Các loại thực phẩm không nên để trong tủ lạnh

25/11/2017 09:45
Thùy Linh (Theo Healthline)
(GDVN) - Tủ lạnh dường như là nơi tuyệt vời để đa số mọi người để hết thực phẩm sau khi đi chợ hoặc ăn còn dư. Tuy nhiên, bạn nên chú ý tới 16 loại thực phẩm sau đây.

1. Bơ

Khi mua bơ, bạn nên chọn những quả quả cứng và chắc, và cần một thời gian để bơ chín và đạt được hương vị thơm ngon. Sau đó nếu bạn trữ bơ trong tủ lạnh, nó sẽ lâu chín và giảm hương vị nguyên bản. Thực tế bơ sẽ rắn lại và không có hương vị ngon, bùi như những quả để bên ngoài.

Tuy nhiên, nếu bạn mua bơ đã chín mà không muốn sử dụng ngay, bạn có thể bảo quản chúng trong tủ lạnh.

2. Bánh mì

Bánh mì sẽ nhanh bị khô và cứng, và nếu môi trường tủ lạnh không sạch sẽ, thì trên bánh dễ xuất hiện nấm mốc… Bánh mì cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng và không quá bốn ngày. Duy nhất có một dạng bánh mì bạn nên lưu trữ trong tủ lạnh là bánh sandwich nhưng nhớ phải bọc kín để tránh bị hút các mùi trong tủ lạnh làm giảm đi độ thơm ngon.

3.Cà chua

Rất dễ có lầm tưởng cất giữ cà chua trong tủ lạnh sẽ bảo quản chúng lâu hơn và giữ được độ tươi. Tuy nhiên có 3 lý do bạn phải xem lại điều này: Một là nhiệt độ thấp ngăn cản cà chua chín tự nhiên (Cà chua ngon và bổ dưỡng nhất khi chín); Hai là độ lạnh làm phát triển các tinh thể băng phá hủy kết cấu cà chua làm nó bị bở; Ba là việc giữ cà chua trong tủ lạnh cũng làm hương vị thay đổi theo chiều hướng xấu và mất đi độ thơm ngon của nó.

Hãy cố gắng mua cà chua tươi mỗi khi bạn cần và chỉ mua vừa đủ để có thể sử dụng chúng mà không cần lưu trữ trong tủ lạnh. Loại trái cây này thích ấm, vì vậy nên giữ chúng ở điều kiện nhiệt độ phòng, nhưng không để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp.

4. Cơm

Nếu để trong tủ lạnh sẽ làm cho tinh bột bị khô cứng khiến cho cơm không còn mùi vị, ăn vào rất khó tiêu hoá.

5. Cà phê

Cà phê là một trong những thực phẩm không nên để trong tủ lạnh vì sự thay đổi nhiệt độ tức thời làm độ ẩm trong cà phê bị mất đi và mất hương vị, khi không còn thơm ngon.

Ngoài ra, cà phê có một tính chất đặc biệt là hấp thụ tất cả các mùi xung quanh nó, điều đó sẽ làm mất đi mùi hương cà phê độc đáo và thay vào đó là tất cả mùi hương của các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Vì thế, bạn nên lưu trữ cà phê ở nơi thoáng mát để giữ hương vị và mùi thơm của chúng.

Gợi ý: Chính vì đặc tính hút mùi của cà phê nên mếu bạn muốn khử mùi hôi khó chịu trong phòng, tủ kệ hoặc xe ô tô thì nên để một chút cà phê vào trong (Bởi vậy khi đi mua nước hoa sau khi ngửi thử một mùi bạn thường được đưa cho 1 hũ cà phê để ngửi sau đó mới thử mùi thứ hai, mục đích là khử và xóa dư âm của mùi cũ để tách biệt rõ ràng).

6. Chuối

Cũng giống như với bơ và cà chua, độ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín của chuối. Hơn nữa nếu bạn để chuối trong tủ lạnh, vỏ chuối sẽ chuyển sang màu đen hoặc nâu, không còn đẹp mắt nữa. Nhiệt độ quá lạnh có thể khiến chuối bị mềm nhũn và có vị hơi cay.

7. Vải tươi

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 9 độ C trong một ngày sẽ làm cho vỏ quả vải bị đen, vải sẽ bị biến chất.

8. Dầu oliu, dầu dừa

Việc cất trữ dầu oliu và dầu dừa trong tủ lạnh sẽ làm chúng ngưng tụ và chuyển sang thể rắn như sáp khiến bạn khó khăn hơn trong việc bạn sử dụng hàng ngày vì phải chờ chúng rã đông mất thời gian. Hãy cất chúng ở nơi thoáng mát và cố gắng đừng để lâu hơn 6 tháng. Tạp chí Tin tức Y Khoa đã chỉ ra rằng chất chống oxy hóa có trong dầu sẽ giảm hơn 40% sau 6 tháng.

Tuy nhiên nếu lượng dầu của bạn có mục đích sử dụng đặc biệt, lâu lâu mới dùng và bạn không ngại chờ rã đông thì lúc này lại nên cất tủ lạnh để kéo dài tuổi thọ các chất chống oxy hóa.

9. Dưa hấu và các loại dưa nước

Việc bảo quản các loại quả dưa nước ví dụ như dưa hấu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi chất chống oxy hóa – một chất rất có lợi cho sức khỏe và chống được nhiều bệnh tật.

10. Hành tây

Hành tây có một mùi hăng rất mạnh, lây lan nhiều hơn trong một môi trường kín như tủ lạnh, làm cho toàn bộ tủ lạnh của bạn và tất cả các thực phẩm khác có mùi hăng như hành. Bản thân hành tây cũng bị mất đi mùi hương riêng của nó.

Thêm nữa, các loại hành sẽ bị mềm nát hoặc có nấm mốc nếu để trong tủ lạnh quá lâu vì ẩm ướt và thiếu lưu thông không khí. Nếu hành tây đã được cắt và để trong tủ lạnh, các lớp hành sẽ bị rời ra và khô dù bạn đã gói bọc cẩn thận.

Hành tây cũng bị thay đổi khi để dưới ánh nắng mặt trời, vì vậy nên bảo quản ở nơi mát, không nên để cạnh khoai tây vì khi để cùng nhau cả hai sẽ càng dễ bị hỏng hơn do hơi ẩm và các khí do khoai tây tạo ra thúc đẩy sự phân rã nhanh.

11. Húng quế

Cũng giống như cà phê, các loại rau thơm như húng quế, ngò thơm có tính chất hấp thụ các mùi xung quanh khiến chúng không còn mùi vị như lúc ban đầu. Bên cạnh đó, những loại rau này cũng dễ héo và khô khi để trong tủ lạnh.

Vì vậy, để có thể giữ cho húng quế được độ tươi xanh, bạn có thể bảo quản trong một bát nước sạch giống như bạn cắm hoa vậy.

Nếu bắt buộc phải để trong tủ lạnh thì chắc chắn rằng bạn đã bọc chúng thật kín trong một hộp nhựa hoặc bọc vào một tờ báo.

12. Khoai tây

Đây cũng là thực phẩm không nên trữ trong tủ lạnh. Nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống sẽ nhanh chóng phá vỡ các kết cấu tinh bột trong khoai tây làm cho tinh bột khoai tây được chuyển thành đường khiến nó cứng và không mềm ngon dù bạn có chế biến và nấu nướng thế nào đi nữa.

Kết quả là trạng thái và hương vị của khoai tây sẽ thay đổi theo chiều hướng không tốt. Để bảo quản khoai tây, bạn có thể để chúng ở những nơi khô ráo, thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời, tốt hơn nữa là bọc trong giấy để khoai tây không bị thối nhanh.

Hãy nhớ tránh xa hành tây, vì để gần nhau thì hai loại thực phẩm này đều biến chất nhanh hơn.

13. Mật ong

Bản thân mật ong chính là một chất bảo quản tự nhiên cực kỳ tốt. Vì vậy ngay cả khi bạn đặt nó trong một cái bình nhiều năm trong điều kiện môi trường bình thường thì nó vẫn giữ được phẩm chất và hương vị.

Cất mật ong trong tủ lạnh làm tăng tốc độ kết tinh của đường trong mật ong, biến nó thành một thứ gần giống như bột chẳng ngon lành gì và khó để múc ra sử dụng.

14. Tỏi

Khi để trong tủ lạnh, do ẩm ướt, nhánh và đầu tỏi sẽ dễ mọc mầm non, thậm chí phát triển nấm mốc gây hại cho sức khỏe khi ăn. Thêm nữa là tỏi không chịu được lạnh, nó sẽ bị mềm khá nhanh và biến dạng, do bề ngoài được vỏ bao bọc lên bạn không nhận ra sự thay đổi của các tép tỏi bên trong.

Chỉ đến khi bóc ra nấu nướng bạn mới nhận thấy sự thay đổi này, vì thế hãy để ở nơi khô ráo, thoáng mát để có thể giữ tỏi trong hai hoặc ba tháng. Tuy nhiên, cần đảm bảo thông gió để giúp tỏi không bị thối.

15. Rượu

Rượu không cần giữ trong tủ lạnh vì nhiệt độ và độ ẩm rất thấp, có ánh đèn LED chiếu sáng thường xuyên, có mùi thức ăn. Rượu cần phải ở trạng thái “tĩnh”, mà tủ lạnh là nơi có rất nhiều sự xáo trộn, không thích hợp để cất chứa rượu. Trữ rượu là một quá trình công phu và đòi hỏi nhiều điều kiện về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ. Tủ lạnh không phải là nơi đáp ứng tốt các điều kiện đó.

Hãy để rượu ở nhiệt độ phòng tự nhiên và thêm một vài viên đá vào cốc nếu bạn muốn uống lạnh, rượu sẽ thơm hơn nhiều.

16.Nước sốt cay

Nhiều người tin rằng tương ớt và gia vị cay cần phải được lưu trữ trong tủ lạnh. Nhưng đường, giấm và muối có trong thành phần nước sốt cay bản thân đã là những chất bảo quản tuyệt vời khiến nó có thể được giữ đến ba năm rồi nên sẽ không cần thiết cất trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp sẽ làm giảm hương vị.

Thùy Linh (Theo Healthline)