chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, làm mở rộng tranh chấp Biển Đông. Sau mười mấy năm đàm phán song phương với Trung Quốc không đạt kết quả nào trong khi Bắc Kinh không ngừng leo thang gây hấn, buộc Philippines phải khởi kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc - PV.

Sau nhiều cân nhắc, đến nay Philippines đã mở cửa cho Quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự, trong đó có căn cứ không quân ở đảo Palawan, nơi rất gần Biển Đông. Rõ ràng, Philippines đã coi Trung Quốc là “đối tượng tác chiến”.

Ở mức độ nhất định, cách làm của ông Benigno Aquino có hiệu quả, tác động tích cực đến đối nội. Trong thời điểm sắp rời cương vị Tổng thống, kinh tế Philippines bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng năm 2015 đạt 5,8%, đứng hàng đầu ở Đông Nam Á.

Đa Chiều tuyên truyền xuyên tạc rằng, trong 6 năm cầm quyền của ông Benigno Aquino đã làm cho Philippines ở vào vị thế “cưỡi trên lưng hổ” trong cộng đồng quốc tế. Quan hệ đồng minh và quan hệ quốc phòng với các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản phát triển nhanh chóng, đã làm cho Philippines trở thành “lô cốt đầu cầu” của các nước lớn tại Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiệm kỳ của ông Benigno Aquino sắp kết thúc, cuộc bầu cử đang đến rất gần, vấn đề Biển Đông lại được dư luận đặc biệt quan tâm.

Lập trường cụ thể của các ứng cử viên

Đa Chiều ngày 1/5 đã nhận xét về một số quan điểm, lập trường đáng chú ý của các ứng cử viên Tổng thống Philippines về vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc:

Ứng cử viên Manuel Roxas II cho rằng, Trung Quốc là một thị trường lớn, hy vọng phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Ứng cử viên Grace Poe mặc dù tán thành vụ kiện Biển Đông ở tòa trọng tài quốc tế, nhưng cho rằng, cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, cần thiết cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Ứng cử viên Miriam Santiago phản đối ông Benigno Aquino dựa vào Mỹ trong vấn đề Biển Đông, cho rằng, hiệp ước giữa Mỹ-Philippines có áp dụng được cho vùng biển tranh chấp hay không vẫn còn chưa biết.

Ứng viên Rodrigo Duterte chủ trương chấp nhận đàm phán với Trung Quốc nếu trúng cử. Ảnh: npr.org
Ứng viên Rodrigo Duterte chủ trương chấp nhận đàm phán với Trung Quốc nếu trúng cử. Ảnh: npr.org

Các ứng cử viên Rodrigo Duterte và Jejomar Binay giữ thái độ rõ ràng không tán thành đối với chính sách Biển Đông của ông Benigno Aquino. Đa Chiềuc cho rằng 2 vị này mặc dù không thể nhượng bộ trong tranh chấp chủ quyền, nhưng chủ trương “đối thoại” với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Trong một bài phát biểu trước bầu cử, ông Rodrigo Duterte cho biết: “Tôi sẵn sàng tiến hành hội đàm song phương với Trung Quốc, chứ không cân nhắc quá nhiều tới Mỹ và Australia”.

Cùng thời gian, ông Jejomar Binay phát biểu rằng, nếu trúng cử Tổng thống, sẽ áp dụng cách thức khác với Tổng thống Benigno Aquino để xử lý vấn đề Biển Đông. Philippines sẽ tiếp tục tiến hành đối thoại với Trung Quốc. Hai bên có thể “thành lập liên doanh, cùng khai thác ở Biển Đông”.

Như vậy, trong vấn đề Biển Đông, cả 5 ứng cử viên Tổng thống Philippines đã áp dụng lập trường tương đối “điều hòa”, muốn tìm “điểm cân bằng” giữa Trung Quốc và Mỹ, giữa trọng tài quốc tế và đối thoại song phương. Điều này có thể là đã cân nhắc tới kết quả thực hiện chính sách đối ngoại của Tổng thống Benigno Aquino – Đa Chiều nhận định.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai, nguồn nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Philippines. Năm 2015, mặc dù chịu nhiều tác động, nhưng thương mại Trung Quốc-Philippines vẫn tăng trưởng 2,7%, cho thấy, hai bên có nhu cầu mạnh mẽ về thương mại. Điều này cũng tác động nhất định đến các ứng cử viên Tổng thống của Philippines.

Bình luận về vấn đề này, The Huffington Post Mỹ ngày 30/4 cho rằng, các ứng cử viên Tổng thống Philippines đều không có chiến lược rõ ràng và mạnh mẽ khi xử lý yêu sách và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Thậm chí, không có bất cứ ai từng cho biết họ sẽ theo đuổi vụ kiện đối với Trung Quốc như thế nào.

Manuel Roxas II hiện là ứng cử viên được Tổng thống Benigno Aquino coi trọng. Ông rất có thể sẽ áp dụng đối sách cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, tương tự như đương kim Tổng thống Aquino.

Thượng nghị sĩ Grace Poe mặc dù là người theo chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng lại là "tay mới" về chính sách ngoại giao. Bà vẫn chưa cho biết rõ sẽ ứng phó với mối đe dọa tiềm tàng ở Biển Đông và duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc như thế nào.

Ứng cử viên Tổng thống Philippines, bà Grace Poe. Nguồn ảnh: Philippinesdaily.com
Ứng cử viên Tổng thống Philippines, bà Grace Poe. Nguồn ảnh: Philippinesdaily.com

Phó Tổng thống đương nhiệm Jejomar Binay đã cam kết, ông sẽ ưu tiên cân nhắc tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, làm nhạt tranh chấp biển.

Trong khi đó, thị trưởng thành phố Davor, ông Rodrigo Duterte cơ bản không có kinh nghiệm ngoại giao, giống như ông Jejomar Binay, ông hy vọng Philippines thông qua chia sẻ tài nguyên thiên nhiên biển, gần gũi với Trung Quốc, từ đó quay trở lại chính sách của cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo và "thời đại hoàng kim" của quan hệ Philippines-Trung Quốc.

Dựa vào tranh chấp Biển Đông thì khó tìm phiếu bầu

The Huffington Post Mỹ ngày 30/4 cho rằng, trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines vào ngày 9/5, tranh chấp Biển Đông hoàn toàn không đóng vai trò quan trọng như một số nhà phân tích nhận định. Cuộc bầu cử lần này cũng sẽ không làm thay đổi hoàn toàn chính sách Trung Quốc của Philippines trong ngắn hạn.

Theo bài viết, ở Philippines do chính trị được thúc đẩy bởi thiểu số gia tộc có quyền thế và giới tinh hoa nhiều "thủ đoạn", vì vậy, chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia chưa từng giúp họ nhận được rất nhiều phiếu bầu.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Benigno Aquino, đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông đã gây chú ý đặc biệt. Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc.

Do đó đã xuất hiện một vấn đề, đó là ứng cử viên Tổng thống sẽ xử lý việc này như thế nào trong thời gian tranh cử. Nhưng vấn đề Biển Đông có thực sự quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không?

Bất kể ai giành chiến thắng trong tháng 5/2016, chính sách đối với vấn đề Biển Đông đều sẽ không phải là yếu tố giành thắng lợi của họ. Hầu hết các chính khách Philippines đều đến từ các gia tộc ưu tú, bầu cử Tổng thống là một sân khấu, họ tranh đoạt vai trò ảnh hưởng chính trị. Ứng cử viên tiêu tiền càng nhiều thì càng có khả năng chiến thắng, bất kể chính sách của họ như thế nào.

Phó Tổng thống Philippines, ông Jejomar Binay. Nguồn ảnh: Rappler.com
Phó Tổng thống Philippines, ông Jejomar Binay. Nguồn ảnh: Rappler.com

Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày của người Philippines, vấn đề Trung Quốc hoàn toàn không phải quan trọng đến mức ảnh hưởng tới lựa chọn của nhân dân đối với nhà lãnh đạo.

Thái độ chống Trung Quốc của người Philippines hoàn toàn không cao lắm. Một cuộc thăm dò vào tháng 9/2015 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, 54% người Philippines có thiện cảm với Trung Quốc, trong khi đó, chỉ có 19% người Việt Nam có đồng cảm.

Mặc dù trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, quan hệ chính trị Trung Quốc-Philippines có thể nhìn thấy căng thẳng, nhưng hai nước vẫn rất gần gũi về kinh tế.

Năm 2015, Manila đã gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đứng đầu. Do Trung Quốc là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của Philippines, cho nên quan hệ hai nước hoàn toàn không gay go đến mức như đánh giá của một số nhà phân tích. Xảy ra đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có thể không phải là mục tiêu cuối cùng của Philippines.

Vì vậy, tranh chấp Biển Đông hoàn toàn không phải là nhân tố làm thay đổi quy tắc trò chơi trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/5.

Chính sách Biển Đông của Philippines sau bầu cử

Theo Đa Chiều ngày các ngày 1 và 2/5 cho hay, các ứng cử viên Tổng thống Philippines hiện nay đã lần lượt đưa ra đường lối “cân bằng” hơn so với chính sách “quá cứng rắn” của Tổng thống Benigno Aquino về vấn đề Biển Đông. Trong các ứng cử viên này không có ai hoàn toàn tán thành chính sách Biển Đông của Tổng thống Benigno Aquino.

Ứng cử viên Tổng thống Philippines, bà Miriam Defensor-Santiago. Nguồn ảnh: Philstar.com
Ứng cử viên Tổng thống Philippines, bà Miriam Defensor-Santiago. Nguồn ảnh: Philstar.com

Đa Chiều cho rằng, thành tích chính sách đối nội và đối ngoại của ông Benigno Aquino buộc Tổng thống Philippines khóa mới phải cân nhắc điều chỉnh chính sách, trong đó có chính sách Biển Đông và chính sách đối với Trung Quốc.

Nếu Tân Tổng thống Philippines áp dụng lập trường trái ngược với ông Benigno Aquino thì danh dự của Philippines và vị thế của họ trong các đồng minh sẽ bị tổn hại to lớn khó có thể cứu vãn.

Đối với Tân Tổng thống Philippines, thực hiện “cân bằng” trong những vấn đề này sẽ là vấn đề khó trong xử lý quan hệ Trung-Mỹ. Đa Chiều nghĩ rằng, đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã ngày càng xảy ra xung đột với lợi ích quốc gia của Philippines.

Nhưng điều quan trọng là Philippines hiện có bao nhiêu quân bài để triển khai. Đây sẽ là một thử thách đối với tân Tổng thống Philippines.

Trong một bài viết khác, Đa Chiều ngày 30/4 cho rằng, “nhân tố Trung Quốc” không ảnh hưởng nhiều trong cuộc bầu cử lần này. Bất kể ai làm Tổng thống tiếp theo của Philippines, họ nhiều nhất sẽ thay đổi về ngữ khí, thái độ và điều chỉnh nhỏ về các “thao tác cụ thể” trong “chiến lược Trung Quốc”, chứ sẽ không thay đổi về nguyên tắc. 

Đông Bình