Nguồn tiền rất lớn của du khách đổ về các danh lam thắng cảnh có được minh bạch? (Ảnh du khách tại chùa Hương, Ảnh Lại Cường) |
Đầu năm 2018, dư luận khá bất ngờ về việc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho phép Ban quản lý di tích Yên Tử thu tiền vé thăm quan và cho đến nay những tranh cãi về vấn đề này vẫn chưa đi đến hồi kết.
Thực tế việc thu phí vào các khu di tích, cụ thể là lễ chùa đã thực hiện tại một số địa phương như tại chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) với mức vé giá 10.000 đồng/người; chùa Hương (Hà Tĩnh) thu phí 20.000 đồng/người; lễ hội chùa Hương (Hà Nội) mức phí tham quan 80.000 đồng/người, trong đó vé đò là 50.000 đồng/người (bao gồm phí bảo hiểm).
Theo Ban quản lý Yên Tử, chỉ riêng phần thu công đức (ghi phiếu tại bộ phận tiếp nhận tiền công đức), trung bình mỗi năm tại Yên Tử đã thu được hơn 20 tỷ đồng. Từ năm 2007-2017, tổng số tiền thu từ công đức đã là hơn 242 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn một khoản thu lớn tiền giọt dầu thì các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng chưa xác định được là bao nhiêu, được sử dụng như thế nào, bởi toàn bộ đều do Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh nắm giữ.
Số tiền này quản lý thế nào? Tính đến thời điểm hiện tại, việc quản lý tiền trong hòm công đức vẫn chưa được quy định rõ ràng.
Từ câu chuyện của Yên Tử cho thấy việc quản lý tài chính tại các địa điểm văn hóa tâm linh vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bên.
Không chỉ tại danh thắng Yên Tử, hàng loạt các di sản văn hóa, tâm linh, đình chùa nơi thờ tự cũng đang vướng mắc chuyện tiền trong hòm công đức và tiền thu vé thăm quan danh thắng được chi tiêu ra sao.
Những dịch vụ kèm theo tại các khu vực tâm linh được quản lý như thế nào? (Ảnh Đỗ Hoàng) |
Với Ban quản lý các cơ sở, họ luôn khẳng định lấy tiền đó để tu bổ, tôn tạo di tích. Các cơ quan ban ngành cũng khẳng định kinh phí từ bán vé để tôn tạo di tích.
Trong khi đó, theo điều 58, Luật Di sản Văn hóa quy định nguồn kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ các nguồn sau: Ngân sách nhà nước; các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa; nguồn tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Như vậy, việc tu bổ tôn tạo di tích đang có rất nhiều nguồn khác nhau trong đó bao gồm cả tiền ngân sách và tiền công đức…
Việc quản lý tài chính nơi thờ tự là câu chuyện của địa phương bởi, khẳng định với Vietnamnet, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết:
“Theo Luật số 97/2015/QH13 về việc thu phí và lệ phí, Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc trung ương quản lý, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý. Bộ chỉ quản lý Nhà nước về chuyên môn, không quản lý tài chính”.
Có thể thấy hiện nay việc phân cấp quản lý lễ hội và di tích cũng như quản lý nguồn thu từ các địa điểm này của nước ta có phần chưa thống nhất.
Do vậy, các nơi danh thắng có thu vé thăm quan, địa phương luôn kêu khó khăn về mặt tài chính để tu bổ nên phải bán vé. Đó là chưa kể nguồn thu từ dịch vụ "ăn theo" tại các khu văn hóa tâm linh.
Nguồn tiền này đến nay vẫn là "câu chuyện bí mật" hệt như việc thu tiền từ hòm công đức. Cho đến đến nay vẫn chưa được công khai, minh bạch.
Nói về sự cần thiết của việc công khai, minh bạch các nguồn thu, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đã bày tỏ trên báo Nhân dân: "Việc công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn phí tham quan không những góp phần tạo nên sự tin tưởng, ủng hộ từ phía người dân khi tham gia hoạt động lễ hội và có nguyện vọng thỏa mãn nhu cầu tâm linh, thực hiện nghiêm quy định hoạt động quản lý nhà nước, mà còn là một biện pháp thúc đẩy tăng cường xã hội hóa, tăng cường vai trò giám sát của người dân, góp phần giữ gìn, phát triển những giá trị văn hóa - xã hội trong các danh lam thắng cảnh.
Vì thế, các cơ quan chức năng và các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, từ đó vừa tạo sự đồng thuận của nhân dân, vừa ngăn chặn hành vi tiêu cực, trục lợi, gây thất thoát nguồn thu".
Có thể thấy, việc minh bạch các nguồn thu tại các nơi thờ tự không chỉ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn thu để tu bổ, tôn tạo khu di tích mà nó còn tạo ra sự đồng thuận của các bên, tránh những chuyện tranh cãi không đáng có.
Xét cho cùng, tiền giọt dầu, tiền công đức hay tiền bán vé danh thắng thăm quan mục đích vẫn là việc tu sửa di tích, giúp đỡ người nghèo, nuôi dạy trẻ mồ côi, xây nhà tình nghĩa... những việc này là những việc có ý nghĩa công đức. Đã là việc công đức thì càng phải công khai, minh bạch!