Về tính toán của Putin ở Biển Đông

18/04/2017 13:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Biển Đông đối với Nga là một phần của trò chơi toàn cầu lớn hơn, trong đó Nga không đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, ngược lại còn ngầm hỗ trợ Bắc Kinh.

OilPrice ngày 17/4 đăng bài phân tích "Tính toán của Putin ở Biển Đông" của Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich. 

Bài viết có đề cập đến lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông trong bối cảnh cạnh tranh giữa 3 siêu cường Mỹ - Trung - Nga và tính toán của Moscow, qua góc nhìn của một trung tâm nghiên cứu Thụy Sĩ.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này và đôi lời bình luận về các vấn đề đặt ra trong bài báo đến quý bạn đọc. Các tít phụ trong bài do người viết đặt để bạn đọc tiện theo dõi.

Tính toán của Nga ở Biển Đông phức tạp hơn những gì họ nói 

Chính sách của Nga liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông phức tạp hơn những gì người ta vẫn thấy, vẫn nghe về nó. 

Lập trường chính thức của Moscow là, Nga là nước nằm ngoài khu vực và không có yêu sách nào trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này chưa bao giờ là một bên tham gia các tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Daily Mail.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Daily Mail.

Moscow xem việc không đứng về bất kỳ bên nào trong các bên yêu sách ở Biển Đông là nguyên tắc.

Tuy nhiên, đằng sau lập trường chính thức có vẻ khách quan này là sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng nhiều tỉ USD giao dịch vũ khí và năng lượng với các bên yêu sách khác nhau ở Biển Đông.

Những yếu tố đó cho thấy, mặc dù Moscow không có yêu sách trực tiếp ở Biển Đông, người Nga vẫn có mục tiêu chiến lược, lợi ích ở Biển Đông.

Hành động của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng diễn biến tranh chấp trên vùng biển này.

Một phần tư (ngân sách) chương trình hiện đại hóa quân sự khổng lồ của Nga đến năm 2020 được dành riêng cho Hạm đội Thái Bình Dương đóng trụ sở tại Vladivostok để lực lượng này được trang bị tốt hơn, phục vụ các hoạt động trong những vùng biển xa.

Hợp tác quân sự Nga - Trung đã đạt đến mức "đối tác tự nhiên, đồng minh tự nhiên" như phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin.

"Joint Sea 2016”, cuộc tập trận chung hải quân Nga - Trung năm 2016 đã diễn ra trên Biển Đông.

Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Trung Quốc và một quốc gia khác ở Biển Đông đang tranh chấp, sau Phán quyết Trọng tài bác bỏ đường lưỡi bò.

Việt Nam trong chiến lược của Nga trên hướng Biển Đông

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác Nga - Việt cũng đang cho thấy một xu hướng phát triển tương tự. Quan hệ hợp tác Nga - Việt đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện như quan hệ Nga - Trung.

Về tính toán của Putin ở Biển Đông ảnh 2

"Nga không can thiệp vào Biển Đông, khuyến cáo đừng nước nào can dự"

Nga và Việt Nam đang phát triển các dự án khai thác khí đốt chung ở Biển Đông.

Moscow cũng đang cố gắng quay trở lại căn cứ Cam Ranh, đồng thời bán cho Việt Nam hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm nâng cao khả năng phòng thủ.

Do đó, hành vi thực tế này của Moscow hầu như không phù hợp với tính trung lập trong các tuyên bố chính thức của họ về Biển Đông.

Sự phát triển đồng thời trong hợp tác quân sự với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, hai trong số các bên yêu sách có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông, làm cho ý định thực sự của Nga rất khó giải thích.

Việc giải thích nó đòi hỏi một khuôn khổ toàn diện hơn, bao trùm các mối quan tâm của Nga trong chính sách đối ngoại ở nhiều cấp độ khác nhau.

Cạnh tranh và thỏa hiệp Mỹ - Trung - Nga ở Biển Đông và 2 tầng chính sách của Moscow

Các cường quốc chơi trò chơi chính sách đối ngoại đa tầng có thể trùng lặp nhau trong các vấn đề, lĩnh vực cụ thể.

Đối với Nga, Biển Đông là nơi mà hai cấp độ chính sách của họ giao thoa nhau: sự cân bằng hệ thống chống bá quyền (đơn cực) và quản lý rủi ro phi hệ thống trong khu vực.

Cấp độ đầu tiên - sự cân bằng hệ thống chống bá quyền (đơn cực) được thúc đẩy bởi sự phân bố quyền lực toàn cầu, cũng như nhận thức về các mối đe dọa lớn.

Ở cấp độ này, Nga thách thức thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu bằng nhiều cách. Bằng chứng là chính sách của Moscow ở Georgia, Ukraine và Syria.

Hệ thống cân bằng do Mỹ dẫn đầu đã thúc đẩy Nga tìm cách bắt tay với Trung Quốc.

Trong đó Nga thách thức sự thống trị đơn cực của Mỹ và nhận thức chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Mỹ là một mối đe dọa lớn với an ninh của Nga.

Vì vậy đánh giá của cả Nga lẫn Trung Quốc về các mối đe dọa bên ngoài đã gặp nhau. Cả hai xem chính sách của Mỹ mở rộng NATO về phía Đông hay xoay trục sang châu Á đều là mối đe dọa.

Trung Quốc đón chiến hạm Nga đến Trạm Giang, Quảng Đông, nơi đặt trụ sở Hạm đội Nam Hải sau khi tập trận chung trên Biển Đông năm ngoái, ảnh: Tân Hoa Xã.
Trung Quốc đón chiến hạm Nga đến Trạm Giang, Quảng Đông, nơi đặt trụ sở Hạm đội Nam Hải sau khi tập trận chung trên Biển Đông năm ngoái, ảnh: Tân Hoa Xã.

Áp lực có nguồn gốc từ hệ thống quốc tế do Mỹ đứng đầu và các mối ưu tiên chung để chống lại nó đã tạo ra điểm mấu chốt thúc đẩy Nga và Trung Quốc hợp tác với nhau.

Từ quan điểm này, Biển Đông đối với Nga là một phần của trò chơi toàn cầu lớn hơn, trong đó Nga không đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, ngược lại còn ngầm hỗ trợ Bắc Kinh, nếu không thể công khai.

Cấp độ thứ hai - quản lý rủi ro phi hệ thống trong khu vực.

Nó được thúc đẩy bởi các đặc điểm nội địa và khu vực trong một sự kết hợp các chính sách, nhằm đa dạng hóa các liên kết khu vực của Nga, ngăn chặn các bất ổn tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nó cũng dẫn đầu các tính toán của Nga về thương mại, nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ năng lượng, cơ sở hạ tầng và những giao dịch vũ khí.

Bằng cách tăng cường kết nối với Việt Nam, bao gồm xuất khẩu vũ khí, hợp tác kỹ thuật quân sự và triển khai các dự án năng lượng lượng chung, Moscow sẽ tạo ra một cơ cấu quyền lực và cân bằng lợi ích tốt hơn xung quanh Biển Đông.

Đồng thời Nga sẽ đa dạng hóa các danh mục đầu tư vào các đối tác châu Á, trong khi Việt Nam đóng vai trò như cửa ngõ để Nga thâm nhập ASEAN.

Điều này giải thích lý do tại sao Nga không phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời lại tỏ ra thông cảm với những lo ngại của Việt Nam về Biển Đông.

Về tính toán của Putin ở Biển Đông ảnh 4

Tính toán của Nga khi tìm cách hiện diện quân sự lớn hơn ở Biển Đông

Chính sự giao thoa của hai cấp độ chính sách này đã tạo ra sự mơ hồ nội tại trong chính sách của Nga đối với Biển Đông.

Hàm ý chính của trò chơi 2 cấp độ này là, bản chất tranh chấp Biển Đông đối với Nga cũng như các phản ứng chính sách tương ứng từ Moscow, là một biến số chứ không phải hằng số.

Khi Biển Đông càng lệch khỏi phạm vi từ chỗ là khu vực tranh chấp chủ quyền (và tranh chấp giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982) giữa các bên yêu sách, sang chỗ là địa bàn diễn ra một cuộc đối đầu Trung - Mỹ, các hành vi của Nga ở Biển Đông càng thể hiện rõ tính cân bằng chống bá quyền đơn cực.

Ngược lại, càng ít sự tham dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông, chính sách của Nga nhiều khả năng càng xoáy vào việc phòng ngừa rủi ro trong khu vực.

Cho đến nay, 2 cấp độ chính sách của Nga ở Biển Đông vẫn vận hành rất tốt mà không mâu thuẫn với nhau.

Lợi ích của Việt Nam trong hợp tác với Nga ở Biển Đông

Việt Nam đã được hưởng lợi từ quan hệ hợp tác với Nga không chỉ vì sự hợp tác này rất có giá trị theo đúng nghĩa, mà còn vì quan hệ gần gũi Trung - Nga cung cấp cho Việt Nam một kênh để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Không giống như quan hệ với Hoa Kỳ, hợp tác với Nga cung cấp cho Việt Nam quyền truy cập cần thiết để có được các vũ khí tiên tiến và công nghệ năng lượng, đồng thời tránh được tình huống bị khóa giữa 2 siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Trong khi đó, người Việt rất có kinh nghiệm sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự của Nga.

Chính sách của Nga cũng gây được tiếng vang với các tính toán chiến lược của Bắc Kinh. 

Lính Trung Quốc đứng đón chiến hạm Nga ghé thăm trụ sở Hạm đội Nam Hải ở Trạm Giang, sau khi tập trận chung trên Biển Đông năm ngoái, ảnh: Tân Hoa Xã.
Lính Trung Quốc đứng đón chiến hạm Nga ghé thăm trụ sở Hạm đội Nam Hải ở Trạm Giang, sau khi tập trận chung trên Biển Đông năm ngoái, ảnh: Tân Hoa Xã.

Trong khi nhìn bền ngoài, hợp tác quân sự Việt - Nga mạnh mẽ có thể mang dáng vẻ chống Trung Quốc, trên thực tế quan hệ ấy có lợi cho Bắc Kinh, vì nó ngăn ngừa củng cố quan hệ Việt - Mỹ.

Trong khi không hài lòng về việc Nga bán vũ khí cho Việt Nam, Bắc Kinh nhận thấy sự suy giảm hay chấm dứt hoạt động này sẽ đẩy người Việt về phía Hoa Kỳ.

Do đó bất chấp các tuyên bố của Trung Quốc nhấn mạnh chống quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh vẫn chấp nhận sự tham gia lớn hơn của Nga vào khu vực này, cũng như quan hệ hợp tác quân sự Nga - Việt.

Còn phía Nga, bằng cách hợp tác với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, họ nhận ra mục tiêu của mình trong khu vực và trên toàn cầu. 

Nó làm tăng vai trò của Nga trong cán cân quyền lực châu Á, làm chậm quan hệ hợp tác Mỹ - Việt và tranh chấp Biển Đông sẽ có nhiều không gian hơn cho đàm phán đa phương.

Đối với Nga, duy trì nguyên trạng cho dù không hoàn hảo, vẫn tốt hơn so với việc chiến thắng nghiêng về bất kỳ bên nào.

Vài lời nhận xét

Người viết cho rằng, đây là một bài nghiên cứu công phu, có giá trị tham khảo với cách tiếp cận khá khách quan từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich về Biển Đông.

Đặc biệt là các toan tính, chiến lược, hành động của 3 siêu cường Mỹ - Trung - Nga, trong đó các tác giả tập trung phân tích, nhấn mạnh vào chính sách của Nga ở Biển Đông vốn rất thiếu thông tin, lại được ngụy trang kỹ.

Về tính toán của Putin ở Biển Đông ảnh 6

Khi Donald Trump - Tập Cận Bình tâm đầu ý hợp

Cho dù xu thế đối đầu Trung - Mỹ ở Biển Đông (mới chỉ dừng ở võ miệng) thời Barack Obama đã có dấu hiệu chuyển sang thời kỳ thỏa hiệp, đổi chác sau hội đàm Donald Trump - Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, phân tích này vẫn có giá trị.

Nó cho thấy một thực tế, tìm hiểu chiến lược của các siêu cường với các điểm nóng như Biển Đông cần xuất phát từ lợi ích thực tế chính họ đang nắm giữ, hoặc đang tìm cách đạt được, chứ không phải những tuyên bố ngoại giao màu mè.

Một thực tế nữa là 3 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc này vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách "tiêu chuẩn kép" trong quan hệ quốc tế.

Cái gì có lợi cho họ thì họ cho là đúng, là "luật pháp quốc tế", cái gì đi ngược lại lợi ích phi pháp hay bành trướng của họ, thì họ cho là sai.

Luật pháp, công bằng và dân chủ quốc tế theo tinh thần Hiến chương Liên Hợp Quốc, đây đó vẫn bị bẻ cong bởi quyền lực siêu cường.

Nguy hiểm hơn, khi lợi ích thỏa hiệp với lợi ích, lái buôn ngã giá, đổi chác được với lái buôn, thì lợi ích hợp pháp và chính đáng của các quốc gia, dân tộc nằm trong vành đai tranh giành địa bàn ảnh hưởng của các siêu cường dễ trở thành nạn nhân của các nước lớn.

Biển Đông và bán đảo Triều Tiên tiếp tục là hai ví dụ điển hình cho điều này ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tài liệu tham khảo:

http://oilprice.com/Geopolitics/International/Putins-Plan-In-The-South-China-Sea.html

Hồng Thủy