Trong Tôn Tử binh pháp có câu nói nổi tiếng “Biết người biết ta, trăm trận không nguy, không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua, không biết người không biết ta, mọi trận đều bại”.
Sự “hiểu” bản thân từ xưa đến nay đều đóng vai trò quan trọng về thành – bại cá nhân, tập thể, nhất là định hướng của người trẻ.
Vì vậy, trong buổi talkshow “Bạn đang “nghịch” gì với đời mình?” do Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, giảng viên khoa Triết học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cùng Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Quản lý tuyển dụng của tập đoàn Manpower Việt Nam đã thu hút sự tham gia đông đảo người trẻ, đặc biệt là sinh viên.
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng và Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Chuyên gia Quản lý tuyển dụng tại ManpowerGroup Việt Nam (giữa) cùng giải đáp những câu hỏi của các bạn trẻ. |
Đừng chờ đợi những giải pháp “đóng gói sẵn”
“Phải học kinh tế mới kiếm được nhiều tiền, phụ nữ đến 30 tuổi vẫn chưa kiếm được chồng chỉ là gái ế, là hàng tồn kho…”. Mở đầu cho buổi talkshow, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng chia sẻ những khuôn mẫu hình thành trong xã hội.
Chính chuẩn mực mang tính chất nhất thời đã cùm người trẻ vào thực tại. Một trong những nguyên nhân khiến ước mơ vượt ngoài khuôn mẫu xã hội của người trẻ bị dập tắt.
Ông đã chia sẻ câu chuyện chính bản thân mình, ngày còn là học sinh vì mẹ quá khao khát nghề bác sĩ, vốn được đánh giá cao trong thời đó, thương mẹ nên ông thi và đậu vào một trường Y.
Nhưng lúc đó Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng cảm nhận mình đi sai đường, hiểu bản thân không yêu thích và thực sự phù hợp với ngành Y.
Ông quyết định thi vào chuyên ngành Ngữ văn Anh Trường Đại học Tổng hợp – tiền thân trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, giảng viên khoa Triết học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ông chia sẻ khi mới vào trường, trình độ tiếng Anh của ông chỉ xếp mức trên trung bình, chính niềm đam mê, yêu thích, hiểu rõ ưu khuyết điểm mới có thể khiến ông vượt qua những khó khăn khi đi học dể hoàn thành xuất sắc và tốt nghiệp Thủ khoa được trường giữ lại giảng dạy.
Nếu ông không hiểu mình muốn gì, chưa chắc có một Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng ngày hôm nay. Năm 2016, ông được biết đến rộng rãi với vai trò là người đồng hành cùng Tổng thống Hoa Kỳ - Barack Obama trong chuyến tham quan chùa Ngọc Hoàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng chia sẻ sách của J. Krishnamurti ông đã đọc từ rất sớm. Nhờ một phần cuốn sách này, giúp ông bồi đắp nên những ý niệm khi còn trẻ: “tôi là ai”, “điều ta mong muốn”, “sự thấu thị, hiểu biết và cuộc Cách mạng bản thân”… và với ông không nên nhìn bên ngoài mà nhìn vào nội tâm của chính chúng ta.
“Bạn đang nghịch gì với đời mình?”, không phải là cuốn sách giáo điều, lý luận cao siêu mà rất gần gũi và dễ hiểu.
Cuốn sách Bạn đang nghịch gì với đời mình. |
Nhà hiền triết J. Krishnamurti chỉ cho chúng ta thấy cách đối mặt với cô đơn, bối rối, cảm xúc tuyệt vọng, thất bại như thế nào.
Nhiều người trẻ chọn những cách đối diện hời hợt bằng việc sa đà vào ma túy, thú tiêu khiển, tình dục, … dẫn đến những vấn nạn kiệt sức, nghiện ngập.
Nhà biên tập cuốn sách Dale Carlson đã chia sẻ theo quan niệm của của J. Krishnamurti: “Mỗi cá nhân cần phải hiểu về bản ngã, nguồn cơn sinh ra những vấn đề của chính chúng ta.
Không tồn tại bất cứ lộ trình, uy quyền nào có thể đưa đường dẫn lối: Bạn có khả năng nội tại để khám phá xem mình là ai, đang làm gì với cuộc đời mình và nhìn nhận các mối quan hệ cùng công việc của bạn, bạn phải soi rọi mình thật rõ ràng hoặc sẽ mãi mãi mắc kẹt với một đám bụi ngôn từ của cuộc sống”.
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tâm sự: “Tôi từng sững sờ vì hàng ngàn người trẻ, đặc biệt là sinh viên hăng hái tham gia những khóa học rất kêu “100 ngày tư duy trở thành triệu phú”…
Những người trẻ lấy thước đo tiền bạc để đong đếm thành công và hạnh phúc thường rất thực dung, họ “cuồng si” đến mức tin rằng những hội thảo như vậy là “con đường tắt” dẫn họ đến thành công.
Các bạn quên rằng bản ngã, tiềm lực bản thân mới là con đường đúng. Cuộc sống không dễ dàng, chấp nhận nó, trải nghiệm nó, đừng chờ đợi “giải pháp đóng gói” và áp dụng một cách u mê”.
Giới trẻ cần gì để thành công trong Kỷ nguyên số
Đến với buổi talkshow “Bạn đang nghịch gì với đời mình? Hiểu mình để tư duy đúng, biết mình để thay đổi”, có sự góp mặt của diễn giải Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy hiện đang làm Quản lý tuyển dụng của ManpowerGroup – tập đoàn 17 năm được bình chọn top đầu những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới với chỉ số Trách nhiệm xã hội và chỉ số cạnh tranh toàn cầu.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Quản lý tuyển dụng của tập đoàn Manpower Việt Nam. |
Bà Thủy đã phân tích cho người trẻ về kiến thức tổng quát thị trường lao động và thế giới việc làm trong thời đại số, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đến những kỹ năng mềm, chuẩn bị CV, phỏng vấn thành công, thực hành phỏng vấn.
Bà chỉ ra, điểm mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam khá trẻ và dồi dào nhưng năng suất lao động thua hẳn các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… Chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,39/10 điểm theo đánh giá của Ngân hàng thế giới.
Bà Thủy thẳng thắng chia sẻ: Ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, thích nghi, tác phong công nghiệp là những hạn chế nguồn nhân lực trẻ Việt Nam đang mắc phải.
Trong thời đại số, những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, không cần sử dụng nhiều sự giao tiếp, đàm phán để nâng cao năng suất sẽ dần bị thay thế bằng máy móc, cụ thể là robot.
Vì vậy, người lao động đặc biệt là giới trẻ sẽ chịu những tác động lớn nếu không thay đổi và nâng cao tay nghề, kỹ năng.
Bà Thủy phân tích, thế mạnh của con người với trí thông minh nhân tạo là khả năng giao tiếp, phối hợp, giải quyết vấn đề, tổ chức, dịch vụ khách hàng, lãnh đạo, quản lý… đó là những kỹ năng của nguồn lao động mang lại giá trị nhất nhưng khó kiếm nhất.
Đến với buổi talkshow, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ nhiều công cụ để người trẻ lập mục tiêu và hiểu mình.
Ví dụ như sơ đồ SWOT để hiểu những yếu tố bên trong bản thân như điểm mạnh, điểm yếu và những yếu tố bên ngoài như cơ hội hay sự đe dọa thay đổi từ môi trường.
Cách lập mục tiêu thông qua mô hình SMART, giúp người trẻ có định hướng thiết lập mục tiêu và đánh giá kết quả.
Với kinh nghiệm tuyển dụng quy mô quốc tế hơn 10 năm, bà đã chỉ cho sinh viên thấy những lỗi cơ bản thường mắc phải: gửi CV không tạo ra sự khác biệt, ghi quá nhiều thông tin không liên quan đến vị trí ứng tuyển....
Đặc biệt, bà Thủy giúp sinh viên thiết lập công thức giải “bài toán khó” khi nhà tuyển dụng phỏng vấn hành vi.
Những câu hỏi phỏng vấn hành vi như “Bạn đã bao giờ làm việc với người khó hòa đồng và bạn ứng xử như thế nào”, “Hãy cho tôi một quyết định táo bạo của bạn mà cuối cùng bạn vô cùng hài lòng với những kết quả nó mang lại…”,… vốn là phần “khó nhằn” trong buổi phỏng vấn mà người trẻ đặc biệt sinh viên ra trường rất sợ khi gặp phải.
Bà Thủy giới thiệu công thức STAR (S: situation, mô tả tình hướng xảy ra, T: task/role: mô tả nhiệm vụ, vai trò của bạn, A: action, bạn đã hành động như thế nào trong tình huống đó?, R: result, kết quả của hành động đem lại) để có thể thành công ghi điểm trong nhà tuyển dụng.