Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời biểu diễn hoàn toàn phi lợi nhuận

21/09/2017 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Hội đồng điều hành Sun Symphony Orchestra - dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời tại Việt Nam đã chính thức ra mắt.

Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra - SSO) là dàn nhạc giao hưởng tư nhân được thành lập bởi những sáng lập viên là những doanh nhân am hiểu về âm nhạc cổ điển và những người yêu âm nhạc cổ điển.

Với mục tiêu hướng đến một dàn nhạc tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng mang âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng, đồng thời thu hút những tài năng âm nhạc cổ điển nước nhà để nâng tầm, đưa nghệ thuật biểu diễn nhạc cổ điển Việt Nam hội nhập thế giới, Sun Symphony Orchestra sẽ do Tập đoàn Sun Group bảo trợ chính cùng một số nhà bảo trợ khác và hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận.

Những nhà sáng lập của SSO không đặt tiêu chí doanh thu lên hàng đầu mà quan tâm đến việc tạo nên một môi trường để nuôi dưỡng và phát triển những tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam, mang đến cơ hội thưởng thức cho khán giả trên khắp đất nước với nhiều chương trình hoà nhạc được tổ chức thường xuyên.

Và đặc biệt hơn thế, SSO có kế hoạch đưa những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam để cùng trình diễn với dàn nhạc trong các buổi hoà nhạc đẳng cấp quốc tế.

Hội đồng điều hành Sun Symphony Orchestra chính thức ra mắt. ảnh: NQ.
Hội đồng điều hành Sun Symphony Orchestra chính thức ra mắt. ảnh: NQ.

Hội đồng điều hành đã mời được ông Olivier Fabrice Ochanine- người đã xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 nước trên thế giới để giành giải nhất Cuộc thi nhạc trưởng quốc tế Antal Dorati International Conducting Competition năm 2015 tại Budapest, Hungary về làm Giám đốc âm nhạc, đồng thời là nhạc trưởng của Sun Symphony Orchestra.

Dự kiến môi trường làm việc và biểu diễn của Sun Symphony Orchestra sẽ là một nhà hát Opera độc đáo, với những trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ và điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà hát Opera sẽ được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Renzo Piano- người được Hội đồng giám khảo Pritzker Prize - giải thưởng được xem như giải Nobel kiến trúc– so sánh ngang với Leonardo da Vinci, Michelangelo và Brunelleschi.

Ông Renzo Piano cũng là tác giả của những công trình nhà hát đã đi vào lịch sử kiến trúc hiện đại như Auditorium Parco della Musica tại Rome (Italy) hay Auditorium Niccolò Paganini tại Parma (Italy)… Nhà hát Opera trong tương lai sẽ gắn liền với tên tuổi dàn nhạc riêng của nhà hát là Sun Symphony Orchestra.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Thành viên Hội đồng điều hành, Tổng Giám đốc Sun Symphony Orchestra cho biết: “Sự ra đời của Sun Symphony Orchestra gắn liền với nhà hát Opera trong tương lai và không nằm ngoài mục đích tạo nên một môi trường âm nhạc giao hưởng mang tính quốc tế, với những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất có thể, để các nghệ sỹ toàn tâm toàn ý chăm lo sự nghiệp và cống hiến cho âm nhạc”.

Đại diện nhà bảo trợ, ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, chia sẻ: “Chung tay sáng lập Sun Symphony Orchestra, chúng tôi mong rằng, với tâm huyết của Hội đồng điều hành dàn nhạc, với nỗ lực của chúng tôi cùng những nhà bảo trợ khác, Sun Symphony Orchestra sẽ chiêu mộ được những tài năng âm nhạc trong nước cũng như quốc tế, sẽ đem đến cho họ cơ hội được sống trọn với nghề, làm được những điều có ý nghĩa cho âm nhạc cổ điển Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho khán giả tiếp cận với âm nhạc cổ điển”.

Sau buổi ra mắt Hội đồng điều hành, Sun Symphony Orchestra sẽ triển khai chiêu mộ nhân tài cho dàn nhạc, với những chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Thời gian chiêu mộ sẽ bắt đầu từ ngày 19-22/10/2017.

Với sự đầu tư bài bản, với tâm huyết lớn của những nhà sáng lập và sự chuyên nghiệp của các chuyên gia âm nhạc trong nước và quốc tế, Sun Symphony Orchestra hứa hẹn sẽ làm nên những điều bất ngờ mới mẻ cho nền nghệ thuật Việt Nam, đưa âm nhạc kinh điển đến với đông đảo khán giả trong nước và tạo nên vị thế mới cho âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế.

HỘI ĐỒNG NGHỆ THUẬT SUN SYMPHONY ORCHESTRA
1. Olivier Fabrice Ochanine - Giám đốc âm nhạc, Trưởng Ban giám khảo.

Olivier Fabrice Ochanine là người Paris chính gốc, theo học âm nhạc tại Pháp, sau đó tiếp tục nghiên cứu âm nhạc tại Mỹ, và mở rộng lĩnh vực sang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, dưới sự dẫn dắt của những bậc thầy như Mark Gibson, Gustav Meier, Marin Alsop, Larry Livingston, Robert Baldwin, John Farrer, Achim Holub.

Ông lấy bằng thạc sỹ Chỉ huy dàn nhạc tại trường đại học Nam California, nơi ông được trao tặng giải thưởng Conducting Department Award năm 2003. Năm 2009, ông theo học bằng tiến sỹ Chỉ huy dàn nhạc tại Học viện âm nhạc Cincinnati College-Conservatory- dưới sự dẫn dắt của thầy Mark Gibson. 

Olivier Fabrice Ochanine cũng đồng thời là một nghệ sỹ sáo flute và bass, với bằng cử nhân của trường đại học Kentucky, và từng chơi tại dàn nhạc giao hưởng Lexington Philharmonic Orchestra.
Ông từng nhiều lần được mời làm Chỉ huy trưởng tại Học viện âm nhạc California.

Năm 2009, ông là một trong số rất ít những Chỉ huy trưởng được Giám đốc âm nhạc Marin Alsop của Dàn nhạc giao hưởng Baltimore mời chỉ huy tại Festival âm nhạc Cabrillo ở Santa Cruz, California.

Ông cũng từng tham dự nhiều Hội thảo về Chỉ huy dàn nhạc tại Học viện âm nhạc Cincinnati College-Conservatory.

Olivier Ochanine đã xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 nước trên thế giới, để giành giải nhất Cuộc thi nhạc trưởng quốc tế Antal Dorati International Conducting Competition năm 2015 tại Budapest, Hungary. Giải thưởng này đưa ông đến với những buổi trình diễn liên tục ở châu Âu. 

Bên cạnh đó, ông còn là người giành giải thưởng âm nhạc danh giá The American Prize (2015), đồng thời đạt giải nhì cuộc thi Nhạc trưởng quốc tế - London Classical Soloists International Conducting Competition- năm 2015.

Với uy tín trên bục diễn, vốn hiểu biết rộng rãi về nhạc giao hưởng, Olivier đã trở thành Giám đốc âm nhạc trẻ nhất trong lịch sử dàn nhạc giao hưởng quốc gia Philippine- Philippine Philharmonic Orchestra.

Dưới sự chỉ huy của ông, Philippine Philharmonic Orchestra đã trình diễn vô số các bản nhạc kinh điển của Philippine và thực hiện bản ghi âm đầu tiên sau một thập kỷ. Ochanine cũng là người đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ của các nhạc công trong dàn nhạc.

Năm 2016, Olivier đưa Philippine Philharmonic Orchestra tới Carnegie Hall –biểu tượng cấp cao nhất của âm nhạc cổ điển thế giới để trình diễn. Đây cũng là lần đầu tiên dàn nhạc giao hưởng quốc gia Philippine được trình diễn ở một nhà hát danh giá nhất thế giới.

Olivier là khách mời thường xuyên của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Tứ Xuyên- Sichuan Philharmonic Orchestra (Trung Quốc), đồng thời tham gia chỉ huy dàn nhạc của Học viện âm nhạc Cincinnati College-Conservatory Orchestras, dàn nhạc Budapest MAV Symphony Orchestra, và George Enescu Philharmonic Orchestra, Moscow State Symphony Orchestra, Gyor Philharmonic Orchestra và rất nhiều dàn nhạc khác.

2. Stepan Yakovich - Nghệ sỹ violin, tứ tấu đàn dây Glinka String Quartet.

Nghệ sỹ violin quốc tế người Nga StepanYakovich hiện là thành viên của nhóm Glinka String Quartet- một trong những nhóm tứ tấu đàn dây xuất sắc trên thế giới.

Ông theo học tại Nhạc viện Moscow dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Irina Bochkova và từng biểu diễn với nhiều Dàn nhạc giao hưởng thính phòng, dưới sự chỉ huy của các nghệ sỹ hàng đầu như V. Polyansky, A. Rudin, E. Serov. J. Spiller, J. Kakhidze, A. Volmer.

Từ năm 2005 đến 2012, Stepan đã từng là Nhạc trưởng của đoàn nghệ thuật giao hưởng Moscow Soloists dưới sự dẫn dắt của Yuri Bashmet. Rất nhiều những buổi trình diễn đã đưa ông tới gần 80 quốc gia trên thế giới. 

Song tấu với Yuri Bashmet và cùng với đoàn nghệ thuật Moscow Soloists, Stepan đã trình diễn nhiều lần nhạc phẩm Sinfonia Concertante của Mozart tại nhiều nhà hát danh tiếng khắp châu Âu như Beethoven Halle tại Bonn, nhạc viện Milan Conservatory, nhà hát Stravinsky Auditorium tại  Montreux (Thụy Sỹ), cũng như tại Nhật Bản và Hong Kong. Năm 1995, ông được trao tặng giải thưởng Prize of Oleg Kagan dành cho phần trình diễn nhạc Mozart hay nhất tại cuộc thi quốc tế Yuri Bashmet, Moscow.

Stepan Yakovich thích đóng vai trò nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng, trình diễn cùng với V. Tretyakov, V. Repin, Y. Istomin, N. Znaider, M. Brunello, A. Knyazev, A. Melnikov, V. Mishchuk tại các Liên hoan quốc tế ở Stresa, Siena (Italy ), Tours (Pháp ), Bath (Anh), Kreuth, Kronberg , Elmau (Đức), đảo Elba (Italy) hay “December Evenings" (Moscow). Hiện ông là giảng viên Nhạc viện Moscow. 

3. Rachel Walker - Nghệ sỹ kèn Oboa, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Singapore.

Rachel Walker bắt đầu chơi piano khi cô mới 7 tuổi và năm lên 10, cô học chơi kèn oboa tại Anh. 14 tuổi, cô vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ Hiệp hội âm nhạc Hoàng gia (ABRSM) với điểm xuất sắc ở cả hai nhạc cụ và đồng thời dành một vị trí tại trường nhạc Chetham's School of Music. 

Tại Chetham's, cô nhanh chóng nhận ra tình yêu dành cho nhạc giao hưởng và chuyển sang theo học kèn oboa.

Ở tuổi 18, cô đã trình diễn bản concerto của Strauss tại RNCM - Học viện âm nhạc Hoàng gia Bắc Anh, và trình diễn độc tấu trên khắp vương quốc Anh.

Chiến thắng trong cuộc thi Lakewood/Colorado đã đưa cô đến với 6 buổi độc tấu và trình diễn concerto tại Colorado USA, cũng như tại Đại học Cambridge và giành học bổng Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh.

Rachel Walker hoàn thành tấm bằng thứ nhất về âm nhạc tại Cambridge và sau khi giành học bổng thứ hai, tiếp tục học cao học kèn oboa tại RAM- Học viện Hoàng gia Anh- dưới sự hướng dẫn của Celia Nicklin và Douglas Boyd.

Cô bắt đầu làm việc tại các dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp ở London ngay sau khi rời học viện và thường xuyên biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Anh, ECO- English Chamber Orchestra, đoàn nghệ thuật vũ bale quốc gia Anh - English National Ballet và Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia- Royal Philharmonic Orchestra.

Cô cũng là bè trưởng kèn Oboa của ECYO từ năm 1994-1995 và của Athens Camerata năm 1996. 

Năm 1997, cô chuyển tới Đức làm bè trưởng tại dàn nhạc giao hưởng quốc gia cho tới khi được bổ nhiệm làm bè trưởng kèn oboa tại dàn nhạc giao hưởng Singapore năm 2001.

Kể từ đó, cô cũng đóng vai trò là khách mời của RSNO – Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Scotland và tham gia trình diễn nhiều tour khắp châu Á với Mã Hữu Hữu- nghệ sỹ bậc thầy về cello mang quốc tịch Mỹ. 

Rachel Walker là giảng viên kèn oboa tại nhạc viện Yong Siew Toh Conservatory of Music. 

4. Javier Bonet - Nghệ sỹ kèn cor, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Tây Ban Nha.

Javier Bonet bắt đầu sự nghiệp âm nhạc dưới sự dìu dắt của cha mình và thầy Miguel Rodrigo tại Valencia. Ông hoàn thành khóa học tại Học viện Âm nhạc Folkwang Music Academy tại Essen, Đức, với sự hướng dẫn của thầy Hermann Baumann.

Ông cũng từng tham gia các lớp học của những bậc thầy âm nhạc như Daniel Bourgue, Philip Farkas, Vicente Zarzo và Ab Koster. Bonet cũng là một nhà nghiên cứu đầy đam mê trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc cho kèn cor và đồng thời là một soloist nổi tiếng thế giới.

Bonet không chỉ là người đầu tiên mà các nhạc sỹ đương đại tìm đến khi muốn đưa tác phẩm mới nhất của họ tới khán giả mà còn là nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng. Ông cũng nổi tiếng là một giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc. 

Là một cây solo kèn cor, ông cũng đã trình diễn với rất nhiều dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng ở Tây Ban Nha cũng như ở các nước châu Âu và châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, hoặc ở Venezuela, Argentina, Nhật Bản và Mỹ.

Trong vai trò giảng viên kèn cor, Bonet cũng thường xuyên tham gia giảng dạy các khóa học tại một số nhạc viện ở Lisbon, Porto, Paris, Budapest, Berlin, Bloomington, Seoul, Mexico City, Caracas, Peking hay Tokyo. Hiện ông là giáo sư kèn cor tại Học viện âm nhạc ESMUC ở Barcelona.

Bản thân ông cũng đã giành nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi quốc tế và hiện liên tục được mời làm giám khảo các cuộc thi danh tiếng nhất được tổ chức tại Porcia, Geneva hoặc với Đài phát thanh Đức -German Radio Corporation ARD -tại Munich.
Javier Bonet cũng là thành viên của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Tây Ban Nha - Orquesta Nacional de España- kể từ năm 1987. 

5. Vadim Simongauz - Bè trưởng Timpani - dàn nhạc giao hưởng Auckland Philharmonia Orchestra.

Trải qua tuổi thơ ở Moscow, khi 13 tuổi, Vadim Simongauz chuyển tới Tel Aviv, Israel nơi ông học nhạc cùng với Alon Bor và tốt nghiệp loại giỏi tại Học viện âm nhạc Tel Aviv Academy of Music.

Sau khi giành được học bổng danh giá hợp tác giữa Mỹ và Isreal do Issac Stern sáng lập, Vadim có cơ hội được học cao hơn tại Học viện âm nhạc Hoàng gia ở Copenhagen với giáo sư Bent Lylloff và tại Học viện âm nhạc danh tiếng Cleveland Institute of Music với thầy Paul Yancich.

Hiện Vadim là bè trưởng Timpani của dàn nhạc Auckland Philharmonia Orchestra. Trước đó, ông là người đồng sáng lập khoa bộ gõ thuộc Đại học âm nhạc Auckland University School of Music trong 9 năm.

Trong vai trò một soloist và một nhạc công, Vadim cũng đã trình diễn dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng nổi tiếng như Zubin Mehta, Valery Gergiev, Charles Dutoit, Rafael Fruhbeck de Burgos và với các cây solo khác như Midori, Shaham, Mintz, Bronfman, Hamelin, Demidenko, Pavarotti tại những khán phòng hòa nhạc nổi tiếng thế giới.

Vadim rất đam mê truyền lại những kinh nghiệm đã tích lũy nhiều năm của mình cho các học viên theo đuổi bộ gõ. 

Ngọc Quang