Không lì xì Tết có được không?

26/01/2017 07:13
Phan Tuyết
(GDVN) - Cậu bé vội vàng xé toạc chiếc phong bao trước mặt, cầm lên tờ 10.000 đồng và dài giọng: “Sao bèo thế bác ơi! Có mười ngàn thôi à?”.

LTS: Phong tục lì xì là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc mỗi dịp chào đón năm mới.

Tuy nhiên, xã hội phát triển, tục lì xì nay biến đổi theo hướng nặng về giá trị vật chất khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Cô giáo Phan Tuyết cho biết phong tục này đang trở thành gánh nặng cho nhiều người, nó cũng là một trong những nguyên nhân làm mọi người sống xa nhau hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Tết đến bao khoản phải chi tiêu nhưng mua sắm Tết thế nào để vừa có đủ những thứ cần thiết, vừa phù hợp với túi tiền của gia đình phải nhờ cả vào tài tháo vát của người phụ nữ. 

Nhiều người thổ lộ “Cái ăn cái mặc có thể tiết kiệm được nhưng có những khoản tiền không thể không chi như tiền đi Tết nội ngoại, tiền mừng tuổi người già, tiền lì xì con cháu, bạn bè làng xóm…” 

Có tiền thì chẳng nói làm gì, tiền ít nhưng chi nhiều chẳng ai khổ bằng người phụ nữ. 

Có cha mẹ thì cảm thông nhưng không ít gia đình cha mẹ thường bắt bẻ, chì chiết khi con cái đi Tết hay mừng tuổi ít. 

Nào đã hết, còn biết bao đứa cháu, con cái của bạn bè, đồng nghiệp, lì xì bao nhiêu cũng được cân nhắc thật kĩ lưỡng. 

Nghĩ cho cùng, cả năm mới có một cái Tết, lì xì cháu mỗi đứa dăm bảy chục lẽ nào lại tiếc? 

Phong tục ngày Tết, phong tục lì xì là một nét văn hóa truyền thống của người Việt. (Ảnh: Vietq.vn)
Phong tục ngày Tết, phong tục lì xì là một nét văn hóa truyền thống của người Việt. (Ảnh: Vietq.vn)

Hết nghĩ suy, cân lên đặt xuống từng mức: Một trăm hay năm mươi? Lẽ nào mình lại lì xì hai chục...? Nhưng cái khó bó cái khôn, cái nghèo đôi khi làm con người ta bần đi là thế.

Trong nhà đã thế, khách đến nhà thường chở theo con nhỏ. Năm mới lẽ nào không mừng tuổi các em? Tôi đã từng chứng kiến không ít cảnh bi hài xung quanh việc lì xì mừng tuổi đầu năm

Có chủ nhà vừa trao cho cậu bé con người bạn phong bao đỏ xinh xắn cùng lời chúc sức khỏe và học giỏi. 

Cậu bé vội vàng xé toạc chiếc phong bao trước mặt, cầm lên tờ 10.000 đồng và dài giọng: “Sao bèo thế bác ơi! Có mười ngàn thôi à?”.

Vừa nói, cu cậu vừa quay lại phàn nàn với em “Nhà bác này giàu mà keo quá”. 

Nói rồi, hai anh em giở tung nắm tiền trong túi, xếp xếp, đếm đếm chạy lại phía mẹ đang ngồi nói như thông báo “Con được bảy trăm rồi đấy, em hơn con năm mươi ngàn”. 

Một cô bé khi nhìn thấy chủ nhà lì xì tờ tiền ít đã nhất định không chịu cầm “Con không thích tờ tiền này”. 

Ngỡ cô bé con khoảng 4 tuổi chưa biết giá trị đồng tiền nên vị chủ nhà móc túi đưa ra trêu, bất ngờ cô bé nói “Con thích tờ xanh kia à, mẹ nói đó là năm trăm ngàn đấy”. 

Vị chủ nhà lúng túng đành rút tờ 200.000 đồng dụ cô bé “Tờ này vừa đẹp, vừa mua được nhiều đồ chơi con ạ”. 

Không lì xì Tết có được không? ảnh 2

Nguồn gốc Tết Nguyên đán bắt nguồn từ đất Việt

Mẹ cô bé còn lên giọng khen con “Con nít bây giờ khôn đáo để, mới bây lớn đã biết xài tiền rồi”. 

Sau vài ngày Tết, chỉ tính riêng tiền lì xì cũng đi tong dăm triệu bạc.

Nhiều người tâm tư “Dù muốn đi chơi nhưng cứ nghĩ tới việc đi đến đâu cũng phải móc phong bao làm tôi chùn lại, thế là tặc lưỡi: “Ở nhà cho rồi, đi ra tốn kém lắm” ”.

Cái phong tục lì xì trẻ nhỏ, mừng tuổi người già đã có từ lâu nhưng khác những năm trước đây, phong bao chỉ có vài ba ngàn gọi là lấy hên. 

Thì nay lòng tốt của con người được đưa ra đong đếm bằng giá trị phong bao mà họ tặng. 

Đã có không ít người bị nói: “Trông thế mà keo phải biết. Thời buổi này mà còn lì xì hai chục, số tiền đó chẳng mua được gì”. Hay “Con đó tệ thiệt, lì xì con mình có mười ngàn thôi”...

Vì thế, dù muốn dù không, người lì xì cũng phải cố gồng mình để đỡ bị nói này nói nọ.

Phong tục lì xì Tết đang trở thành gánh nặng cho nhiều người, nó cũng là một trong những nguyên nhân làm mọi người sống xa nhau hơn.

Không lì xì Tết liệu có được không?

Phan Tuyết