Donald Trump - Tập Cận Bình cùng thắng, phần thua thuộc về ai?

13/04/2017 14:30
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Donald Trump, Tập Cận Bình cùng thắng. Putin, Assad, Kim Jong-un và ngay cả Steve Bannon và Peter Navaro đã thua trong cuộc chơi quyền lực toàn cầu.

Tiếp theo phần 1: Trump im lặng về Biển Đông là thắng lợi của Tập Cận Bình 

Mỹ - Trung đã tìm thấy “vật ngang giá”

Trung Quốc đã phủ quyết 6 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ và phương Tây đề xuất, nhằm tìm kiếm một hành động cứng rắn hơn chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hôm thứ Tư 5/4, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jeyi khẳng định, lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Syria là: chính trị là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề.

Với vụ Mỹ bắn 59 quả tên lửa vào Syria đúng lúc ông Tập Cận Bình đang ăn tối với ông Donald Trump, Bắc Kinh đã không chỉ trích hành động này của Washington như Moscow, hay như chính phản ứng của họ trong các lần trước.

Nhưng rõ ràng phản ứng chiếu lệ của Trung Quốc với hành động quân sự của Trump lần này tại Syria là một thắng lợi, là một điều Nhà Trắng mong muốn.

Tiến sĩ Trần Công Trục ký tặng sách bạn đọc trong buổi tọa đàm, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục ký tặng sách bạn đọc trong buổi tọa đàm, ảnh do tác giả cung cấp.

Ngày 12/4, Trung Quốc đã bất ngờ bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án chính phủ Bashar al-Assad về vụ tấn công vũ khí hóa học vào dân thường ở Syria, thay vì phủ quyết cùng đồng minh Moscow, theo AP. [1]

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lật ngược lại mọi tuyên bố của mình trong thời gian tranh cử với phần thưởng cho Bắc Kinh: Trung Quốc không phải nước thao túng tiền tệ, chỉ vì đồng đô la Mỹ quá mạnh mà thôi! [2]

Người viết cho rằng, điều này không thể không liên quan với sự im lặng trước dư luận của Donald Trump về Biển Đông sau hội nghị thượng đỉnh với Tập Cận Bình.

Câu hỏi được nhiều nhà quan sát đặt ra hiện nay là, liệu sau Syria có đến lượt Triều Tiên như phát biểu của Donald Trump, Rex Tillerson và James Mattis?

Ẩn ý của Nhà Trắng khi điều cụm tàu sân bay USS Carl Vinson đến gần bán đảo Triều Tiên lúc này là gì? Phản ứng và toan tính của Bắc Kinh ra sao?

Nhiều quan điểm tin rằng, vụ tấn công tên lửa Tomahawk vào Syria sáng sớm 6/4 cũng là một đòn của Trump nhằm đe dọa, gây sức ép với Bắc Kinh nhằm hạn chế Bình Nhưỡng.

Trump cũng đã công khai tuyên bố điều này.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng Triều Tiên khác Syria.

Nếu như Damascus chỉ có vũ khí hóa học, thì Bình Nhưỡng lại có cả vũ khí nguyên tử, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sức hủy diệt và khả năng đáp trả Mỹ lẫn đồng minh lớn hơn rất nhiều.

Liệu trong bối cảnh ấy Mỹ có chủ động tấn công Triều Tiên như Syria không? Nếu Mỹ ra tay, tình hình thế giới sẽ như thế nào?

Donald Trump - Tập Cận Bình cùng thắng, phần thua thuộc về ai? ảnh 2

Trump im lặng về Biển Đông là thắng lợi của Tập Cận Bình

Cũng có nhà phân tích tin rằng, với cá tính của Trump, Mỹ sẽ ra tay nếu Triều Tiên tiếp tục thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khi đã đánh thì hậu quả khôn lường.

Đó là một thử thách quá lớn lao, quá khó khăn mà bất kỳ một chính khách nào, dù có cá tính mạnh mẽ đến đâu, cũng không thể không cân nhắc, tính toán trước sau…

Đúng là cả Donald Trump lẫn Tập Cận Bình đều cao tay và rất khó đoán các ý đồ, toan tính thật sự của họ.

Những diễn biến mới này khiến cá nhân người viết nghĩ tới một khả năng thỏa hiệp khác giữa Trump và Tập Cận Bình trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Đúng như nhận định của Donald Trump, Tập Cận Bình có đầy đủ khả năng và công cụ để ép Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Vấn đề là ông Bình có chịu làm hay không?

Ở chiều ngược lại, Tập Cận Bình thừa biết sự quan tâm, lo ngại của Nhà Trắng đối với chính sách theo đuổi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và đây là con bài chiến lược để Trung Quốc mặc cả, đổi chác các lợi ích địa- chính trị, địa- chiến lược với người Mỹ.

Vấn đề còn lại chỉ là làm sao đàm phán, ngã giá với chủ nhân Nhà Trắng một phương án hai bên cùng có lợi, hay nói như Trump là “có đi có lại”.

Phải chăng ngoài phần thưởng kinh tế (Trung Quốc không phải nước thao túng tiền tệ) thì sự im lặng, làm thinh của Mỹ trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là một mức giá chấp nhận được cho cả hai bên?

Đổi lại, Bắc Kinh dùng đòn bẩy kinh tế thương mại để ép Bình Nhưỡng phải thay đổi, vừa tiếp tục duy trì chế độ hiện tại ở miền Bắc bán đảo, không để Mỹ tiến sát biên giới Trung Quốc:

Đồng thời, bằng cách này Bắc Kinh vừa đổi được sự làm thinh của Mỹ cho mình củng cố thực lực ở Biển Đông?

Khi ông đồng, bà cốt gặp nhau

Donald Trump, Tập Cận Bình cùng thắng. Putin, Assad, và ngay cả Steve Bannon và Peter Navaro đã thua trong cuộc chơi quyền lực toàn cầu trên bàn hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung.

Đó là nhận định của nhà báo Rowan Callick, phóng viên tờ The Australian thường trú tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/4 trên tờ báo này. [3]

Cá nhân người viết cho rằng, còn thêm một người thua cuộc nữa, đó là ông Kim Jong-un. Bởi lẽ, năm 1961 Trung Quốc và Triều Tiên đã ký với nhau Hiệp ước Hợp tác và tương trợ.

Hiệp ước này quy định, nếu một bên bị tấn công vũ trang, bên kia có nghĩa vụ lập tức giúp đỡ, bao gồm cả chi viện quân sự.

Từ chỗ Trung Quốc đưa quân sang nước láng giềng trong Chiến tranh Triều Tiên để "kháng Mỹ viện Triều" nửa thế kỷ trước, rất có thể sau cái bắt tay giữa Donald Trump với Tập Cận Bình ở Florida, Bắc Kinh và Washington sẽ liên thủ ép Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago. Ảnh: AP.

Sau cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình với ông Donald Trump ngày 12/4, bán đảo Triều Tiên những ngày tới sẽ diễn biến như thế nào, có lẽ chỉ còn phụ thuộc vào nhận định tình hình và quyết sách của nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà thôi.

Nếu không chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ mà tiếp tục thử hạt nhân hay tên lửa, một đòn tấn công của Mỹ trước sự chứng kiến của Trung Quốc không phải chuyện không thể xảy ra.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Mar-a-Lago, cả Donald Trump và Tập Cận Bình đều chiến thắng theo cách họ muốn, trong đó có bàn tay thao túng sau rèm của Henry Kissinger qua đệ tử chân truyền là Jared Kusshner, con rể Trump.

Trung Quốc đã tìm đúng người có thể tác động đến quyết sách của Donald Trump, đó là vợ chồng Ivanka Trump - Jared Kusshner.

Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị những món quà rất hậu hĩnh, theo đuổi rất nhiệt tình bộ đôi này để có một kênh liên lạc riêng, hiệu quả với Nhà Trắng.

Màn biểu diễn của 2 đứa cháu ngoại Trump, Arabella và Joseph, khi hát bài hát Trung Quốc, đọc thơ Đường, đọc một đoạn Tam Tự Kinh khi tiếp vợ chồng Tập Cận Bình không chỉ dừng lại ở sự thân mật ngoại giao.

Đó là biểu hiện của mối quan hệ siêu cường kiểu mới, là thắng lợi của cả Donald Trump lẫn Tập Cận Bình, theo cách hiểu và mục đích của mỗi bên.

Đến hội nghị thượng đỉnh này, dư luận mới ngã ngửa về những "con bài chống Trung Quốc" như chiến lược gia Steve Bannon và chuyên gia thương mại Peter Navaro bị loại khỏi buổi tiếp vợ chồng Tập Cận Bình.

Thế chỗ cho họ là vợ chồng Ivanka, Kushner.

Donald Trump - Tập Cận Bình cùng thắng, phần thua thuộc về ai? ảnh 4

Bóng dáng Lã Bất Vi tại hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh này cũng cho thấy bóng dáng vòng tròn quyền lực thực sự ở Nhà Trắng lẫn Trung Nam Hải.

Những quan chức có ảnh hưởng đến quyết sách của Trump bao gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia McMaster, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Về phía Trung Nam Hải, những gương mặt thân tín nhất của ông Tập Cận Bình có thể sẽ giữ những vị trí trọng yếu trong Đại hội 19 đã ở bên cạnh ông bên bàn ăn tại Mar-a-Lago gồm:

Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Đại sứ Thôi Thiên Khải, nhà hoạch định chính sách kinh tế Lưu Hạc và Chánh văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư. Xin lưu ý, tháp tùng ông Tập Cận Bình đi Mỹ không có Ngoại trưởng Vương Nghị.

Ở đây xin đặc biệt lưu ý vai trò của cố vấn Jared Kushner đối với hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình không kém gì Henry Kissinger với chuyến đi Trung Quốc của Nixon năm 1972.

Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là, đầu những năm 1970, Kissinger chủ động bắc cầu nối giữa Nhà Trắng và Trung Nam Hải, thì ngày nay Bắc Kinh chủ động thông qua Kushner để tiếp cận thành công Donald Trump.

Vậy là cuối cùng lợi ích cũng tìm gặp lợi ích, lái buôn cũng ngã giá với lái buôn.

Nếu như dư luận chỉ để ý sự khác biệt trong phong cách bên ngoài của hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ hiện nay mà không thấy được điểm chung lớn nhất giữa họ, thì sẽ không thể lý giải được những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong mối quan hệ định hình thế giới thế kỷ 21 này.

Mối quan hệ ấy còn tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực cũng như tương lai, vận mệnh của không ít quốc gia nhỏ, trong đó có Việt Nam, có Biển Đông.

Chuyện các nước lớn đi đêm, thỏa thuận đổi chác với nhau trên lưng các nước nhỏ là điều không thể tránh, cũng chẳng ngăn cản được họ.

Nhưng không thể không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ điều này để có giải pháp ứng phó phù hợp. 

Điều này một lần nữa khiến chúng ta sực tỉnh và quay trở về với những nguyên tắc cốt lõi và căn bản nhất: lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết.

Tuy nhiên trong ứng xử và giải pháp với các siêu cường, phải hết sức linh hoạt và lấy hiệu quả làm thước đo, tránh để cảm xúc chi phối khiến chúng ta chạy theo hiện tượng mà quên mất bản chất.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.seattletimes.com/business/trump-xi-converge-on-currency-syria-as-us-china-ties-warm/

[2]http://www.scmp.com/business/global-economy/article/2087234/trump-says-china-not-currency-manipulator-and-adds-us-dollar

[3]http://www.theaustralian.com.au/news/inquirer/us-and-china-forge-new-paths/news-story/3f322c950a1a82add10030e980de3844

Ts Trần Công Trục