Gần đây, Trung Quốc thực sự có rất nhiều động thái ngoại giao gây chú ý cho dư luận. Các quan chức Trung Quốc đã vội vã tìm kiếm sự ủng hộ trên khắp thế giới trong thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện Philippines nước này (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) ở Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tìm mọi cách vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 7 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Ả Rập tại Doha, Qatar ngày 12/5/2016. Nguồn ảnh: Đa Chiều |
Bình luận về vấn đề này trên tờ Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 14/5, bình luận viên Đỗ Bình cho rằng, trước khi phán quyết được đưa ra, Trung Quốc và các nước khác bao gồm Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Trong hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 7 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Ả Rập ngày 12/5, Trung Quốc đã tìm cách "chèn" quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông vào chương trình nghị sự và hội nghị này đã ra Tuyên bố Doha.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/5 nói rằng, Tuyên bố Doha khẳng định các nước Ả Rập ủng hộ Trung Quốc và các nước liên quan căn cứ vào các thỏa thuận song phương và đồng thuận liên quan của khu vực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hàng hải.
Các bên "cần tôn trọng quyền tự lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp mà các nước có chủ quyền và các nước ký kết UNCLOS được hưởng".
Đỗ Bình nhận định, tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là một tiến trình "rất quan trọng", cho thấy Trung Quốc "không bị cô lập", thậm chí còn nhận được sự "ủng hộ của rất nhiều nước" trong vấn đề Biển Đông. Sau Tuyên bố Doha lần này, Trung Quốc công bố là đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 40 nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Algeria gặp gỡ ngày 11/5/2016. Nguồn ảnh: Tân Hoa xã |
Theo quan điểm của Đỗ Bình, hai "nhân vật chính" trên Biển Đông hiện nay là Trung Quốc và Mỹ. Washington đã đi trước một bước, thay thế Philippines tiến hành một cuộc chiến về ngoại giao, dư luận và đạo đức. Điều này đã phản ánh tính căng thẳng và phức tạp của vấn đề Biển Đông.
Đỗ Bình cổ súy Bắc Kinh, nếu phán quyết của PCA bất lợi thì Trung Quốc không cần quan tâm đến nó, cũng không cần thực hiện, mà cần có "một tiếng nói quốc tế". Tức là nhân dịp PCA ra phán quyết, Trung Quốc sẽ lợi dụng thời cơ tập trung tuyên truyền (xuyên tạc) nhiều hơn về lập trường của nước này.
Trên thực tế, hầu hết giới chuyên gia và phân tích quốc tế cho rằng, kết quả phán quyết của PCA chắc chắn sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc, thậm chí có quan điểm cho rằng, 99% Trung Quốc sẽ thua kiện Philippines.