Theo xu thế phát triển giáo dục mở và từ xa trong giáo dục đại học thế giới, vào năm 1993 ở Việt Nam 2 Đại học mở đã được thành lập: Viện Đại học mở Hà Nội và Đại học mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi xác định chức năng của các trường này, trong các quyết định thành lập Nhà nước đều nhấn mạnh việc tập trung cho phương thức giáo dục mở và từ xa để thu hút đông đảo sinh viên học tập với điều kiện mềm dẻo, không bị ràng buộc khắt khe như theo phương thức chính quy.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp (Đại học Thăng Long) cho rằng, đã qua một phần tư thế kỷ, Nhà nước chưa có đầu tư đáng kể nào cho 2 đại học mở, đặc biệt cho phương thức đào tạo theo giáo dục mở và từ xa.
Nguyên nhân chính là sự chỉ đạo và quản lý không bám theo đúng phương hướng được đề ra khi thành lập các trường này.
Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, đã qua một phần tư thế kỷ, Nhà nước chưa có đầu tư đáng kể nào cho 2 đại học mở, đặc biệt cho phương thức đào tạo theo giáo dục mở và từ xa. (Ảnh minh họa) |
Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dùng cách cấp chỉ tiêu tuyển sinh chính quy cho 2 đại học này giống như cho các đại học thông thường khác, và căn cứ vào đó để cấp ngân sách theo đầu sinh viên chính quy, mà không quan tâm đến loại hình sinh viên đào tạo theo giáo dục mở và từ xa.
Thậm chí, 2 đại học mở còn bị “bỏ quên” trong các Dự án, chẳng hạn Dự án giáo dục đại 2 với vốn vay của Ngân hàng Thế giới 2 đại học mở không được tham gia.
Khi đầu tư kinh phí cho các trường cao đẳng và đại học công lập, 2 đại học mở được xếp vào loại "đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động", và sau đó là các đơn vị “tự chủ về tài chính”, tức là không được nhận đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Một điều đáng buồn là Dự án “Phát triển Giáo dục từ xa giai đoạn 2005-2010” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 164/2005/QĐ-TTg ngày 16/4/2005 nhưng hoàn toàn không được thực hiện.
Đây là một thiếu sót lớn về chiến lược, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Một niềm “an ủi” cho các đại học mở nước ta: gần đây Viện Đại học mở Hà Nội đã được nhận dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai đào tạo theo phương thức E-learning”với kinh phí khoảng 3 triệu US$ từ vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc (KOICA).
Thực ra phương thức giáo dục mở và từ xa cũng đã được áp dụng trong một số dự án đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, trong đó các trường đại học được giao thực hiện là Đại học Huế và Đại học Sư phạm Hà Nội.
Làm sao phát triển đào tạo từ xa trong hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam? |
Rất tiếc là các dự án này không có sự tham gia của 2 đại học mở, các trường được Nhà nước quy định tập trung cho chức năng giáo dục mở và từ xa.
Vì không được sự hỗ trợ thích đáng của Nhà nước nên cho đến nay, tuy bản thân đã tự cố gắng nhiều nhưng 2 đại học mở không đủ sức xây dựng đầy đủ hệ thống công nghệ chuẩn mực của giáo dục mở và từ xa để đảm bảo chất lượngđào tạo cho số đông.
Từ đó, Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh: “Theo chúng tôi, đây là một khiếm khuyết về chiến lược chung phát triển giáo dục đại học của đất nước chứ không phải chỉ là trách nhiệm của 2 đại học mở”.
Nhìn nhận thực trạng đó, giáo sư Lâm Quang Thiệp đề xuất một số phương hướng phát triển các đại học mở và hệ thống giáo dục mở và từ xa ở nước ta. Cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục từ xa trong các chương trình đại học truyền thống
Việc bổ sung các phương pháp dạy và học bằng E-learning vào hệ thống các phương pháp dạy và học cổ điển thông thường là tất yếu để tăng chất lượng và hiệu quả của giáo dục đại học, đó là xu hướng rất cần được khuyến khích.
Ở nước ta mạng Internet tốc độ cao đã phổ cập ở các trường đại học, điện thoại thông minh và máy tính xách tay ngày càng phổ biến trong sinh viên, đó là điều kiện thuận lợi lớn để phát triển xu hướng này.
Các trường đại học cần xây dựng các thư viện điện tử và studio tốt phục vụ hoạt động E-learning.
Thứ hai, phát triển các đại học mở trở thành trung tâm nòng cốt của giáo dục mở và từ xa và đào tạo không chính quy của nước ta.
Các cơ quan lãnh đạo và quản lý giáo dục nước ta nên có kế hoạch và biện pháp cụ thể để phát triển hai đại học mở, xem như một động tác “sửa sai” các thiếu sót về chiến lược phát triển giáo dục mở và từ xa trong mấy thập niên qua như đã nói ở trên.
Hai đại học mở được đầu tư tập trung sẽ phát triển tốt để đóng các vai trò quan trọng: một là tăng cường giáo dục mở và từ xa nhằm đào tạo đại học cho một số lớn sinh viên, hai là làm nòng cốt để nâng cao chất lượng đào tạo không chính quy trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.
Với vai trò thứ nhất, hai đại học mở có thể đào tạo hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu sinh viên qua hệ thống giáo dục mở và từ xa như các đại học mở lớn của nhiều nước.
Để trở thành một nước công nghiệp hiện đại, số lượng sinh viên so với thanh niên độ tuổi đại học của nước ta (GER) cần tiếp tục tăng lên cỡ 40, 50 như các nước trong khu vực (hiện nay mới đạt cỡ 28).
Còn ở vai trò thứ hai: cần làm nòng cốt để nâng cao chất lượng hệ đào tạo không chính quy.
Cốt lõi của công nghệ chuẩn mực của giáo dục mở và từ xa đảm bảo chất lượng đào tạo cho số đông là hệ thống học liệu chất lượng cao và hệ thống công cụ đánh giá kết quả học tập chính xác, cùng với hạ tầng đảm bảo cho công nghệ thông tin và truyền thông.
Do đó, bước đầu tiên Nhà nước cần làm là tổ chức lại 2 đại học mở và đầu tư thích đáng để 2 đại học này xây dựng được công nghệ chuẩn mực của giáo dục mở và từ xa nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cho số đông nói trên.
Tổ chức lại 2 đại học mở bằng cách tạo sự liên kết chặt chẽ 2 đại học này với một số trường đại học trọng điểm mạnh, sao cho 2 đại học mở có thể huy động đội ngũ giảng viên giỏi của các trường đại học mạnh đó để xây dựng hệ thống học liệu chất lượng cao cũng như công cụ đánh giá (ngân hàng câu hỏi) chuẩn xác cho mọi môn học của các ngành học phổ biến trong hệ thống giáo dục đại học.
Giảng viên đề xuất 9 giải pháp phát triển mô hình đại học theo hướng mở |
Mô hình Open University Malaysia có thể là một ví dụ tham khảo tốt về việc liên kết với các trường đại học mạnh khác để xây dựng 2 đại học mở.
Ngoài nguồn nhân lực đã nêu trên đây, nguồn tài chính cũng rất quan trọng để xây dựng hệ thống công nghệ.
Nhà nước cần đầu tư tập trung nguồn tài chính thích đáng để 2 đại học mở thực hiện nhiệm vụ này.
Đầu tư này của Nhà nước là đầu tư đem lại hiệu quả rất lớn trong tương lai: khi 2 đại học mở có được hệ thống học liệu và hệ thống công cụ để đánh giá kết quả học tập chính xác, họ có thể thực hiện đào tạo một số đông sinh viên với chất lượng đảm bảo, và kết cục là giá thành đào tạo tính trên đầu sinh viên rất thấp.
Khi đã có 2 đại học mở mạnh nhờ các nguồn học liệu và công cụ đánh giá chất lượng cao, Nhà nước có thể giao cho 2 đại học mở làm nòng cốt trong việc đào tạo hệ không chính quy trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.
Làm “nòng cốt” có nghĩa là: bản thân 2 đại học mở tự đào tạo số lượng rất lớn, có thể mấy trăm nghìn sinh viên không chính quy, nhờ công nghệ chuẩn mực giáo dục mở và từ xa đào tạo cho số đông; ngoài ra, các đại học thông thường khác muốn đào tạo sinh viên không chính quy cũng được dựa vào nguồn học liệu và công cụ đánh giá kết quả học tập của 2 đại học mở.
Từ đó, giáo sư Lâm Quang Thiệp nêu cách thực hiện: Việc chuyển đổi cách đào tạo hệ không chính quy tràn lan hiện tại sang cách đào tạo hệ không chính quy do 2 đại học mở làm nòng cốt có thể thực hiện theo nhiều bước nhờ các biện pháp sau đây:
1) Kiên quyết yêu cầu các trường đại học trọng điểm quốc gia (hoặc các trường đại học tình nguyện khác) xóa bỏ hệ thống đào tạo không chính quy với tiêu chuẩn thấp hơn hệ chính quy.
Điều này có thể hiện thực vì Nhà nước có thể đầu tư cao hơn cho các trường đại học trọng điểm, hơn nữa, nếu các đại học này được quyền tăng học phí cỡ gấp đôi mức hiện nay;
2) Giảm dần các chương trình đào tạo không chính quy có chất lượng quá thấp của các trường đại học khác, đặc biệt là các chương trình liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên;
3) Đầu tư để thay thế phương thức đào tạo không chính quy mặt-giáp-mặt nhờ công nghệ yếu bằng phương thức giáo dục mở và từ xa bằng công nghệ chuẩn mực để đảm bảo chất lượng đào tạo cho số đông.
Như vậy, ở một số trường đại học tầng trên sẽ không còn hệ không chính quy với chất lượng thấp hơn hệ chính quy và sẽ không tồn tại chế độ 2 bằng, còn ở các trường đại học tầng thấp sẽ tạm thời tồn tại hệ không chính quy đào tạo không chuyên nghiệp với chất lượng thấp và chế độ 2 bằng cho đến khi xã hội và chính các trường đó sẽ không chấp nhận hệ đào tạo này.
Có thể nói việc tổ chức lại hệ thống đào tạo không chính quy như vừa nêu thực chất là chuyển dịch đào tạo không chính quy không chuyên nghiệp ở các trường đại học thông thường sang đào tạo không chính quy chuyên nghiệp (với công nghệ giáo dục mở và từ xa cho số đông) dựa vào các trường đại học mở được tổ chức lại trên cơ sở liên kết với một số trường đại học mạnh khác.
Qua sự liên kết với 2 đại học mở, có thể giải quyết cả bài toán tăng thu nhập cho giảng viên ở các trường đại học khác không còn hệ không chính quy.
Và khi có 2 đại học mở mạnh, Nhà nước còn có thể giao cho 2 đại học mở nhiều trách nhiệm lớn hơn: đánh giá để cấp bằng cho những người tự học hoặc cho sinh viên học ở các trường đại học, cao đẳng chưa được quyền cấp bằng.
Khi ấy 2 đại học mở sẽ trở thành móc xích - liên thông giữa hệ thống giáo dục đại học chính quy với hệ thống không chính quy, nói rộng ra là với xã hội học tập, khuyến khích và đảm bảo hiệu quả cho hoạt động học thường xuyên suốt đời, một nhân tố quan trọng của giáo dục trong thế kỷ 21.