Muốn vào cửa Phật phải có hai chữ T?

03/03/2018 08:11
Trần Phương
(GDVN) - Đầu Xuân Mậu Tuất nóng chuyện thu phí trước cửa nơi tâm linh có tiếng. Phải chăng đó phật “thiêng” hơn, thu hút đông người hơn nên muốn phật độ phải mất phí?

Chưa bao giờ chuyện thu phí vào chốn tâm linh lại nóng như hiện nay. Những ngày qua, nhiều người du xuân, đến chùa Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) phản đối gay gắt vì phải trả phí 40 nghìn đồng/1 lượt mới vào được đến cửa Phật.

Không phải vì họ tiếc 40 nghìn, bởi khi đến những chốn linh thiêng ấy, ai cũng phát tâm công đức, đóng góp xây dựng, hay chí ít cũng là chút tiền "giọt dầu".

Nhưng việc bắt ép người dân phải mua vé vào chùa thì quả thật vô cùng phản cảm và nhiều người đã ví von điều ấy chẳng gì "BOT tâm linh".

Theo lý giải của các cơ quan ban ngành có trách nhiệm, thì việc thu phí là đúng luật.

Thật chua xót khi nơi tâm linh tín ngưỡng không thoát khỏi vòng xoáy “thương mại”.

Đến với cửa Phật giờ phải mang theo 2 chữ “T”, đó là tâm và… tiền, thậm chí nhiều tiền.

Trong “Tam độc” của nhà Phật có tham, sân, si. Việc thu phí ngay trước cửa chùa chẳng khác nào gieo “tam độc” trước cửa chùa.

Thu phí trước cửa nhà Phật chẳng khác tạo thêm lòng tham cho con người, nơi này thu phí được, nơi khác cũng thu, thậm chí năm sau thu phí nhiều hơn năm trước.

Đến với đỉnh non thiêng Yên Tử giờ đây Phật tử phải mang 2 chữ "T" là tâm và tiền? (Ảnh Báo Quảng Ninh)
Đến với đỉnh non thiêng Yên Tử giờ đây Phật tử phải mang 2 chữ "T" là tâm và tiền? (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Đến với cửa chùa mà phải chịu những cảnh bực mình. “Sân” trong nhà Phật là cơn giận, nóng nảy. Người ta chẳng thể vừa lòng khi phải mất quá nhiều phí, trong lòng oán giận.

“Si” là si mê, vô minh, u tối. Đức Phật dạy rằng vô minh là điều ô trược tệ hại nhất. Hãy dứt bỏ vô minh để trở thành người trong sạch.

Năm 2017, lượng khách đến Yên Tử đạt 1,5 triệu lượt. Dự tính trong năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 1,8 triệu lượt.

Với mức phí được áp dụng, dự tính số tiền thu được từ phí tham quan trong năm 2018 có thể đạt tới 70 tỷ đồng. Số tiền này được cho là sẽ dùng vào việc bù đắp chi phí quản lý, an ninh, bảo vệ môi trường, trùng tu tôn tạo di tích.

Với mức phí như vậy thì người hành hương, du khách cũng cần biết dòng tiền mà họ bắt buộc phải trả để vào chùa sẽ được chi vào đâu? Liệu có minh bạch được không? 

Nói về việc thu phí, Nhà sử học - Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã từng đặt câu hỏi trên Báo Pháp luật Việt Nam: "Vì sao tôi đến chùa tôi lại phải trả tiền? Tôi có thể đóng góp công quả, có thể cúng tiến vào nhà chùa. Sao tự dưng thu phí?".

Vị Đại biểu quốc hội này cũng đặt ra vấn đề đang tồn tại hiện nay: "Thùng công đức thuộc về ai, là bài toán chưa giải được. Về phía Nhà nước cũng cần phải có nguồn lực nhất định, đó là chưa kể những di tích lịch sử quan trọng, Nhà nước phải đầu tư, chứ không riêng nhà chùa xây dựng trùng tu".

Muốn vào cửa Phật phải có hai chữ T? ảnh 2Mặc cả với thánh thần, cầu thăng quan, nhiều lộc để làm gì?

Nhà Phật luôn dạy rằng Phật ở trong tâm, Phật có lòng hướng thiện nhưng bây giờ sao lòng hướng thiện phải mất nhiều phí quá.

Năm xưa vua Trần Nhân Tông trên con đường tìm đạo, đã từ bỏ ngai vàng, châu báu của cải lên núi tu hành.

Tương truyền ông còn nhiều lần vân du, đi khắp nơi giáo hoá dân chúng, dạy dân bài trừ các tập tục mê tín dị đoan và tu dưỡng đức hạnh.

Thế nhưng, giờ đây, dưới chân đỉnh thiêng người ta thấy những đám đông là những cơ hội kiếm tiền “siêu lợi nhuận”.

Chưa bao giờ thương mại tâm linh lại nở rộ đến vậy. Không chỉ Yên Tử, còn có rất nhiều nơi chốn tâm linh khác ngày càng mạnh dạn “làm kinh tế”.

Những địa điểm mang tính lịch sử, văn hóa như chùa Thầy, chùa Hương, chùa Tây Phương... cũng nườm nượp thu phí.

Không chỉ thu phí, những hòm công đức được đặt nhiều hơn, những hạng mục tu sửa, mở rộng ngày càng nhiều.

Biểu giá thu phí tại khu di tích Yên Tử (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
Biểu giá thu phí tại khu di tích Yên Tử (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Nhìn những ngôi chùa lớn, dường như dân chúng đang được xem một cuộc ganh đua danh hiệu khốc liệt. Chùa nào cũng muốn phải có cái gì đấy đạt “kỷ lục” hoặc “nhất” để nổi bật, cho dù sẵn sàng xẻ núi, chặt cây, phá rừng để xây dựng.

Việc bảo tồn các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa vật chất nói riêng, trong đó có các ngôi chùa là một trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Nhưng không phải vì thế mà thương mại hóa rồi gieo “tam độc” ngay dưới chân cửa Phật.

Thương mại hóa đang làm cho đức tin chân chính bị tổn hại sâu sắc, giá trị đạo đức văn hóa ngày càng bị xói mòn.

Trần Phương