Hỏi chuyện "ăn" Tết, các đại gia BĐS ngậm ngùi: "Buồn lắm!"

22/01/2012 13:12
Khởi Sự
(GDVN) - Tất tả đi đòi nợ để trả tiền cho nhà thầu, lo lương thưởng cho nhân viên, các đại gia BĐS thực sự đã, đang và sẽ có một cái Tết rất vất vả.
"... những ngày này, cứ nói gặp gỡ nhau, khi có người hỏi: “Dạo này thế nào rồi!”, ai cũng kêu: “Buồn lắm”. Cảnh ảm đạm bao trùm nặng nề trong hầu hết các câu chuyện trong giới BĐS” – Phó TGĐ một tập đoàn công ty lớn chuyên kinh doanh địa ốc tại khu vực miền Bắc tâm sự.


Tết à, có gì sung sướng đâu!

Vào thời điểm này mọi năm, các đại gia bất động sản (BĐS) đã tự cho phép mình hưởng thụ những ngày nghỉ, đón Tết truyền thống ở nước ngoài. Họ lên lịch đi du lịch từ rất sớm, cách Tết hàng tháng trời. Tuy nhiên, năm nay không khí “chơi sang”, đi vui xuân, chơi Tết ở nhiều nước trên thế giới khá trầm lắng. Các cuộc chuyện trò rôm rả về kế hoạch Tết lắng xuống, ai cũng mang trong mình tâm trạng suy tư và đầy lo lắng.

Khi phóng viên điện thoại cho TGĐ một công ty BĐS nổi tiếng tại Hà Thành (xin được giấu tên), vừa nghe hỏi về kế hoạch vui Tết năm nay, ông vội vàng xua đi: “Ôi! Không có gì để nói cả”. Giọng trầm hẳn xuống khi ông bảo: ông đang phải loay hoay đi đòi nợ, “có sung sướng gì đâu!”. Nói chưa dứt câu, ông cũng nhanh chóng giập máy trong sự hối hả, vội vàng.
Thay vì đi du lịch nước ngoài, Tết năm nay, nhiều chủ đầu tư, các đại gia bất động sản đón cái Tết tại gia. (Ảnh minh họa)
Thay vì đi du lịch nước ngoài, Tết năm nay, nhiều chủ đầu tư, các đại gia bất động sản đón cái Tết tại gia. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, từ tháng 6 đến nay, thị trường BĐS dù đã giảm giá mạnh so với những ngày đầu năm nhưng giao dịch vẫn hẩm hiu. Giá chung cư tại TP.HCM dao động trong từ 15 – 30 triệu đồng/m2, thậm chí, tại huyện Bình Chánh, Nhà Bè nhiều dự án có giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) trung bình từ 20-22 triệu đồng/m2; tại huyện Từ Liêm trung bình từ 30-35 triệu đồng/m2. Một số dự án chung cư đưa ra nhiều khuyến mại như tặng quà, cho thêm mặt bằng thương mại để khuyến khích người mua nộp tiền. Một số dự án mới khởi công, được bán ra giá ban đầu thấp hơn 5% -10% giá của chung cư cùng loại.

Tính tới thời điểm tháng 10/2011, giá đất nền của hầu hết các dự án đều giảm từ 10-20% so với tháng 12/2010, cá biệt có dự án giảm hơn 20%. Giá đất nền khu vực huyện Gia Lâm trung bình khoảng 55-65 triệu đồng/m2; tại khu vực quận Hà Đông từ 45-50 triệu đồng/m2, cá biệt có dự án 90-95 triệu đồng/m2.

“So với các năm, giới BĐS năm nay ăn Tết chắc chắn không bằng những năm khác” – ông Trương Hải Long – Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội, Công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội khẳng định với phóng viên Giáo Dục Việt Nam.

Theo ông Long, tình trạng chung thường xuyên bắt gặp ở lễ tổng kết của các công ty BĐS cuối năm nay, đó là kết quả kinh doanh không được như năm ngoái, lương thưởng không như kỳ vọng, ảnh hưởng tới tâm lý của anh em công nhân viên.

Ông chia sẻ: Bản thân ông năm nay “ăn Tết bình thường như mọi năm, dành thời gian nhiều cho gia đình và con cái”.

Ông tin rằng: Chính sách kiềm chế lạm phát, tiền tệ thắt chặt của Chính phủ vẫn tiếp tục tới năm 2012, vì vậy, các công ty BĐS phải có những chính sách riêng để tiếp tục phát triển, vận hành hoạt động bộ máy công ty mình.

Cuối năm, đại gia BĐS "mướt mồ hôi" lo trả nợ

Trao đổi với giaoduc.net.vn, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết: Năm nay, ông không đi du lịch ở đâu, đón cái Tết ấm áp ở nhà cùng gia đình và những người thân yêu.

“Tết với tôi đó là khoảng thời gian hiếm hoi, mọi người tạm thời quên đi công việc bận rộn hàng ngày, dành nhiều hơn nữa sự lo lắng, quan tâm, chia sẻ, yêu thương với những người bên cạnh mình. Trẻ con háo hức đón Tết, người lớn cũng hồi hộp, vui mừng. Tôi cũng không phải ngoại lệ” – GS Đặng Hùng Võ nói.

Tuy nhiên, năm nay, GS Võ đón một cái Tết đặc biệt hơn với người vợ mới cưới cùng thành viên mới của gia đình mình. Ông vui vẻ: “Tôi đang băn khoăn không biết sẽ làm gì, mua gì để tạo nên một điều bất ngờ cho bà xã”.
Theo GS. Đặng Hùng Võ: Những nhà kinh doanh BĐS đã chơi là phải chấp nhận, có may, có rủi, và "đó mới là thị trường!". (Ảnh: Tiểu Phương)
Theo GS. Đặng Hùng Võ: Những nhà kinh doanh BĐS đã chơi là phải chấp nhận, có may, có rủi, và "đó mới là thị trường!". (Ảnh: Tiểu Phương)

Nhìn lại một năm đầy sóng gió với những biến cố thăng trầm của thị trường BĐS năm 2011, nhắc tới các chủ đầu tư – các đại gia BĐS, ông Võ cho rằng: “Chúng ta đừng lo cho các nhà đầu tư vì ai chấp nhận cuôc chơi trên thị trường này thì đều phải chấp nhận, có may mắn, có rủi ro, có thành công và thách thức. Nếu lúc nào cũng may mắn cả thì 84 triệu dân của Việt Nam đcó thể dễ dàng trở thành doanh nhân, tỷ phú được”. Ông một lần nữa nhấn mạnh: “Có rủi ro thì phải chịu và đây mới là thị trường!”.

Kinh doanh giảm sút hơn nhiều so với kỳ vọng, hàng làm xong không bán được, nhiều chủ đầu tư BĐS rơi vào tình trạng nợ nần, đọng vốn. Ngoài một số trường hợp ngoại lệ đã đi nước ngoài du lịch từ hơn 1 tháng trước, còn lại, theo ghi nhận của giới BĐS, hầu hết các chủ dự án đều đang lo tiền cho các nhà thầu để hoàn tất tiền thanh toán nguyên vật liệu, trả công cho người làm.

“Năm nay, giới BĐS sẽ có một cái Tết rất vất vả” – Đó là nhận định của Phó Tổng Giám đốc một tập đoàn công ty lớn chuyên kinh doanh địa ốc tại khu vực miền Bắc.  

Ông này cho biết: “Rất nhiều chủ đầu tư đang chạy ngược, chạy xuôi để cố gắng lo tiền trả lương, thưởng cho anh em nhân viên trong công ty với hi vọng đến ngày tất niên có thể lo cho mọi người một cái tết ấm áp và an lành”.

Vị Phó TGĐ này cũng nhấn mạnh: Mất vài trăm triệu đồng với một đại gia BĐS trong dịp Tết không quan trọng, thiếu một cái bánh trưng hay một cây đào, cây quất khủng chưng trong nhà dịp Tết không phải là mối quan tâm lớn nhất của họ. Việc thị trường BĐS đi xuống, kinh doanh sa sút, ế ẩm không ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bản thân chủ đầu tư mà chủ yếu ảnh hưởng tới không khí làm việc của cả công ty.

“Dù có khó khăn thì tiềm lực kinh tế của các chủ đầu tư BĐS vẫn rất khỏe. Ảnh hưởng mà tôi muốn nói tới ở đây chính là liên quan tới quà biếu và không khí làm việc, là nỗi lo thưởng Tết cho tất cả mọi người. Những ngày này, cứ nói gặp gỡ nhau, khi có người hỏi: “Dạo này thế nào rồi!”, ai cũng kêu: “Buồn lắm”. Cảnh ảm đạm, buồn bã bao trùm nặng nề trong hầu hết các câu chuyện trong giới BĐS” – Vị Phó TGĐ trên  tâm sự.

Khởi Sự