Phạm Bằng, Quang Thắng... làm hoen ố thánh địa, ai xin lỗi dân?

10/08/2014 08:16
Xuân Hoàng
(GDVN) - Các nghệ sĩ hài như: Phạm Bằng, Kim Oanh, Quang Thắng, Quốc Anh mặc dù chỉ diễn theo kịch bản, nhưng vô tình làm hoen ố thánh địa làng cổ thì ai xin lỗi dân?

Các nhà nghiên cứu dùng không ít từ hoa mỹ để nói về nét đẹp của làng cổ Đường Lâm. Song, theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - người con của làng cổ Đường Lâm, nét đẹp đó đang dần bị xâm hại.

Mới đây, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã phải thốt lên rằng: “Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm”. Anh đã thẳng thừng chỉ trích cảnh "du khách đến thắp nhang liền tù tì rồi đặt tiền lẻ vào cái đĩa trước bàn thờ". 

Đặc biệt, Đỗ Doãn Hoàng đã lên án nạn đóng phim hài, phim đậm chất dân gian cải biên và quá nhiều dâm tục trong tòa nhà thờ nhà anh: "Các bộ phim ấy quý báu với ai thì tôi không biết, nhưng khi lôm lổm diễn cảnh chợ búa ở trước bàn thờ nhà tôi, nó là một thứ mất dạy".  

Ảnh các diễn viên ôm nhau trước bàn thờ (ảnh Đỗ Doãn Hoàng)
Ảnh các diễn viên ôm nhau trước bàn thờ (ảnh Đỗ Doãn Hoàng)

Giới báo chí và nhiều người đều biết Đỗ Doãn Hoàng là nhà báo nổi tiếng ở Việt Nam. Không ai ngờ được rằng, sau một đêm mất ngủ, Đỗ Doãn Hoàng đã quyết định viết bài phóng sự dài 2344 từ đăng trên báo Lao Động (số 184, ngày 9/8/2014). Người ta dễ dàng nhận thấy, Đỗ Doãn Hoàng phải có đủ nghị lực lắm mới dám viết rằng: "Ông Phạm Bằng (diễn viên) sờ soạng, cởi yếm cô Kim Oanh (diễn viên); ông Quang Thắng chửi bới tục tĩu “tổ cha tổ mẹ”, lũ nọ lũ kia; ông Quốc Anh rầm rĩ: “Bắt nó ăn ba bát cứt chó”, "dân làng ơi vào xem thằng này ăn hết ba bát cứt chó cấm rớt ra tí nào" (trong bộ phim hài Tết 2014 Chôn Nhời - PV).

Người ta thường nói, phóng sự là trọng pháo của báo chí. Tác phẩm phóng sự “Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm” ngay sau khi được đăng tải, nhiều người đã cho rằng, cây viết phóng sự lừng danh đã chính thức dùng trọng pháo để bắn hạ các nghệ sĩ, diễn viên hài về cách làm phim bát nháo, nhằm bảo vệ bầu không khí trong sạch của làng cổ Đường Lâm là rất đúng.

Ảnh nghệ sĩ Quốc Anh nói rằng: "Bắt nó ăn ba bát cứt chó" (ảnh Đỗ Doãn Hoàng)
Ảnh nghệ sĩ Quốc Anh nói rằng: "Bắt nó ăn ba bát cứt chó" (ảnh Đỗ Doãn Hoàng)

Cách đây đúng hơn một năm, khi người dân làng cổ Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu “di tích quốc gia cho nhà nước” vì nhiều điều a, b, c bất cập. Lúc bấy giờ, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã xuống trực tiếp để gặp gỡ và xin lỗi bà con về sự chậm trễ. Và giờ đây, khi các nghệ sĩ hài như: Phạm Bằng, Kim Oanh, Quang Thắng, Quốc Anh mặc dù chỉ diễn theo kịch bản, nhưng vô tình làm hoen ố thánh địa làng cổ thì ai xin lỗi dân?

“Ông Phạm Quang Nghị xin lỗi người dân Đường Lâm không có gì lạ”

(GDVN) - Chiều qua, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trực tiếp xuống làng cổ Đường Lâm gặp gỡ và người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đã xin lỗi người dân vì sự chậm trễ. Tuy nhiên, GS Trần Lâm Biền – một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam thì cho rằng đây “không phải chuyện lạ”.

Những người yêu văn hóa và mến mộ văn hóa đều biết rằng, Đỗ Doãn Hoàng không bao giờ muốn vạch áo cho người xem lưng về cái xấu trên mảnh đất giàu văn hóa của quê hương mình. Bởi bàn thờ tổ tiên của gia đình anh và của những người dân Đường Lâm quê anh "cứ tôn vinh di sản văn hóa ở bề nổi, rồi “khai thác du lịch” để rồi giết chết các di sản theo kiểu đó sao?".

Tôi nghĩ rằng, Đỗ Doãn Hoàng nói mình đã thức cả đêm để chép lại sự lố bịch trong các cảnh diễn của các nghệ sĩ là sự thật. Anh chắc hẳn đã xem đi xem lại rất nhiều lần các thước phim thì mới viết rằng:

"Họ vạch váy áo của nhau ra. Họ sờ nhau và diễn cách chim chuột “thịt đâm vào thịt” (ngoại tình giữa quan anh và vợ của quan em) ngay trong ngôi nhà cổ đó, nơi các cụ nhà tôi cũng đều là quan cả... Họ ngồi, đứng, vén váy, sờ chỗ nhạy cảm của nhau, chia tiền hối lộ, giấu hòm tiền xuống gậm bàn thờ, chửi bới nhau tục tĩu ngay trên cái sập thờ thiêng liêng chính giữa ngôi nhà thờ của chúng tôi. 

Ở đó, cách chưa đầy 1m là ông nội tôi, cụ nội tôi, các ông bác ông chú đã khuất của tôi, anh tôi… từ trong ảnh thờ đang nhìn ra". 

Khi Đỗ Doãn Hoàng chính thức “châm ngòi nổ” trên cả hai tờ báo là Lao Động và Dân Trí, chắc chắn anh phải suy nghĩ nhiều, bởi những từ ngữ anh dùng trong bài đối với các danh hài là vô cùng đay nghiến. Tất nhiên, những danh hài mà anh chỉ mặt ấy ít nhiều cũng có quan hệ với với anh hoặc ít nhất là có quan hệ với bạn bè của anh.

Thế nhưng, vì lẽ phải, vì sự tôn nghiêm của con người trong lối ứng xử văn hóa, anh đã không ngần ngại phản ánh sự thật. Dư luận đồng tình và đặt câu hỏi, cơ quan có thẩm quyền nào có thể khiển trách các nghệ sĩ, diễn viên hài này? Điều này chẳng có “quan ngài” nào dám đứng ra trả lời.

Thế nhưng chắc chắn một điều rằng, hàng loạt lời bình của độc giả sau bài báo đều thương xót, đồng cảm với tác giả. Đồng thời cũng không ngừng chỉ trích những hành động vô ý thức, cũng như sự thờ ơ của các ban ngành quản lý di tích văn hóa.

* Bài viết trên thể hiện góc nhìn của cá nhân tác giả. Tòa soạn rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả để có được cái nhìn đa chiều. Mọi ý kiến xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn. 

Xuân Hoàng