Việc phát triển chương trình đào tạo mở là một xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ, nhu cầu nhân lực linh hoạt.
Với thực trạng giáo dục Việt Nam việc triển khai mô hình giáo dục mở cần được nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giải pháp, quy chế đầy đủ trước khi vận hành để triển khai hiệu quả tránh đi vào những thất bại của các đợt cải cách trước đây.
Đặc thù tâm, sinh lý của học sinh, sinh viên Việt Nam là tính chủ động, tự giác kém; tính linh hoạt thích nghi cao nên quá trình triển khai phải được cân nhắc đầy đủ kỹ lưỡng các diễn biến xảy ra và kiên định với mục tiêu, trung thực với chất lượng đào tạo.
Trước hết cần thí điểm ở một số trường, ngành sau đó mới hình thành quy trình đào tạo chuẩn và nhân rộng.
Nhìn nhận tình hình đó, Tiến sĩ Vũ Đức Thái – Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đề xuất một số giải pháp xây dựng hệ thống giáo dục mở phù hợp với Việt Nam.
Để nhúng tư tưởng giáo dục mở vào hệ thống giáo dục hiện tại, chúng ta phải giải quyết cho từng cấp, từng mô hình… đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Vũ Đức Thái, Để nhúng tư tưởng giáo dục mở vào hệ thống giáo dục hiện tại, chúng ta phải giải quyết cho từng cấp, từng mô hình… đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả. (Ảnh minh họa: Vietnamnet) |
Tiêu chí cần bàn và đưa ra giải pháp là phân biệt ranh giới, tỷ trọng những phần cố định (đóng); tùy chọn (mở).
Cụ thể theo Tiến sĩ Vũ Đức Thái đối với giáo dục phổ thông cần có các giải pháp mở như sau:
Mở về nội dung: Khối kiến thức cố định: Tri thức khoa học phục vụ cho phát triển nghề nghiệp do Bộ ban hành và quản lý chuẩn; Khối kiến thức tự chọn: Kiến thức liên quan đến hiểu biết xã hội và đặc trưng vùng miền…do địa phương (sở/phòng/trường) quy định chuẩn.
Những môn có tính đặc thù như năng khiếu, sở thích thì không bắt buộc.
Môn thể dục nên đặt mục tiêu là đảm bảo thể chất đúng chuẩn với kích thước nhân chủng học của người Việt Nam.
Nhà trường chỉ tư vấn cho học sinh chế độ ăn, uống, rèn luyện còn việc rèn luyện học sinh sẽ tham gia các lớp, câu lạc bộ.
Mở về phương thức: Những nội dung tri thức khoa học thì tổ chức các lớp truyền thống; nội dung tự chọn có thể tổ chức nhiều loại hình học tập như online; trải nghiệm; hoạt động nhóm; kịch bản vận động…
Các lớp cấp dưới tỷ lệ mở nhiều hơn các lớp cấp trên (Tiểu học khoảng 50/50; Trung học cơ sở khoảng 40/60; Trung học phổ thông 20/80).
Mỗi địa phương cần chỉ đạo việc xây dựng nội dung, phương thức đào tạo cụ thể đảm bảo môi trường giáo dục có tính sáng tạo, tính phù hợp và thích nghi thể hiện đúng nghề giáo là sáng tạo và nhiệt huyết.
Đối với đào tạo nghề: Nội dung cố định (bắt buộc) chiếm khoảng 25% -35% là các kiến thức về kỷ luật, quy tắc, kiến thức cơ bản nền tảng; và nội dung mở chiếm 75% -65%) là kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tùy theo cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp tuyển dụng xây dựng.
Tuy nhiên, ở các nước phát triển có hệ thống sát hạch đánh giá chuẩn kiến thức, kỹ năng chung cho mỗi nghề. Tổ chức kiểm định khách quan cấp chứng nhận (bằng nghề) cho người học thì được công nhận tuyển dụng toàn quốc thậm chí quốc tế.
Tại Việt Nam nên tiếp cận mô hình này cho các trường dạy nghề (từ cao đẳng trở xuống).
Còn đối với giáo dục đại học: Tính mở của chương trình đào tạo gắn với nhu cầu chất lượng đầu ra của sinh viên phù hợp với trình độ xã hội và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cụ thể:
Giải pháp mở về nội dung: Xây dựng các chương trình đào tạo theo cấu trúc: Các môn học đại cương (BB/TC: 90/10); các môn cơ sở (BB/TC: 65/35); các môn chuyên ngành (BB/TC: 50/50), trong đó BB: bắt buộc; TC: tùy chọn.
Nội dung tùy chọn do nhà trường cùng với nhà tuyển dụng (có thể là doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu) xây dựng và triển khai đào tạo.
Giải pháp về phương thức đào tạo: Với sự hỗ trợ của E-learning; công nghệ mô phỏng 3D trên thế giới kể cả các trường hàng đầu đã và đang triển khai mô hình học tập và cấp bằng online.
Tuy nhiên tại Việt Nam các khóa học từ xa chưa đảm bảo chất lượng do ý thức thái độ người học (thích bằng nhưng không thích học) nên chất lượng đào tạo khó kiểm soát. Chỉ nên áp dụng cho những môn đại cương, nhiều lý thuyết và có tính hiểu biết xã hội.
Phương thức mở tại Việt Nam hiện nay có các dạng:
Đào tạo tại các doanh nghiệp với thời gian dài, liên tục (6-12 tháng). Phương thức này hấp dẫn dễ tiếp cận đối với sinh viên, có tính hướng nghiệp cao, tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị cho cơ sở đào tạo, tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Đào tạo qua dự án: Cho sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu phát triển, phương thức này phù hợp với các trường đại học nghiên cứu.
Mời chuyên gia từ doanh nghiệp vào giảng dạy trên hệ thống công nghệ của cơ sở đào tạo, cách này an toàn dễ quản lý giúp sinh viên tiết kiệm thời gian, chi phí. Sinh viên cũng được tiếp thu kinh nghiệm, kỹ năng của chuyên gia.
Tuy nhiên có khó khăn là phải mời được chuyên gia giỏi, trường phải đầu tư trang thiết bị đầy đủ.