Vì sao Anh định lập căn cứ quân sự ven Biển Đông?

06/01/2019 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Chống lại yêu sách bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc chỉ là một lý do, tiếp thị vũ khí ở châu Á có thể là động lực lớn hơn của London.

Ngày 30/12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ trên tờ The Telegraph, Vương quốc Anh muốn lấy lại vị thế cường quốc toàn cầu thực sự hậu Brexit và có khả năng thiết lập 2 căn cứ quân sự mới, một ở Đông Nam Á, một ở Caribe.

Ông kêu gọi người Anh ngừng hạ thấp tầm ảnh hưởng quốc gia, hãy tin Vương quốc Anh sẽ đứng vững trên vũ đài quốc tế sau khi rời Liên minh châu Âu. Muốn tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước ngoài hậu Brexit, Anh cần mở 2 căn cứ quân sự mới. [1]

Bộ trưởng Gavin Williamson nói rằng:

"Đây là thời điểm tốt nhất cho chúng tôi kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, để chúng tôi trở lại với vị thế siêu cường toàn cầu thực sự, và tôi nghĩ rằng các lực lượng vũ trang Anh sẽ đóng vai trò thực sự quan trọng, là một phần của điều đó."

Về địa điểm đặt căn cứ quân sự ven Biển Đông mà ông Gavin Williamson ấp ủ thành lập, các nguồn tin quốc phòng nói với The Telegraph 2 lựa chọn, là Singapore và Brunei.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson, ảnh: Philstar.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson, ảnh: Philstar.

Hưởng ứng kêu gọi của Mỹ bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải trên Biển Đông
CNN ngày 3/1 nhắc lại phát biểu của ông Gavin Williamson tại Đối thoại An ninh Shangri-la tháng Sáu năm ngoái, rằng:

London sẽ đoàn kết bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở các vùng biển châu Á bằng cách điều tàu chiến đến đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Ngày 31/8, HMS Albion, một trong hai tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh đã thực hiện một cuộc tuần tra tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, quần đảo hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).

HMS Albion có thể chở hơn 400 thủy thủ, đã tiến sát một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp bất hợp pháp ở Hoàng Sa khi đang trên đường từ Nhật Bản tới thành phố Hồ Chí Minh, theo Reuters. [2]

Tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông là hoạt động thường xuyên, nằm trong chính sách của Hoa Kỳ với Biển Đông. Washington đã khuyến khích các đồng minh tham gia để giảm bớt gánh nặng cho Mỹ.

Vì vậy, theo CNN, việc Anh mở một căn cứ quân sự tại Singapore nơi Mỹ cũng có điểm đứng chân, chắc chắn sẽ được Washington đón nhận.

Ông Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia từ Đại học Khoa học chính trị và Luật Thượng Hải nói với South China Morning Post, đó là một bước bổ sung cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ, và Washington sẽ hài lòng.

Tiếp thị vũ khí

Tuy nhiên theo CNN, ý tưởng về việc mở một căn cứ quân sự ven Biển Đông mà ông Gavin Williamson ấp ủ còn có thể nhắm tới một mục tiêu khác.

Vì sao Anh định lập căn cứ quân sự ven Biển Đông? ảnh 2

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ẩn số cục diện Biển Đông năm Kỷ Hợi

Vương quốc Anh là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2017, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.

Một căn cứ quân sự ở ven Biển Đông có thể đóng vai trò "gian trưng bày" các loại vũ khí của Anh. Những hợp đồng mua bán vũ khí lớn sẽ là một cú hích cho nền kinh tế Anh thời hậu Brexit.

Nhìn thấy các tàu khu trục hiện diện tại căn cứ quân sự Anh mở ở châu Á có thể giúp tăng doanh số bán vũ khí, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.

Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc tuần qua thông báo, họ đã bắt đầu xây dựng một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cho Pakistan, một phần của hợp đồng mua bán vũ khí lớn.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm cho biết, thị trường vũ khí đang phát triển ở châu Á, châu Đại dương và Trung Đông, trong khi đang thu hẹp lại ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Báo cáo cũng cho thấy Indonesia là khách hàng vũ khí lớn thứ 3 của Anh, sau Ả Rập Saudi và Ô Man. [2]

Financial Times ngày 4/1 có bài xã luận nhận định, mục tiêu trở lại vai trò cường quốc quân sự toàn cầu của Anh nên được thực hiện, nhưng mở một căn cứ quân sự ở ven Biển Đông không phải là một lựa chọn tối ưu vì khan hiếm nguồn lực.

Trong những năm gần đây các lực lượng vũ trang của Vương quốc Anh đã bị thu hẹp đáng kể về quy mô. Anh hiện có ít hơn 10% số tàu chiến mặt nước và tàu ngầm đang trong biên chế phục vụ của Trung Quốc.

Vì sao Anh định lập căn cứ quân sự ven Biển Đông? ảnh 3

Biển Đông có thể thành điểm nóng dễ nổ ra xung đột năm 2019

Hơn nữa, Trung Quốc đang phát triển sức mạnh quân sự với số lượng tàu đóng mới mỗi năm, Bắc Kinh đang chiếm thế thượng phong về quy mô, chỉ kém hơn phương Tây về công nghệ.

Chính vì lý do này, Mỹ đang đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để đẩy lùi tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, vụ chạm trán tàu quân sự Anh - Trung tại khu vực quần đảo Hoàng Sa năm ngoái đã cho thấy các hoạt động của Anh ở Biển Đông chỉ mang tính biểu tượng.

Ngay cả khi London triển khai tàu sân bay của mình đến đây, họ cũng không thể hoạt động độc lập không có sự hỗ trợ từ người Mỹ.

Hơn nữa, theo Financial Times, Anh còn phải đối phó với Nga, cho nên London cần tập trung vào bảo vệ an ninh châu Âu, còn khu vực châu Á - Thái Bình Dương hãy để Mỹ - Nhật - Ấn - Úc lo, bởi nguồn lực quân sự của cả Anh lẫn Pháp hiện nay đều tương đối hạn chế.

Vấn đề nữa đặt ra là, tình hình có thể trở nên phức tạp nếu Trung Quốc quyết định phản ứng leo thang và nhắm thẳng vào các mắt xích yếu ớt trong liên minh của phương Tây thông qua các phản ứng kinh tế, ngoại giao, thậm chí là quân sự. [3]

Nguồn:

[1]https://www.telegraph.co.uk/politics/2018/12/29/britain-become-true-global-player-post-brexit-new-military-bases/

[2]https://edition.cnn.com/2018/09/06/uk/british-navy-south-china-sea-intl/index.html

[3]https://www.ft.com/content/964731be-0f47-11e9-acdc-4d9976f1533b

Hồng Thủy