Tiếp theo phần đầu, Năm mới, nhìn lại những chiến lược của Mỹ tác động đến Biển Đông 2018.
Trình độ phát triển kinh tế và chính trị đa dạng, cùng ưu tiên đối ngoại khác nhau của mười nước ASEAN khiến việc tìm được một chính sách chung của khu vực này đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có một vài xu hướng chung.
Ví dụ, vị trí địa lí gần nhau buộc các quốc gia trong khu vực phải có quan hệ giao thương và kinh tế gần gũi với Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị cấp cao ASEAN + 3, ông nhiều lần nhấn mạnh nỗ lực đạt được COC, ảnh Reuters. |
Chẳng hạn, Thái Lan ngày càng ngả về Trung Quốc, một phần do số lượng lớn các thương nhân người Thái gốc Hoa vốn nhận thấy lợi ích trong việc duy trì quan hệ gần gũi với Trung Quốc.
Lào và Campuchia cũng được lợi từ sự “hào phóng” của Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển, cho vay ưu đãi và đầu tư ngày càng gia tăng vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn từ đập thủy điện đến đường cao tốc và đường sắt.
Tương tự, các nước giáp biển ở Đông Nam Á cũng muốn có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc hơn.
Các nước có kinh tế phát triển cao như Singapore, Malaysia, Brunei và Indonesia tiếp tục phát triển và dựa vào Trung Quốc trong vai trò một thị trường xuất khẩu hấp dẫn.
Tuy nhiên, mặc dù đang có sự hợp tác ngày càng sâu rộng về mặt kinh tế, xu thế đối đầu và phòng bị nước đôi cũng đang ngày càng phổ biến trong quan hệ an ninh Trung Quốc - Đông Nam Á.
Những quan chức và chính trị gia muốn tăng cường hợp tác ngoại giao và an ninh với Trung Quốc buộc phải xem lại quan điểm của mình khi có sự gia tăng hiện diện và bành trướng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Phán quyết có lợi cho Philippines vào tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài thúc đẩy cảm giác nghi ngờ Trung Quốc trong dân chúng Philippines.
Sự quan ngại về sức mạnh của Trung Quốc tiếp tục chi phối bối cảnh an ninh tại các nước Đông Nam Á, là một thách thức an ninh nguy hiểm và ngày càng lớn đối với ổn định khu vực.
Đây cũng là nơi mà Hoa Kỳ có vai trò trong các toan tính của khu vực. Nổi bật nhất là mối quan hệ an ninh mới hình thành và đang phát triển giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực ASEAN.
Các nước Đông Nam Á này đều từng có quan hệ phức tạp với Hoa Kỳ, nhưng họ đã quyết định “gác lại quá khứ” để hướng về mục tiêu thực dụng hơn với Washington: mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ an ninh với một cường quốc bên ngoài khác để đảm bảo sự sống còn và vai trò của các nước này trong khu vực.
Trong một khu vực mà một số cường quốc bên ngoài đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng, Đông Nam Á đang ở vị trí đặc biệt có thể mở rộng quan hệ an ninh với nhiều đối tác.
Thay vì đối đầu trực tiếp với ảnh hưởng gia tăng và mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc, gần như tất cả các nước Đông Nam Á đều tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh của mình trong quan hệ với các nước, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và cả Nga nữa để đối trọng với Trung Quốc, tạo thể cân bằng sức mạnh trong khu vực.
Nó cho phép các lãnh đạo Đông Nam Á có thời gian để chuẩn bị và đối mặt với sự dịch chuyển quyền lực không thể tránh khỏi này bằng sách lược mềm dẻo, khôn khéo…
Theo các chuyên gia, việc đồng thời có cả sáng kiến chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (FOIP) và “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng tình hình thế giới.
Sự cọ xát giữa sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Hoa Kỳ, được dự báo sẽ tiếp tục làm cho cuộc chạy đua vũ trang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Vì vậy, các nước Đông Nam Á với vai trò đi đầu và đóng vai trò trung tâm trong các hành động và hoạt động xây dựng kiến trúc khu vực, không thể không lo ngại về tác động địa chính trị dưới dạng tăng cường khả năng quân sự nói chung, sức mạnh hải quân nói riêng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả 2 chiến lược này sẽ đem lại những lợi ích đủ sức hấp dẫn với từng quốc gia khác nhau. Điều đó có thể sẽ làm giảm đi vai trò trung tâm và đoàn kết nội khối của ASEAN.
Mặc dù mỗi nước có những ưu tiên khác nhau, nhưng tất cả đều có chung tầm nhìn và các lợi ích trong việc thúc đẩy 2 chiến lược nói trên.
Vấn đề đặt ra cho ASEAN lúc này là làm sao giữ được sự đoàn kết và vai trò trung tâm của cả khối trong các cơ chế an ninh khu vực, không để bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh và nguy cơ chia rẽ mới khi tham gia vào hai chiến lược do Mỹ và Trung Quốc đề xướng.
Tuy nhiên, lo ngại trước những diễn biến nói trên, một số thành viên ASEAN đã tìm cách củng cố các ràng buộc thể chế để kìm hãm thái độ cứng rắn của Bắc Kinh thông qua việc trở lại theo đuổi một bản COC có tính ràng buộc cao, đồng thời đẩy mạnh tiến trình triển khai các hướng dẫn của DOC.
Và với những nổ lực đó, ngày 3/8/2018 tại Singapore, Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng người đồng cấp Trung Quốc đã thống nhất về một “Văn bản đàm phán dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông duy nhất”;
Đây được coi là một “tài liệu sống” để các bên tiếp tục trao đổi kỹ hơn một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh, về cơ chế giải quyết tranh chấp, về nghĩa vụ hợp tác, về nội dung “Tự kiềm chế/Thúc đẩy lòng tin và sự tín nhiệm”, về vai trò của bên thứ ba, về tính chất của COC.
Nếu các Bên đàm phán không nhất trí được 6 nội dung nói trên thì COC sẽ khó có thể được ký kết theo đúng thời hạn mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa hẹn.
Trung Quốc thúc ASEAN chốt COC, Hoa Kỳ cảnh báo Đông Nam Á chớ mắc bẫy |
Theo chúng tôi, để thống nhất được các nội dung nói trên, các bên đàm phán không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị mà phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật;
Đặc biệt là phải dựa vào các quy định của UNCLOS 1982, không được tùy tiện giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982.
Và điều tiên quyết là các nước ASEAN phải tiếp tục phát huy sự đoàn kết, thống nhất, mà trong thời gian gần đây, chí ít là trong năm 2018, dường như đã bắt đầu được phát huy, với việc đã kéo Trung Quốc vào “đàm phán” thay vì “tham vấn” về COC…
Trên cơ sở tổng hợp những thông tin, cùng với những nhận xét, phân tích nói trên chúng tôi cho rằng, khác với những dự đoán bi quan của nhiều nhà quan sát, phân tích vào thời điểm cuối năm 2017, tình hình Biển Đông năm 2018 về cơ bản có vẻ khá “yên ổn” bởi vì, chưa thấy có những đụng độ, xung đột nghiêm trọng nào xảy ra.
Nhưng nói một cách thẳng thắn, chính xác, nếu hình tượng hóa quang cảnh Biển Đông trong năm qua, chúng tôi có thể phác họa một bức tranh Biển Đông đang trong trạng thái “phẳng lặng” thường thấy trước một cơn bão lớn.
Tuy nhiên, năm qua Biển Đông vẫn được duy trì trạng thái “phẳng lặng”, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, dẫu sao cũng là một thành công đáng ghi nhận.
Và tình hình Biển Đông năm 2019 liệu có giữ được trạng thái “yên lặng” đó hay không, còn phụ thuộc vào khối đoàn kết của cả cộng đồng khu vực và quốc tế, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nước lớn đối với sự tồn vong của nhân loại đang đứng trước hiểm họa diệt vong bởi những biến đổi khí hậu khôn lường và bởi những cuộc tranh giành vị trí độc tôn ích kỷ và vô nghĩa giữa các siêu cường đang diễn ra trong thời đại hiện nay.